Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Thị Nguyệt Tú
Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng
Với những lợi thế đất đai, thời tiết khí hậu và hiệu quả kinh tế cao so một số cây trồng, vật nuôi khác, nghề trồng dâu nuôi tằm của Lâm Đồng đã khôi phục, và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích, sản lượng kén tằm, tơ lụa. Tuy nhiên, đi đôi với việc mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh đưa các giống dâu mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà cũng dẫn đến sự bùng phát của một số loài sâu bệnh như: sâu cuốn lá dâu, sâu khoang, sâu róm… gây hại làm giảm năng suất và chất lượng lá dâu. Tuy vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong phòng trừ sâu hại trên cây dâu tằm không đơn giản như những cây trồng khác vì tằm dâu (Bombyx mori L.) là loại côn trùng đơn thực, thức ăn duy nhất của chúng là lá dâu. Chúng rất mẫn cảm với tất cả các loại hóa chất đặc biệt là thuốc BVTV. Khi sử dụng thuốc BVTV cho cây dâu cần đảm bảo yêu cầu vừa có hiệu lực cao nhưng lại phải an toàn cho con tằm.
Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6/2021, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng (trực thuộc Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) có tiếp nhận môt số thông tin về việc xuất hiện sâu gây hại nặng trên cây dâu tằm từ Trung tâm Nông nghiệp Thành phố Bảo Lộc và một số hộ trồng dâu nuôi tằm. Trung tâm đã tiến hành kiểm tra, kết quả cho thấy: Mật độ sâu không đồng đều ở các lô dâu trong cùng khu vực. Ở các vườn nhiễm nhẹ mật độ bình quân từ 2 – 3 con/cây, nơi có mật độ cao có từ 15 – 20 con/cây. Sâu toàn thân có màu đen, trên sống lưng có sọc màu vàng nhạt, trên thân có chấm trắng nhỏ, có lông tơ trắng mỏng. Qua kiểm tra các đặc điểm hình thái ban đầu xác định đối tượng gây hại là sâu khoang (Spodopterasp) thuộc họ ngài đêm (Noctuidae) bộ cánh vảy (Lepidoptera).
Tập tính và tác hại: Sâu khoang là loài ăn tạp phá hại nhiều loại cây trồng và có mặt quanh năm trên đồng ruộng. Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nấp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm. Sâu vừa nở ăn gặm vỏ trứng và sống tập trung, nếu bị động sâu bò phân tán hoặc nhả tơ buông mình xuống đất. Sâu tuổi 1 – 2 chỉ ăn gặm phần diệp lục của lá và chừa lại lớp biểu bì trắng, ở tuổi 3 – 4, sâu phân tán và cắn khuyết lá. Tuổi 5 – 6 là giai đoạn sâu phá hại mạnh nhất, nếu mật độ sâu cao chúng ăn toàn bộ phiến lá và chỉ chừa lại gân lá. Khi đẫy sức sâu chui xuống đất hoá nhộng. Sâu thường phá hại nặng ở những ruộng dâu có nhiều cỏ dại, thu hoạch không đúng lứa. Trong cùng một lô thì phần ruộng dâu giáp với các bờ ranh rậm rạp mật độ sâu trên cây cao hơn rất nhiều so với các diện tích thông thoáng.
Để phòng trừ hiệu quả, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, theo dõi phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
(1) Biện pháp canh tác
– Cày đất, vệ sinh đồng ruộng và thu hoạch lá đúng lứa: Cày đất và vệ sinh đồng ruộng sau đốn sát hàng năm, phát quang bụi rậm ở những điểm tiếp giáp với ruộng dâu, thu hoạch kịp thời không để quá lứa có thể cắt đứt được vòng chu chuyển của sâu khoang từ lứa này sang lứa khác và hạn chế nguồn tích lũy, lây lan ngay từ đầu vụ.
– Sử dụng phân bón hợp lý: Bón phân đúng kỹ thuật, bón vừa đủ và cân đối tạo điều kiện cho cây dâu sinh trưởng tôt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh. Bón quá nhiều phân đạm hoặc bón phân không cân đối sẽ làm cho lá dâu mềm, xanh đậm hấp dẫn các loại sâu ăn lá.
(2) Biện pháp thủ công
Ngắt ổ trứng, bắt sâu bằng tay, làm sạch cỏ, xới xáo vệ sinh đồng ruộng hạn chế nơi trú ngụ và ký chủ phụ của dịch hại, nhằm hạn chế số lượng dịch hại trên đồng ruộng.
(3) Biện pháp sinh học
– Bảo vệ thiên địch (Bọ rùa, bọ xít ăn thịt, bọ cánh cứng, ong ký sinh…) bằng cách sử dụng những loại thuốc trừ sâu chọn lọc, thuốc có phổ tác động hẹp, dùng thuốc khi thật cần thiết và phải dựa vào ngưỡng kinh tế…
– Sử dụng bẫy cây trồng: Trồng cây hướng dương trên bờ lô để dẫn dụ sâu khoang đẻ trứng trên lá rồi thu trứng và sâu non hoặc phun thuốc trên cây hướng dương để tiêu diệt sâu non (cây hướng dương hấp dẫn sâu khoang đẻ trứng trên lá).
(4) Biện pháp hoá học
Nên hạn chế sử dụng thuốc phòng trừ sâu trên cây dâu tằm. Trong trường hợp mật độ sâu khoang trên ruộng dâu cao (10 – 15 con/m2) và sâu đang tuổi nhỏ thì có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Emamectin benzoate, là thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học (nồng độ liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì) để phòng trừ với thời gian cách ly an toàn cho con tằm là 15 ngày sau khi phun.
Lưu ý: Hiện nay có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng để phòng trừ sâu khoang. Tuy nhiên không nên tùy tiện sử dụng khi chưa đánh giá được mức độ an toàn đối với tằm dâu.
Không sử dụng thuốc trừ sâu sinh học chứa Basinlus thuringiensis, và Beauveria để trừ sâu khoang vì ảnh hưởng đến sức sống tằm dâu.