ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai
Bộ môn Cây Công nghiệp
Trong tháng 12 năm 2019 nhiều vùng trồng cà phê của tỉnh Sơn La đã chịu ảnh hưởng lớn do sương muối gây ra. 3159 ha cà phê chè đang trong giai đoạn thu hoạch bị mất trắng. Đối mặt với tình hình thực tế, để tìm cách khắc phục và đưa ra giải pháp hiệu quả giúp người trồng cà phê của tỉnh Sơn La giảm thiểu thiệt hại, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nông Lâm nghiệp Tây Bắc đã xây dựng mô hình ghép cải tạo sử dụng các giống cà phê chè chất lượng cao TN6, TN7, TN9 để phục hồi vườn cây. Mô hình được tài trợ bởi Dự án “Công nghệ chọn tạo, sản xuất giống cà phê chất lượng cao và kỹ thuật canh tác cà phê tiên tiến đạt năng suất, chất lượng cao” thuộc Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia. Mô hình được xây dựng nhằm giúp người nông dân Sơn La tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả để chuyển giao các giống mới ra sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê chè của Sơn La.
Vườn cà phê chè cưa ghép cải tạo trồng năm 2012, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên cuối năm 2019 đã bị sương muối tàn phá hàng loạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Để khắc phục hậu quả, nhóm nghiên cứu đã áp dụng biện pháp kỹ thuật cưa ghép cải tạo thay thế giống cà phê chè mới để phục hồi vườn cây nhanh chóng, hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Giống cà phê chè TN6, TN7, TN9 là giống lai ở thế hệ F1 được nhân giống bằng phương pháp vô tính. Có khả năng sinh trưởng khỏe, cho năng suất khá cao và ổn định. Tại các vùng trồng Đắk Lắk, Kon Tum và Lâm Đồng năng suất trung bình 4 vụ của các giống như sau: TN6 đạt từ 3,12 – 3,76 tấn nhân/ha; giống TN7 đạt từ 3,19 – 3,77 tấn nhân/ha; giống TN9 đạt từ 3,22 – 4,05 tấn nhân/ha cao hơn có ý nghĩa so với giống đối chứng Catimor có năng suất trung bình 4 vụ đạt từ 1,89 – 2,56 tấn nhân/ha. Các giống TN6, TN7, TN9 có chất lượng hạt cà phê nhân sống tốt hơn so với giống Catimor và được xếp vào hạng cà phê đặc sản. Chất lượng thử nếm của các giống này đạt lần lượt là TN6: 82,00/100 điểm; TN7: 81,50/100 điểm và TN9: 82,75/100 điểm theo tiêu chuẩn đánh giá của CQI và giống Catimor đạt 75,50/100 điểm trong cùng điều kiện canh tác. Các giống TN6, TN7, TN9 có khả năng kháng bệnh gỉ sắt rất cao (theo báo cáo kết quả nghiên cứu WASI, 2022).
Năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất của các giống TN6, TN7, TN9 và Catimor sau 28 tháng ghép tại Sơn La
TT |
Tên giống |
Số cặp cành mang quả (cặp cành) |
Số đốt/cành (đốt) |
Số đốt mang quả (đốt) |
Số quả/đốt (quả) |
Năng suất (tấn nhân/ha) |
1 |
TN6 |
11,8 c |
16,8 c |
9,8 c |
13,0 c |
2,98 b |
2 |
TN7 |
12,0 b |
17,9 b |
10,2 b |
13,8 b |
3,05 a |
3 |
TN9 |
12,9 a |
18,5 a |
11 a |
14,2 a |
3,12 a |
4 |
Catimor |
9,8 d |
16,0 d |
9,1 d |
11,0 d |
2,25 c |
CV (%) |
6,57 |
4,55 |
7,70 |
4,47 |
4,74 |
|
LSD 0,05 |
0,59 |
0,19 |
0,34 |
0,38 |
0,09 |
Mô hình ghép cải tạo các giống TN6, TN7, TN9 được thực hiện năm 2020, sau 28 tháng ghép vườn cây sinh trưởng khá tốt, các giống TN đã cho năng suất từ 2,98 – 3,12 tấn nhân/ha, cao hơn hẳn so với giống Catimor chỉ đạt 2,25 tấn nhân/ha. Sự khác biệt về năng suất của các giống rất có ý nghĩa về mặt thống kê. Ở thí nghiệm cưa ghép cải tạo hai giống TN7 và TN9 cho năng suất tương đương nhau và đạt trên 3 tấn nhân/ha trong vụ thu hoạch đầu tiên. Đây là kết quả bước đầu rất khả quan giúp cho Sơn La mở ra hướng đi mới trong việc khắc phục hậu quả do sương muối gây ra và phục vụ cho công tác tái canh cà phê chè của tỉnh Sơn la trong những năm tới.
Một số hình ảnh mô hình ghép cải tạo các giống cà phê chè TN6, TN7, TN9
Các giống cà phê chè lai TN6, TN7, TN9 sau 18 tháng ghép
Mô hình ghép cải tạo các giống cà phê chè lai TN6, TN7, TN9 sau 28 tháng