Sáng 12/3, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” đã diễn ra tại TP. Buôn Ma thuột do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chủ trì tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Hà, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá: Xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế tỉnh Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh không tăng diện tích cà phê, tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới được xem là định hướng quan trọng trong việc nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong giai đoạn tới.
Tại hội thảo, các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng: Những năm gần đây, cà phê Việt Nam-Đắk Lắk đã có bước tiến lớn về chất lượng, đặc biệt cà phê Robusta của Việt Nam được công nhận là ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu nên giá trị gia tăng chưa cao. Chính vì vậy, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất cà phê là một trong những hướng đi nhằm phát triển cà phê ổn định và bền vững. Sự liên kết chặt chẽ từ người nông dân đến với các công ty chế biến sẽ tạo nên một dây chuyền sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng yếu tố môi trường và phát triển một cách bền vững.
Ảnh 2. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra ví dụ của thương hiệu cà phê quốc tế thành công trong việc nâng tầm giá trị của ly cà phê trở thành sản phẩm trải nghiệm. Qua đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý: Ngành hàng cà phê Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, và cần tăng giá trị hơn nữa, không chỉ dừng lại ở chế biến sâu hay đa dạng sản phẩm, mà cần đề cao yếu tố văn hóa, yếu tố trải nghiệm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi mở: Bên cạnh khoa học công nghệ còn khoa học xã hội nhân văn, từ đó tích hợp yếu tố văn hóa vào cà phê, làm tăng giá trị cà phê. Nếu làm được điều này, Việt Nam không chỉ là bán cà phê mà bán cả “cảnh quan cà phê” để làm du lịch.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Chúng ta vung tầm mắt, viễn cảnh cà phê Tây Nguyên, cà phê Đắk Lắk cho 5 năm nữa, để chuyển hoá, tạo ra văn hoá cà phê. Chúng ta không áp đặt văn hoá của mình cho khách hàng nhưng có thể tìm định vị văn hoá cà phê, từ đó dẫn dắt dòng sản phẩm cà phê của mình đi khắp thế giới, với những mức giá tối ưu hơn, thay vì chỉ bán thô là chủ yếu như hiện nay. Chúng ta lấy một chủ đề để dẫn dắt hết những không gian, nhìn đâu cũng thấy cà phê, hoa cà phê, ly cà phê, nó giàu cảm xúc và dần định hình văn hoá của người Việt Nam”.
Xu thế tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngày nay được gói gọn trong ba chữ: sức khoẻ, vui vẻ, hoà hợp. Nếu một ly cà phê hội tụ đủ những yếu tố này, thì ngành cà phê còn nhiều dư địa để phát triển. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần tối đa hoá giá trị của cà phê. Hiện nay, theo các chuyên gia, phần hữu dụng trong nhân cà phê mà con người uống chỉ chiếm 0,2%, còn 99,8% đang bị chúng ta bỏ đi,… Hiện tại, một số doanh nghiệp đã làm thêm các sản phẩm như trà vỏ cà phê, trà cà phê nhưng nhiều nơi trên thế giới còn xem đây là một hoá chất sinh học, bã trồng nấm. Cần khai phá không gian 99,8% còn lại, bên cạnh giá trị giá trị gia tăng từ sản xuất cà phê, cà phê cảnh quan.
(Theo mard.gov.vn)