TS. Phan Việt Hà – Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế
Giống Bơ Booth 7 có nguồn gốc từ Mỹ mới du nhập vào Việt Nam, đã được Viện KHKT-NLN Tây Nguyên khảo nghiệm và được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận chính thức cho sản xuất năm 2016. Giống bơ Booth 7 có nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng trái, khả năng kháng bệnh…, được người tiêu dùng ưa chuộng, có khả năng xuất khẩu để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Ưu điểm lớn nhất của Bơ Booth 7 đó là cây có khả năng ra trái vụ: trong khi các giống bơ nội địa khác cho thu hoạch rộ vào tháng 7-8 thì giống bơ Booth cho thu hoạch muộn hơn 2 tháng. Cây bơ Booth 7 có thời gian thu hoạch từ tháng 10 -11 hàng năm. Với việc cho thu hoạch muộn hơn, trái bơ Booth bán được giá hơn do không phải cạnh tranh với những giống bơ nội địa và những loại trái cây khác cùng thời điểm đó. Vì thế, bà con nông dân ngày càng có nhiều người muốn trồng bơ Booth 7. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều hộ dân chỉ trồng độc canh một loại bơ Booth 7 trong vườn. Xét về cơ sở khoa học trong cơ chế ra hoa, thụ phấn, đậu quả bơ thì điều này là không nên vì nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc thụ phấn, đậu quả của cây bơ và vì vậy, sẽ ảnh hưởng đến năng suất của vườn cây.
Một cây bơ trưởng thành có thể ra cả triệu hoa trong một mùa nhưng tỷ lệ đậu quả thường rất ít. Đây cũng là đặc tính tự nhiên của cây trồng nói chung trong việc thu hút khuyến khích các tác nhân giúp thụ phấn như các loại côn trùng như ong, bướm, kiến …vv. Hoa bơ là loại lưỡng tính hoàn chỉnh, tức là có cả cơ quan sinh sản đực (nhị) và cái (nhụy) trên cùng một hoa. Tuy nhiên, hoa bơ lại có đặc tính nở rất khác thường: nhị và nhụy thành thục và nở ở 2 thời điểm khác hẳn nhau trong giai đoạn 2 ngày, mỗi loại có thời gian nở khoảng nửa ngày. Ngoài ra, trên cùng một cây bơ thì toàn bộ hoa trên cây sẽ có xu hướng nở như nhau. Tuy nhiên, cũng cùng một giống thì không nhất thiết các cây trong vườn đều có xu hướng nở giống nhau. Điều này có nghĩa là trong cùng một ngày, trên cùng một giống thì các cây khác nhau có thể có chu kỳ nở khác nhau, chẳng hạn như cây này nở toàn nhị và cây kia nở toàn nhụy. Vì vậy, mặc dù là trên lý thuyết, hoa bơ có thể tự thụ phấn nhưng do đặc tính nở khác thời điểm này nên tỷ lệ này hầu như là không thể xảy ra trên một cây đơn lẻ mà chỉ có hiện tượng cận thụ phấn giữa các cá thể khác nhau cùng một giống trong thời điểm nở giao nhau.
Xét về đặc điểm ra hoa của cây bơ, có thể chia làm 2 loại:
– Loại hoa nhóm A: có thể gian nở nhụy vào buổi sáng và nở nhị vào buổi chiều ngày hôm sau.
– Loại hoa nhóm B: có thời gian nở nhụy vào buổi chiều và nở nhị vào buổi sáng ngày hôm sau.
Nhóm hoa |
Sáng ngày 1 |
Chiều ngày 1 |
Sáng ngày 2 |
Chiều ngày 2 |
A |
Nhụy |
Đóng |
Đóng |
Nhị |
B |
Đóng |
Nhụy |
Nhị |
Đóng |
Hình 1: Hoa bơ nở nhị
Ở Việt Nam, những giống như Hass, Lamb Hass, Reed hay TA1 là những cây có hoa nhóm A, những giống như Booth 7, Fuerte, TA40 có hoa nhóm B. Để phân biệt được cây B thuộc hoa nhóm A hay B, trước hết phải hiểu các bộ phận của hoa bơ và phân biệt nhị và nhụy (xem hình ảnh minh họa 1 và 2). Sau đó, quan sát hoa bơ nở vào 10 giờ sáng, nếu là nhụy nở thì là cây có hoa nhóm A còn nếu là nhị nở thì là nhóm B.
Hình 2: Hoa bơ nở nhụy
Theo các nghiên cứu của Khoa Nông nghiệp Thực phẩm – Đại học Tây Úc, trong điều kiện nhiệt độ lý tưởng (20-25 độ C) thì hoa bơ sẽ nở theo sơ đồ thời gian ở hình ảnh 3:
Hình 3: Thời gian nở hoa bơ trong điều kiện tối ưu
Như vậy, nếu vườn trồng chỉ một loại bơ Booth 7 (hoa nhóm B) thì khả năng cây có thể được (cận) thụ phấn chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn, từ 12h đến 14 h chiều (2 tiếng), còn nếu trong vườn có cả cây hoa nhóm A nở cùng thời gian thì thời gian cây được thụ phấn kéo dài đến 18h chiều (tổng 6 tiếng).
Đặc biệt trong điều kiện lạnh dưới 20 độ C thì quá trình nở nhụy của cây bơ nhóm B bị chậm (xem hình 4) và theo sơ đồ này thì khả năng thụ phấn cho vườn bơ trồng thuần bơ Booth 7 là hầu như không thể xảy ra. Vì vậy, việc xen cây bơ hoa nhóm A là bắt buộc trong điều kiện này.
Hình 4: Thời gian nở hoa trong điều kiện khí hậu lạnh
Vì vậy, theo các nghiên cứu từ Úc, Mỹ thì nếu xác định cây bơ hoa nhóm B là cây chính thì nên trồng cứ khoảng 10 – 15 cây bơ nhóm B thì nên trồng thêm 1 cây bơ nhóm A, đặc biệt cần thiết cho những vùng khí hậu lạnh, và phải trồng rải đều cây nhóm A trong vườn để có sự thụ phấn cao nhất. Ngoài ra, ong và các loại côn trùng khác là những tác nhân giúp cho việc thụ phấn bơ tốt hơn nên trong giai đoạn hoa bơ nở cần khuyến khích việc thả ong ở vườn và không sử dụng các thuốc hóa học trong giai đoạn này trừ những trường hợp dịch hại phát triển nặng. Theo các nghiên cứu của Viện KHKT-NLN Tây Nguyên thì nếu xác định trồng giống Booth 7 là chính thì nên trồng chung với giống TA1, là cây hoa nhóm A, có cùng thời gian ra hoa với giống Booth 7. Ngoài ra, TA1 cũng có năng suất và chất lượng rất tốt. Các giống này hiện được cung cấp bởi Viện KHKT-NLN Tây Nguyên, 53 Nguyễn Lương Bằng, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.
Hình 5: Ong là tác nhân tích cực trong việc thụ phấn và đậu quả bơ.
Nguồn tham khảo
http://www.californiaavocadogrowers.com