Bourbon và Typica là hai nhóm giống cà phê chè (C. arabica) có ý nghĩa rất quan trọng về mặt di truyền và trồng trọt trên thế giới. Các phân tích di truyền gần đây cho thấy Bourbon và Typica được lấy dưới dạng hạt từ các khu rừng ở Tây Nam Ethiopia sang trồng trọt tại Yemen. Từ Yemen, hậu duệ của Bourbon và Typica lan rộng ra khắp thế giới, tạo thành nền tảng ngành trồng trọt cà phê arabica hiện nay. Câu chuyện về sự phát tán của hai nhóm giống này được làm rõ khi công nghệ phân tích cấu trúc ADN được sử dụng gần đây.
Cà phê Typica
Vào cuối những năm 1600, cà phê đã được đưa từ Yemen sang trồng ở Ấn Độ, tạo ra các đồn điền cà phê ở vùng Mysore, (gọi là Malabar vào thời điểm đó). Kết quả phân tích cấu trúc di truyền gần đây chỉ ra rằng cả hai giống Typica và Bourbon này đều được đưa từ Yemen vào Ấn Độ. Nhánh Typica có khả năng tách khỏi Bourbon khi người Hà Lan gửi hạt giống vào năm 1696 và 1699 từ bờ biển Malabar của Ấn Độ đến Batavia, ngày nay được gọi là Jakarta, thủ đô của Indonesia, nằm trên đảo Java. Trước đó, người Hà Lan đã cố gắng đưa hạt giống từ Yemen trực tiếp đến Batavia vào năm 1690, tuy nhiên, các cây trồng lên từ nguồn này đều đã chết vào năm 1699 sau một trận động đất. Nói cách khác, sự tách ra của nhánh Typica và việc phát triển tiếp theo đó của nhánh này trên khắp thế giới có khả năng bắt nguồn từ khi hạt giống đến Indonesia từ Ấn Độ, không phải trực tiếp từ Yemen như một vài tài liệu đã nói trước đó.
Từ nhóm Typica ở Indonesia, một cây cà phê duy nhất đã được đưa từ đảo Java đến Amsterdam vào năm 1706 và được trồng tại vườn thực vật. Cây cà phê duy nhất này đã tạo ra giống Typica (chỉ một giống trong nhóm di truyền Typica) và phát triển ở châu Mỹ trong thế kỷ 18. Năm 1714, sau khi hiệp ước hòa bình Utrecht giữa Hà Lan và Pháp được ký kết, thị trưởng Amsterdam đã tặng một cây cà phê cho Vua Louis XIV; nó được trồng trong nhà kính của Vườn thực vật (Jardin des Plantes) và nhanh chóng sản xuất hạt giống (Chevalier và Dagron, 1928).
Vào năm 1719, từ Hà Lan, các cây cà phê đã được gửi trên các tuyến thương mại thuộc địa đến Guiana thuộc Hà Lan (nay là Suriname) và sau đó đến Cayenne (Guianna thuộc Pháp) vào năm 1722, và từ đó đến phần phía bắc của Brazil vào năm 1727. Nó đến miền nam Brasil từ năm 1760 đến năm 1770.
Từ Paris, các cây cà phê được gửi đến Martinique ở Tây Ấn vào năm 1723. Người Anh đã giới thiệu giống Typica từ Martinique đến Jamaica vào năm 1730. Nó đến Santo Domingo năm 1735. Từ Santo Domingo, hạt giống được gửi đến Cuba vào năm 1748. Sau đó, Costa Rica (1779) và El Salvador (1840) nhận hạt giống từ Cuba.
Từ Brazil, giống Typica chuyển đến Peru và Paraguay. Vào cuối thế kỷ 18, việc trồng trọt lan rộng đến vùng biển Caribe (Cuba, Puerto Rico, Santo Domingo), Mexico và Colombia, và từ đó trên khắp Trung Mỹ (nó được trồng ở El Salvador sớm nhất là vào năm 1740). Cho đến những năm 1940, phần lớn các đồn điền cà phê ở Trung Mỹ được trồng typica. Bởi vì giống này có năng suất thấp và rất dễ mắc các bệnh cà phê lớn, nó đã dần dần được thay thế trên phần lớn châu Mỹ bằng các giống Bourbon, nhưng hiện nay nó vẫn được trồng khá rộng rãi ở Peru, Cộng hòa Dominica và Jamaica (giống Jamaica Blue Mountain).
Cà phê Bourbon
Các ghi chép cho thấy người Pháp đã cố gắng đưa loại cà phê này từ Yemen đến đảo Bourbon (nay là đảo Réunion) ba lần, vào các năm 1708, 1715 và 1718; các nghiên cứu di truyền gần đây đã xác nhận điều này. Tuy nhiên, chỉ một số ít cây từ lần đưa vào lần thứ hai và một số cây lần thứ ba là thành công. Cho đến giữa thế kỷ 19, cà phê Bourbon chỉ phát triển ở trên đảo này.
Các nhà truyền giáo người Pháp được biết đến với cái tên Spiritans – Dòng Chúa Thánh Thần (thuộc Giáo đoàn Đức Thánh Linh) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến Bourbon ở Châu Phi. Năm 1841, cơ quan truyền giáo đầu tiên được thành lập tại đảo Reunion. Từ đó, một đoàn truyền giáo được thành lập ở Zanzibar vào năm 1859. Từ Zanzibar, một đoàn truyền giáo được thành lập vào năm 1862 ở Bagamoyo (duyên hải Tanzania, lúc đó được gọi là Tanganyika), một đoàn khác tại St. Augustine (Kikuyu, Kenya), và một đoàn khác vào năm 1893 ở Bura (Taita Hills, Kenya). Ở các cơ quan truyền giáo này, hạt cà phê có nguồn gốc từ đảo Réunion đã được mang sang và trồng.
Cây giống tại St. Augustine được sử dụng để trồng các dải rộng lớn ở vùng cao nguyên Kenya, trong khi cây giống tại Bagamoyo được sử dụng để thiết lập một số đồn điền ở vùng Kilimanjaro bên phía Tanzania. Ngay từ năm 1930, một trạm nghiên cứu của Tanzania tại Lyamungo gần Moshi đã bắt đầu một chương trình nhân giống cà phê chính thức dựa trên “chọn lọc hàng loạt” (mass selection/massal selection-nghĩa là một nhóm cá thể được chọn dựa trên hiệu suất vượt trội của chúng, hạt giống từ những cây này được tách ra để tạo thành thế hệ mới, và sau đó quá trình này được lặp lại qua các đời con), những cây mẹ xuất sắc được tìm thấy ở các đồn điền lân cận được trồng bằng hạt giống Bagamoyo. Trạm nghiên cứu này là tiền thân của trạm nghiên cứu chính của Viện Nghiên cứu Cà phê Tanzania (TaCRI) ngày nay. Các cây con từ Bura đã được mang đến một Phái bộ Pháp khác ở Saint Austin (gần Nairobi) vào năm 1899, và từ đó hạt giống được phân phát cho những người định cư muốn trồng cà phê.
Các phân tích dấu vết ADN (DNA fingerprinting) gần đây đã chỉ ra rằng các giống cũ của Ấn Độ được gọi là Coorg và Kent có liên quan đến các giống hậu duệ của Bourbon. Điều này cho thấy rằng vào năm 1670, những hạt giống đầu tiên được gửi từ Yemen đến Ấn Độ bởi Baba Budan có thể bao gồm cả hai nhóm Bourbon và Typica (xem thêm phần Typica phía trên). Điều này có thể có nghĩa là nhánh Typica tách ra từ Bourbon khi người Hà Lan mang hạt giống vào năm 1696 và 1699 từ Ấn Độ đến đảo Java (không phải từ Yemen, như thường được nói).
Giống Bourbon được du nhập vào châu Mỹ vào năm 1860 ở miền nam Brazil, gần Campinas, và từ đó nhanh chóng lan rộng về phía bắc vào các khu vực khác của Nam và Trung Mỹ, nơi nó vẫn được trồng cho đến ngày nay. Tại đây, nó đã bị trộn lẫn với các giống khác có liên quan đến Bourbon, được du nhập từ Ấn Độ cũng như các chủng gốc Ethiopia. Ngày nay, có rất nhiều giống Bourbon được tìm thấy ở Đông Phi, nhưng không có giống Bourbon nào hoàn toàn phù hợp với giống Bourbon riêng biệt có ở Mỹ Latinh.
Hiện nay, ở Châu Mỹ Latinh, giống Bourbon phần lớn đã được thay thế bằng các giống có nguồn gốc từ nó (đặc biệt là Caturra, Catuai và Mundo Novo), mặc dù Bourbon bản thân nó vẫn được trồng ở El Salvador, Guatemala, Honduras và Peru.
(Phan Việt Hà – Tổng hợp tài liệu của tổ chức World Coffee Research)