Năm 2019 nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá

Ngày 23/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch công tác năm 2020 ngành Nông nghiệp và PTNT. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2019, nông nghiệp nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi; tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn; tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn…

Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời lãnh đạo, điều chỉnh cơ chế, chính sách, hài hòa hóa với thông lệ quốc tế, tạo môi trường thuận lợi, truyền cảm hứng sáng tạo và khát vọng vươn lên trong toàn ngành nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Nhờ vậy, năm 2019 nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, theo đó ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 54%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,85%.   

Năm 2019, Bộ NN&PTNT đã chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu sản xuất phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng. Thặng dư thương mại nông lâm thủy sản tăng cao. Tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ba trục sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm. Chủ động, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt. Hạ tầng nông nghiệp được củng cố; công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước chủ động ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2019 tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và đổi mới mô hình tăng trưởng; vượt qua thách thức, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ. Hoàn thành và vượt 03/04 chỉ tiêu, đó là: Kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2% (chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).

Bộ trưởng chỉ ra những hạn chế, khó khăn và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; nguồn lực cho ngành còn rất hạn chế. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả. Kết quả về phát triển sản xuất, chăm lo đời sống người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa đồng bộ với kết quả phát triển cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; năm bứt phá hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành nông nghiệp xác định “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành nông nghiệp và PTNT là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 – 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 – 3,05%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 17.000 HTX NN (cao hơn 2.000 HTX so với chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao).

HNN (mard.gov.vn)