Khô hạn đến sớm ở các tỉnh Tây Nguyên
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia , từ đầu tháng 3 đến nay, tại khu vực Tây Nguyên không có mưa. Dung tích phần lớn các hồ chứa thuỷ lợi ở khu vực Tây Nguyên đạt từ 50-85% dung tích thiết kế. Dung tích các hồ chứa thuỷ điện phổ biến chiếm 40-95% dung tích hồ chứa. Trong khi đó, nguồn nước trên một số sông xuống thấp như sông ĐăkBla ở KonTum thấp hơn trung bình nhiều năm 57%, trên sông Sêrêpôk thấp hơn trung bình nhiều năm 59%. Do lượng nước mưa thiếu hụt 100%, dòng chảy các sông thấp, hiện tại đã xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Viện Quy hoạch Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo nguồn nước trữ ở các hồ chứa thủy lợi nằm trong lưu vực sông Sêrêpôk trong 2 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đều giảm trong thời gian tới. Tại thời điểm đầu tháng 3 tổng dung tích trữ trong 29 hồ chứa của 3 tỉnh đạt 61,9% so với dung tích thiết kế, cao hơn 6,9% so với cùng kỳ năm hạn nặng 2016. Một số hồ chứa dung tích trữ đạt dưới 50% dung tích thiết kế như: Hồ Pleipai (Gia Lai) đạt 40%; Hồ Buôn Triết đạt 29%; Hồ Yang Reh đạt 50%; Hồ Ea Kar (Đắk Lắk) đạt 46%; Hồ Đắk Đ’rông (Đắk Nông) đạt 23%, có nguy cơ xảy ra hạn vào nửa cuối tháng 3 trở đi. Hiện, đã có 7 hồ, đập tại tỉnh Đắk Lắk và một số hồ nhỏ ở tỉnh Đắk Nông bắt đầu kiệt nước như hồ Ea Dier, dung tích hiện tại đạt 4% (dưới mực nước chết); hồ Cư Pu 36%; Đắk Loou, Đội 3, Núi lửa 24%; Vạn Xuân 39%; hồ Đắk Mbai 16%; Đắk Ken 13%; Tăng Gia 15%.
Theo dự báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi, rủi ro khô hạn có thể xảy ra tại các huyện: M’Drak, Ea Kar; Krông Nô, Ea Soup (tỉnh Đắk Lắk), huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông). Diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, hạn hán trong vùng lưu vực sông Sêrêpôk khoảng 1.489ha, trong đó: 335ha chưa có giải pháp chống hạn. Dự báo diện tích hạn hán có khả năng tăng nhanh, diện tích bị ảnh hưởng cao điểm khoảng trên 5.000ha. Viện Quy hoạch Thủy lợi khuyến cáo, đối với các hồ chứa đã đến hoặc dưới mực nước chết cần lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm phần nước còn lại trong hồ tưới cho cây trồng, ưu tiên cây trồng lâu năm để giảm thiểu thiệt hại.
Nguy cơ thiếu nước sẽ diễn ra khốc liệt
Vùng Thượng nguồn Sông Ba khu vực Tây Nguyên, có 23 công trình thủy lợi. Tổng dung tích các hồ đạt 62,3% dung tích thiết kế, thấp hơn trung bình nhiều năm 2%, cao hơn năm hạn nặng 2016 và thấp hơn năm 2018 là 15%. Hiện có 3/23 hồ chứa thiếu nước. Bên cạnh đó, sông Ba qua thị xã An Khê (Gia Lai), nhiều đoạn sắp trơ đáy. Hiện đã xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ tại một số vùng ngoài công trình thủy lợi do lượng mưa trong vụ Đông Xuân 2019-2020 thấp hơn trung bình nhiều năm. Tổng cục Thủy lợi dự báo trong thời gian tới, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và nước tưới sẽ diễn ra khốc liệt ở các huyện Kbang; Phú Thiện, Krông Pa, thị xã AyunPa (tỉnh Gia Lai), EaHleo, Ea Kar, M’Đrak, , Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk). Diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự báo khoảng 2.000-2.500ha.
Tổng cục Thủy lợi cho biết, dung tích trữ trong các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai hiện thấp hơn 5% so với trung bình nhiều năm và 3,7% so với năm hạn nặng 2015. Một số huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng nằm trong lưu vực sông Đồng Nai hiện đang xảy ra hạn hán cục bộ với 420 ha cây trồng bị ảnh hưởng hạn và 770 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh có 280 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt do công trình cấp nước bị hư hỏng nặng và có 300 ha cây cà phê ở những nơi cao đang bị thiếu nước tưới. Tại xã Đạ Tông huyện Đam Rông nguồn nước tưới cho 40 ha cà phê không được đảm bảo do công trình thủy lợi Đa Nhinh bị hư hỏng. 80ha rau màu thuộc huyện Lạc Dương đang trong thiếu nước tưới. Tình trạng thiếu nước cũng xảy ra tại xã Lát và xã Đạ Sar với 490 hộ dân không có đủ nước sinh hoạt.
Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay, tổng dung tích 25 hồ chứa trên lưu vực sông Sê San thuộc địa phận các tỉnh Kon Tum và Gia Lai chỉ đạt 57% thấp hơn 1% so với trung bình nhiều năm. Trong tháng cao điểm mùa khô sắp tới, một số hồ có khả năng không đảm bảo được nguồn nước tưới với dự báo dung tích hữu ích cuối vụ còn rất thấp như hồ Đăk Loh (0,05%), hồ Đăk Kan (0,37%), hồ Hố Chè (4,41%), hồ Đăk Hơ Niêng (1,21%), hồ Tân Điền (0,24%). Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, hơn 135 ha đất sản xuất nông nghiệp bị khô hạn nặng. Dự báo, nếu tình hình khô hạn vẫn kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến hơn 1.183 ha diện tích lúa và hoa màu. Hạn hán cũng khiến nhiều công trình nước sinh hoạt bị khô kiệt, làm ảnh hưởng 352 hộ dân. Số hộ dân bị thiếu nước có khả năng gia tăng trong thời gian tới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, trong những ngày tới, mực nước trên các sông ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục biến đổi chậm theo xu thế xuống dần. Nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
(Tin tổng hợp Bộ NN và PTNT)