1. Các dấu mốc lịch sử

     Cách đây 40 năm, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam được thống nhất, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Eakmat được hình thành trên cơ sở tiếp nhận và tổ chức lại Trung tâm Thực nghiệm Nông Lâm Súc Cao Nguyên Trung phần thuộc Viện Khảo cứu Nông nghiệp. Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Eakmat trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Đây là tiền thân của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên ngày nay.

     Tuy thời gian hình thành và phát triển của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chưa đủ dài, song để phù hợp với từng giai đoạn phát triển nông nghiệp của vùng và phù hợp với công tác quản lý, một số Quyết định về thay đổi tên, thay đổi, bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ đã được các cấp thẩm quyền ban hành:

     – Ngày 30/9/1980 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ký Quyết định số 197 NN-TC/QĐ chuyển giao Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Eakmat thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam cho Công ty Cà phê – Ca cao trực tiếp quản lý.

    – Ngày 25/02/1981 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ký Quyết định số 46/TCCB-QĐ đổi tên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông lâm  nghiệp Eakmat thành Trung tâm Nghiên cứu Cà phê – Ca cao trực thuộc Công ty Cà phê – Ca cao.

     – Ngày 06/5/1983 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ký Quyết định số 139 NN-TC/QĐ  chuyển Trung tâm Nghiên cứu Cà phê – Ca cao thành Viện Nghiên cứu Cà phê thuộc Liên hiệp các xí nghiệp Cà phê Việt Nam.

     – Ngày 03/11/1997 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 930/1997/QĐ-TTg  thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trên cơ sở tổ chức lại từ Viện Nghiên cứu Cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Dâu tằm tơ Bảo Lộc thuộc Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, Trung tâm giống lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt nam.

     – Ngày 10/6/2008 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký Quyết định số: 72/2008/QĐ-BNN  chuyển Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên từ trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  trực thuộc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

      Hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên có 2 phòng chức năng; 5 bộ môn nghiên cứu và phòng thí nghiệm cùng với 3 đơn vị trực thuộc, đó là: Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Cà phê Eakmat, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cây Hồ tiêu Gia Lai.

2. Thành tựu và phát triển

     Mặc dù được đổi tên nhiều lần, chức năng nhiệm vụ được bổ sung và tăng cường nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển nông lâm nghiệp cho địa bàn vùng Tây Nguyên. Song với tầm nhìn chiến lược về vai trò, vị trí của các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, ca cao, hồ tiêu, cây ăn quả…; đặc biệt là cây cà phê  – một loại cây trồng chủ lực có giá trị xuất khẩu cao và đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng Tây Nguyên đã được lãnh đạo Bộ quan tâm đầu tư nguồn lực và kinh phí để tiến hành nghiên cứu một cách toàn diện về giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, công nghệ sau thu hoạch và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào.

     Trong thời gian qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ; chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân để tiến hành nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho công cuộc đổi mới đất nước.

2.1. Giai đoạn 1976 – 1981: ngay từ những ngày đầu hình thành, vượt qua nhiều thiếu thốn, khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất, song bằng ý chí cách mạng, tập thể cán bộ viên chức và người lao động của đơn vị đã bắt tay vào công việc tổ chức lại cán bộ, tiến hành các nghiên cứu về nông nghiệp nói chung, trong đó các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, ca cao, bơ… đã bắt đầu được quan tâm làm tiền đề cho các nghiên cứu  cho thời gian sau này. Ngoài các hoạt động nghiên cứu một số cây lương thực, thực phẩm như lúa cạn, ngô, cao lương, khoai lang và cơ cấu cây trồng trong hệ thống canh tác trên đất đồi núi, một số nội dung nghiên cứu đối với cây cà phê bước đầu đã được triển khai. Công tác điều tra nghiên cứu về cây cà phê được tiến hành; các tập đoàn giống cà phê vối, cà phê chè từng bước được xây dựng, là cơ sở cho việc nghiên cứu chọn tạo giống cà phê cho những năm tiếp theo.

 2.2. Giai đoạn từ 1981 – 1997: cùng với chủ trương phát triển nền nông nghiệp Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước; trong đó cây cà phê được xem là loại cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế ở Tây Nguyên do điều kiện sinh thái phù hợp đã được Chính phủ và các địa phương đưa vào kế hoạch thực hiện. Vào giai đoạn này hàng loạt các  Hiệp định hợp tác sản xuất cà phê được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Xô, Cộng Hòa Dân chủ Đức, Bungary , Tiệp Khắc  và Ba Lan. Đây là động lực thúc đẩy diện tích cà phê phát triển nhanh ở Tây Nguyên và hình thành ngành hàng sản xuất có kim ngạch xuất khẩu cao của đất nước, do vậy công tác nghiên cứu toàn diện về cây cà phê đã được đặt ra trong giai đoạn này.

     Các hoạt động nghiên cứu về giống được quan tâm hàng đầu như công tác điều tra, bình tuyển, thu thập cây đầu dòng cà phê vối. Đến 1989 đã thu thập được 440 dòng vô tính đưa vào vườn Tập đoàn. Đây chính là các thực liệu vô cùng quý giá để tiếp tục theo dõi, đánh giá để chọn lọc các giống cà phê cho năng suất cao, kích cỡ hạt lớn và có khả năng kháng bệnh gỉ sắt sau này. Năm 1987 đã có 3 dòng vô tính cà phê vối được công nhận là giống quốc gia là 16/21; 1/20 và 4/55. Từ 1987 đến năm 1997, công tác nghiên cứu giống cà phê vối được tiếp tục đẩy mạnh, nhiều thí nghiệm đánh giá, khu vực hóa 26 dòng vô tính cà phê vối được triển khai trên các vùng sinh thái ở Tây Nguyên.

     Công tác chọn lọc hữu tính cũng được quan tâm, các thí nghiệm đánh giá các đời con thụ phấn tự do của các cây mẹ cho năng suất cao, kích cỡ hạt lớn làm tiền đề cho việc xây dựng các vườn cung cấp hạt lai đa dòng phục vụ cho việc phát triển cà phê ở Việt Nam.

    Công tác nhân giống cà phê vối bằng con đường vô tính cũng được khởi sự đạt nền tảng ban đầu. Quy trình nhân giống cà phê vối bằng phương pháp giâm cành đã được nghiên cứu xây dựng từ năm 1987. Quy trình nhân giống cà phê bằng phương pháp ghép non nối ngọn và quy trình ghép cải tạo thay giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật vào năm 1997. Nghiên cứu sản xuất giống bằng công nghệ invitro đã được Viện Nghiên cứu Cà phê lúc bấy giờ thực hiện, kết quả bước đầu đã tạo được cây con hoàn chỉnh bằng phương pháp vi giâm cành và nuôi cấy phôi sôma trong phòng thí nghiệm.

     Nghiên cứu cải tiến giống cà phê chè cũng được triển khai nghiên cứu. Qua nghiên cứu cho thấy rằng các giống cà phê chè đang trồng trong nước như Typica, Bourbon, Mundo Novo, Caturra; 14 giống cà phê chè nhập từ Cu Ba, 10 giống nhập từ Bồ Đào Nha có một số giống cho năng suất chất lượng khá, song lại nhiễm bệnh gỉ sắt nặng. Một số giống lại cho năng suất thấp, thiếu tính ổn định. Thời kỳ này, Viện đã nghiên cứu, chọn lọc được giống cà phê chè Catimor thế hệ F5 có khả năng cho năng suất cao và thích ứng rộng, mức độ nhiễm bệnh rỉ sắt nhẹ và đã được khuyến cáo trồng ở các vùng sinh thái cà phê chè Việt Nam với tỷ lệ chiếm đến 90 % diện tích cà phê chè cả nước. Từ năm 1986 công tác lai tạo cà phê chè đã được bắt đầu thực hiện giữa các giống cà phê chè hoang dại từ Ethiopia và giống cà phê Catimor đã cho các kết quả khích lệ. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để Viện tiếp tục các nghiên cứu về tạo giống cà phê chè lai cho giai đoạn tiếp theo.

     Ngoài công tác nghiên cứu về chọn tạo giống, các lĩnh vực nghiên cứu khác như  kỹ thuật canh tác (kỹ thuật trồng âm, mật độ khoảng cách; kỹ thuật ghép cải tạo; kỹ thuật tạo hình, cưa đốn phục hồi; làm bồn; ép xanh;  tưới nước; trồng xen cải tạo đất, trồng cây che bóng, đai rừng….); đã nghiên cứu xây dựng quy trình bón phân  (hữu cơ và vô cơ) cho cà phê (vối và chè) ở các vùng sinh thái khác nhau và trên các loại đất khác nhau; nghiên cứu hệ số sử dụng phân bón, hiệu quả sử dụng phân bón làm cơ sở khoa học cho việc khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, góp phần giảm chi phí đầu tư và nâng cao thu nhập cho nông dân; nghiên cứu bón vôi cho cà phê; nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh hại chủ yếu như bệnh gỉ sắt, khô cành khô quả, bệnh thối rễ, rệp sáp hại quả, hại rễ, mọt đục quả, mọt đục cành; rệp vảy xanh, vẩy nâu, sâu đục thân cà phê chè. Các nghiên cứu về công nghệ thu hoạch như xác định mức độ chín của quả ảnh hưởng đến chất lượng cà phê; kỹ thuật chế biến khô, chế biến ướt; kỹ thuật phơi sấy cà phê cũng được nghiên cứu nhằm phục vụ cho ngành hàng cà phê Việt Nam.

     Các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này đã được chuyển giao cho sản xuất một cách hiệu quả và đã đưa năng suất cà phê trung bình của Việt Nam từ 0,8 tấn nhân/ha lên 1,3 tấn nhân/ha (tăng khoảng 60 %) và giá trị xuất khẩu đạt 540 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 4 trên thế giới sau Brazil, Colombia và Mêhico.

2.3. Giai đoạn 1997 – 2016: thực hiện chức năng của một Viện vùng là nghiên cứu toàn diện về Nông lâm nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Nguyên bao gồm nghiên cứu về các loại cây công nghiệp dài ngày (trừ cao su), dâu tằm, cây lương thực thực phẩm, cây đậu đỗ,  chăn nuôi và đồng cỏ, lâm nghiệp. Tuy nhiên, cây cà phê vẫn được xác định là đối tượng cây trồng chủ lực cần được tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, đặc biệt là công tác nghiên cứu về giống.

2.3.1. Nghiên cứu khoa học

(i) Các nghiên cứu về chọn tạo giống cây trồng

– Giống cà phê

Giai đoạn này, viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã chọn lọc được nhiều giống cà phê vối có năng suất cao như: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8 (được Bộ NN và PTNT công nhận theo Quyết định số 1086/QĐ-BNN-KHCN, ngày14/04/2006); giống TR9, TR11, TR12, TR13, đã được Bộ Nông nghiệp công nhận chính thức theo Quyết định số 175/QĐ-TT-CCN, ngày 04/5/2011; giống cà phê vối lai TRS1 được công nhận theo Quyết định số 4539/QĐ-BNN-TT, ngày 05/11/2015.

Các giống cà phê vối chọn tạo thuộc nhóm chín sớm và trung bình có nhiều ưu điểm vượt trội như tiềm năng năng suất cao, từ 4 – 7 tấn/ha; chất lượng tốt, khối lượng hạt cao hơn các giống đại trà từ 20 – 70%; khả năng kháng cao đối với bệnh gỉ sắt; tỷ lệ hạt loại R1 đạt từ 70 – 95%, cao hơn nhiều so với giống đại trà chỉ đạt từ 35 – 40%. Những vườn cà phê tái canh được trồng mới bằng các giống chọn lọc có thể đạt năng suất bình quân trên 4 tấn/ha, cao hơn so với các vườn trồng giống cũ từ 25 – 35 %,  góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người trồng cà phê trong bối cảnh các chi phí vật tư đầu vào ngày càng tăng cao. 

Ngoài các dòng/giống đã được công nhận,  Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã chọn lọc các dòng cà phê vối chín muộn gồm: TR14, TR15, TR16, các dòng này có thời điểm chín từ tháng 1 đến tháng 2. Do thời gian chín đã vào mùa khô nên rất thuận lợi cho việc thu hái và chế biến sản phẩm, giảm áp lực công trong mùa thu hoạch và đặc biệt là giảm được một đợt tưới trong mùa khô so với các giống chín sớm và chín trung bình. Đây là những dòng vô tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện 2 giống cà phê vối TR14, TR15 đã được Cục Trồng Trọt, Bộ NN và PTNT thành lập Hội đồng công nhận giống họp ngày 31 tháng 01 năm 2016 tại Hà Nội, được công nhận là giống sản xuất thử.

Đối với cà phê chè, Viện đã từng bước tiến hành lai tạo, chọn lọc đánh giá các con lai tại các vùng sinh thái để chọn được các giống tốt nhất phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cà phê chè ở Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng cà phê tách.

Các giống cà phê chè lai TN1, TN2 đã được công nhận theo Quyết định số 725/QĐ-TT-CCN ngày 12/12/2011. Đây là các giống cà phê chè lai có khả năng thích ứng rộng, cho năng suất cao (trung bình 3,5 tấn nhân/ha), kháng được bệnh gỉ sắt và chất lượng cà phê tách được cải thiện rõ so với giống Catimor hiện trồng. Các giống cà phê chè lai TN6, TN7, TN9 đã được Cục Trồng Trọt, Bộ NN và PTNT thành lập Hội đồng công nhận giống họp ngày 31 tháng 01 năm 2016 tại Hà Nội, được công nhận là giống sản xuất thử.

 . Hiện tại Viện đang tiếp tục nghiên cứu chọn lọc giống cà phê thuần THA (đời con của con lai TN1) để sớm cung cấp giống cho sản xuất bằng hạt.

– Giống điều

Đã bình tuyển được trên 200 cây đầu dòng ưu tú, trong đó có những dòng  TCa4, TCa12, TCa10 và TCa17, TCa20 cho năng suất từ 30-60 kg hạt/cây, kích thước hạt lớn: 132-170 hạt/kg và có tỷ lệ nhân/hạt cao biến động từ 27,5-29,5 %. Các dòng điều này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là các cây đầu dòng vào năm 2002.

– Giống ca cao

Chọn lọc được 15 dòng vô tính từ tập đoàn ca cao đã được thu thập từ năm 1977. Các dòng vô tính này có khả năng đạt năng suất  2 tấn hạt/ha trong điều kiện không tưới. Năm 2006 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận 5 dòng ca cao TC4, TC7, TC11, TC12, TC13; giống PBC 157, PBC 157 đã được Cục Trồng Trọt, Bộ NN và PTNT công nhận sản xuất thử theo Quyết định số 174/QĐ-TT-CCN, ngày 04/5/2011; các giống ca cao TC21, TD28, TD31 đã được Hội đồng công nhận giống cấp cơ sở họp đánh giá ngày 12 tháng 01 năm 2016, hiện đang trình các thủ tục xin công nhận cấp Bộ.

– Giống bơ: Năm 2011, Cục Trồng Trọt Bộ NN và PTNT công nhận sản xuất thử 4 giống bơ TA1, TA3, TA5 và Booth7 (Quyết định số 242 /QĐ-TT-CCN, ngày 19/5/2011). Ngày 30 tháng 01 năm 2016, Hội đồng công nhận giống cấp Bộ đã họp công nhận chính thức giống bơ TA1 và Booth7; công nhận tạm thời 2 giống bơ Reed và TA40. Giống bơ Booth7 là giống bơ trái vụ, chất lượng rất ngon, giá bán rất cao (100.000 đ/kg). Trong điều kiện thâm canh tốt, doanh thu 1 ha bơ vào giai đoạn kinh doanh ổn định là trên 2 tỷ đồng/. Đây được xem là loại cây ăn quả có triển vọng góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng tại Tây Nguyên và tăng thu nhập cho nông dân, hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

– Giống sầu riêng: 2 giống sầu riêng địa phương TDu1 và TDu2 được chọn lọc từ Viện KHKT NLN Tây nguyên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận. Hiện cây sầu riêng đang được Viện khuyến cáo trồng xen trong vườn cà phê để tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Giống dâu tằm: Giống tằm lai lưỡng hệ tứ nguyên TQ112 đã được Bộ NN và PTNT công nhận theo Quyết định số 5218 /QĐ-BNN-KHCN, ngày 16/11/2000; giống tằm lưỡng hệ nguyên Larec1, Larec2, Larec7, Larec8 và giống tằm lai TN1278 (Quyết định công nhận số 319/QĐ-CN-GSN, ngày 27/11/2009); giống dâu lai VA-201 năng suất bình quân 25 – 30 tấn/ha; trọng lượng 100 lá cao từ 250 – 400g đã được công nhận theo Quyết định số 2182 /QĐ-BNN-KHCN, ngày 29/7/2004; giống dâu  TBL03và TBL05 (Quyết định số 623/QĐ-TT-CCN, 27/12/2012).

Giống dâu Tây: Giống dâu tây Angelique đã được công nhận theo Quyết định số 2182 /QĐ-BNN-KHCN, ngày 29/7/2004 của Bộ NN và PTNT.

– Giống Mac ca: giống 246, Daddow, OC được Sở NN và PTNT Dak Lak cấp chứng chỉ công nhận nguồn giống cây lâm nghiệp được phép cung cấp giống cho sản xuất.

– Giống mít nghệ: 8 cây đầu dòng được Sở N và PTNT Dak Lak công nhận để cung cấp cho sản xuất (TJF02, TJF03, TJF04, TJF05, TJF017, TJF021, TJF026, TJF027).

(ii) Các nghiên cứu về kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, công nghệ sau hoạch….

 – Xây dựng quy trình thâm canh tổng hợp cà phê vối đạt hiệu quả kinh tế cao với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ chọn giống đến tưới nước tạo hình, làm bồn ép tàn dư thực vật, bón phân và phòng trừ sâu bệnh.

– Nghiên cứu xây dựng quy trình ICM cho cà phê Việt Nam.

– Nghiên cứu các hình thức tổ chức sản xuất cà phê nguyên liệu chất lượng cao tại Tây Nguyên.

– Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp tiết kiệm chí phí đầu vào trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên.

– Xây dựng quy trình chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng trên cây cà phê bằng việc phân tích đất và lá.

– Hoàn thiện quy trình ghép cà phê, điều, ca cao với tỷ lệ thành công lần lượt đạt 95%, 90% và 80%.

– Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ ghép cải tạo vườn cà phê vối năng suất thấp.

– Nghiên cứu xác định các loại cây trồng xen thích hợp trong vườn cà phê, chọn lọc các loại cây trụ sống thích hợp cho việc trồng tiêu để thay thế trụ gỗ chết nhằm đa dạng hóa cây trồng và nâng cao tính bền vững cho các vườn cây lâu năm ở Tây Nguyên.

– Nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê vối của tỉnh Đak Lak, Lâm Đồng, Bình Phước.

  – Nghiên cứu xây dựng quy trình thâm canh tổng hợp cây hồ tiêu theo hướng bền vững.

  – Xây dựng quy trình phòng trừ  một số đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây cà phê: rệp sáp, mọt đục quả, mọt đục cành, bệnh rỉ sắt, bệnh khô cành, bệnh nấm hồng…

  – Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ cây cà phê, bệnh thối quả cây ca cao.

 – Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm phân bón chuyên dùng cho cây cà phê (NUCAFE), cây hồ tiêu  (NUPE), chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, các chế phẩm kích thích ra hoa và đậu quả cây điều.

   – Nghiên cứu sản xuất chế phẩm tăng khả năng chịu hạn của cà phê nhằm mục đích giảm chi phí tưới nước và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước đang có xu hướng ngày càng thiếu hụt ở Tây Nguyên; nghiên cứu chế phẩm tăng khả năng ra hoa đậu quả cây điều….

  – Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp trong phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu.

 – Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại các loại cây trồng.

 – Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh vật xử lý vỏ cà phê làm phân bón.

– Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới nước tiết kiệm và bón phân qua hệ thống tưới cho cây cà phê.

 – Sản xuất chế phẩm phòng trừ bệnh tằm vối Papzol B.

– Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp sản xuất hồ tiêu bền vững ở Tây Nguyên; nghiên cứu sản xuất chế phẩm phòng trừ bệnh chết nhanh cho cây tiêu, chế phẩm xử lý vỏ cà phê làm phân bón; Điều tra, nghiên cứu các loại hình choái thích hợp cho việc trồng tiêu để thay thế choái gỗ chết nhằm hạn chế tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên.

  – Nghiên cứu quy trình thu hoạch, chế biến cà phê nhằm đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

– Nghiên cứu xây dựng quy trình ứng dụng enzym trong chế biến cà phê và lên men hạt ca cao.

 – Nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh Eakmat (đã được Bộ NN và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật). Hiện kết quả này đã được chuyển giao cho sản xuất (Công ty Dinh dưỡng Eakmat)

– Nghiên cứu phân bón cho cây ca cao ở Việt Nam.

– Nghiên cứu tưới nước, tạo hình, tỉa cành cho cây ca cao ở Việt Nam.

– Nghiên cứu các giải pháp quản lý sâu bệnh hại chính trên cây ca cao.

(iii) Nghiên cứu về chăn nuôi, đồng cỏ

 – Nghiên cứu sản xuất các giống cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi gia súc tại Tây Nguyên.

– Nghiên cứu sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp (vỏ xơ mít, vỏ ca cao, quả điều) làm thức ăn gia súc cho bò tại Tây Nguyên.

– Nghiên cứu sản xuất thức ăn đóng bánh cho gia súc.

– Nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi bò lai hướng thịt tại Đak Lak. 

– Nghiên cứu kỹ thuật nuôi bò dưới tán rừng.

– Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng thịt và sữa bò của Lâm Đồng.

(iv) Các lĩnh vực nghiên cứu khác

– Nghiên cứu quy trình công nghệ nhân giống hoa hồng môn bằng nuôi cấy mô.

– Nghiên cứu sản xuất rượu ngài đực tằm dâu và nước giải khát từ quả dâu tằm

– Nghiên cứu sản xuất nấm Đông trùng Hạ thảo từ giá thể nhộng tằm.

– Nghiên cứu trồng khảo nghiệm cây hông (Paulownia fortunei) trên một số vùng sinh thái của Đak Lak.

– Khảo nghiệm một số cây rau, hoa và cây ăn quả xứ lạnh tại vùng Đông Trường Sơn.

– Xây dựng mô hình sản xuất rau hoa chất lượng cao tại Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

– Điều tra xây dựng bản đồ Nông hóa thổ nhưỡng một số huyện vùng gò đồi miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Khảo nghiệm một số giống rau, hoa xứ lạnh tại thành phố Buôn Ma Thuột.

– Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm ra hoa đậu quả cây điều tỉnh Gia Lai

– Nghiên cứu phát triển cây Mac ca tại tỉnh Đak Nông.

– Nghiên cứu bảo tồn quỹ gen cây sầu riêng tỉnh Đak Nông.

– Nghiên cứu khả năng thích ứng của một số cây dược liệu tại Đak Lak

– Nghiên cứu phát triển một số cây lương thực, thực phẩm tại huyện Krông Bông, Đak Lak.

– Nghiên cứu khả năng nhân giống và bảo tồn cây thủy tùng tại Dak Lak

– Nghiên cứu chọn giống mít phục vụ cho công nghiệp chế biến tạo hàng hoá xuất khẩu tại Đak Lak.

– Nghiên cứu xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Ea Quang, Krông Pack, Đak Lak.

– Nghiên cứu sản xuất giống hoa Hồng môn ở Bảo Lộc.

– Nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả cho vùng tỉnh Lâm Đồng.

– Nghiên cứu xây dựng mô hình nông thôn mới dựa vào cộng đồng ở xã Lộc Tân, Bảo Lâm, Lâm Đồng.

– Nghiên cứu xây dựng các công thức phân bón chuyên dùng cho ngô lai, chè; nghiên cứu công thức phân bón hòa tan chuyên dùng cho hồ tiêu để bón phân qua hệ thống tưới.

– Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi cấy mô cà phê bằng công nghệ bioreactor.

2.3.2. Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

        Các tiến bộ kỹ thuật đã được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chuyển giao cho sản xuất hiệu quả bao gồm giống cà phê ghép, hạt giống cà phê vối lai đa dòng TRS1; giống ca cao ghép, điều ghép, bơ ghép, mít nghệ ghép, giống dâu, giống tằm;  Quy trình bón phân cho cà phê vối trên các vùng đất khác nhau; Quy trình bón phân cho cà phê chè; Quy trình ghép cải tạo vườn cà  phê vối năng suất thấp; Quy trình công nghệ sản xuất giống cà phê vối bằng kỹ thuật ghép; Quy trình phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ cà phê; Quy trình công nghệ sản xuất giống cà phê vối bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; Quy trình công nghệ sản xuất giống cà phê chè bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; Quy trình nhân giống cà phê chè (Coffea Arabica) bằng công nghệ Bioreactor; Quy trình huấn luyện và chăm sóc cây cà phê chè nuôi cấy mô bằng công nghệ Bioreactor trong vườn ươm; Quy trình trồng cà phê từ cây nhân giống vô tính invitro;  Quy trình tái canh cà phê vối;  Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cà phê vối giai đoạn kinh doanh ; Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp áp dụng cho cà phê chè; Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp áp dụng cho cà phê vối giống chọn lọc; Quy trình kỹ thuậtghép ca cao; Quy trình phòng trừ bệnh do nấm Phytophthora palmivora trên cây ca cao tại một số vùng trồng chính của Việt Nam; Quy trình canh tác dâu đạt hiệu quả kinh tế; Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh giống dâu VA-201 và S7-CB ở Tây Nguyên; Quy trình tưới nước cho cây dâu tằm; Quy trình bảo quản ướp lạnh trứng tằm lưỡng hệ ở Lâm Đồng; Quy trình nuôi tằm con tập trung; quy trình kỹ thuật nuôi tằm hai giai đoạn; Biện pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp trên cây hồ tiêu tại Đắk Lắk;  Quy trình công nghệ bón phân theo độ phì đất và năng suất đạt được; Quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cho cà phê, hồ tiêu, ca cao, điều….; Quy trình công nghệ sản xuất rượu ngài đực tằm tơ, sản xuất nước giải khát từ quả dâu tằm; Quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê; Sản phẩm phân bón lá chuyên dùng cho cà phê (NUCAFE); Phân bón chuyên dùng cho hồ tiêu NUPE; Chế phẩm sinh học ủ vỏ cà phê làm phân bón; Quy trình công nghệ nhân giống hồng môn bằng nuôi cấy mô; Quy trình kỹ thuật chế biến cỏ và phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; Quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn Sóc.

Đặc biệt, hiện nay WASI đã làm chủ công nghệ nhân giống cà phê nuôi cấy mô và đã sản xuất cây giống cà phê nuôi cấy mô cung cấp cho sản xuất đại trà.

2.3.3 Hợp tác quốc tế

Trong thời gian qua, bằng sự nổ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức, đơn vị đã có những hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu khoa học. Từ những hợp tác này, đội ngũ làm công tác khoa học của Viện đã có cơ hội giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập và trình độ ngoại ngữ được nâng lên. Ngoài ra, thông qua hợp tác quốc tế, nhiều trang thiết bị khoa học được đầu tư, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả nghiên cứu của đơn vị. Viện đã hợp tác với các tổ chức quốc tế sau:

  • Hợp tác với viện Nghiên cứu Lân và Kali Canada trong việc xác định chế độ bón phân hợp lý cho cà phê  trong phạm vi cả nước; cho ngô ở Tây Nguyên;
  • Dự án GTZ nghiên cứu bệnh hại rễ cà phê; nghiên cứu về chuỗi giá trị cây bơ, cây cà phê, cây điều.
  • Dự án hỗ trợ quản lý nguồn nước của Đan Mạch trong việc xác định chế độ tưới nước cho cây cà phê;
  • Hợp tác với trường đại học Leuven (Bỉ) trong nghiên cứu xác định chế độ tưới hợp lý cho cây cà phê ở Tây Nguyên;
  • Hợp tác với Chương trình nghiên cứu Việt Nam – Hà Lan trong nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội đồng bào các dân tộc thiểu số tại Đak Lak.
  • Hợp tác với FAO trong dự án nghiên cứu nâng cao chất lượng cà phê và ngăn ngừa sự hình thành và xâm nhiễm của nấm Ochratoxin (OTA) trên cà phê của Việt Nam;
  • Hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu cà phê Nestle trong việc nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống cà phê bằng phương phương pháp cấy phôi;
  • Hợp tác với Công ty tư vấn EDE thực hiện Dự án sản xuất cà phê bền vững;
  • Hợp tác với GTZ thực hiện các Dự án về “Chuỗi giá trị bơ, điều, cà phê”; thực hiện dự án sản xuất cà phê 4C;
  • Hợp tác với ICEM nghiên cứu về quản lý lưu vực sông Sê san và Sê rê Pôk;
  • Hợp tác với M-POWER nghiên cứu về phát triển nông lâm nghiệp các vùng thủy điện;
  • Hợp tác với EDE nghiên cứu sử dụng nước cho cà phê;
  • Hợp tác với Nestle trong sản xuất cà phê bền vững;
  • Hợp tác với Sygenta trong nghiên cứu quản lý bệnh rễ cà phê do tuyến trùng gây hại.

   Với những thành tích đã đạt được cùng với sự đóng góp công sức trong công cuộc đổi mới đất nước nói chung và sự phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tây Nguyên nói riêng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên vinh dự đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng các phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba (1982); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT (2010)vì đã có thành tích tham gia các hoạt động phát triển cacao tại Việt Nam giai đoạn 2005-2010; Bằng khen của Bộ trưởng (2012) vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2011; Cờ thi đua của Bộ NN và PTNT tặng năm 2011 “đã có thành tích xuất sắc trong công tác và sản xuất kinh doanh dẫn đầu phong trào thi đua năm 2011”; Cờ thi đua của Bộ NN và PTNT tặng năm 2012  vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác và sản xuất kinh doanh dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2012); Cờ thi đua của Bộ NN và PTNT tặng  (2014) vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác và sản xuất kinh doanh, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2014; Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đăk Lăk vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh (2014); Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì (2015).

      Từ năm 2009 đến 2015 Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

      Các sản phẩm của Viện được giải thưởng Cúp Vàng Nông nghiệp (2009) như giống cà phê TR4, TR5, TR6, TR7, TR8 và phân bón lá chuyên dùng cho cà phê NUCAFE và Giải thưởng Bông Lúa vàng Việt Nam năm 2015.

 Nhiều cá nhân của Viện cũng đạt được danh hiệu cao quý của Nhà nước, Bộ và Tỉnh.

3. Thay lời kết

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đến thời điểm này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Bộ NN và PTNT giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ viên chức, người lao động của Viện có thể tự hào rằng mình đã thực sự có nhiều đóng góp nổi bật trong sự nghiệp phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của Viện, đặc biệt là nghiên cứu toàn diện về cây cà phê đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai sau Brazil, là nước xuất khẩu cà phê vối hàng đầu thế giới và năng suất cà phê Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới. Cho đến hôm nay đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học của Viện cũng như ngành hàng sản xuất cà phê Việt Nam rất tự hào rằng, Việt Nam không cần phải nhập giống để phục vụ sản xuất.

Hiện tại, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên có đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ, năng động, xông xáo, đầy nhiệt huyết cách mạng, có trình độ chuyên môn, không quản ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thắp lửa cho sản xuất nông nghiệp, chung tay xây dựng nông thôn mới và giúp nông dân nâng cao thu nhập thông qua kiến thức khoa học, kỹ năng thực hành nông nghiệp. Đi đôi với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Viện còn tích cực tham gia công tác xã hội, ủng hộ đồng bào khó khăn thiên tai bão lụt, tham gia kết nghĩa với buôn làng…

Có được thành công hôm nay là kết quả của sự đoàn kết thống nhất ý chí và hành động của tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức và người lao động. Mồ hôi, công sức của các thế hệ đi trước đã tạo nên nền tảng vững chắc về cơ sở vật chất, tinh thần cho thế hệ hôm nay viết tiếp trang sử vẻ vang của Viện và là hành trang, là sức mạnh, là niềm tin để vững bước vươn lên chinh phục những tầm cao mới mà đất nước đang dang tay chào đón.

Bên cạnh đó, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận rằng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng chưa thật sự đáp ứng một cách tốt nhất những kỳ vọng của Bộ, của các địa phương trong việc nghiên cứu giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; trong đó có vấn đề ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; vấn đề về chuỗi giá trị ngành hàng; vấn đề liên kết 4 nhà; vấn đề về tổ chức sản xuất nông dân; vấn đề nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây là những trăn trở mà tập thể của đơn vị cần phải được quan tâm trong thời gian tới.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên xin tri ân các thế hệ tiền bối, những người đã nghỉ hưu hay thuyên chuyển công tác đã có nhiều đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đơn vị ngày nay.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên xin bày tỏ lời tri ân đến các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Bộ, các tỉnh, Sở ban ngành địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Chúng tôi cũng xin gửi lời tri ân đến các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty, Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Trang trại và nông dân trên khắp vùng Tây Nguyên luôn tin tưởng, ủng hộ đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua.

Thực tiễn đang đặt ra nhiều thách thức mới cho Viện trong thời gian tới khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng Tây Nguyên và của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, ca cao, điều, dâu tằm…..ngày càng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt về năng suất, chất lượng và giá thành. Các vấn đề trên đòi hỏi tập thể cán bộ, viên chức của Viện cần phải nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực và tư duy nghiên cứu, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thị trường; đổi mới chính mình, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn trở ngại, nguyện tiếp tục vững bước đi lên vì một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh./.