TS. Trần Vinh
Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
Đắk Lắk là tỉnh thuộc Trung tâm vùng Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 13.125 km2, dân số trên 1,8 triệu người. Đắk Lắk nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đặc biệt, Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi với tài nguyên đất rất phong phú bao gồm nhiều nhóm đất khác nhau, đáng kể nhất là nhóm đất đỏ (Ferrasols) diện tích 311.340 ha, chiếm 23,72% diện tích tự nhiên, nhóm đất này rất thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu và cây ăn quả đặc sản như sầu riêng, bơ. Song song với nhóm đất đỏ thì nhóm đất xám (Acrisols) 579.309 ha, chiếm 44,14% diện tích tự nhiên, đây là nhóm đất lớn nhất phân bố hầu hết ở các huyện; nhóm đất này thích hợp phát triển nhiều loại cây trồng đặc thù như cây điều, cây ăn quả chịu hạn (xoài, nhãn, vải), cây có múi (cam, bưởi, quýt, chanh). Ngoài ra, Đắk Lắk còn nhiều nhóm đất khác như nhóm đất phù sa (Fuvisols), nhóm đất đen (Luvisols), nhóm đất gley (Gleysols) nhưng chiếm tỷ lệ diện tích nhỏ từ 1-3% diện tích tự nhiên.
Với khí hậu ôn hòa và đất đai rộng lớn, trù phú, trong nhiều năm qua Đắk Lắk luôn quan tâm phát triển cây trồng lâu năm đa dạng về chủng loại, phong phú về sản phẩm, vừa thích nghi với điều kiện tự nhiên từng vùng vừa đáp ứng với yêu cầu của thị trường.
1. Hiện trạng cây trồng lâu năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Bảng 1: Nhóm loài cây, diện tích và sản lượng các loài cây lâu năm
Loài cây |
Tổng diện tích (ha) |
Diện tích cho sản phẩm (ha) |
Năng suất (tạ/ha) |
Sản lượng (tấn) |
A. Nhóm cây công nghiệp |
277.100 |
|
|
|
* Nhóm cây công nghiệp chính |
275.621 |
|
|
|
1. Cà phê |
209.955 |
194.998 |
28,60 |
557.659 |
2. Hồ tiêu |
33.064 |
27.816 |
27,67 |
76.956 |
3. Cao su |
32.602 |
22.301 |
15,43 |
34.404 |
* Nhóm cây công nghiệp phụ |
1.479 |
|
|
|
1. Ca cao |
1.380 |
1.226 |
14,78 |
1.812 |
2. Chè |
99 |
95 |
126,00 |
1.193 |
B. Nhóm cây ăn quả |
34.341 |
|
|
|
* Nhóm cây ăn quả chính |
29.955 |
|
|
|
1. Sầu riêng |
12.224 |
5.216 |
197,86 |
103.209 |
2. Bơ |
8.909 |
5.404 |
151,96 |
82.120 |
3. Mít |
2.081 |
1.174 |
229,07 |
26.889 |
4. Chuối |
1.903 |
1.618 |
314,67 |
50.914 |
5. Nhãn |
1.492 |
659 |
90,00 |
5.929 |
6. Vải |
1.313 |
625 |
100,00 |
6.253 |
7. Chanh leo |
1.062 |
940 |
157,00 |
14.763 |
8. Xoài |
971 |
780 |
99,18 |
7.738 |
* Nhóm cây ăn quả phụ |
4.386 |
|
|
|
1. Quýt |
803 |
557 |
85,69 |
4.776 |
2. Dứa |
795 |
605 |
129,00 |
7.803 |
3. Cam |
750 |
508 |
96,08 |
4.880 |
4. Chôm chôm |
433 |
200 |
102,00 |
2.045 |
5. Thanh long |
340 |
223 |
185,94 |
4.146 |
6. Bưởi |
304 |
143 |
76.00 |
1.083 |
7. Na |
286 |
114 |
106,00 |
1.205 |
8. Chanh |
259 |
165 |
80,00 |
1.316 |
9. Ổi |
165 |
86 |
116,00 |
1.003 |
10. Đu đủ |
162 |
118 |
126,00 |
1.481 |
11. Hồng xiêm |
26 |
15 |
107,00 |
163 |
12. Hồng |
35 |
20 |
96,00 |
193 |
13. Táo |
19 |
17 |
130,00 |
220 |
14. Măng cụt |
9 |
3 |
82,00 |
21 |
C. Nhóm cây lấy hạt, quả chứa dầu |
28.366 |
|
|
|
1. Điều |
26.426 |
22.644 |
12,42 |
28.127 |
2. Mắc ca |
1.795 |
674 |
12,10 |
816 |
3. Dừa |
136 |
74 |
129,00 |
951 |
4. Gấc |
9 |
7 |
106,00 |
71 |
D. Nhóm cây dược liệu, gia vị |
354 |
|
|
|
1. Cari màu |
162 |
153 |
21,00 |
322 |
2. Đinh Lăng |
192 |
95 |
85,00 |
811 |
E. Nhóm cây lâu năm khác |
443 |
|
|
|
1. Cau |
340 |
159 |
130,00 |
2.065 |
2. Dâu tằm |
87 |
79 |
129,00 |
1.020 |
3. Hoa mai (cành, cây) |
16 |
13 |
|
6.750 |
Tổng |
340.604 |
|
|
|
* Số liệu báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk năm 2020
Theo số liệu báo cáo thống kê chính thức của tỉnh Đắk Lắk năm 2020 cho thấy trên địa bàn tỉnh rất đa dạng về chủng loại cây trồng, có đến 36 loại cây trồng lâu năm khác nhau, được phân làm 05 nhóm theo quy mô diện tích. Cụ thể:
* Nhóm cây công nghiệp có diện tích lớn nhất 277.100 ha, chiếm 81,35% tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh. Trong đó, cây công nghiệp chính vẫn là cà phê, hồ tiêu, cao su, đây là những cây trồng thế mạnh của tỉnh.
+ Cây cà phê 209.955 ha, chiếm đến 76,1% diện tích cây công nghiệp; trong khi đó cây cây cao su, cây hồ tiêu chỉ chiếm tỷ lệ 11,8 – 12% theo thứ tự. Diện tích cây cà phê của Đăk Lăk tăng mạnh trong những năm 1995-2015, từ 120.000 ha năm 1995 đến năm 2015 là 203.000 ha, tăng 169%; diện tăng chủ yếu do giá cà phê giai đoạn này quá cao có thời điểm lên đến 45.000 đ/kg cà phê nhân nên kích thích người dân mở mang diện tích trồng cà phê một cách tự phát bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Đắk Lắk cũng được mệnh danh là thủ phủ cà phê của cả nước không chỉ có diện tích cà phê lớn nhất mà năng suất và chất lượng cà phê của Đắk Lắk cũng hơn hẳn so với các vùng trồng cà phê khác, đây là lợi thế rất lớn để Đắk Lắk duy trì và phát bền vững ngành hàng này trong hiện tại cũng như tương lai.
+ Với diện tích 33.064 ha, cây hồ tiêu cũng là cây công nghiệp chính của tỉnh chỉ xếp sau cây cà phê. Diện tích hồ tiêu được trồng nhiều ở các huyện như Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng, Buôn Hồ, Ea Kar. Riêng 03 huyện Cư M’gar, Cư Kuin và Ea H’leo chiếm trên 50% diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Các địa phương trồng tiêu có điều kiện thỗ nhưỡng và khí hậu phù hợp, chủ yếu là đất đỏ bazan nên năng suất và chất lượng hạt tiêu rất tốt. Cây hồ tiêu tại Đắk Lắk phát triển mạnh trong những năm 2014 – 2016, do giá hồ tiêu giai đoạn này rất cao, có thời điểm lên đến 200 ngàn đồng/1 kg từ đó kích thích mở mang diện tích trồng tiêu. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2020 giá hồ tiêu giảm mạnh chỉ còn trung bình 45 ngàn đồng/kg, cùng với sâu bệnh phá hoại và ít đầu tư chăm sóc hơn trước nên diện tích và sản lượng hồ tiêu toàn tỉnh có giảm sút. Năm 2021 giá hồ tiêu đã bắt đầu phục hội trở lại, dao động từ 60 – 80 ngàn đồng/kg nên bà con có điều kiện chăm sóc các vườn tiêu được tốt hơn.
+ Cây cao su cũng là cây công nghiệp chính của tỉnh. Với diện tích 32.602 ha, trong đó cao su tiểu điền khoảng 2.500 ha, còn lại là cao su của các doanh nghiệp. Diện tích cao su được trồng chủ yếu tại các huyện như: Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng. Cao su trồng tại Đắk Lắk có năng suất khá cao và sản lượng hàng năm khoảng 32 – 34 ngàn tấn. Tuy nhiên, do giá cao su không ổn định và xuống thấp nên một số vùng trồng cao su tại Đắk Lắk, chủ yếu là cao su tiểu điền đã chuyển đổi sang trồng cây khác.
+ Ngoài nhóm cây công nghiệp chính như cà phê, hồ tiêu, cao su thì một số vùng trong tỉnh còn phát triển thêm cây ca cao, cây chè nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,5%) so với tổng diện tích cây công nghiệp. Đây là những cây công nghiệp phụ phát triển với qui mô diện tích nhỏ để đa dạng hóa cây trồng và tăng thu nhập cho nông hộ và trang trại. Cây ca cao trồng tại Đăk Lăk có chất lượng rất tốt, giá tương đối ổn định, tuy nhiên do khó khăn trong việc chế biến và quản lý sâu bệnh nên năng suất còn khiêm tốn chỉ trên dưới 1 tấn hạt khô/ha, vì vậy trong thời gian dài từ năm 2012 đến nay diện tích ca cao ở Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng ngày càng giảm sút để chuyển dịch sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây chè diện tích không đáng kể chủ yếu trồng phục vụ cho gia đình và địa phương tại chỗ.
* Nhóm cây ăn quả có diện tích 34.341 ha, trong đó nhóm cây ăn quả chính bao gồm sầu riêng, bơ, chuối, mít, nhãn v.v…chiếm 87,2% tổng diện tích cây ăn quả lâu năm của tỉnh. Các loại cây ăn quả này có diện tích trên 1000 ha/mỗi loại.
+ Đáng chú ý cây sầu riêng trong những năm gần đây phát triển rất nhanh, tổng diện tích trên 12 ngàn ha, diện tích cho thu hoạch trên 5 ngàn ha; chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu để tăng thu nhập/đơn vị diện tích trong lúc giá cả cây công nghiệp thấp và lợi nhuận không cao. Nhiều vườn cà phê trồng xen sầu riêng được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cho thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/ha cao gấp 7 – 8 lần so với cà phê trồng thuần. Đây là phương thức canh tác mới vừa đem lại thu nhập cao cho người nông dân vừa gắn với bảo vệ môi trường, đang được nhiều địa phương quan tâm phát triển.
+ Cây bơ có diện tích gần 9 ngàn ha, diện tích cho thu hoạch trên 50%. Cũng giống như cây sầu riêng, cây bơ mới phát triển mạnh trong 7 năm trở lại đây, cây bơ cũng được trồng xen trong vườn cà phê để tăng thu nhập cho người nông dân. Cây bơ trồng tại Đăk Lăk cho thu nhập không cao bằng cây sầu riêng do giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định. Ngoài ra, do thời tiết thay đổi thất thường nhiều vùng trồng bơ, đặc biệt là bơ Booth7 khả năng đậu quả rất kém.
+ Các loài cây khác như mít, chuối, nhãn, xoài, vải, chanh leo phần lớn được trồng ở những vùng như Ea Kar, M’Đrăk, Ea Súp, Krông Bông, Ea H’leo… Các loài cây này có diện tích từ 1 đến 2 ngàn ha, nhiều loài được trồng lâu năm cho thu nhập khá trên các vùng đất xám không thể phát triển cây công nghiệp.
+ Bên cạnh các cây ăn quả chính, Đắk Lắk còn phát triển nhiều loại cây ăn quả nhiệt đới khác đa dạng về chủng loại như cây có múi, hồng xiêm, măng cụt, na, đu đủ v.v… Các loại cây ăn quả này có diện tích nhỏ, được trồng trong vườn nhà ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với mục đích tiêu thụ nội địa và cải thiện đời sống gia đình.
* Nhóm cây lấy hạt, quả chứa dầu có diện tích khá lớn trên 28 ngàn ha, trong đó cây điều là cây trồng chủ yếu (>26 ngàn ha) chiếm 93,1% diện tích. Cây điều được trồng chủ yếu trên đất xám của các huyện như Ea Súp, Ea Kar, Buôn Đôn, Krông Bông và một số vùng đất đỏ không có nước tưới như Cư M’gar, Ea H’leo. Cây điều được phát triển nhanh ở những năm 2000 – 2005 sau đó diện tích giảm dần do giá cả thấp và không ổn định. Năng suất điều của tỉnh nhìn chung còn thấp trung bình chỉ 1,2 tấn hạt khô/ha, do trồng quảng canh là chủ yếu. Nhiều vùng được đầu tư thâm canh tốt như tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… năng suất điều có thể đạt 3 tấn hạt khô/ha. Mặc dầu giá hạt điều không cao trung bình 20 – 25 ngàn đồng/kg nhưng ở những vùng đất xám, những vùng không phát triển được cây công nghiệp thì cây điều vẫn là cây sinh kế của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Bên cạnh cây điều thì cây cây mắc ca mới nổi lên trong vòng 10 năm trở lại đây. Theo thống kê năm 2020 diện tích mắc ca toàn tỉnh xấp xỉ 1.800 ha, nhưng diện tích cho thu hoạch gần 700 ha, phương thức trồng chủ yếu là trồng xen trong vườn cà phê để tăng thu nhập/đơn vị diện tích. Năng suất mắc ca trung bình nhìn chung còn thấp (1,2 tấn hạt khô/ha) do có nhiều vùng trồng giống chưa đảm bảo, sinh thái chưa thích hợp. Mắc ca là loại cây trồng á nhiệt đới, rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết nóng trong giai đoạn ra hoa, đậu quả; do vậy những vùng có độ cao lớn so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ như huyện Krông Năng, Ea Hleo cho năng suất khá cao, nhiều vườn trồng năm thứ 9 – 10 năng suất đạt 4 – 5 tấn hạt/ha. Tuy cây mắc ca phát triển nhanh trong những năm gần đây và sắp tới còn phát triển nhiều hơn nữa nhưng việc phát triển cây mắc ca tại tỉnh Đắk Lắk chủ yếu mang tính tự phát của người dân. Hiện tại tỉnh chưa có quy hoạch trồng cụ thể loài cây này, chưa có phân vùng thích nghi, chưa có nhà máy chế biến hạt xuất khẩu, chưa có nghiên cứu về xác định bộ giống thích hợp và qui trình kỹ thuật đi kèm, đây chính là những thách thức mà tỉnh cần có giải pháp thích hợp để phát triển cây mắc ca hiện nay cũng như trong tương lai. Cây lấy dầu như dừa có diện tích nhỏ, chủ yếu trồng trong vườn để làm cây bóng mát và tiêu thụ tại chỗ.
* Nhóm cây dược liệu, gia vị có diện tích trên 350 ha, trong đó cây đinh lăng 192 ha, cây cari màu 162 ha và còn một số loài cây dược liệu quí khác do diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ chưa thống kê được. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có một số mô hình trồng cây dược liệu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao được người dân địa phương quan tâm như mô hình trồng cây hòe tại huyện Cư M’gar, mô hình trồng cây hà thủ ô tại huyện Buôn Đôn, mô hình trồng cây sâm bố chính tại huyện Krông Bông, mô hình trồng đinh lăng, đương quy tại huyện Ea Súp Cư Kuin…Nhiều mô hình đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm góp phần đáng kể cho thu nhập của bà con nông dân.
* Nhóm cây lâu năm khác bao gồm nhiều loài cây như cây cau, cây cảnh, dâu tằm…Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy riêng ba loại cây này có diện tích gần 450 ha. Đặc biệt cây cau đang được bà con quan tâm phát triển vì giá quả cau tươi hiện tại khá cao (50 – 60 ngàn đồng/kg); bà con chủ yếu trồng trong vườn nhà, trồng xung quanh vườn cà phê, trồng làm cây choái tiêu để tăng thu nhập cho gia đình.
2. Nhận xét về hiện trạng phát triển cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
– Với lợi thế về đất đai rộng lớn, màu mỡ, nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau, Đắk Lắk là tỉnh có chủng loại cây lâu năm thuộc loại phong phú nhất Việt Nam. Thống kê chưa đầy đủ, ch ưa kể các loài cây lâm nghiệp, Đắk Lắk có trên 36 loài cây lâu năm có giá trị sử dụng khác nhau, từ cây công nghiệp xuất khẩu đến cây ăn quả nhiệt đới, cây lấy hạt, cây dược liệu…
– Đắk Lắk là tỉnh chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất của Việt Nam điển hình là cây cà phê. Ngoài ra, Đắk Lắk là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển cây ăn quả nhiệt đới, trong tương lai không xa một số loại cây ăn quả đặc sản như sầu riêng, bơ của Đắk Lắk sẽ vượt các vùng trồng cây ăn quả truyền thống như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ về diện tích và sản lượng.
– Nhiều loại cây trồng phát triển một cách tự phát không theo qui hoạch mà theo sự biến động của giá cả thị trường, trong đó cà phê vượt 20 ngàn ha, hồ tiêu vượt 15 ngàn ha; một số loài cây như mắc ca, bơ, sầu riêng phát triển một cách ào ạt theo chủ quan của người dân chứ chưa có định hướng rõ ràng về vùng trồng, diện tích trồng.
– Thị trường sản phẩm các loại cây trồng nhìn chung không ổn định. Trong nhóm cây công nghiệp thì cà phê là mặt hàng có đầu ra và giá cả ổn định nhất; giá cà phê nhân trong 10 năm từ 2011 đến 2020 trung bình là 38.000 đ/kg, chênh lệch từ 31.000 – 44.000 đ/kg, so với các cây công nghiệp khác như hồ tiêu, cao su thì cà phê có giá cả và thị trường ổn định hơn nhiều. Trong nhóm cây ăn quả thì sầu riêng có thị trường ổn định nhất, vì sầu riêng tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu; trong khi nhiều mặt hàng nông sản rớt giá kêu gọi “giải cứu” thì trái sầu riêng lại được giá đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân; giá sầu riêng trung bình trong 10 năm trờ lại đây là 55.000 đ/kg và mức chênh lệch từ 45.000 – 65.000 đ/kg. Sầu riêng là sản phẩm cho thu nhập rất cao, nếu chăm sóc bài bản đúng kỹ thuật một hecta sầu riêng có thể cho thu nhập từ 500 triệu đến 700 triệu đồng, đây là cây ăn quả chủ lực ở Đăk Lăk đang được phát triển mạnh mẽ chủ yếu bằng phương thức trồng xen với cà phê.
– Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả. Tuy nhiên hiện khâu chế biến, nhất là chế biến sâu để hình thành chuỗi giá trị vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khoảng 500 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản đang hoạt động thì số lượng các cơ sở chế biến chủ yếu là cà phê. Ngoài ra, có rất ít doanh nghiệp lớn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân.
3. Một số đề xuất phát triển bền vững cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Một là, cần phải có qui hoạch cụ thể vùng trồng cho các đối tượng cây trồng lâu năm trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên qui hoạch cho các đối tượng cây trồng chủ lực là thế mạnh của tỉnh để hình thành các vùng chuyên canh lớn cho từng loại cây trồng. Quy hoạch cần phải dài hạn và chi tiết đến từng đơn vị cấp xã để dễ dàng trong việc kiểm tra, theo dõi và thực hiện.
Hai là, trên cơ sở các vùng chuyên canh lớn cần thành lập nhiểu tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng nông sản bền vững từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Ba là, cần phải thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tự phát của người nông dân hiện nay sang phương thức sản xuất mới đó là sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, có chứng nhận, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ.
Bốn là, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm cây trồng cho người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đây là mắc xích quan trọng trong chuỗi liên kết để ổn định sản xuất.