TS. Trương Hồng
Sử dụng phân bón chức năng là xu thế hướng đến của tất cả các nước sản xuất nông nghiệp nói cung và đối với cà phê nói riêng dựa trên nền tảng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Khái niệm phân bón chức năng
Phân bón chức năng được hiểu là loại phân vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng vừa có một hay nhiều chức năng khác như kích thích sinh trưởng, tăng hiệu quả sử dụng phân bón bằng cách kiểm soát quá trình giải phóng các chất dinh dưỡng (CRF); phòng trừ sâu bệnh; chuyển hóa các chất dinh dưỡng khó tan trong đất thành dễ tan giúp cây sử dụng dễ dàng (lân, kali); hạn chế cỏ dại…..
Đặc điểm và ưu thế của phân bón chức năng
(i) Tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Các nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng phân bón chức năng có thể làm tăng hiệu quả sử dụng các chất dinh dưỡng so với phân bón truyền thống từ 20 – 30 % (NRC, India, 2010; Đại học Nông nghiệp Bangladesh, 2005); ở Việt Nam khoảng 30 % (u rê bọc S, U rê bọc Gypsum, u rê bọc dầu neem, u rê bọc phân chuồng, u rê – Agrotain) – John Hassell và cộng sự, Texas, USA; Công ty Phân bón Bình Điền, 2013. Đối với lân, các nghiên cứu của Larry Murphy và cộng sự cho thấy sử dụng các hợp chất co-polymer Dicarboxylic đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân lân đến 30 %. Kỹ thuật này (AVAIL) đã được chuyển giao cho Công ty Humix, Công ty Bình Điền của Việt Nam.
(ii) Thực hiện các chức năng khác như phòng trừ sâu hại trong đất (phân u rê bọc dầu neem (Nimin)) do dầu neem được xem là thuốc trừ sâu sinh học do có hoạt chất Azadirachtin có tác dụng xua đuổi và tiêu diệt các loại côn trùng; hoặc tiêu diệt cỏ dại do trong phân có chứa các hợp chất làm cho cỏ dại không thể nẩy mầm được; hoặc có tác dụng kích thích sinh trưởng của cây do trong phân có chứa các hocmon tăng trưởng, các acid amin…
(iii) Giảm công lao động do giảm khối lượng bón, và vì vậy giá trị ngày công sẽ cao hơn.
(iv) Cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm: năng suất tăng từ 10 – 20 %, chất lượng nông phẩm được cải thiện do bổ sung thêm các yếu tố dinh dưỡng trung lượng, các chất kích thích giúp cây sinh trưởng khỏe, sản phẩm không bị sâu hại tấn công…
(v) Tăng thu nhập do giảm được chi phí đầu tư phân bón và sản phẩm bán được với giá cao hơn
(vi) Giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước do giảm lượng phân thất thoát do xói mòn, rửa trôi theo dòng nước; giảm lượng đạm bốc hơi ở dạng N2O, do vậy giảm sự gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
(vii) Dễ dàng sử dụng, tan từ từ giúp giải phóng chất dinh dưỡng đều đặn cho cây theo nhu cầu và trheo thời gian.
Đối với phân bón vô cơ chức năng, người ta chia làm 2 loại tùy công nghệ sản xuất:
a. Các sản phẩm phân đạm chức năng được sản xuất theo công nghệ hóa hợp
Các sản phẩm này được sản xuất theo công nghệ cao dựa trên các phản ứng hóa hợp như sản phẩm Urea-Formaldehyde (UF) – 38 % N được sản xuất ở Đức, Mỹ; Isobutylidene diurea (IBDU) – 32 % N; Crotonylidene diurea (CDU) – 32,5 % N do Nhật sản xuất.
b. Các sản phẩm phân bón chức năng được sản xuất theo công nghệ áo (bọc, vỏ)
– U rê bọc lưu huỳnh (S) – SCU
– U rê bọc Polymeric/polyolefin
– U rê bọc S + Polymeric
– U rê bọc muối acid béo bão hòa can xi
– U rê bọc Ca, Mg phosphast
– U rê bọc MgO/CaO
– U rê bọc silicat
– U rê bọc phosphogypsum/cao lanh/than bùn/gypsum
– U rê bọc Agrotain
– U rê bọc acid amin
– Lân bọc Avail (co-polymer dicarboxylic)…..
– NPK bọc hóa chất diệt cỏ, các vi sinh vật đối kháng, các acid amin….
– NPK bọc các chất Polymer kiểm soát tốc độ tan, hoặc phân bón NPK tan chậm có kiểm soát (CRNPK)….
Cơ chế kiểm sóat giải phóng chất dinh dưỡng của phân bón NPK tan chậm
Lớp áo là chất siêu hấp thụ nước (acrylic acid-co-acrylamide)/kaolin- (AA-co-AM)/kaolin)
Nguồn: Mingzhu Liu và Lan Wu, Đại học Langzou, Trung Quốc, 2011