Vai trò của Nitơ (N, đạm) đối với cà phê và cách nhận biết triệu chứng thiếu Nitơ

Th.S Nguyễn Văn Phương

Nitơ (N) là chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng. N là thành phần chính tạo thành các amino acid, đơn vị cơ bản của tất cả protein, bao gồm cả enzyme (thành phần đóng vai rất quan trọng trong mọi quá trình sinh hóa của cây). N cũng là yếu tố cấu thành các acid nucleic (ADN, ARN – liên quan đến di truyền) và chlorophyll (diệp lục của cây). Bón đạm thừa hoặc thiếu sẽ ảnh hưởng bất lợi đến năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm.

Nếu bón đạm quá nhiều cây sẽ tăng mạnh về sinh khối, tuy nhiên cây không khỏe và dễ bị nhiễm bệnh và sâu hại, đặc biệt là nấm. Việc nhiễm bệnh càng dễ nếu khi cây trồng thiếu các thành phần dinh dưỡng khác như kali. Bón đạm quá nhiều có thể làm giảm chất lượng sản phẩm như hương vị, màu sắc (không như mong muốn), hàm lượng đường trong sản phẩm thấp.

Ngược lại, nếu thiếu N lá sẽ bị vàng hoặc xanh nhạt. Cây thiếu N hàm lượng protein sẽ thấp và hàm lượng đường sẽ cao vì cây không thể chuyển hoá carbon từ đường sang protein do thiếu N để tổng hợp. N có thể di động tốt trong cây. Nếu cây thiếu N, N sẽ ưu tiên di chuyển đến bộ phận non nhất của cây (lá, chồi) và làm cho các lá già thiếu N và bị vàng trước, nếu thiếu N nặng thì những lá trưởng thành sẽ bị già sớm và rụng. 

Triệu chứng thiếu N trên cây cà phê.

Vườn cà phê bị thiếu đạm

Vườn cà phê bị thiếu đạm

Triệu chứng vàng lá do thiếu N thường diễn trên toàn bộ vườn cây. Thiếu đạm cây cà phê sinh trưởng kém, mất cân đối. Với cà phê không có cây che bóng thì toàn cây lá có màu vàng, kích thước lá và chồi bị nhỏ hơn bình thường. Cây cà phê có cây che bóng chỉ có lá già bị vàng. Trường hợp thiếu đạm trầm trọng thì toàn cây bị vàng. Cây cà phê thiếu đạm phát hiện được bằng mắt thì hàm lượng N trong lá thấp, 1,3 – 1,8%.

 

 

 

 

Lá cà phê bị thiếu đạm

 Lá cà phê bị thiếu đạm

Phòng trị: bón phân đạm đầy đủ, cân đối đạm theo nhu cầu của cây tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

            Trường hợp muốn chữa trị nhanh có thể dùng phân urê pha thành dung dịch 0,1 – 0,3% hoặc phân sun phát amôn (SA) với nồng độ 0,3 – 0,5%, phun 2 lần cách nhau 15-20 ngày. Sau đó bổ sung đạm vào đất.

 

 

 

 

 

 

 

Hàm lượng N trong cây cà phê biến động từ 1,5 – 2,0% trọng lượng khô, trong hạt chứa từ 3,5 – 4,5 %. Đạm tham gia cấu thành năng suất từ 32,6 – 49,4%. Cung cấp đủ đạm sẽ giúp cho cây hút các chất khác tốt hơn, đặc biệt là kali.

Để bón phân đạm cân đối, hợp lý và đạt hiệu suất sử dụng cao cho cây cà phê góp phần vào sản xuất cà phê bền vững cần dựa trên cơ sở khoa học. Vấn đề này được các nhà khoa học luôn quan tâm nghiên cứu. Vì, N khi được bón vào đất thì cây trồng và các vi sinh vật không thể đồng hoá đủ nhanh để ngăn cản sự thất thoát do bốc hơi, rửa trôi.

Đối với cây cà phê, chế độ bón phân được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả cao (năng suất cao và tiết kiệm 15-20% chi phí phân bón) thông qua việc phân tích các thành phần dinh dưỡng đất, lá (trong đó có N). Dựa vào hàm lượng N trong đất hoặc lá và năng suất ước tính, các nhà khoa học của WASI có thể khuyến cáo chế bón phân đạm cân đối cho cây cà phê. Ví dụ, kết quả phân tích đất cho thấy hàm lượng N tổng số là 0,15% (đất đỏ bazzan) với năng suất cà phê ước tính 3 tấn nhân/ha thì cần bón lượng phân ure là 470 kg/ha/năm (so sánh với lượng 600 kg thường được sử dụng trong sản xuất đại trà). Vì vậy, việc phân tích đất để đề xuất lượng phân bón cân đối hợp lý là rất cần thiết trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao nhất.