ThS. Nguyễn Văn Long
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây Hồ tiêu
1. Thực trạng tưới nước và bón phân cho cà phê và hồ tiêu
Tưới nước là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng quyết định đến khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng sản phẩm. Theo khuyến cáo của Viện Khoa học Kỹ thuật NLN Tây Nguyên (WASI), đối với cà phê kinh doanh, lượng nước tưới trung bình khoảng 400 – 500 lít/cây/lần và hồ tiêu khoảng 100 – 120 lít. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của đất người dân có thể điều chỉnh lượng nước tưới và chu kỳ tưới cho phù hợp. Tuy nhiên, trong những năm qua, thực trạng lạm dụng nước tưới cho cà phê và hồ tiêu vẫn đang diễn ra. Nông dân sản xuất cà phê vẫn có xu hướng tưới nước với lượng nước rất cao (trung bình cà phê tưới > 700 lít/cây/lần). Đây là yếu tố rất quan trọng làm suy thoái về tài nguyên nước Tây Nguyên.
Hình 1: Tưới phun mưa tại gốc cho cà phê
Phương pháp bón phân qua đất là phương pháp truyền thống được người dân sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, phương pháp này còn nhiều hạn chế: hệ số sử dụng phân bón thấp; thất thoát phân bón lớn, có khi lên tới 30%. Trong điều kiện giá cả thấp, mức đầu tư cho vườn cây cũng bị ảnh hưởng và sự biến đổi của khí hậu đã làm cho cây trồng ngày càng suy yếu, sâu bệnh dễ tấn công, gây hại, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Việc tưới thừa nước cho cây trồng không những không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tăng chi phí sản xuất. Rất nhiều lý do để nông dân tưới thừa nước, trong đó họ nghĩ rằng càng tưới nước nhiều thì năng suất càng tăng. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, đến chừng mực nhất định thì cho dù có tăng lượng nước, năng suất cũng không tăng, ngược lại còn giảm. Mặc khác, tưới thừa nước sẽ gây nên hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng theo chiều sâu vừa làm nghèo dinh dưỡng đất vừa làm tăng chi phí tưới nước (Cao Anh Đương và ctv, 2016; Lê Ngọc Báu, 2010).
Từ những thách thức trên,để đảm bảo canh tác hồ tiêu và cà phê bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đối phó với biến đổi khí hậu, nông dân cần thực hiện theo các khuyến cáo của nhà khoa học và nên áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân qua nước.
2. Các phương pháp tưới nước tiết kiệm phổ biến cho cà phê và hồ tiêu:
Tưới nước tiết kiệm cho cà phê và hồ tiêu bao gồm 2 phương pháp tưới phổ biến: tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel và tưới phun mưa tại gốc theo công nghệ của WASI. Về nguyên lý hoạt động của hai phương pháp tưới là nước được được dẫn bằng các ống chuyên dụng và tưới trực tiếp vào gốc cây.Tuy nhiên, đối với phương pháp tưới phun mưa, nước được tưới phun mưa trên mặt đất. Đây là kỹ thuật tưới được sử dụng phổ biến nhất; nhờ vào chất lượng nước tưới cao và phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây trồng; nước tưới được phân bố đều khắp tán cây tạo điều kiện tiểu khí hậu mát mẻ.
3. Hiệu quả của việc áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm:
– Tiết kiệm nước tưới: Tưới nước tiết kiệm sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho nhu cầu của cây, giảm lượng nước tưới. Nguyên nhân là nước được đưa tới trực tiếp đến bộ rễ cây trồng làm giảm thiểu lượng nước thất thoát (thẩm thấu và bay hơi). Theo nghiên cứu của WASI, tưới phun mưa tại gốc cho cà phê giúp giảm được 20% lượng nước tưới, nhưng năng suất và chất lượng không thay đổi so với tưới truyền thống.
Hình 2:Tưới phun mưa tại gốc cho hồ tiêu
– Tiết kiệm phân bón: Khi sử dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm, người dân sẻ bón phân cho cây thông qua hệ thống tưới. Dưỡng chất được cung cấp đều đặn tới trực tiếp vùng hoạt động của bộ rễ nên làm tăng khả năng hấp thụ phân bón, giảm tổn thất dưỡng chất do bị bay hơi, rửa trôi hay bị cố định trong đất (Nathan, 1997; Vermeiren, 1984). Như vậy, sẽ góp phần giảm thất thoát phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng.Thông thường trung bình cà phê tưới dí khoảng 400 – 500 lít/cây/lần thì 01 ha cần khoảng 1.650 m3 cho cả 3 đợt tưới. Nếu áp dụng hệ thống tưới của WASI chúng ta tiết kiệm được 20% lượng nước tưới tương đương với 330 m3 nước cho 1 ha. Nếu tính cho tổng diện tích cà phê hiện tại (560.000 ha) thì hàng năm tiết kiệm được khoảng 185 triệu m3 nước.
Đối với cây hồ tiêu, nghiên cứu cho thấy bón phân qua hệ thống tưới với lượng phân giảm từ 40 – 50% so với bón đất, làm tăng năng suất hồ tiêu từ 0,2 – 0,7 tấn/ha tương ứng với 4,1 – 14,3% so với bón đất.
Bảng 1: Năng suất hồ tiêu và hiệu quả kinh tế khi bón phân qua hệ thống tưới (Trương Hồng và ctv, 2015)
Vùng |
Công thức |
Năng suất (tấn/ha) |
So sánh % |
Tỷ suất lợi nhuận |
Tây Nguyên |
Đối chứng |
4,9 |
100,0 |
3,25 |
Bón qua hệ thống tưới |
5,6 |
114,3 |
4,13 |
|
Đông Nam Bộ |
Đối chứng |
4,9 |
100,0 |
3,79 |
Bón qua hệ thống tưới |
5,1 |
104,1 |
4,38 |
– Tăng hiệu suất sử dụng phân bón: Hiệu suất sử dụng phân bón khi bón qua hệ thống tưới cho cây tiêu cao hơn so với bón đất. Tại Tây Nguyên bón 1 kg N qua hệ thống tưới thu được 28 kg hạt tiêu, tăng 86,7% so với đối chứng (15 kg); tương tự, bón 1 kg P2O5 thu được 83 kg hạt tiêu, tăng 277,2% so với đối chứng. Hiệu suất sử dụng phân Kali thu được 25 – 26 kg hạt tiêu và tăng 47,1 – 50% so với đối chứng.
Hình 3: Bộ phận bón phân tự động
– Tăng hiệu quả kinh tế: Tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân qua nước giúp tiết kiệm nước tưới và phân bón từ đó giảm chi phí nhân công và vật tư. Cây trồng được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, năng suất cây trồng được cải thiện. Theo nghiên cứu của Phan Việt Hà và ctv (2013) trên cây cà phê cho thấy; trung bình trong 2 năm, mỗi mô hình áp dụng phương pháp tưới phun mưa tại gốc và bón phân qua nước có thể tiết kiệm được về công lao động và chi phí vật tư khoảng 16 triệu đồng/năm. Ngoài ra, lượng nước tiết kiệm được có thể cho phép người dân tưới thêm một lần so với đối chứng, trong trường hợp mùa khô kéo dài.Nghiên cứu về tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân qua nước trên cây cà phê tại Gia Lai cho thấy, mặc dù cả lượng phân và lượng nước tưới giảm 20%; nhưng tỷ lệ rụng quả và năng suất không có sự sai khác có ý nghĩa về mặt thống kê so với công thức bón qua đất và tưới dí (Phan Việt Hà và ctv, 2013).
– Giảm ô nhiễm môi trường đất: Bón phân qua hệ thống tưới không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đóng góp vào việc giảm sự ô nhiễm môi trường đất gây ra bởi hiện tượng dư thừa phân bón và thẩm thấu phân.
Từ những ưu điểm của phương pháp tưới nước tiết kiệm, chúng ta có thể khẳng định đây là một trong những giải pháp kỹ thuật triển vọng và phù hợp với cho cà phê và hồ tiêu trên đặc biệt trồng trên những vùng có điều kiện khí hậu thời tiết bất thuận. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, ngành cà phê và hồ tiêu cần có chương trình, chính sách để khuyến khích nông dân áp dụng giải pháp kỹ thuật này để sản xuất được bền vững, giảm thiểu tác động của môi trường; từ đó tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành hàng.
Tài liệu tham khảo
1. Cao Anh Đương và cộng sự, (2016). Hiệu quả của một số phương pháp tưới nước và bón phân đến năng suất, chất lượng mía vùng Đông Nam Bộ,.
2. Lê Ngọc Báu, (2010). Tưới cho cây cà phê tại Đắk Lắk, Viện KHKTNLN Tây Nguyên.
3. Phan Việt Hà và cộng sự , (2013). Ngiên cứu kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cà phê ở Gia Lai. Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh.
4. Trương Hồng, Đinh Thị Nhã Trúc và cộng sự, (2015). Nghiên cứu thử nghiệm bón phân qua hệ thống tưới cho cây Hồ tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
5. Nathan, R. (1997). Fertilization combined with irrigation, Center for International Agricultural Development Cooperation, State of Israel.
6. Vermeiren, L. (1984). Localized irrigation, FAO, Irrigation and drainage.