Trả lời câu hỏi: THÔNG TIN VỀ BỆNH GỶ SẮT TRÊN CÂY CÀ PHÊ VỐI

ThS. Đào Thị Lan Hoa, CN. Nguyễn Vũ Kỳ

  1. Triệu chứng

Bệnh xuất hiện chủ yếu ở mặt dưới lá cà phê. Ban đầu dưới lá xuất hiện các chấm nhỏ màu vàng nhạt như những giọt dầu, các chấm này phát triển rộng ra và xuất hiện bào tử màu vàng cam, dần dần các vết bệnh này cháy đi, chúng có thể liên kết với nhau tạo thành các vết cháy lớn, dẫn đến việc cháy toàn bộ lá và gây rụng lá. Nếu bệnh gỷ sắt gây hại nặng, cây cà phê có thể bị rụng hết lá dẫn đến hiện tượng khô cành, kiệt sức, năng suất kém và cây chết.

  1. Thời điểm gây hại

Bệnh gỷ sắt xuất hiện phổ biến trên vườn cà phê vào mùa mưa. Bệnh phát sinh bắt đầu khoảng tháng 6, phát triển mạnh vào tháng 11 và đạt đỉnh cao vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau.

Trong mùa khô, bệnh gỷ sắt tồn tại dưới các vết nâu khô, một số lá trên cây vẫn còn bào tử màu da cam nhưng hầu như bệnh không phát triển. Các vết này là nguồn bệnh của năm sau. Nguồn bệnh từ các vết bệnh cũ trên cây nguy hiểm hơn các lá bệnh khô rụng dưới đất.

  1. Nguyên nhân, tác hại

Bệnh gỷ sắt gây hại trên cây cà phê do nấm Hemileia vastatrix Berkeley & Broome gây ra. Đây là loại nấm ký sinh chuyên tính chỉ gây hại trên cây cà phê.

  1. Biện pháp phòng trừ

+ Sử dụng giống kháng bệnh

Trồng các dòng vô tính TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13… đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận. Các dòng vô tính này có khả năng kháng bệnh gỷ sắt cao, năng suất cao, chất lượng hạt cà phê nhân tốt.

+ Biện pháp ghép thay thế giống

Dùng chồi ghép ở các vườn nhân giống vô tính do các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Các dòng vô tính kháng bệnh gỷ sắt, năng suất cao, chất lượng hạt tốt như: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13… để ghép thay giống cà phê bị bệnh gỷ sắt.

+ Biện pháp canh tác

Sự mẫn cảm đối với bệnh gỷ sắt của cây cà ph bị ảnh hưởng mạnh bởi các điều kiện canh tác như mức độ chiếu sáng, năng suất cao và các áp lực sinh lý khác. Do đó, việc cắt cành và bón phân hợp lý để ngăn chặn việc cây cà phê cho quá nhiều năng suất là những yếu tố cần thiết để quản lý bệnh gỷ sắt.

+ Biện pháp thủ công: Trường hợp chỉ có một vài cây cà phê có vết bệnh nặng, có thể cắt bỏ. Thu gom các lá bị bệnh rụng xuống đất và đem ra ngoài tiêu hủy.

+ Biện pháp sinh học

Tạo điều kiện để nấm ký sinh bậc hai Verticillium hemileiae Bouriquet (Verticillium lecanii Zimmerman), Micodiplosis hemilea… phát triển và tiêu diệt nấm gỷ sắt. Nấm này có màu trắng thường xuất hiện ở giữa vết bệnh gỷ sắt, loài nấm này phát triển sau khi lá cà phê bị bệnh gỷ sắt.

Sử dụng thuốc sinh học như: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP)… để phòng trừ. Chỉ phun cây bị bệnh, không phun đại trà các cây không bị nhiễm bệnh. Thời điểm phun: khi bệnh mới chớm phát hiện. Kỹ thuật và số lần phun thuốc: Phun vào dưới mặt lá, phun sương ướt đều các lá trên cây. Phun 2 – 3 lần, theo khuyến cáo của nhà sản xuất trên nhãn thuốc.

+ Biện pháp hóa học

Sử dụng một trong các loại thuốc: Diniconazole (Sumi-eight 12,5 WP, Danico 12.5 WP); Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300 EC); Hexaconazole (Anvil 5 SC); Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750 WG); Propiconazole (Tilt 250 EC)…

Thời điểm phun lần đầu khi cây có 10 % lá bị bệnh. Tùy thuộc vào từng
vùng, thời điểm phun khi bệnh mới chớm phát hiện khoảng từ 1 – 3 tháng sau khi
mưa đầu mùa. Thời điểm phun; Kỹ thuật và số lần phun thuốc tương tự như thuốc sinh học.

Chú ý: Các loại hoạt chất thuốc sinh học, hóa học có thể thay đổi hàng năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định. Tùy thuộc vào việc tham gia cà phê có chứng nhận hay không để lựa chọn các loại thuốc được cho phép sử dụng.

Triệu chứng bệnh gỷ sắt trên lá cà phê vối