Trả lời câu hỏi: bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu

Người hỏi: Nguyễn văn Đạt (địa chỉ xã Buôn Tría, huyện Lăk, tỉnh Đăk lăk)

Câu hỏi: Cây hồ tiêu bị vàng lá, héo rũ, hệ thống rễ tơ và rễ cọc của cây bị thối (có mẫu rễ đem đến), đây là bệnh gì, biện pháp phòng trừ?

Untitled

 

Rễ cọc và rễ tơ của cây hồ tiêu bị thối đen

Người trả lời: ThS. Đào Thị Lan Hoa

Câu trả lời

+ Theo triệu chứng mô tả cây hồ tiêu bị vàng lá, héo rũ; triệu chứng hệ thống rễ tơ và rễ cọc thối thì đây là triệu chứng của bệnh chết nhanh. Nguyên nhân chính là do nấm Phytophthora spp. gây hại.

+ Biện pháp phòng trừ: cần thực hiện các biện pháp như sau

– Kiểm tra và nhổ bỏ những cây hồ tiêu bị bệnh hại nặng, thu gom toàn bộ thân, lá, rễ đem ra ngoài vườn để tiêu hủy.

– Không xới xáo đất ở vùng rễ cây.

– Tiêu thoát nước hợp lý vào mùa mưa. Đầu mùa mưa nên tiến hành vun gốc để tránh đọng nước trong gốc cây hoặc có thể làm rãnh thoát nước (tùy vào địa thế của vườn hồ tiêu).

– Cắt bỏ các cành nhánh mọc sát đất (cắt từ mặt đất lên đến 20 cm) (tiến hành sau khi thu hoạch).

– Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục.

– Bón phân vô cơ cân đối theo độ phì đất, sinh trưởng của vườn cây. Nên lấy mẫu đất phân tích để có cơ sở bón phân hợp lý. Đối với phân đa lượng thì bón theo hình chiếu tán lá cây, nên lấp phân sau khi bón. Cung cấp phân bón trung lượng, vi lượng cho cây hồ tiêu bằng cách phun lên lá hoặc bón, tưới vào đất. Sử dụng theo khuyến cáo ghi trên bao bì. Có thể sử dụng các loại phân như NUPE, DS Gold, HỢP TRÍ Super Humic, Rootwell…

– Bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng đăng ký trên cây tiêu như 1-Naphthylacetic acid (NAA) (Ric 10WP) hoặc các loại phân bón cải tạo đất như Endomycorhiza (Rhizomyx 2,5 G)…. Sử dụng theo khuyến cáo ghi trên bao bì để giúp cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển bộ rễ tốt, hạn chế sự gây hại của nấm bệnh.

– Thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn cây để biết được biễn biến của bệnh hại, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

– Đối với những cây bị nấm gây hại và các cây xung quanh vùng bệnh thì sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ. Xử lý thuốc 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 – 20 ngày. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo trên nhãn thuốc. Chú ý việc xử lý thuốc phải tiến hành trong điều kiện đất đủ ẩm.

Thuốc sinh học trừ nấm bệnh: Trichoderma harzianum (Zianum 1.00 WP); Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP); Trichoderma spp. (Vi ĐK 109 bào tử/g); Chaetomium cupreum (Ketomium 1.5 x 106 cfu/g bột)… Tưới hoặc phun vào gốc và vùng rễ cây. Liều lượng  theo hướng dẫn trên bao bì.    

Thuốc hóa học trừ nấm bệnh: Tưới hoặc phun vào gốc và vùng rễ cây đồng thời phun lên cây. Có thể sử dụng một trong các loại sau theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì: Chlorothalonil + Mandipropamid (Revus opti 440 SC); Dimethomorph (Insuran 50 WG); Fosetylaluminium (Aliette 800 WG); Mancozeb + MetalaxylM (Ridomil Gold 68 WG); Phosphorous acid (Agri – Fos 400 SL)…

Lưu ý: Chỉ sử dụng phân bón lá và thuốc kích thích rễ cho cây hồ tiêu sau khi kết thúc xử lý thuốc trừ bệnh trong thời gian ít nhất 15 ngày. Các loại thuốc trên có thể thay đổi hàng năm, khi sử dụng cần đối chiếu với danh mục thuốc bảo vệ thực vật được Bộ Nông nghiệp cho phép sử dụng trên cây hồ tiêu.