Tình hình thị trường cà phê thế giới năm 2018/2019

          1.Tình hình sản xuất và tiêu thụ

          Theo báo cáo thị trường cà phê của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tổng sản lượng cà phê trên thế giới niên vụ 2018/19 dự kiến sẽ tăng lên 168,77 triệu bao, trong đó Arabica 103,79 triệu bao, chiếm 61% và Robusta 64,98 triệu bao, chiếm 39%. Sản lượng cà phê của 5 nước sản xuất lớn nhất chiếm 73% tổng sản lượng cà phê toàn thế giới.

          Cụ thể, đối với Brazil, sản lượng toàn vụ 2018/19 tăng 18,5% lên 62,5 triệu bao, trong đó xuất khẩu đạt 37,12 triệu bao, tăng 20,6%. Robusta của Brazil đã được phục hồi sau vụ hạn hán trước đó. Thu hoạch vụ mùa cà phê mới 2019/2020 ở Brazil đã hoàn tất. Người dân trồng cà phê lạc quan và hy vọng khi những cơn mưa xuân bắt đầu xuất hiện rải rác ở các vùng trồng cà phê chính. Theo Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao Kinh tế Ứng dụng (Cepea) của Đại học São Paulo, Brazil, thời tiết đang tỏ ra thuận lợi cho vụ bông mới khi đã xuất hiện lượng mưa đáng kể tại vùng trồng cà phê Conilon Robusta chính ở bang Espírito Santo.

          Đối với Việt Nam, ước tính sản lượng năm 2018/19 thấp hơn 1,3% so với vụ trước, còn 30 triệu bao do tình hình thời tiết bất ổn.

          Đối với Colombia, ước tính sản lượng vụ 2018/19 đạt 13,95 triệu bao, cao hơn 1% so với vụ trước. Theo Liên đoàn những người trồng cà phê của nước này, sản lượng từ tháng 10/2018 đến tháng 6/2019 đạt 10,34 triệu bao, giảm 1,1% so với cùng kỳ 2017/18.

          Sản lượng của Indonesia giảm 5,6% còn 10,2 triệu bao trong vụ này.

          Sản lượng của Ethiopia ước đạt 7,5 triệu bao, cao hơn 0,6% so với vụ trước, là nước sản xuất cà phê lớn thứ 5 thế giới.

          Trong khi đó, lượng tiêu thụ trên thế giới niên vụ này dự kiến đạt 164,84 triệu bao, tăng 2,1%, trong đó phải kể đến lượng tiêu thụ của các nước Châu Á và Châu Đại Dương tăng nhiều nhất với 3,6% lên 35,91 triệu bao. Lượng tiêu thụ tại Châu Âu chậm lại, chỉ tăng 1,5% lên 53,97 triệu bao so với mức tăng 2,1% của vụ trước. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tại Bắc Mỹ lại tăng 2,2% lên 30,61 triệu bao. Mức tiêu thụ tại Nam Mỹ tăng 1,1% lên 27,27 triệu bao, tại Châu Phi tăng 3% lên 11,88 triệu bao và tại Mê-hy-cô và Trung Mỹ tăng 0,2% lên 5,21 triệu bao. Trong đó, Ethiopia là nước sản xuất có tỷ lệ tiêu thụ nội địa rất cao. Trong vụ này, lượng tiêu thụ nội địa của nước này ước đạt 3,8 triệu bao, chiếm 50,7% sản lượng dự kiến.

          Mặc dù vậy, dự kiến vụ này thế giới vẫn dư 3,92 triệu bao, đây là vụ thứ hai liên tiếp và tổng lượng dư hai vụ này lên đến 8 triệu bao.

       2. Tình hình xuất khẩu

       ICO cho biết tổng lượng cà phê xuất khẩu của các nước trên thế giới tính từ tháng 10/2018 đến tháng 7/2019 đạt 109,41 triệu bao, tăng 10,2% so với cùng kỳ vụ trước, trong đó Arabica tăng 21,1% đạt 70,51 triệu bao còn Robusta tăng 6,9% đạt 38,9 triệu bao.

       10 tháng đầu vụ này lượng cà phê nhân xuất khẩu chiếm 91,3% tổng khối lượng xuất khẩu với 99,86 triệu bao. Tỷ lệ này thấp hơn 3 thập kỷ trước khi con số đã lên đến 95%. Về lượng cà phê hòa tan xuất khẩu chiếm 8,3% còn cà phê đã rang chỉ chiếm 0,4%, tương đương 9,06 triệu bao cà phê hòa tan và 487,08 ngàn bao cà phê đã rang.

       Có thể kể đến các nước xuất khẩu cà phê nhiều thế giới nhất 10 tháng đầu vụ này như sau:

  • Brazil: 31,83 triệu bao cà phê nhân, tăng 38,4% so với cùng kỳ vụ trước và chiếm khoảng 31,9% tổng lượng cà phê nhân xuất khẩu.
  • Việt Nam: 22 triệu bao cà phê nhân, chiếm 22% tổng lượng cà phê nhân xuất khẩu.
  • Colombia: 10,52 triệu bao cà phê nhân, tăng 7,1% so với cùng kỳ vụ trước.
  • Honduras: 6,29 triệu bao cà phê nhân, giảm 2,3% so với cùng kỳ vụ trước.
  • Uganda: 3,6 triệu bao cà phê nhân, giảm 3,1% so với cùng kỳ vụ trước.
  • Indonesia: tổng cộng 1,425 triệu bao, giảm tới 13,61% so với cùng kỳ vụ trước.

       Các thị trường nhập khẩu cà phê nhân lớn nhất trên thế giới gồm có Hoa kỳ, Đức, Bỉ, Italia và Nhật Bản. Tổng lượng cà phê nhập khẩu của 5 thị trường này chiếm 32,5% tổng lượng cà phê nhân đã xuất khẩu với con số 32,48 triệu bao.

       Về cà phê rang xay: Mexico, Colombia, Việt Nam, Brazil và Cộng hòa Dominica là 5 đại diện xuất khẩu cà phê đã rang lớn nhất trong những nước sản xuất cà phê, chiếm tới 92,7% tổng lượng cà phê đã rang được xuất đi trong 10 tháng đầu vụ này. Trong đó, Mexico xuất 183.832 bao, Colombia 124.560 bao, Việt Nam 116.407 bao (giảm 19,8%), Brazil 15.874 bao (giảm 1,1%), Cộng hòa Dominica 11.054 bao (tăng 45,9%). Hoa kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu cà phê đã rang lớn nhất với thị phần 60%.

       Về cà phê hòa tan: Trong 10 tháng vụ này, Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất với 3,29 triệu bao, tăng 10,7% so với vụ trước. Ấn Độ 1,59 triệu bao, giảm 10,3%. Việt Nam 1,06 triệu bao, tăng 48%. Indonesia 0,99 triệu bao, giảm 20,5%. Mexico 0,674 triệu bao, giảm 6,5%. Những thị trường nhập khẩu cà phê hòa tan lớn nhất là Hoa kỳ, Liên bang Nga, Philippines, Đức và Ba Lan.

       3. Tình hình giá cả

       Theo thống kê của ICO, tháng 7/2019, giá cà phê Arabica bình quân của kỳ hạn tháng 12/2019 và tháng 3/2020 trên sàn New York đạt 109,01 cent/lb, tăng 4,4% so với tháng trước và giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

       Trong khi đó, giá cà phê Robusta bình quân của kỳ hạn tháng 11/2019 và tháng 1/2020 trên sàn London ở mức 1.430 USD/tấn, giảm 0,9% so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước, khiến chênh lệch giữa hai loại cà phê này lên đến 13,2%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hiệp hội Cà phê Cao cao Việt Nam, Báo cáo sơ kết tình hình sản xuất, kinh doanh cà phê 10 tháng niên vụ 2018/19.