TS. Trương Hồng
- Giới thiệu
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên được thành lập theo Quyết định số 930/1997/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ và cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Viện được thực hiện theo Quyết định số 07/1998/QĐ/BNN/TCCB ngày 10 tháng 01 năm 1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Nguồn lực
Lực lượng cán bộ nghiên cứu có chuyên môn cao có vai trò hết sức quan trọng trong nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, nguồn lực cán bộ nghiên cứu của Viện chủ yếu thuộc lĩnh vực trồng trọt, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu phát triển nông nghiệp của vùng, đặc biệt là ở các lĩnh vực ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao: Công nghệ gen, công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản.
a. Số lượng cán bộ: 166, trong đó:
– Tiến sĩ: 12
– Thạc sĩ: 35.
– Đại học: 105
– Cao đẳng và trung cấp kỹ thuật: 12
b. Các bộ môn nghiên cứu
– Bộ môn cây Công nghiệp
– Bộ môn Lâm nghiệp và cây Ăn quả.
– Bộ môn cây Lương thực và thực phẩm
– Bộ môn Bảo vệ thực vật
– Bộ môn Chăn nuôi và Đồng cỏ.
– Bộ môn Hệ thống nông – lâm nghiệp.
– Phòng thí nghiệm Sinh hoá và Công nghệ sinh học
– Phòng thí nghiệm Vi sinh
– Phòng thí nghiệm Nông hóa thổ nhưỡng
c. Các đơn vị nghiên cứu trực thuộc
– Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Cà phê Eakmat
– Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng
– Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Thủy lợi, Nông lâm nghiệp Gia Lai
d. Cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu
+ Đất đai: Hiện tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên có quỹ đất phục vụ nghiên cứu khoảng 300 ha. Quỹ đất này đảm bảo cho việc thực hiện nghiên cứu thí nghiệm, bao gồm việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp (lĩnh vực cây trồng) theo hướng công nghệ cao.
+ Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu: Hiện nay, hệ thống máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao rất hạn chế và không đồng bộ, mang tính chắp vá do thiếu nguồn vốn đầu tư và thiếu định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian qua. Các nghiên cứu của Viện đa số tập trung vào nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao, năng suất chất lượng các loại nông sản trên quy mô vùng. Các thiết bị nghiên cứu đa số là thiết bị cũ và chỉ đáp ứng cho các nghiên cứu ứng dụng thông thường trong nông nghiệp.
e. Hợp tác khoa học – công nghệ trong và ngoài nước
Nhìn chung, hợp tác Quốc tế của Viện còn rất hạn chế, nhất là trong việc nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các hợp tác nghiên cứu chủ yếu trong lĩnh vực nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản như cà phê, ca cao, tiêu, cây ngô…., bao gồm sử dụng phân bón khoáng cho cây trồng, ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật….
Hợp tác Quốc tế cần được đẩy mạnh trong thời gian tới thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu, trao đổi chuyên gia.
Đánh giá chung: Trong thời gian qua việc tập trung nghiên cứu các giải pháp đồng bộ về mặt kỹ thuật cũng như thị trường nhằm phục vụ cho mục tiêu của lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chưa được Viện thật sự quan tâm đúng mức. Cơ sở hạ tầng (phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, thiết bị nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu và chưa đồng bộ, nguồn nhân lực sẵn sàng cho nghiên cứu còn mỏng và chưa được đào tạo một cách bài bản và hệ thống, đặc biệt là cán bộ nghiên cứu về công nghệ sinh học.
- Nhiệm vụ nghiên cứu của Viện trong thời gian qua
Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên là đơn vị đảm nhận vai trò thực hiện các nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực Nông lâm nghiệp ở vùng Tây Nguyên. Các nghiên cứu chủ yếu trên các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, ca cao, tiêu, điều, cây lâm nghiệp và chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp vào sản xuất các mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng cao hiệu quả sản xuất của người dân. Các kết quả nghiên cứu chủ yếu đưa ra các giải pháp kỹ thuật đơn lẻ hoặc đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tăng hiệu quả sản xuất. Hiện trạng của Viện hiện nay là nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp chứ chưa phải là nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
- Định hướng nghiên cứu và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Để phục vụ thiết thực yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, căn cứ vào định hướng phát triển vùng Tây Nguyên, nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, định hướng họat động khoa học theo hướng công nghệ cao của Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tập trung vào các lĩnh vực sau:
a. Trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng
– Thu thập, bảo quản và nghiên cứu khai thác hợp lý nguồn gen của các vật liệu giống cây cà phê, ca cao, hồ tiêu, điều, mac ca, cây dâu tằm; cây ăn quả như bơ, mít v.v…; các giống cây lương thực, thực phẩm, rau, hoa; cây thức ăn gia súc và cây lâm nghiệp phục vụ cho công tác lai tạo, chọn lọc giống và trao đổi vật liệu giống.
– Thu thập, bảo quản và nghiên cứu khai thác các nguồn gen của các giống tằm phục vụ cho công tác lai tạo chọn lọc giống tằm và trao đổi vật liệu giống.
– Chọn lọc các dòng vô tính cà phê vối có năng suất cao (trên 4 tấn nhân/ha); cỡ hạt lớn; chín tập trung; kháng được bệnh gỉ sắt, tuyến trùng hại rễ và có khả năng chịu hạn để giảm lượng nước tưới từ 25 – 30%.
– Lai tạo, chọn lọc các giống cà phê chè có ưu thế lai về năng suất (trên 4 tấn nhân/ha), hạt lớn; bộ tán gọn thích hợp với trồng dày và thâm canh cao; kháng được bệnh gỉ sắt, tuyến trùng hại rễ và có chất lượng nước uống cao.
– Chọn lọc các dòng thuần cà phê chè cho năng suất trên 3 tấn nhân/ha; hạt lớn trên 16 gr/100 hạt; kháng bệnh gỉ sắt, tuyến trùng hại rễ và chất lượng nước uống cao phục vụ cho sản xuất cà phê chè đặc sản, cà phê chè hữu cơ.
– Lai tạo, chọn lọc các dòng vô tính ca cao có tính tự hợp cao, năng suất trên 3 tấn hạt khô/ha; tán gọn thích hợp trồng dày; chống chịu được bệnh Phytophthora hại quả.
– Chọn lọc các dòng vô tính bơ năng suất cao trên 45 tấn quả/ha; chất lượng cao (không xơ, thịt dẻo, hạt bé), đáp ứng yêu cầu thị trường.
– Chọn lọc các dòng vô tính điều cho năng suất cao trên 3 tấn hạt/ha, ít nhiễm sâu bệnh hại.
– Chọn lọc các dòng vô tính cây Macadamia thích hợp cho vùng Tây Nguyên.
– Chọn lọc các dòng vô tính cây mít phục vụ cho chế biến công nghiệp có năng suất trên 60 tấn quả/ha; chất lượng tốt.
– Lai tạo và chọn lọc các giống tằm lưỡng hệ cho năng suất cao, chất lượng tơ tốt, sức sống cao thích hợp với điều kiện Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
– Chọn lọc các giống dâu cho năng suất cao (trên 35 tấn lá/ha); chất lượng tốt; kháng được sâu bệnh hại chủ yếu phù hợp với điều kiện Tây Nguyên và miền Trung
– Chọn lọc các giống cây lương thực, thực phẩm cho năng suất cao; chất lượng tốt thích hợp cho từng vùng sinh thái của Tây Nguyên.
– Chọn lọc các giống cỏ, cây làm thức ăn gia súc, vừa làm thức ăn tươi và vừa làm nguyên liệu chế biến, bảo quản cung cấp cho mùa khô.
b. Trong lĩnh vực nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ.
– Quy trình công nghệ nuôi trồng và sản xuất trứng tằm, giống dâu đạt trình độ tiên tiến.
– Quy trình công nghệ chế biến phân hữu cơ làm phân bón đa dụng, giá thể trồng hoa, rau sạch, ươm cây giống từ vỏ quả cà phê, thân, lõi quả ngô và các phụ phẩm trong nông nghiệp.
– Quy trình công nghệ chế biến, bảo quản thức ăn gia súc từ cây thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm phụ trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến.
– Quy trình công nghệ sản xuất các loại cây giống sạch bệnh; phân bón lá kết hợp chất kích thích ra hoa, đậu quả cho điều, cây Macadamia và cây bơ, nhằm hạn chế sử dụng phân bón vào đất, giảm ô nhiễm môi trường và sâu bệnh hại; chế phẩm tăng khả năng chịu hạn cho cà phê; các thiết bị xác định nhanh tình trạng dinh dưỡng của cây cà phê, hồ tiêu phục vụ cho việc quản lý dinh dưỡng đạt hiệu quả kinh tế và môi trường.
– Quy trình công nghệ thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản đối với quả bơ nhằm cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu.
– Quy trình công nghệ sử dụng enzym trong lên men, phơi sấy, bảo quản ca cao quy mô nhỏ và vừa nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành.
– Quy trình công nghệ ứng dụng enzym trong chế cà phê nhằm hạn chế việc sử dụng nước và ô nhiễm môi trường.
– Quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh Phytophthora hại cây trồng; tuyến trùng hại rễ cà phê, hồ tiêu và rệp sáp.
– Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng chăm sóc và quản lý kỹ thuật tổng hợp (ICM – Intergrated Crop Management) cho cây ca cao, hồ tiêu theo hướng bền vững.
– Nghiên cứu xây dựng quy trình GAP (Good Agricutural Production) cho sản xuất và xuất khẩu quả bơ.
– Nghiên cứu xây dựng quy trình GAP cho sản xuất cà phê chè chất lượng cao, cà phê hữu cơ ở một số vùng sinh thái thích hợp.
– Hoàn thiện qua trình công nghệ nhân giống cà phê nuôi cấy mô với quy mô thương mại.
– Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ (cưa ghép giống mới, cơ cấu tổ hợp từng dòng vô tính, cải tạo đất, cây trồng xen, cây che bóng, tưới nước tiết kiệm, bón phân qua hệ thống tưới v.v..) để cải tạo và phục hồi các vườn cà phê vối già cỗi sau chu kỳ khai thác I.
– Nghiên cứu xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp (IPM – Integrated Pest Management) đối với sâu hại chính trên cà phê (rệp sáp, rệp vảy xanh, tuyến trùng….), điều, ca cao và hồ tiêu.
– Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất cây giống sạch bệnh; quy trình công nghệ ươm cây giống không cần đất (nghiên cứu giá thể); nghiên cứu sản xuất túi bầu ươm sinh học tự hủy hoặc vật liệu bầu ươm thay túi PE và có thể tái sử dụng nhiều lần…..
– Nghiên cứu xây dựng hệ thống kỹ thuật canh tác cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm nhằm phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm và nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng Tây nguyên.
c. Trong lĩnh vực vi sinh và công nghệ sinh học
– Phân lập, nuôi cấy và quy trình công nghệ nhân, bảo quản các chủng vi sinh vật có tính đối kháng, hoặc có khả năng ức chế đối với các loài nấm gây hại cây trồng; vi sinh vật ký sinh, hoặc tác nhân truyền bệnh đối các loại côn trùng, tuyến trùng gây hại cây trồng.
– Nghiên cứu áp dụng công nghệ gen trong việc phân lập các gen kháng bệnh, tuyến trùng, chịu hạn ở cà phê, hồ tiêu v.v… phục vụ cho công tác lai tạo, chọn lọc giống kháng bệnh.
– Nghiên cứu áp dụng công nghệ sinh học trong việc nhân nhanh một số giống lai cà phê chè, cà phê vối, một số loại hoa, cây lâm nghiệp, cây dược liệu quý hiếm v.v…
Các kết quả trong việc sản xuất giống cà phê chè, giống cà phê vối bằng công nghệ nuôi cấy mô, các kết quả nghiên cứu về quy trình công nghệ ghép, quy trình công nghệ sản xuất các loại phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, công nghệ bón phân, các chế phẩm phân bón chuyên dùng, các chế phẩm tăng năng suất điều, chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh hại cho cây trồng, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản… đã và sẽ tạo tiền đề cho việc ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ cao sau này. Ví dụ như sẽ xây dựng vùng trồng cà phê áp dụng nông nghiệp công nghệ cao (trồng theo giống để bố trí lịch thu hoạch; cơ giới hóa trong thu hoạch…;sử dụng các giống chín muộn để đảm bảo mùa vụ thu hoạch rơi vào mùa khô, khi chế biến và phơi sấy không bị ảnh hưởng của thời tiết nên chất lượng đảm bảo; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như trồng cây che bóng, tưới nước hợp lý dựa vào kỹ thuật xác định độ ẩm nhanh của đất, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua hệ thống tưới (Fertigation); bón phân dựa vào độ phì đất và năng suất cây trồng; sử dụng IPM trong phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng tàn dư thực vật làm phân bón…. Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững…
- Một số giải pháp
a. Giải pháp về quản lý
– Sắp xếp lại đội ngủ cán bộ nghiên cứu theo hướng phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao; tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm và chất lượng công việc đối với cán bộ nghiên cứu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
– Chú trọng khâu đánh giá, phân loại cán bộ theo đúng quy định để làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ; tạo nguồn cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao; đặc biệt là cán bộ nghiên cứu khoa học công nghệ cao của Viện.
b. Giải pháp tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu công nghệ cao
– Đề xuất các dự án tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu theo hướng công nghệ cao (hệ thống hồ đập, thủy lợi, nhà kính, nhà lưới….; thiết bị khoa học phục vụ nghiên cứu).
– Tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.
c. Giải pháp về cơ chế
– Có cơ chế động viên và khen thưởng thích đáng các cán bộ nghiên cứu khoa học sáng tạo, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao theo quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tiễn của đơn vị.
– Ưu tiên các nghiên cứu theo hướng công nghệ cao, nghiên cứu tạo sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và mang tính hàng hóa cao./.