Thử nghiệm chế phẩm sinh học SumaGrow trên cây cà phê tái canh tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

ThS. Đỗ Văn Chung; KS. Nguyễn Vũ Kỳ; CN. Hồ Thị Thủy Hằng

Bộ môn Hệ thống Nông Lâm nghiệp

     1. Đặt vấn đề

     Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, sinh trưởng và năng suất cây trồng; gây ra bởi tình trạng hạn hán, sâu bệnh và thay đổi sinh cảnh đồng ruộng; gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

     Tái canh cà phê là một thách thức lớn của ngành cà phê Tây Nguyên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì khó khăn thách thức còn lớn hơn rất nhiều. Muốn phát triển cà phê bền vững thì tất yếu phải có các giải pháp giúp tái canh thành công kể cả trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sụt giảm giá cả.

    Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Thông qua đó xây dựng nền nông nghiệp bền vững bằng cách tăng cường ứng dụng các chế phẩm sinh học để giảm bớt phụ thuộc vào các loại phân hóa học mà không làm giảm năng suất cây trồng. Ở Tây Nguyên những nỗ này đang được các nhà khoa học, các doanh nghiệp ưu tiên triển khai trên cây cà phê.

     Chính vì vậy, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) triển khai thử nghiệm chế phẩm sinh học SumaGrow trên cây cà phê tái canh tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

     2. Mục tiêu nghiên cứu

     2.1. Mục tiêu chung

     Đánh giá hiệu lực của chế phẩm SumaGrow [[1]]  trên cây cà phê tái canh.

     2.2. Mục tiêu cụ thể

     – Đánh giá và lựa chọn ngưỡng phun (bón) phù hợp cho cây cà phê tái canh.

     3. Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu

     3.1. Đối tượng và địa điểm nghiên cứu

     – Đối tượng: Cây cà phê tái canh (trồng năm 2013).

     – Quy mô: 0,5 ha

     – Địa điểm: Khu thực nghiệm của WASI.

     – Thời gian: Từ tháng 7/2014  đến tháng 12/2015

     3.2. Nội dung nghiên cứu

     – Đánh giá hiệu lực chế phẩm SumaGrowđối trên cà phê vối tái canh (cà phê KTCB).

     – Xác định một số chỉ tiêu dinh dưỡng đất cà phê trước và sau 3 năm tái canh.

     – Theo dõi tỷ lệ cây vàng lá thối rễ, mật số tuyến trùng trong mẫu đất, mẫu rễ.

     3.3. Phương pháp nghiên cứu

     – Bố trí thử nghiệm theo kiểu ô lớn, không lặp lại gồm 2 công thức:

     + CT1: Đối chứng (không dùng chế phẩm SumaGrow), bón phân hóa học (120N + 100P2O5 + 100K2O)kg/ha.

     + CT2: Sử dụng chế phẩm SumaGrow, giảm 50 % lượng phân hóa học ở trên

     (Phun 1,1 lít chế phẩm SumaGrow trên diện tích 0,25 ha. Phun 05 lần (tháng 9/2014; 12/2014; 03/2015; 6/2015; 8/2015). Phun 20 % trên lá và 80 % dưới đất xung quanh tán. Tương ứng với 4,4 lít chế phẩm/1 ha/1 lần phun), (60 N – 50 P2O5 – 50 K2O) kg/ha + SumaGrow (22 lít/ha).

     – Mẫu đất lấy ở 5 điểm, độ sâu 0 – 30 cm, mỗi điểm lấy khoảng 200 – 250 g đất. Mẫu đất được lấy trước và sau khi tiến hành thử nghiệm, phân tích tại phòng Phân tích Nông hóa – WASI. Các chỉ tiêu phân tích gồm:

     + pHKCl: Đo trên pH-meter.

     + Lân dễ tiêu: Phương pháp Bray II.

     + Kali dễ tiêu: phân tích bằng máy hấp thụ nguyên tử (AAS).

     + Chất hữu cơ (HC): Phương pháp Walkley-Black.

     + Đạm tổng số (N%): Phương pháp Kjeldahl.

     3.4. Các chỉ tiêu theo dõi

      – Về sinh trưởng:

     + Đường kính gốc: Được đo cách gốc 10 -15cm.

     + Số cặp cành: Đếm tất cả các cặp cành trên cây.

     + Dài cành: Đo 4 cành dài nhất theo 4 hướng.

     + Chiều cao cây: Đo từ mặt đất đến đỉnh ngọn.

     – Độ phì đất theo dõi 5 chỉ tiêu: pHKCl, HCts, Nts, P2O5 và K2O dễ tiêu.

     – Tình hình vàng lá do thối rễ: Quan trắc toàn bộ số cây từng ô công thức.

Tỷ lệ cây vàng lá (chết) (%)  =

S cây vàng lá (chết)

x 100

S số cây

     4. Kết quả nghiên cứu

     4.1. Hàm lượng dinh dưỡng đất trước và sau thử nghiệm

     Bảng 1. Kết quả phân tích độ phì đất trước và sau thực hiện thử nghiệm

Thời điểm lấy mẫu

pHKCl

HC ( %)

N (%)

P2O5

K2O

Trị
số

Nhận
xét

Trị
số

Nhận
xét

Trị
số

Nhận
xét

Trị
số

Nhận
xét

Trị
số

Nhận
xét

Tr.TN

4,22

Rất chua

4,75

Giàu

0,22

Giàu

13,27

Giàu

6,46

Nghèo

Sa.TN-ĐC

3,70

Rất chua

4,37

Giàu

0,16

TB

11,70

Giàu

17,57

TB

Sa.TN-Su

3,89

Rất chua

5,28

Giàu

0,20

TB

12,26

Giàu

20,18

TB

     Qua bảng 1 cho thấy, sau một năm thử nghiệm, pHKCl của đối chức thấp hơn so với nghiệm thức phun chế phẩm SumaGrow.

     – So với trước thí nghiệm, hàm lượng HCts ở đối chứng giảm 0,08%, ngược lại ở nghiệm thức phun chế phẩm SumaGrow tăng 0,53%.

     – Riêng hàm lượng lân dễ tiêu ở đối chứng và thí nghiệm đều giảm từ 1,01 – 1,57%. Tuy nhiên đối với kali dễ tiêu ở đối chứng và thí nghiệm đều tăng so với trước thi nghiệm từ 11,11 – 13,72%. Vì vậy đã chuyển lượng kali dễ tiêu từ mức nghèo (trước thí nghiệm) đến mức trung bình (sau 12 tháng thí nghiệm).

     Như vậy, bước đầu cho thấy phun chế phẩm SumaGrow thay thế 50% lượng phân vô cơ không ảnh hưởng đến HCts của đất, mà một số chỉ tiêu dinh dưỡng đất có chiều hướng tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng phát triển của cây cà phê.

     4.2. Ảnh hưởng của chế phẩm SumaGrow tới khả năng sinh trưởng của cà phê

Bảng 2.  Ảnh hưởng của chế phẩm SumaGrow tới sinh trưởng cà phê tái canh sau 12 tháng sử dụng

Chỉ tiêu theo giỏi

Sử dụng Suma Grow

Đối chứng

Chiều cao

120

120

Đường kính gốc

4,26

3,95

Số cặp cành

22,63

21,65

Chiều dài cành

93,24

89,49

     Phân hạng thống kê theo T-test không khác biệt có ý nghĩa ở mức ý nghĩa a = 0,05

     Bảng 2 cho thấy, sau 12 tháng sử dụng chế phẩm Suma Grow (tháng 9/2014 – 9/2015), các chỉ tiêu sinh trưởng chưa khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức a = 0,05

     Tuy nhiên, ở công thức phun chế phẩm Suma Grow có su hướng sinh trưởng và phát triển có phần vượt trội về đường kính gốc, số cặp cành và chiều dài cành.

     4.3. Ảnh hưởng của chế phẩm SumaGrow đến tỷ lệ vàng lá do thối rễ

     Bảng 3. Tỷ lệ cây vàng lá do thối rễ tại các thử nghiệm (%)

Thời điểm quan trắc

CT1 (Đối chứng)

CT2 (Xử lý SumaGrow)

Đợt 1 (tháng 11/2014)

1,81

1,09

Đợt 2 (tháng 9/2015)

0,70

0,00

     Bảng 3 cho thấy, tỷ lệ cây vàng lá do thối rễ ở nghiệm thức phun chế phẩm SumaGrow thấp hơn so với đối chứng, đặc biệt ở công thức phun SumaGrow đã không còn thấy cây bị vàng lá do thối rễ. Bước đầu cho thấy phun chế phẩm SumaGrow cho cà phê tái canh đã kiểm soát tốt bệnh vàng lá do thối rễ, đây là một tính năng nông học rất quan trọng trong tái canh cà phê cần nghiên cứu đầy đủ để có kết luận chặt chẽ.

     5. NHẬN XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ

     5.1. Nhận xét

     – Phun chế phẩm SumaGrow và giảm 50% phân vô cơ trên cà phê tái canh, không những ổn định độ phì đất, mà còn có chiều hướng gia tăng một số chỉ tiêu dinh dưỡng đất (hữu cơ tổng số, kali dễ tiêu) phù hợp với nhu cầu của cây cà phê.

     – Phun SumaGrow và giảm 50% phân vô cơ trên cà phê vối tái canh; sinh trưởng của cây cà phê không khác biệt có ý nghĩa thống kê so với đối chứng; nhưng về xu thế phun SumaGrow vượt trội về đường kính gốc và chiều dài cành.

    – Bước đầu cho thấy phun SumaGrow cho cà phê tái canh đã kiểm soát tốt bệnh vàng lá do thối rễ..

      5.2. Đề nghị

     – Tiếp tục theo dõi đánh giá hiệu lực chế phẩm SumaGrow trên cây cà phê tái canh để có những kết luận khoa học đầy đủ và chính xác hơn.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan Việt Hà, Đỗ Văn Chung và cộng sự, Xây dựng mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cây cà phê tái canh tại Đăk Nông,
  2. Trần Kim Loang, Nguyễn Xuân Hòa, nghiên cứu ứng dụng thực tế quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và một số giải pháp nông học để nâng cao năng suất cà phê bền vững ở Đắk Lắk. Kết quả nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên,
  3. Trương Hồng và CTV, hiệu quả của phân kali liên quan đến bón phân cân đối,
  4. Trương Hồng, nghiên cứu tổ hợp phân bón khoáng NPK cho cà phê vối trên đất nâu đỏ bazan Đăk Lăk và đất xám gneiss Kon Tum. Luận án Tiến sĩ Nông nghiệp, 2000.
  5. Integrated Crop Management – Alberta Agriculture Research Institute, 9/2004.
  6. Kevin Erb and Jim Hunt, Water Quality Demonstration Project East River Integrated Crop Management: A pilot project 1991-1994 Water Quality Demonstration Project-East River and US Department of Agriculture Soil Conservation Service, 1150 Bellevue, Green Bay, WI 54302 (414) 391-4610.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH THỬ NGHIỆM TẠI MÔ HÌNH

   

CT1 (Đối chứng bón 100% vô cơ)

CT2 (Sử dụng SumaGrow giảm 50% vô cơ)

   

Hòa chế phẩm SumaGrow

Phun lá và gốc chế phẩm SumaGrow

[1] Ghi chú: Thành phần chế phẩm SumaGrowdung dịch gồm 60,52% hữu cơ (acid humic, acid ulmic và acid fulvic) và hơn 30 loại vi khuẩn và nấm khác nhau, với mật độ 109 CFU/ml. Trong dung dịch có thêm các nguyên tố: Calcium, magie, kẽm, sắt, mangan,…