Nguyễn Quang Ngọc, Phan Võ Ngọc Quyền – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây Hồ tiêu
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cà phê và mía là những cây trồng trọng điểm của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Nhưng cùng với sự gia tăng về diện tích cũng như đẩy mạnh mức độ thâm canh đối với 2 loại cây trồng này là sự xuất hiện ngày càng nhiều các loài sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, đặc biệt là ve sầu hại cà phê và xén tóc hại mía đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của hai loại cây trồng này. Các biện pháp phòng trừ được người nông dân áp dụng đối với hai loài sâu hại kể trên chủ yếu là dùng thuốc hóa học. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc hóa học chưa mang lại hiệu quả; thêm vào đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đã có rất nhiều những nghiên cứu và ứng dụng nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ côn trùng hại cây trồng. Đây là một hướng đi được nhiều nhà khoa học quan tâm bởi vì: Việc sử dụng chế phẩm sinh học nói chung và chế phẩm nấm M. anisopliae nói riêng đang ngày càng có hiệu quả tích cực trong việc phòng trừ dịch hại và thân thiện với môi trường sinh thái. Để góp phần giải quyết những yêu cầu của thực triễn nói trên đề tài tiến hành nghiên cứu “Thử nghiệm chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ ve sầu hại cà phê và xén tóc hại mía trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Mục tiêu của đề tài
Ứng dụng chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ ve sầu hại cà phê, xén tóc hại mía với hiệu quả cao, thân thiện môi trường.
2.2. Nội dung nghiên cứu
– Đánh giá hiệu lực của chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae.
– Đánh giá khả năng lưu tồn của nấm Metarhizium anisopliae.
2.3. Vật liệu nghiên cứu
– Chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae, dạng bột dễ hòa tan.
2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.1. Đánh giá hiệu lực của chế phẩm M. anisopliae
a. Đối với ve sầu hại cà phê
Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm gồm 4 công thức, bố trí theo kiểu ô lớn không lặp lại, mỗi ô cơ sở 1000 m2 (các công thức: xử lý 2,00; 2,50; 3,00 kg chế phẩm và đối chứng (không xử lý chế phẩm)).
b. Đối với xén tóc hại mía
Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm gồm 4 công thức, bố trí theo kiểu ô lớn không lặp lại mỗi ô cơ sở 500 m2 (các công thức: xử lý 1,00; 1,25; 1,50 kg chế phẩm và đối chứng (không xử lý chế phẩm)).
c. Các chỉ tiêu theo dõi
– Tỷ lệ (%) ve sầu/xén tóc bị chết do nhiễm nấm M. anisopliae
– Hiệu lực của chế phẩm: được tính theo công thức Henderson- Tilton
2.4.2. Đánh giá khả năng lưu tồn của nấm M. anisopliae trên đồng ruộng
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Hiệu quả sử dụng chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae
3.1.1. Hiệu quả phòng trừ ve sầu hại cà phê
a. Ảnh hưởng của chế phẩm nấm Metarhizium anisoplaie đến tỷ lệ chết của ve sầu
Bảng 1. Tỷ lệ ve sầu chết (%)
Ghi chú: Công thức 1: xử lý 2,00 kg chế phẩm; Công thức 2: xử lý 2,50 kg chế phẩm; Công thức 3: xử lý 3,00 kg chế phẩm, Công thức 4: đối chứng (không xử lý chế phẩm)
Sau khi phun chế phẩm vào các thời điểm 25 và 30 ngày, tỷ lệ ve sầu chết do nhiễm nấm M.anisopliae ở các công thức nghiên cứu (có phun) có sự khác biệt rõ rệt so với công thức đối chứng và đều có sai khác ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05).
b. Hiệu lực phòng trừ ve sầu của chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae
Bảng 2. Hiệu lực của chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae đối với ve sầu (%)
Ghi chú: Công thức 1: xử lý 2,00 kg chế phẩm; Công thức 2: xử lý 2,50 kg chế phẩm; Công thức 3: xử lý 3,00 kg chế phẩm, Công thức 4: đối chứng (không xử lý chế phẩm)
Hiệu lực phòng trừ ve sầu của nấm Metarhizium anisopliae đạt khá cao, hiệu lực trung bình hai năm biến động từ 38,96 % đến 58,13 % và cao nhất sau 30 ngày phun chế phẩm.
c. Năng suất cà phê thực thu của các công thức thí nghiệm
Năng suất cà phê của các công thức nghiên cứu đã có sự chênh lệch, tại các công thức có phun chế phẩm năng suất trung bình hai năm cao hơn công thức đối chứng (không phun) và tăng dần theo nồng độ phun chế phẩm. Điều đó cho thấy rằng việc phun chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae không những gây nhiễm và làm chết ve sầu mà còn gián tiếp làm năng suất cà phê.
3.1.2. Hiệu quả phòng trừ xén tóc hại mía
a. Ảnh hưởng của chế phẩm Metarhizium anisopliae đến tỷ lệ chết của xén tóc
Bảng 3. Tỷ lệ Xen tóc chết (%)
Ghi chú: Công thức 1: xử lý 1,00 kg chế phẩm; Công thức 2: xử lý 1,25 kg chế phẩm; Công thức 3: xử lý 1,50 kg chế phẩm, Công thức 4: đối chứng (không xử lý chế phẩm)
Năm 2010, tỷ lệ xén tóc chết do nhiễm nấm Metarhizium anisopliae bằng 0. Nguyên nhân chủ yếu là do xén tóc thường nằm sâu trong gốc mía, thân cây và thân ngầm nên khả năng tiếp xúc, lây nhiễm của nấm rất khó.
Thí nghiệm năm 2011 với những thay đổi trong phương pháp xử lý đã có xén tóc nhiễm nấm. Tuy nhiên tỷ lệ rất thấp và có sự chênh lệch giữa các công thức nghiêm cứu (nhưng không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05).
Như vậy, khả năng lây nhiễm cũng như hiệu lực phòng trừ của nấm M. anisopliae đối với xén tóc hại mía là rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu theo nhóm nghiên cứu đánh giá là do: xén tóc ở giai đoạn sâu non thường sống và gây hại ở giữa gốc mía và bên trong thân cây mía, nên việc xử lý gặp trở ngại. Bên cạnh đó, ẩm độ không khí trong ruộng mía giai đoạn đẻ nhánh, vươn lóng thấp làm giảm mật độ nấm sau khi xử lý chế phẩm trên đồng ruộng, ảnh hưởng đến tỷ lệ nấm tiếp xúc với xén tóc.
3.2. Khả năng lưu tồn của nấm M. anisopliae trong đất sau khi phun chế phẩm
3.2.1. Thí nghiệm phòng trừ ve sầu hại cà phê
Bảng 4. Mật độ bào tử nấm Metarhizum anisopliae trong đất (CFU/g)
Ghi chú: Công thức 1: xử lý 1,00 kg chế phẩm; Công thức 2: xử lý 1,25 kg chế phẩm; Công thức 3: xử lý 1,50 kg chế phẩm, Công thức 4: đối chứng (không xử lý chế phẩm)
Sau khi xử lý chế phẩm 30 ngày, mật độ bào tử nấm Metarhizium anisopliae lưu tồn trong đất của các công thức nghiên cứu rất cao, biến động trong khoảng (5,4 x 105 – 6,0 x 105 cfu/g). Việc nấm Metarhizium anisopliae tồn lưu trong đất là vô cùng quan trọng, đây là nguồn nấm để có thể tiếp tục lây lan và gây nhiễm trên những đối tượng còn sống và hạn chế sự phát triển trở lại của ve sầu.
3.2.2. Thí nghiệm phòng trừ Xén tóc hại mía
Bảng 5. Mật độ bào tử nấm Metarhizum anisopliae trong đất (CFU/g)
Ghi chú: Công thức 1: xử lý 1,00 kg chế phẩm; Công thức 2: xử lý 1,25 kg chế phẩm; Công thức 3: xử lý 1,50 kg chế phẩm, Công thức 4: đối chứng (không xử lý chế phẩm)
Kết quả phân tích thí nghiệm năm 2010 không tìm thấy sự tồn tại của nấm Metarhizium anisopliae trong đất ở các công thức nghiên cứu. Tuy nhiên kết quả phân tích thí nghiệm năm 2011 cho thấy đã có sự lưu tồn của nấm Metarhizium anisopliae trong đất ở các công thức nghiên cứu sau khi xử lý chế phẩm nhưng mật độ bào tử nấm ở mức thấp, dao động trong khoảng (3,8 x 103 – 4,4 x 103cfu/g).
Sở dĩ khả năng lưu tồn của nấm trong đất trồng cà phê cao hơn đất trồng mía là do nguồn hữu cơ (C, N), hàm lượng kitin trong đất trồng cà phê dồi dào (số lượng ve sầu là nguồn cơ chất chủ yếu cho nấm phát triển trong đất trồng cà phê tại các lô thí nghiệm rất nhiều). Mặt khác tại thời điểm xữ lý chế phẩm, ẩm độ đất trồng cà phê cũng cao hơn đất trồng mía, do đó khả năng sinh trưởng, phát sinh bào tử nấm trong đất trồng cà phê cao hơn đất trồng mía.
4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
4.1. Kết luận
4.1.1. Thí nghiệm phòng trừ ve sầu hại cà phê
– Số lượng ve sầu chết do nhiễm nấm M. anisopliae ở các công thức thí nghiệm là khá cao và có sự khác biệt so với đối chứng.
– Hiệu lực phòng trừ của nấm Metarhizium anisopliae đối với ve sầu khá cao.
– Năng suất cà phê của các công thức thí nghiệm tăng.
– Mật độ bào tử nấm M. anisopliae lưu tồn trong đất cao.
4.1.2. Thí nghiệm phòng trừ xén tóc hại mía
– Ảnh hưởng của nấm M. anisopliae đến tỷ lệ chết của xén tóc và hiệu lực phòng trừ xén tóc chưa rõ ràng.
– Mật độ bào tử nấm lưu tồn trong đất rất thấp.
4.2. Đề nghị
– Khuyến cáo sử dụng chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae với liều lượng từ 2,50 – 3,00 kg/1000 m2 để phun phòng trừ ve sầu hại cà phê trên đồng ruộng. Tuy nhiên chỉ sử dụng chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ ve sầu ở những vườn cà phê bị ve sầu gây hại.
– Tiếp tục thử nghiệm chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ xén tóc hại mía để có cơ sở khoa học cho những kết luận chính xác hơn.