TS. Trương Hồng
(i) Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng sản phẩm
Biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp đến sự thay đổi về quy luật thời tiết vốn đã diễn ra và lặp đi lặp lại nhiều năm vào thời kỳ trước những năm 1990, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm của cà phê. Tác động của BĐKH gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Mưa lũ xuất hiện với tần suất ngày càng cao làm tăng nguy cơ, mức độ rủi ro sản xuất cao hơn (xói mòn, rửa trôi đất, quả cà phê bị rụng, sâu bệnh hại phát triển, sinh trưởng bị hạn chế….). Bên cạnh đó, những đợt hạn hán trầm trọng kéo dài cũng đe dọa ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, sản lượng cà phê do tỷ lệ rụng quả tăng, trọng lượng nhân giảm; cà phê bị vàng lá, rụng lá và khô cành; tỷ lệ hoa bị thui cao; tỷ lệ đậu quả thấp…. Biến động của yếu tố nhiệt ẩm và các yếu tố khí hậu thời tiết khác cũng khiến sức đề kháng của cây cà phê giảm, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân sâu bệnh hại phát triển bùng phát như rệp sáp, bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng và nấm trong đất gây hại vào những năm 2000 – 2005.
Năm 1998, hiện tượng khô hạn xảy ra nghiêm trọng ở Tây Nguyên đã làm giảm năng suất cà phê so với năm 1997 và 1999 từ 20 – 30%; chất lượng cà phê nhân giảm, cụ thể tỷ lệ hạt trên sàng 16 giảm 45 – 50% so với các năm có lượng mưa bình thường. Ngoài ra trong năm 1998 do hạn nặng nên số lần tưới cho cà phê đã tăng lên trung bình từ 3 lần lên 5 lần, từ đó làm tăng chi phí và tăng khí phát thải nhà kính.
Năm 2009, 2010 nhiệt độ cao hơn các năm trước, nắng nóng kéo dài làm khô hạn rất nhiều nơi trên khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã làm cho năng suất cà phê giảm khoảng 15 – 25 % so với các năm trước.
Niên vụ 2013-2014, do hạn hán kéo dài trong những tháng đầu năm khiến cho 45.000 ha cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có khoảng 5.000 ha bị mất trắng. Bệnh gỉ sắt bùng phát và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại một số huyện ở tỉnh Lâm Đồng. Chưa kể mưa đá làm cho trái non bị rụng nhiều. Còn tại Sơn La có 3 đợt rét đậm, rét hại và sương muối hồi cuối năm ngoái làm cho 1.300 ha cà phê bị ảnh hưởng. Rét cũng ảnh hưởng đến khu vực Tây Nguyên làm cho lá cà phê bị rụng, hiện tượng “hoa chanh” cà phê xuất hiện với tỷ lệ khá cao từ 20 – 30 % dẫn đến tỷ lệ nở hoa thấp, ảnh hưởng đến năng suất cà phê thu hoạch.
Năm 2016, từ tháng 1 đến tháng 6, tình trạng khô hạn khốc liệt diễn ra trên diện rộng, đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm trên 100.000 ha cà phê do không đủ nước tưới; nghiêm trọng nhất là ở Đăk Lăk và Gia Lai với gần 40% diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi thiếu nước tưới (VICOFA, 2016). Một số diện tích cà phê bị chết không thể khôi phục được.
Lượng mưa bình quân có xu hướng thay đổi, đặc biệt là từ tháng 4 – 7 giai đoạn cây cà phê cần nhiều nước để đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng cây và phát triển của quả cà phê. Song gần đây vào các tháng này, lượng mưa có xu hướng thấp, tần suất mưa ít, gây thiếu nước, cây không thể hấp thu dinh dưỡng đầy đủ để đáp ứng cho nhu cầu nuôi quả, làm quả cà phê bị khô và rụng, hoặc nhân nhỏ, dẫn đến thiệt hại về năng suất và giảm chất lượng cà phê nhân. Năm 2015 lượng mưa bình quân năm chỉ bằng 60% so với bình quân nhiều năm và là năm có mức độ hạn khốc liệt nhất trong những năm trở lại đây. Do tác động của hiện tượng El Nino cũng đã làm cho kích cỡ hạt cà phê nhân giảm so với năm 2013 khoảng 30%, đặc biệt là ở vùng khô hạn nặng thì giảm đến 45%. Như vậy biến đổi khí hậu cũng đã góp phần làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới cho cà phê, vì thế ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Trong thực tế, việc phân bố lượng mưa không đều, tổng lượng mưa năm sụt giảm, điều kiện khí hậu khắc nghiệt gia tăng trong mùa khô đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp bền vững ở Tây Nguyên, đặc biệt là đối với cây cà phê. Ảnh hưởng rõ nét nhất là hiện tượng mùa mưa kết thúc sớm làm cho cây cà phê phân hóa mầm hoa sớm, kết hợp với các cơn mưa muộn (tháng 12) làm cho cây cà phê nở hoa sớm và không tập trung ảnh hưởng đến năng suất và kéo dài mùa khô.
Sự thay đổi về thời tiết, nhất là phân bố mưa, lượng mưa ở Tây Nguyên trong vòng 10 năm trở lại đây là rất rõ. Tần suất xuất hiện mưa vào các tháng 12, 1 là khá phổ biến. Điều này đã làm cho các loại cây trồng như điều, cà phê gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn thụ tinh. Cà phê sau một thời gian khô cùng với nhiệt độ giảm đã phân hóa mầm hoa, khi tưới nước đầy đủ, thì hoa nở, những nhiều khi gặp mưa phùn thì quá trình thụ tinh trở ngại (do phấn không tung được), tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Hoặc đầu mùa khô, xuất hiện một đợt mua phùn làm hoa cà phê nở lai rai, nhưng tỷ lệ đậu quả cũng thấp cũng làm ảnh hưởng đến năng suất và thu hoạch sau này. Vào những tháng cuối năm 2015, 2016 do có những cơn mưa nhỏ bất thường cũng đã làm cho hoa cà phê nở ở nhiều vùng như Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, một số nơi tỷ lệ hoa nở lên đến 20 %, gây khó khăn cho sản xuất cà phê của nông dân.
Sự thay đổi về thời tiết có xu hướng nóng lên cũng làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và khó dự báo. Rệp sáp hại cà phê đã thành dịch vào những năm 2000 – 2003, bệnh vàng lá do tuyến trùng và nấm đối với cà phê (2000 – 2004), ve sầu hại rễ cà phê (2007 – 2009), bọ xít muỗi gây hại cà phê chè ở Lâm Đồng (2016 – 2017), đã làm thiệt hại đến năng suất và chất lượng sản phẩm đáng kể.
Sự nóng lên do bức xạ nhiệt tăng thì nhu cầu nước của cây cà phê cũng tăng lên, vì vậy yêu cầu về lượng nước tưới sẽ tăng trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ là thách thức cho sản xuất nông nghiệp nói chungtrong thời gian tới. Chí phí đầu tư để thu được 1 đơn vị sản phẩm tăng, đồng nghĩa với thu nhập giảm và đời sống của người nông dân càng khó khăn hơn.
(ii) Diện tích cà phê già cỗi ngày càng gia tăng
Theo tính toán của WASI, 2017 thì diện tích cà phê trên 20 năm tuổi của Việt Nam (tính đến năm 2016) có khoảng 198.000 ha chiếm 30,8 % tổng diện tích. Trong vòng 7 năm trở lại đây (2010 – 2016) đã có khoảng 79.000 ha cà phê già cỗi đã được tái canh. Như vậy diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế và chuyển đổi tiếp tục trong những năm tới hơn 120.000 ha. Trong 5-10 năm tiếp theo (2017 – 2026) sẽ có khoảng 140.000 – 160.000 ha già cỗi trên 20 năm tuổi phát sinh do trồng vào giai đoạn 1996 đến 2006. Điều này sẽ là thách thức lớn trong sản xuất cà phê. Sau năm 2026, ước diện tích cà phê già cỗi sẽ tăng thêm 100.000 ha và do vậy tái canh vẫn phải được tiếp tục để đảm bảo sản lượng và giữ vững vị thế xuất khẩu của cà phê Việt Nam. Tuy nhiên với diện tích tái canh được trồng thay thế bằng bộ giống cà phê mới sẽ là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất và cải tiến chất lượng cà phê; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới.
Biểu đồ 15. Tỷ lệ diện tích cà phê trên 20 năm tuổi của Việt Nam tính đến thời điểm năm 2016
Nguồn: WASI, 2016
Biểu đồ 16. Diện tích cà phê già cỗi từ năm 2016 đến 2031
Nguồn: WASI, 2017
(iii) Diện tích cà phê phát triển ngoài quy hoạch có xu hướng tăng
Tốc độ gia tăng diện tích cà phê Việt Nam nhanh trong một thời gian ngắn, đặc biệt là các giai đoạn giá cà phê tăng cao là nguyên nhân làm tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch.
Từ năm 1975 đến năm 1995, tốc độ tăng diện tích trung bình/năm là 8.650 ha; giai đoạn 1995 – 2000 tốc độ gia tăng diện tích cà phê Việt Nam tăng nhanh kỷ lục, đạt trung bình 75.200 ha/năm. Nguyên nhân của sự gia tăng mạnh này là do giai đoạn này giá cà phê tăng cao (năm 2014, 2015), người sản xuất cà phê thu được lợi nhuận rất lớn, không có loại cây trồng nào có thể sánh được; do vậy nông dân đã trồng cà phê bằng mọi giá, ở bất cứ vùng đất nào có thể. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2015, tốc độ gia tăng diện tích cà phê Việt Nam chậm lại, bình quân đạt 5.548 ha/năm. Đặc biệt giai đoạn từ 2000 đến 2005 do giá cà phê bị giảm mạnh, chỉ còn 3.000 – 4.000 đ/kg nhân nên sản xuất cà phê bị thua lỗ nặng, nhiều nông dân đã chuyển diện tích cà phê sang trồng các loại cây khác. Giai đoạn này diện tích cà phê đã giảm 64.600 ha; trung bình 1 năm giảm 12.920 ha. Sau năm 2005, giá cà phê phục hồi, do vậy diện tích cà phê tăng trở lại. Chỉ tính riêng năm 2007, toàn Tây Nguyên đã trồng mới gần 20.000 ha. Diện tích cà phê trồng mới tăng mạnh nhưng những diện tích này phần lớn không nằm trong vùng quy hoạch, hơn nữa hiện hầu hết những diện tích đất nông nghiệp thuận lợi cho sản xuất cà phê đã hết, do vậy để trồng mới cà phê người dân buộc phải trồng tại những vùng đất kém màu mỡ, đất bạc màu không thích hợp cho cà phê phát triển như tầng đất mỏng, độ dốc lớn, không có nguồn nước tưới…thậm chí không loại trừ nhiều diện tích cà phê trồng mới là đất rừng do người dân lấn chiếm do vậy chất lượng, năng suất cà phê sẽ không thể đảm bảo.
(iv) Chi phí tái canh cao và đối mặt nguy cơ sâu bệnh hại
Diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh ngày càng gia tăng. Theo ước tính của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong vòng 15 năm tới tính từ năm 2017 thì diện tích cà phê cần phải tái canh là 250.000 ha. Tuy nhiên chi phí cho tái canh khá cao, đặc biệt là khâu xử lý đất, bón lót phân chuồng theo quy trình tái canh cà phê (ban hành năm 2016), phòng trừ bệnh phát sinh từ đất do tuyến trùng và nấm gây ra…. Tất cả chi phí kể từ khi khai hoang, rà rễ, xử lý đất, bón lót, chuẩn bị giống trồng, phòng trừ nấm bệnh từ đất và 3 năm kiến thiết cơ bản ước lên đến khoảng 180 – 200 triệu (giá 2017). Với khoảng chi phí khá lớn như vậy thì đây cũng là thách thức của sản xuất cà phê Việt Nam vì người nông dân muốn đầu tư để tái canh thì phải đi vay. Tuy nhiên đối với nông dân để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ thật không dễ dàng bởi còn bị chi phối bởi rất nhiều thủ tục hành chính có liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tài sản; hoặc chỉ vay được một khoản nhất định, trong khi đó nhu cầu của nông dân là muốn vay một số tiển đủ lớn trang trải chi phí cho 1 năm trồng mới và 2 năm kiến thiến cơ bản và khi cà phê cho thu hoạch thì có thể bắt đầu trả nợ. Chính do khó khăn về vốn đầu tư nên tốc độ tái canh cà phê còn chậm trong thời gian qua. Ngoài ra, đa số diện tích cà phê trồng tái canh có mật độ tuyến trùng trong đất cao do thời gian tích lũy dài trong đất, cùng với môi trường đất thay đổi theo chiều hướng bất thuận (đất chua, chất lượng đất giảm) là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại trong đất phát triển gây bệnh cho cà phê.
(v) Chi phí vật tư, lao động ngày càng gia tăng
Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây chi phí vật tư đầu vào trong sản xuất cà phê đã tăng khoảng 30 %; chi phí công lao động tăng 40 %; trong khi đó giá cà phê không tăng theo tương ứng, bấp bênh theo thị trường thế giới và có chiều hướng không thuận lợi cho người sản xuất cà phê (lợi nhuận thấp, giá thành sản xuất cao….); thậm chí có năm giảm đến mức không đủ chi phí giá thành dẫn đến thua lỗ. Cũng trong thời gian đó, cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp; tình trạng ly nông và ly hương xảy ra phổ biến ở các vùng sản xuất cà phê ở Tây Nguyên dẫn đến thiếu hụt lao động trầm trọng vào mùa thu hoạch. Trước những năm 2010, đến mùa thu hoạch thì có dòng dịch chuyển lao động từ miền Bắc, miền Trung lên Tây Nguyên để thu hoạch cà phê
+ Thiếu nhân công lao động, đặc biệt là công thu hoạch.
+ Giá cả không ổn định
+ Sản xuất nguy cơ thiếu tính bền vững
+ Thương hiệu cà phê Việt Nam chưa được quan tâm đầu tư xây dựng
(vi) Sự cạnh tranh về diện tích với các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn
Trong khoảng từ 2 đến 3 năm vừa qua, ngày càng nhiều nông dân quyết định thay thế việc trồng cà phê bằng các loại cây trồng cho lợi nhuận khác như hồ tiêu đen, bơ, và chanh leo nhằm cải thiện thu nhập. Điều này khiến diện tích trồng cà phê có chiều hướng giảm, đặc biệt tại tỉnh Đắk Lắk. Tại các tỉnh như Đắk Nông và Lâm Đồng, hầu hết diện tích đất canh tác mới đều gieo trồng hồ tiêu đen và cây bơ. Nhìn chung, mặt hàng cà phê đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ sản phẩm hồ tiêu và xu hướng này sẽ tác động đến việc mở rộng diện tích đất canh tác cà phê tại Tây Nguyên.
Tuy nhiên, tình hình đã bắt đầu có sự chuyển biến khi giá hồ tiêu đen liên tục giảm kể từ năm 2016 cho đến nay khiến người nông dân buộc phải chuyển sang gieo trồng lại cây cà phê do tính ổn định về giá và kỹ thuật canh tác phù hợp với truyền thống của nông dân vùng Tây Nguyên. Diện tích gieo trồng cà phê trong niên vụ 2017/18 được dự đoán sẽ không có sự thay đổi so với niên vụ trước nhưng sẽ tăng lên trong một vài năm tới khi giá cả ổn định và hiệu quả kinh tế từ canh tác cà phê vẫn còn ở mức khá cao so với các loại cây trồng khác như lúa, ngô, điều…