TS. Trương La
Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế
1. Đặt vấn đê
Tổng đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng tính đến tháng 12/2017 là 20.020 con, tăng trung bình hằng năm gần 5,6% (Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, 2018). Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ nâng tổng đàn lên khoảng 40.000 – 50.000 con (Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, 2016). Để phát triển đàn bò sữa một cách hiệu quả và bền vững tại Lâm Đồng, vấn đề nuôi dưỡng đàn bò là rất cần thiết. Kỹ thuật nuôi dưỡng bò sữa mới hiện nay là sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh-TMR (Total Mixed Ration) nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sữa, tăng hiệu quả kinh tế. TMR là khẩu phần kết hợp giữa thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, các phụ phẩm nông công nghiệp, các chất bổ sung khoáng, vitamin và các chất phụ gia được phối trộn với một tỉ lệ nhất định thành một khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh, đồng nhất và cân bằng dưỡng chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho của bò, tăng khả năng tiêu hóa, từ đó tăng năng suất sữa và tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi (Trương La, 2017). Ở Việt Nam, việc nuôi bò sữa ở các nông hộ chủ yếu vẫn cho ăn thức ăn riêng lẻ các loại nguyên liệu. Vì vậy việc áp dụng nuôi bò sữa bằng khẩu phần TMR là cần thiết, nhằm làm tăng năng suất, chất lượng sữa và mang lại hiệu quả kinh tế.
2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Nội dung nghiên cứu
– Thí nghiệm sử dụng khẩu phần TMR nuôi bò sữa đang khai thác sữa.
– Xây dựng mô hình nuôi bò sữa đang khai thác sữa bằng thức ăn TMR.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
– Địa điểm: Thí nghiệm tiến hành tại xã Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng
– Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2017 đến tháng 02/2018.
– Bố trí thí nghiệm: Chọn 18 con bò sữa HF đang khai thác sữa được chia thành 06 lô, mỗi lô 03 con. Bò được cho ăn 03 khẩu phần khác nhau (KP S1; KP S2; KP S3). Với mỗi khẩu phần, bố trí 01 lô TN cho ăn khẩu phần TMR; 01 lô ĐC: bò cho ăn riêng lẻ các loại thức ăn. Nuôi bò trong thời gian 84 ngày.
– Chỉ tiêu theo dõi: Năng suất sữa; chất lượng sữa: phân tích các chỉ tiêu vật chất khô; hiệu quả kinh tế.
Bảng 1. Khẩu phần cho bò sữa có năng suất sữa 18 – 20 kg/con/ngày, khối lượng ≥ 500 kg/con
TT |
Loại thức ăn (%VCK) |
KP S1 |
KP S2 |
KP S3 |
1 |
Cỏ VA06 |
35 |
40 |
40 |
2 |
Cây ngô ủ chua |
17 |
14 |
13 |
3 |
Hèm bia |
14 |
12 |
10 |
4 |
Bột ngô |
12 |
– |
– |
5 |
Cám gạo |
– |
10 |
– |
6 |
Bột sắn |
– |
– |
11 |
7 |
Khô dầu đậu nành |
4 |
5 |
7 |
8 |
Bột cá |
7 |
6 |
8 |
9 |
Cám hỗn hợp |
10 |
12 |
10 |
10 |
Premix khoáng |
1 |
1 |
1 |
|
Tổng |
100 |
100 |
100 |
|
Tỉ lệ protein thô (%/kgVCK) |
16,0 |
16,0 |
16,0 |
|
Năng lượng trao đổi-ME (Kcal/kgVCK) |
2.630 |
2.614 |
2.640 |
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Năng suất và chất lượng sữa của bò sữa
Bảng 2. Năng suất và chất lượng sữa của bò sử dụng và không sử dụng thức ăn TMR
TT |
Chỉ tiêu |
KP S1 |
KP S2 |
KP S3 |
|||
Lô TN1 |
Lô ĐC1 |
Lô TN2 |
Lô ĐC2 |
Lô TN3 |
Lô ĐC3 |
||
1 |
KL bò (kg/con) |
527,3±9,3 |
538,0±6,0 |
540,7±4,1 |
536,3±9,1 |
546,7±6,1 |
540,7±5,1 |
2 |
NS sữa TB (kg/con/ngày) |
24,5 ± 0,4 |
21,7 ± 0,9 |
22,3 ± 0,8 |
19,9± 0,4 |
20,7 ± 0,3 |
19,1 ± 0,1 |
|
P |
< 0,05 |
< 0,05 |
< 0,05 |
|||
3 |
Hàm lượng Lipid (%) |
4,08±0,10 |
4,10±0,09 |
4,12±0,08 |
3,97±0,06 |
4,05±0,03 |
4,10±0,10 |
4 |
Hàm lượng CK không béo (%) |
8,46±0,06 |
8,38±0,05 |
8,49±0,03 |
8,39±0,06 |
8,44±0,07 |
8,40±0,02 |
* P: Biểu thị sự sai khác có ý nghĩa thống kê giữa lô TN và ĐC của từng khẩu phần.
Bò được nuôi thức ăn TMR cho NS sữa cao hơn bò ĐC (P<0,05). Đối với KP-S1, lô TN1 có NS sữa là 24,5 kg/con/ngày, bò lô ĐC1 chỉ đạt 21,7 kg/con/ngày. Bò nuôi KPS2, lô TN2 có NS sữa: 22,3 kg/con/ngày, lô ĐC2 là 19,9 kg/con/ngày; bò nuôi KP-S3, lô TN3 có NS sữa: 20,7 kg/con/ngày, ở lô ĐC3 là 19,1 kg/con/ngày. Tính TB cả 3 khẩu phần thì NS sữa của bò nuôi bằng thức ăn TMR cao hơn nuôi theo hình thức cho ăn riêng lẻ là 2,25 kg/con/ngày (tương đương tăng 11,2%).
Hàm lượng Lipid và chất khô không béo sữa của bò ở lô khác nhau là không khác nhau có ý nghĩa thống kê (P>0,05).
Bảng 3. Năng suất sữa của bò sử dụng TMR ở các khẩu phần khác nhau
TT |
Chỉ tiêu |
TMR-S1 |
TMR-S2 |
TMR-S3 |
1 |
KL bò (kg/con) |
527,3 ± 9,3 |
540,7 ± 4,1 |
546,7 ± 6,1 |
2 |
NS sữa TB (kg/con/ngày) |
24,5a ± 0,4 |
22,3ab ± 0,8 |
20,7b ± 0,3 |
* Các chữ cái khác nhau ở hàng biểu thị sự sai khác có ý nghĩa thống kê (P<0,05) giữa các số trung bình.
Khi nuôi bò sữa bằng các khẩu phần TMR khác nhau, năng suất sữa của bò có xu hướng giảm dần từ khẩu phần TMR-S1 (bột ngô), đến TMR-S2 (cám gạo) và TMR-S3 (bột sắn). Cụ thể năng suất sữa của bò lô nuôi khẩu phần TMR-S1 là 24,5 kg/ngày, tương đương với bò ở khẩu phần TMR-S2 (22,3 kg/ngày) (P>0,05); năng suất sữa của bò khẩu phần TMR-S2 tương đương với khẩu phần TMR-S3 (20,7 kg/ngày). Tuy nhiên năng suất sữa của bò ở khẩu phần TMR-S1 lại cao hơn bò ở khẩu phần TMR-S3 (P<0,05). Như vậy, cho bò ăn cùng thức ăn là TMR, khẩu phần có sử dụng bột ngô cho năng suất sữa của bò cao nhất và khẩu phần sử dụng bột sắn có năng suất sữa thấp nhất.
3.2. Ước tính hiệu quả kinh tế nuôi bò sữa
Bảng 4. Hiệu quả kinh tế của bò sữa
TT |
Chỉ tiêu |
KP S1 |
KP S2 |
KP S3 |
|||
Lô TN1 |
Lô ĐC1 |
Lô TN2 |
Lô ĐC2 |
Lô TN3 |
Lô ĐC3 |
||
1 |
NS sữa (kg/con/ngày) |
24,5 |
21,7 |
22,3 |
19,9 |
20,7 |
19,1 |
2 |
Sản lượng sữa (kg/con) |
2.061 |
1.827 |
1.871 |
1.674 |
1.741 |
1.605 |
3 |
Lượng TĂ tiêu thụ (kg/con) |
1.230,4 |
1.275,4 |
1.261,6 |
1.271,5 |
1.275,6 |
1.281,7 |
4 |
Giá TĂ (1.000 đ/kg) |
3,85 |
3,85 |
3,66 |
3,66 |
3,96 |
3,96 |
5 |
Chi phí TĂ (1.000 đ) |
4.737 |
4.910 |
4.617 |
4.654 |
5.051 |
5.076 |
6 |
Thu |
25.342,5 |
22.459,1 |
23.001,3 |
20.582,7 |
21.409,0 |
19.739,2 |
7 |
Chênh lệch thu-chi |
20.605,3 |
17.548,7 |
18.384,0 |
15.929,1 |
16.357,8 |
14.663,5 |
8 |
So sánh TN/ĐC |
3.056,6 |
– |
2.454,9 |
– |
1.694,3 |
– |
9 |
So sánh TMR |
4.247,5 |
– |
2.026,2 |
– |
– |
– |
* Ghi chú: Giá bán sữa TB: 12.296 đ/kg.
Chênh lệch thu chi giữa bò sữa cho ăn khẩu phần TMR đều cao hơn bò không cho ăn TMR, cụ thể: ở KP S1, chệnh lệch giữa 2 lô là 3.056.600 đ/con; KP S2, chênh lệch là 2.454.900 đ/con; KP S3, chênh lệch là 1.694.300 đ/con.
Trong 3 KP TMR, thì TMR-S1 (bột ngô) có chênh lệch thu-chi cao nhất và cao hơn TMR-S3 (bột sắn) là 4.247.500 đ/con; tiếp đến là TMR-S2 (cám gạo) có chênh lệch thu chi cao hơn TMR-S3 (bột sắn) là 2.026.200 đ/con.
4. Kết luận và đề nghị
4.1. Kết luận
– Cùng một loại khẩu phần, nuôi bò sữa bằng cách cho ăn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh-TMR, năng suất sữa của bò cao hơn bò nuôi bằng cách cho ăn riêng lẻ các nguyên liệu thức ăn (24,5/21,7 kg/ngày; 22,3/19,9 kg/ngày; 20,7/19,1 kg/ngày). Hàm lượng Lipit và chất khô không béo của sữa bò sử dụng TMR là tương đương với sữa của bò ở đối chứng (nuôi truyền thống).
– Hiệu quả kinh tế của bò sữa nuôi bằng khẩu phần TMR cao hơn bò nuôi cho ăn riêng lẻ thức ăn (chênh lệch thu chi khẩu phần TMR cao hơn nuôi truyền thống lần lượt ở các khẩu phần là 3.056.600 đ/con; 2.454.900 đ/con; 1.694.300 đ/con).
4.2. Đề nghị
Nuôi bò đang khai thác sữa cần sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh – TMR thay cho việc nuôi bò bằng cách cho ăn thức ăn riêng lẻ và sử dụng khẩu phần có bột ngô trong thành phần là có hiệu quả nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trương La, 2017. Một số kết quả nghiên cứu sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR-Total Mixed Rition) trong nuôi dưỡng bò tại Việt Nam. Thông tin KHKT Nông lâm nghiệp, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, 2017.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, 2016. Tình hình và định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Lâm Đồng. Báo cáo năm 2016.
3. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, 2018. Báo cáo tình hình chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng 2018. Hội thảo khoa học ngày 22/02/2019 tại TP. Đà Lạt.
![]() |
![]() |
Phối trộn và cho bò sữa ăn thức ăn TMR