Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella Sainton) hại cam và biện pháp phòng trừ

KS. Trần Thị Thường và TS. Nguyễn Xuân Hòa

 Bộ môn Bảo vệ Thực vật

Tên khoa học: Phyllocnistic citrella

Họ ngài đục lá: Phyllocnistidae

Bộ cánh vảy: Lepidoptera

     1. Triệu chứng và tác hại

Triệu chứng sâu vẽ bùa gây hại cam:

(a): Triệu chứng gây hại trên quả; (b): Triệu chứng gây hại trên chồi;

(c): Triệu chứng gây hại trên lá; (d): Đường đục và ấu trùng sâu vẽ bùa

(Nguồn: Trần Thị Thường – WASI, 2019)

     Sâu vẽ bùa gây hại lá, chồi non và quả cam. Sâu thường đục qua lớp biểu bì của lá để ăn phần nhu mô của lá tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo dưới lớp biểu bì, phía sau là đường phân thải ra của sâu như sợi chỉ, lớp biểu bì có thể bị bong ra hoặc giống như nhầy ốc sên. Đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu (Nguyễn Đức Khiêm, 2005).

     Sâu vẽ bùa gây hại làm cho lá nhỏ, dị dạng, co rúm lại làm giảm khả năng quang hợp, do đó cây sinh trưởng và phát triển kém, hoa trái dễ bị rụng. Ở giai đoạn cây con nếu bị gây hại thường xuyên cây sẽ kém phát triển và có tán nhỏ hơn bình thường. Sâu vẽ bùa là môi giới truyền bệnh loét trên cam, quýt… Ngoài ra, các lá cam quýt co rúm, quăn queo do sâu vẽ bùa tạo nên là nơi ẩn nấp qua đông của nhiều loại sâu hại khác như châu chấu, rệp bột tua ngắn, nhện đỏ… (Nguyễn Đức Khiêm, 2005).

     Sâu vẽ bùa là đối tượng gây hại chủ yếu và nguy hiểm ở các vùng trồng cam chính ở Việt Nam (Nguyễn Thị Thu Cúc 2000; Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh 2005; Trần Thị Bình, 2002).

     Theo Nguyên Xuân Hòa và cộng sự (2018) sâu vẽ bùa là đối tượng gây hại chính trên cây cam (lá, chồi, quả) và rất phổ biến tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.

     2. Đặc điểm sinh học và sinh thái

     Tổng hợp nghiên cứu của Vũ khắc Nhượng, 2004; Nguyễn Đức Khiêm, 2005 và Dan Smith và cộng sự 1997 thì đặc điểm sinh học và sinh thái của sâu vẽ bùa như sau:

     Trưởng thành của sâu vẽ bùa là 1 loài bướm rất nhỏ, dài khoảng 2 mm, sải cánh rộng từ 4 – 5 mm. Toàn thân có màu vàng nhạt, hơi có ánh bạc. Khoảng 1/3 về phía đầu cánh có một vân xiên giống hình chữ Y. Phần đầu cánh có rìa lông khá dài màu đen. Cánh sau rất hẹp, màu xám đen, hai rìa lông bên ngoài rất dài màu xám nhạt. Một bướm cái đẻ từ 40 – 50 trứng.

     Trứng hình bầu dục dẹp, rất nhỏ, khoảng 0,29 – 0,35 mm. Trứng mới đẻ trong suốt, sắp nở có màu trắng đục hơi ngả vàng.

     Sâu mới nở dài khoảng 0,5 mm, thân màu xanh nhạt, gần như trong suốt, đầu màu nâu. Sâu lớn đủ sức dài khoảng 4 mm, màu vàng xanh, cơ thể không còn trong suốt. Mình sâu dẹp, có 13 đốt, hai đầu thon nhỏ, chân ngực và chân bụng đều thoái hóa, đốt cuối có hình ống dài. Ở giai đoạn chuẩn bị nhộng, cơ thể sâu không còn dẹp mà chuyển sang dạng hình ống màu trắng ngả vàng đục. Sâu có 4 tuổi, phát triển trong thời gian từ 5 – 12 ngày tùy điều kiện ngoại cảnh.

     Nhộng dài từ 2 – 3 mm, hai đầu thon nhỏ, lúc mới hình thành màu vàng nhạt, sau đó có màu nâu vàng với một gai rất nhỏ trên đầu. Nhộng phát triển từ 7 – 10 ngày.

     3. Tập tính gây hại và quy luật phát sinh phát triển

     Bướm hoạt động về ban đêm, có xu tính yếu với ánh sang, thường đẻ trứng ở mặt dưới lá gần gân chính của các đọt non mới mọc. Sâu non mới nở thường đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần nhu mô của lá tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo dưới lớp biểu bì. Đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu. Khi đẫy sức, sâu non đục ra mép lá, hoá nhộng gần gân lá, chỗ lá bị quăn bằng cách dùng tơ gấp lại che tổ kén (Nguyễn Đức Khiêm, 2005).

     Sâu vẽ bùa Phyllocnistic citrella gây hại quanh năm, mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu. Nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 23 – 29oC, ẩm độ 85 – 90% (Vũ khắc Nhượng, 2004; Nguyễn Đức Khiêm, 2005).

     4. Biện pháp phòng trừ

     Tổng hợp các nghiên cứu của Vũ khắc Nhượng, 2004; Nguyễn Đức Khiêm, 2005 và Dan Smith và cộng sự 1997, cùng với kết quả nghiên cứu bước đầu của Bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên trong năm 2019 cho thấy áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật canh tác, đặc biệt xử lý thuốc vào các đợt ra lộc non sẽ hạn chế được sự gây hại của sâu vẽ bùa.

     * Biện pháp canh tác: Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thường xuyên theo dõi quan sát, để bảo vệ các đọt non vào các giai đoạn cao điểm phát triển của sâu. Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung đốt, tiêu diệt.

     * Biện pháp sinh học: Bảo vệ thiên dịch sẵn có trên đồng ruộng hoặc nhân thả một số loài thiên địch có triển vọng như các loài ong trong họ Chalcidoidea, Ichneumonidea ký sinh trên sâu non và nhộng, tỷ lệ ký sinh có thể lên đến 70 – 80% hoặc kiến vàng Oecophylla smaragdina. Xử lý một số loại thuốc sinh học như: Abamectin; Petroleum Spray Oil; Matrine – dịch chiết từ cây khổ sâm; Azadirachtin…

     * Biện pháp hóa học: Khi mật số sâu vẽ bùa quá cao, có thể sử dụng một trong các loại thuốc hóa học được phép sử dụng theo danh mục thuốc hiện hành. Sử dụng liều lượng theo khuyến cáo bao bì và phun lần 2 sau 7 – 10 ngày. Có thể sử dụng một trong các loại sau: Chlorpyrifos Methyl; Clothianidin…

     Tài liệu tham khảo

      1. Trần Thị Bình (2002). Điều tra nghiên cứu sâu bệnh hại cam quýt ở Hà Giang và biện pháp phòng trừ. Luận án Tiến sĩ Nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.

      2. Nguyễn Thị Thu Cúc (2000). Côn trùng và nhện gây hại cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long và biện pháp phòng trị. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, tr 11 – 32.

    3. Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh (2005). Dịch hại trên cam – quýt, chanh bưởi (Rutaceae) và IPM. Nhà xuất bản Nông nghiệp.

     4. Nguyễn Xuân Hòa, Dương Danh Thành, Trần Thị Thường, Phan Lý Thùy Mai, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Tiến Sỹ và Nguyễn Hồng Phong, 2018. Kết quả điều tra sâu bệnh hại cam, bơ, chuối, sầu riêng tại Tây Nguyên. Báo cáo đề tài nhánh.

     5. Nguyễn Đức Khiêm, 2005. Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp. Bộ Giáo dục Đào tạo, Trường Đại học Nông Nghiệp I.

     6. Vũ Khắc Nhượng, 2004. Cách phát hiện và phòng trừ một số sâu bệnh hại cây có múi. Nhà xuất bản Nông Nghiệp.

     7. Dan Smith, Beattie G.A.C & Roger Broadley (1997). The citrus pests and their natural enemies. Integrated pest management in Australia. DPI&HRDC Queensland, pp 272.