SẢN XUẤT CÂY GIỐNG CÀ PHÊ Ở ĐẮK LẮK – VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

TS. Trương Hồng

Trong những năm qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đã nghiên cứu chọn tạo thành công giống cà phê (các giống TR4, TR5, TR6, TR7, TR9, TR11, TRS1…..). Tuy nhiên việc chuyển giao các giống tốt này cho nông dân vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn sản xuất. Hiện tại, một số không nhỏ các cơ sản sản xuất kinh doanh giống trên các địa phương đã sản xuất kinh doanh các loại giống cây cây giống cà phê không rõ nguồn gốc, quy trình sản xuất không đảm bảo, chất lượng cây giống kém để cung cấp cho nông dân và các cơ sở sản xuất nông nghiệp, dẫn đến hệ quả là vườn cây khi bước vào thời kỳ kinh doanh đã không đạt được hiệu quả kinh tế mong muốn.

 Nhu cầu về giống cây cà phê

Căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất cà phê  ở Tây Nguyên cho thấy đa số diện tích cà phê đã buớc sang giai đoạn già cỗi, năng suất giảm, sản xuất không hiệu quả, vì vậy hàng năm cần phải trồng tái canh một số diện tích theo hình thức cuốn chiếu để đảm bảo diện tích thu hoạch và năng suất cà phê xuất khẩu không có biến động lớn. Theo tính toán từ nay đến năm 2020 có khoảng 100.000 ha phải trồng tái canh trung bình hàng năm khoảng 25.000 ha; diện tích này càng về sau sẽ càng tăng dần. Nếu tính mật độ cà phê là 1110 cây/ha thì lượng cây giống hàng năm  27.500.000 cây; trồng dặm trung bình 10 % khoảng 2.750.000 cây. Như vậy tổng lượng cây giống hàng năm là 30.250.000 cây.

 Thực trạng sản xuất kinh doanh giống cây cà phê

Cây giống là mặt hàng thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp; đặc biệt là đối với cây công nghiệp dài ngày thì cây giống đóng vai trò cực kỳ quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm, vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân. Trong những năm qua, nhu cầu giống cây cà phê của người dân, các đơn vị công ty, nông trường ngày càng cao để mở rộng diện tích cũng như trồng tái canh. Để phục vụ cho nhu cầu giống cà phê thì nhiều cá nhân, hộ gia đình đã đứng ra thành lập các doanh nghiệp tư nhân, hoặc cá thể sản xuất và cung ứng giống cho các nhân và các đơn vị nông,lâm trường, công ty.

Tại Đắk Lắk đại đa số cá nhân, cơ sở sản xuất tập trung tại vùng Hòa Thắng nguyên nhân là do tại địa bàn có Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) – một đơn vị nghiên cứu khoa học  có  uy tín  của  vùng đã  nghiên  cứu thành công các loại giống cây công nghiệp dài ngày như cà phê, ca cao, bơ…. Các giống này đã được Bộ Nông nghiệp công nhận và cho phép sản xuất đáp ứng cho nhu cầu của người dân và các đơn vị nông lâm trường trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Giống cà phê ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là do WASI cung cấp và thường hay gọi là giống cà phê Eakmat (vì WASI trước đây là Viện Nghiên cứu Cà phê Eakmat). Hiện nay vùng địa danh Eakmat nổi tiếng gắn với các giống cà phê năng suất cao, chất lượng tốt mà WASI chọn lọc nói riêng và các loại giống cây trồng khác nói chung như ca cao, điều, tiêu…. Chính vì vậy 100 % cơ sở sản xuất và cung ứng giống cây trồng mà chủ yếu là cà phê cũng đều mang địa danh chung là Eakmat để thu hút khách hàng, ví dụ “Doanh nghiệp Tư nhân giống cây trồng Eakmat; Trung tâm sản xuất giống cà phê Eakmat, Cơ sở sản xuất giống Eakmat, Doanh nghiệp giống cây trồng Eakmat, vườn ươm giống Eakmat…”, và nhiều cá nhân, hộ gia đình treo bảng hiệu “Cây giống cà phê Eakmat” ở nhiều địa phương khác của các tỉnh Tây Nguyên.

Chỉ riêng đoạn đường từ Km5 đến xã Hòa Thắng (đường Nguyễn Lương Bằng – quốc lộ 27 đường đi Đà Lạt), đường vào khu làm việc cũ của WASI (đường Nguyễn Thái Bình) và các thôn 10, 11 (thuộc xã Hòa Thắng) đã có tới 68 hộ, cơ sở sản xuất và cung ứng các loại giống cây công nghiệp là giống cà phê, sau đó là hồ tiêu, cây bơ, macca. Ngoài ra, dọc Quốc lộ 14 tại Đạt Lý (xã Hòa Thuận) cũng có khoảng trên 32 hộ, cơ sở sản xuất giống cây trồng, trong đó có cây cà phê, bơ. Số hộ, cơ sở này đều tập trung xung quanh các cơ quan như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Đắk Lắk.

Xét về tính pháp lý (đăng ký sản xuất kinh doanh theo Pháp lệnh giống cây trồng) thì chỉ có các cơ sở sản xuất kinh doanh giống là có đăng ký (các hộ sản xuất thường không đăng ký), song các quy định khác như có vườn nhân giống, lý lịch giống, cán bộ kỹ thuật thì có tới 100 % cơ sở sản xuất kinh doanh giống đều không đạt cả 5 điều kiện, hoặc ít nhất là không đạt 1 điều kiện các quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm theo Thông tư số 18/2012/ TT- BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 26 tháng 4 năm 2012 (điều 7, 8, 9 và 10).

Chỉ có từ 6,7 – 24,7 %  hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây giống cà phê là có vườn nhân giống, song quy mô không đáng kể từ vài m2 cho đến khoảng 50 m2 chủ yếu là mang tính hình thức, lấy lệ để qua mặt hoặc đối phó cơ quan chức năng. So với quy mô sản xuất thì diện tích vườn nhân giống này là không đảm bảo. Theo điều tra (2012) thì số hộ, cơ sở sản xuất giống cà phê chủ yếu đi mua chồi, một phần từ WASI, và phần lớn từ các nguồn khác không kiểm soát được. Vì vậy cây giống từ các hộ, cơ sở tư nhân sản xuất là không đảm bảo chắc chắn về nguồn gốc và chất lượng cây giống  do họ chạy theo lợi nhuận và chưa nhận thức được tầm quan trọng của giống đối với năng suất và hiệu quả kinh tế sau này đối với người trồng.

Như vậy có thể nói 100 % số hộ và các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây cà phê tại vùng điều tra đều không đảm bảo các quy định về quản lý, điều kiện về sản xuất và kinh doanh giống cây công nghiệp theo Thông tư 18/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Với việc không thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước thì giống sản xuất và cung ứng cho nông dân, các đơn vị trên địa bàn là không đảm bảo về nguồn gốc và chất lựợng giống một cách chắc chắn sau khi trồng cho đến thời kỳ kinh doanh. Để nâng cao chất lượng giống cà phê; đảm bảo quyền lợi cho người nông dân thì cần thiết phải thiết lập lại kỷ cương phép nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh giống của các hộ và các cơ sở. Đặc biệt cần xem lại việc quy định các hộ sản xuất giống để kinh doanh dưới danh nghĩa để trồng trọt nhằm lách khe hở của tính pháp lý trong Quyết định số 68/2008 (mục 2, điều 6).

Sở dĩ tồn tại vấn đề trên là do hiện nay các cá nhân, cơ sở kinh doanh giống cây trồng chỉ cần đăng ký hoạt động kinh doanh ở Sở Kế hoạch đầu tư của tỉnh là được cấp giấy phép; trong khi đó không có bất kỳ một ràng buộc nào về điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây trồng theo Thông tư 18/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Chỉ có các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống của Nhà nước mới đảm bảo cơ bản các quy định về quản lý sản xuất kinh doanh một số giống cây công nghiệp.

Đối với giống cà phê, ở Đắk Lắk có 2 cơ quan đảm bảo có vườn giống theo quy định của pháp luật, đó là Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Cà phê Eakmat (thuộc WASI) và Trung tâm giống Cây trồng vật nuôi tỉnh Đắk Lắk. 

Xét về quy mô sản xuất giống cho thấy đại đa số hộ và cơ sở tư nhân có quy mô sản xuất nhỏ với số lượng cây giống bình quân từ 5.000 – 20.000 cây, trong đó chủ yếu vẫn là giống cây cà phê. Các cơ sở sản xuất cây giống có quy mô từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu cây giống cà phê/năm.

a. Tình hình đăng ký sản xuất kinh doanh giống cây công nghiệp

Kết quả điều tra của WASI và Viện Chiến Chính sách và Chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm  2012 cho thấy 100 % cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, các đơn vị sản xuất giống của Nhà nước đều thực hiện đăng ký sản xuất giống theo quy định, trong khi đó tới 98 % hộ cá thể sản xuất giống đều không đăng ký. Tuy các cơ sở sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh, song các quy định khác theo Thông tư 18/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì không đảm bảo theo Điều 7, 8 và 9. Do vậy giống sản xuất vẫn không đảm bảo có nguồn gốc và đúng chất lượng, quy cách bao bì mẫu mã cũng không theo quy định. Ngoài ra nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh này (vùng Hòa Thắng) ngang nhiên vi phạm về bản quyền giống, các tên giống cà phê như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8…. do WASI chọn lọc và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận đã bị ghi vào nhãn mác cho cây giống mà các cơ sở này sản xuất và bán, nhưng thực chất có đúng giống hay không thì không ai biết và chẳng ai quản lý cả!. Đây là hình thức lạm dụng sự tín nhiệm của người tiêu dùng để trục lợi, nếu không muốn nói là lừa đảo. Tình trạng này đến nay (2017), rất tiếc, vẫn tồn tại, mặc dù có nhiều cuộc thanh kiểm tra về việc sản xuất giống cây trồng của các cơ sở này của các cơ quan chức năng địa phương.

Đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ và 1 số cơ sở làm ăn chụp giựt thì gần như 100 % giống là không rõ nguồn gốc. Có khi chồi cà phê ghép được lấy từ các vườn sản xuất đại trà của WASI (đã nhiều lần WASI phát hiện). Cây cà phê ghép của các hộ, cơ sở này sản xuất mục đích là đánh lừa người nông dân nhẹ dạ vì cho rằng cứ giống cà phê ghép là tốt! Họ sản xuất một phần là bán trực tiếp cho người có nhu cầu, phần còn lại được bán cho các cơ sở kinh doanh giống trong vùng.

b. Các kênh tiêu thụ giống và các hình thức tiếp thị quảng cáo của các cơ sở sản xuất kinh doanh giống tại Đắk Lắk

Do nhu cầu giống cây công nghiệp ngày càng tăng nên đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giống. Khi có nhiều cơ sở cùng kinh doanh 1 mặt hàng thì sẽ có tính cạnh tranh và có nhiều hình thức tiêu thụ và  quảng cáo sản phẩm. Hiện có các kênh tiêu thụ phổ biến của các cơ sở và hộ sản xuất:

Sơ đồ các kênh tiêu thụ giống cây công nghiệp của các cơ  sở sản xuất kinh doanh

Qua khảo sát cho thấy các cơ sở sản xuất kinh doanh giống tiêu thụ sản phẩm chủ yếu quá 2 kênh, đó là (i) bán trực tiếp cho nông dân, các công ty, nông trường, song chủ yếu là nông dân vì họ chưa nhận thức được chất lượng giống và những hệ lụy về sau nếu là giống xấu và dễ dàng bị các hình thức quảng cáo và giá cả linh hoạt hơn so với các cơ sở sản xuất giống của Nhà nước; (ii) tiêu thụ qua trung gian (cò).   Điều đáng quan tâm hiện nay là đã hình thành một đội ngũ đông đảo “cò” giống tại vùng Hòa Thắng với số lượng từ 15 – 20 “cò” thường xuyên hoạt động. Đội ngũ “cò” này ngày càng hoạt động một cách trắng trợn, lôi kéo người mua bằng nhiều hình thức, kể cả bạo lực để bắt ép phải mua giống với giá cả nhiều khi “cao trên trời”. Khi đã lôi kéo được người mua thì “cò” sẽ dẫn đến các doanh nghiệp có ”mối quan hệ” để nhận giống theo giá cả mà “cò” đã thỏa thuận với chủ cơ sở. Khi bán được giống, chủ cơ sở phải chi lại cho “cò” khoảng chênh lệch đã thỏa thuận, nhiều khi lên tới 50 – 70 % tổng  giá bán; trung bình khoảng 30 %. Do quy mô sản xuất cây giống của các cơ sở là nhỏ nên  100 % cơ sở phải thu gom giống từ bên ngoài, từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ để tiêu thụ. Tỷ lệ giống thu gom từ các hộ có khi lên đến 80 – 95 %, trung bình 78 % tổng lượng giống tiêu thụ của cơ sở. Giá cả thu gom giống của các cơ sở thường thấp hơn giá bán chung ngoài thị trường từ 20 – 30 % tùy thời điểm; có lúc thấp hơn đến 50 %. Như vậy lợi nhuận từ kinh doanh cây giống của các cơ sở chủ yếu là từ thu gom giống của các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Đối với các hộ sản xuất giống nhỏ lẻ là tiêu thụ lượng giống đã sản xuất theo 2 kênh chủ yếu là bán trực tiếp cho người có nhu cầu và bán cho các cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc “cò”.

Sơ đồ tiêu thụ giống của các hộ cá thể  sản xuất giống

Các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây công nghiệp của Nhà nước chủ yếu là bán cho nông dân và các công ty, nông trường

 

Sơ đồ tiêu thụ giống của các đơn vị sản xuất giống của Nhà nước

Khác với các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, các đơn vị sản xuất giống của Nhà nước chỉ bán giống cho nông dân hoặc các công ty, nông trường và đại lý (nếu có) không bán qua “cò”, vì vậy giá cả luôn ổn định, không có nhiều mức giá.

Nói tóm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại cây giống cây cà phê của nhiều cơ sở trên địa bàn vùng điều tra là không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ pháp luật, bất kể các quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành. Việc sản xuất kinh doanh giống cây công nghiệp của các cơ sở này đã thực sự đáng lo ngại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đã có nhiều nông dân sau khi mua giống cà phê từ các cơ sở, hộ sản xuất giống tư nhân mà họ cứ tưởng nhầm rằng đó là các đại lý, các chi nhánh của WASI, sau khi trồng từ 4 – 6 năm, vườn cà phê năng suất thấp, bị bệnh rỉ sắt nặng đến phản ảnh với Viện và yêu cầu giúp đỡ.

Vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, các đơn vị, công ty, nông lâm trường trong sản xuất nông lâm nghiệp thì vấn đề chấn chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh giống cà phê của các hộ cá thể, các cơ sở trên địa bàn nghiên cứu, đặc biệt là khu vực quanh WASI là cần thiết./.