Sachi – Cây trồng có triển vọng ở Tây Nguyên

Biên tập: TS. Phạm Công Trí

Sachi (Plukenetia Volubilis L.) thuộc họ Thầu Dầu (Euphorbiaceae). Có nguồn gốc ở rừng rậm nhiệt đới Amazon ở Peru. Nó đã được phát hiện đầu tiên bởi nền văn minh Inca và Pre-Inca. Các nhà khoa học đã tìm thấy hình ảnh Sachi trên hoa văn gốm trong các ngôi mộ cổ của nền văn hóa Mochica và Chimu. Sachi đã được trồng bởi người dân bản địa trong nhiều thế kỷ nay, cây dễ dàng phát triển ở những vùng khí hậu ấm, có độ cao lên tới 1.700m so với mực nước biển. Hiện nay nó dần được gieo trồng quy mô thương mại ở Đông Nam Á, chủ yếu là ở Thái Lan. Ra hoa sau 5 tháng tuổi và khoảng 8 tháng tuổi bắt đầu cho hạt.

Cây và quả Sachi

Sachi (Inca Inchi, Inca Nuts,…) là dây leo lưu niên, thân bán hóa gỗ, có thể cao đến 2 mét. Lá hình tim có khía răng cưa mọc so le, lá dài từ 10-12 cm, rộng 8-10 cm, cuống lá dài 2-6 cm. Các hoa đực nhỏ màu trắng mọc thành cụm. Hai hoa cái nằm ở gốc cụm hoa. Nó là dây leo cần giá đỡ và tạo hạt gần như quanh năm. Quả nang đường kính 3-5 cm, non màu xanh lá, chín thì chuyển sang nâu đen. Quả hình sao từ 4-7 thùy, mỗi thùy chứa 1 hạt ôvan bán kính từ 15-20 mm, dày 7-8 mm và nặng khoảng 1 gam.

Thường người ta thu hoạch quả đã chín khô trên cây. Vào năm thứ hai, đã có thể thu hoạch tới cả trăm quả khô cùng một lúc trên mỗi cây, với 400-500 hạt chỉ vài lần trong năm. Hạt hình ô van màu nâu sẫm, các lá mầm hở như của quả hạnh và được che phủ bởi một lớp màng màu trắng. Hạt tươi không ăn được, nhưng hạt nướng lột vỏ lại ăn được và khá ngon.

Từ ngàn năm trước, trong những nền văn hóa cổ đại, người dân đã sử dụng những hạt Sachi nướng giàu dinh dưỡng và năng lượng trước khi họ bắt đầu một ngày làm việc vất vả để ngăn ngừa các bệnh về xương khớp và bảo vệ tim mạch. Phụ nữ ở các nền văn hóa Inca đã trộn dầu của hạt Sachi với bột để sử dụng như một loại kem để duy trì vẻ trẻ trung. Đối với người dân bản địa, Sacha Inchi được coi như là “một nguồn sức mạnh của lòng can đảm”.

Hạt Sachi chứa nhiều đạm (27%) và béo (35-60%), được dùng chế biến dầu có giá trị kinh tế rất cao. Trong hạt Sachi có hàm lượng Omega 3 (chiếm 48-54% hàm lượng chất béo, cao gấp 17 lần dầu cá, cao gần 50 lần dầu oliu) giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm nguy cơ đột quỵ do bệnh tim mạch; Omega 6 (chiếm 35-37%) đóng vai trò ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, bệnh viêm xương khớp, điều hòa huyết áp, nâng cao trí lực, giảm thoái hóa não, tăng cường thị lực; Omega 9 (chiếm 6-10%) có tác dụng chống rối loại tim mạch và chống cao huyết áp,… Ngoài ra, thành phần axit béo không bão hòa và vitamin của Sachi cũng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Lợi thế của Sachi là có phổ thích nghi rộng cả về đất đai lẫn khí hậu (nhiệt độ thích hợp từ 10-36oC; lượng mưa 800-1.500 mm/năm, độ cao dưới 1.700m), không yêu cầu cao về kỹ thuật canh tác, chu kỳ kinh tế dài (20-30 năm). Đây là các chỉ tiêu quan trọng để xem xét đưa cây Sachi vào trồng thử nghiệm tại Tây Nguyên (Nhiệt độ từ 15-38oC; lượng mưa từ 1.200-2.000mm/năm, độ cao trung bình từ 500-1.000 mét).

Sachi ra hoa đậu quả quanh năm, quả xanh và chín xen kẽ nên khó cơ giới hóa thu hoạch (nên các nước phát triển ít trồng vì nhân công hạn chế). Khó khăn của các nước giàu lại là cơ hội vàng được mở ra với những nước nghèo và đang phát triển như Việt Nam, nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây Sachi, có lực lượng lao động đông đảo, cần cù, chăm chỉ. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã phát triển trồng cây Sachi: nhiều nhất là Peru (3.000 ha), Ecuador và Colombia (2.000 ha); hiện đang phát triển tại các nước như Brazil, Trung quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào,… Thị trường xuất khẩu Sachi chủ yếu là Mỹ, Nhật và các nước liên minh EU. Sachi được trồng ở Việt Nam vài năm trở lại đây ở: Tam Điệp (Ninh Bình), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Chiềng Cơi (Sơn La), Lương Sơn (Hòa Bình),… và hiện công ty cổ phần Sachi Inchi Việt Nam (Sachi Vina) đã liên kết trồng ở Lào, Campuchia 3.000 ha (Doãn Trí Tuệ, 2015).

Theo ước tính của Sachi Vina: Sachi sau trồng khoảng 5-6 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất hạt bình quân từ 5-7 tấn/ha/năm. Với giá hạt Sachi Vina đang thu mua là từ 30-40 ngàn đồng/kg tùy loại, thì Sachi có thể cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, không thua kém so với các cây trồng truyền thống hiện nay ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, rất cần có những nghiên cứu chính thống để kiểm chứng và đưa ra những khuyến cáo chính xác.

Bên cạnh đó, theo chủ trương của Nhà nước, những cây trồng mới trong tương lai mà thị trường có nhu cầu, như cây trồng làm: nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học (chú trọng diesel sinh học), vật liệu xây dựng, làm giấy, gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu,… phải được trồng khảo nghiệm và sản xuất thử trước khi sản xuất đại trà. Nếu có triển vọng thì mở rộng sản xuất hướng vào những vùng mà các cây trồng truyền thống hiện nay kém thích nghi (vùng đất trống đồi trọc, vùng ven biển, vùng khô hạn,…). Trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế hợp lý, quy hoạch diện tích đất thích hợp ở một số vùng chuyên canh địa phương để tổ chức sản xuất một số loại cây thay thế nhập khẩu như ngô, đậu tương, bông,…

Mặt khác, Sachi là cây trồng mới, khảo nghiệm ở Việt Nam chỉ 2-3 năm trở lại đây, các nghiên cứu chủ yếu là đánh giá ban đầu, quy mô nhỏ. Các nghiên cứu đánh giá trên diện tích lớn ở các vùng khí hậu khác nhau chưa nhiều. Thời gian đến cần có các nghiên cứu một cách hệ thống về gây trồng, chế biến và tiêu thụ Sachi ở Tây Nguyên; để mở ra hướng đi mới có triển vọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, xây dựng vùng chuyên canh Sachi gắn với thị trường tiêu thụ; làm cơ sở khuyến cáo nhân rộng vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế bền vững, đa dạng cây trồng nông nghiệp ở Tây Nguyên và các vùng lân cận.

Tài liệu tham khảo

1.     Nguyễn Thị Bích Hồng, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thị Trâm (2015). Cây đậu núi (Plukenetia volubilis L.): Kết quả nghiên cứu bước đầu và khả năng phát triển ở Việt Nam.

2.     Nguyễn Thị Phương Thảo (2015). Giống cây mới ở Việt Nam: Sachi – vua của các loại hạt.

3.     Hoàng Đức Cường, Nguyễn Văn Thắng, Hoàng Đức Hùng  (2011). Nghiên cứu điều kiện khí hậu, khí hậu nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng tránh thiên tai vùng Tây Nguyên.

4.     Mạnh Tráng (2012). Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Vùng Tây Nguyên.