Quy trình trồng và thâm canh giống dâu VA -201 và S7 – CB ở Tây Nguyên

  1. Nguồn gốc

Quy trình trồng và thâm canh giống dâu VA-201 và S7-CB ở Tây Nguyên được Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng xây dựng trên cơ sở thành công của Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp vốn vay ADB “ Nghiên cứu  áp dụng các tiến bố khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng tơ kén ở Tây Nguyên“

Quy trình trồng và thâm canh giống dâu VA-201 và S7-CB ở Tây Nguyên đã được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiệm thu  và ban hành theo Quyết định số  33/QĐ-VNLT-KHKH ngày 21 tháng 02 năm 2012.

  1. Nội dung quy trình

2.1. Giống dâu: sử dụng giống dâu S7 – CB và VA-201

2.2. Thời vụ trồng dâu:

Thời vụ 1: trồng trước mùa mưa 2 – 3 tháng (tháng 3 đến tháng 4);

Thời vụ 2: trồng cuối mùa mưa (cuối tháng 10 đến đầu tháng 11).

2.3. Chuẩn bị đất trước khi trồng

2.3.1. Thiết kế lô dâu

– Đất dốc dưới 60, dốc cục bộ 80 thiết kế hàng thẳng song song với bình độ chính;

– Đất dốc trên 60 thiết kế hàng dâu theo đường bình độ, làm gờ tầng, trong quá trình chăm sóc dần dần sẽ tạo thành các bậc thang hẹp để hạn chế xói mòn.

2.3.2. Làm đất

Đất được cày sâu 30 – 35 cm trước khi trồng 1 tháng để phơi ải và diệt cỏ dại. Sau khi phay nhỏ đất, tiến hành rạch hàng theo kích thước: rộng 0,3 – 0,35 m; sâu 0,35 – 0,4 m và khoảng cách giữa các hàng là 1 m.

2.3.3. Trồng và chăm sóc sau trồng

a) Trồng mới

– Trồng bằng cây: cây con được cắt tỉa những phần đầu rễ bị dập nát, tuốt lá, cắt ngọn chừa lại khoảng 25 – 30 cm (tính từ cổ rễ);

-Trồng bằng hom: chọn hom không nhiễm bệnh, thân cây được  8 -10 tháng tuổi (tuổi đoạn hom trên ngọn tối thiểu từ 3 tháng trở lên), đường kính hom > 0,5 cm,hom phải có từ 3 mắt trở lên (hoặc dài hơn 20 cm). Hom được chặt vát, không dập nát, vết chặt cách mắt > 1,5cm. Hom sau chặt phải được bó thành từng bó (sắp đúng chiều gốc và ngọn riêng), bảo quản ở chỗ mát, khuất gió.

 – Khoảng cách và mật độ:

            + Khoảng cách cây x cây : 0,25 m, hàng x hàng: 1 m (tương đương 40.000 cây/ha);

            + Trồng bằng cây: đào rãnh sâu khoảng 30 cm, đặt cây xuống, lấp đất và ấn chặt gốc.

            + Trồng bằng hom: cắm sâu và thẳng đứng. Mùa mưa sau khi cắm hom thì một đầu hom cao hơn mặt đất khoảng 1 mắt, mùa khô có thể cắm ngập hom.

b) Chăm sóc sau trồng

– Làm cỏ thường xuyên cho dâu sau trồng, tránh va chạm vào cây sau khi làm cỏ;

– Định hình cây, hái lá: tỉa để mỗi gốc từ 2 – 3 thân chính. Thường xuyên tỉa cành cấp 2;

            Chú ý: trong 6 tháng sau trồng,hạn chế hái lá (mục đích là để lá nuôi cây).

– Trồng dặm: chuẩn bị khoảng 5 – 10% số cây giống để trồng dặm thường xuyên;

– Bảo vệ thực vật: phòng trừ dịch hại cho cây dâu con, đặc biệt là rầy búp hại dâu.

2.4. Quy trình chăm sóc dâu hàng năm

2.4.1. Đốn dâu

a) Phương pháp đốn

– Dâu sau trồng 12 tháng đốn thân chính, đốn cách mặt đất 15 – 20 cm, tỉa bớt cành cấp 1, mỗi khóm giữ 4 – 6 cành;

– Sau lần đốn thứ nhất 12 tháng, đốn cành cấp 1 cách thân chính 5 – 6 cm. Vết đốn mới cách vết đốn cũ 5 – 6 cm;

– Từ năm thứ 3 trở đi đốn cành cấp 2 ổn định ở chiều cao của gốc dâu 25 – 30 cm.

b) Thời vụ đốn

– Tại Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng: đốn vào tháng 3;

– Tại Đak Glong, tỉnh Đăk Nông: đốn vào tháng 3 đến tháng 4 hàng năm.

2.4.2. Chăm sóc định kỳ

– Làm cỏ thường xuyên tạo thông thoáng cho ruộng dâu. Mùa khô từ 1,5 tháng đến 2 tháng làm cỏ 1 lần, mùa mưa 25 – 30 ngày làm cỏ 1 lần. Có thể sử dụng thuốc trừ cỏ trong mùa mưa, tránh không cho thuốc tiếp xúc với lá, mầm dâu…(nên sử dụng thuốc gramaxone)

– Thường xuyên tỉa cành trong giai đoạn hái lá;

– Thăm đồng thường xuyên trong mùa khô (sau đốn) để phát hiện rầy búp hại dâu nhằm kịp thời xử lý.

2.4.3. Thu hoạch lá

a) Phương pháp hái lá

Cách 22 – 28 ngày thu hoạch 1 lần.

b) Phương pháp cắt cành

 Khi cây dâu ngừng sinh trưởng chiều cao, thì sau lứa hái lá cuối cùng có thể phớt nhẹ 20 – 30 cm ngọn để thu lứa cành thứ nhất. Sau đó cứ thu hết 1 lứa dâu cành lại phớt nhẹ xuống 20 – 30 cm để thu lứa cành tiếp theo. Có thể làm như vậy 4 lần để thu 4 lứa dâu cành trong 1 chu kỳ đốn dâu (1 năm).

2.5. Quy trình bón phân cho dâu

2.5.1. Bón phân trồng mới

a) Bón lót

– Lượng phân: phân hữu cơ: 15 m3/ha, phân lân: 700 kg/ha, vôi: 1 tấn/ha;

– Cách bón: ngay sau khi đào rãnh cho phân hữu cơ, lân và một phần đất vào rãnh, trộn đều sau đó phủ thêm 1 lớp đất khoảng 5 cm trên mặt và tiến hành trồng. Trong trường hợp phân chưa hoai mục, sau khi trộn phân 10 – 15 ngày bón vôi và tiến hành trồng.

b) Bón thúc

Sau trồng 1 – 2 tháng bón đợt đầu tiên: 150 kg urê/ha, sau đó định kỳ 1 tháng bón 1 lần với tổng lượng phân cho năm thứ nhất là 520 kg urê, 730 kg lân Văn Điển, 200kg Clorua kali/ha/năm.

2.5.2. Bón phân hàng năm

a) Tại Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng

– Lượng bón: 15 tấn phân chuồng, 320kg N : 160 kg P2O5 : 160 kg K2O

– Thời điểm bón và số lượng bón:

+ Bón lần 1: bón sau đốn,cày diện tích và bón  15 tấn phân chuồng, 80 kg N, 80 kg P2O5 : 80 kg K2O;

+ Bón lần 2: vào cuối tháng 5, bón 80 kg K2O;

+ Bón lần 3: vào cuối tháng 7, bón  80 kg N, 80 kg P2O5 : 80 kg K2O;

+ Bón lần 4: vào cuối tháng 8, bón 80 kg N.

b) Tại Đak Glong, tỉnh Đăk Nông

– Lượng bón: 15 tấn phân chuồng, 280kg N, 140 kg P2O5 : 140 kg K2O

– Thời điểm bón và số lượng bón

+ Bón lần 1: bón sau đốn, cày diện tích và bón  15 tấn phân chuồng, 70 kg N : 70 kg P2O5 : 80 kg K2O;

+ Bón lần 2: vào cuối tháng 6, bón 70 kg K2O;

+ Bón lần 3: vào cuối tháng 8, bón  70 kg N, 70 kg P2O5 : 70 kg K2O;

+ Bón lần 4: vào trung tuần tháng 10, bón 70 kg N.

2.6. Phòng trừ sâu bệnh

2.6.1. Biện pháp canh tác: bón phân cân đối, thu hái lá dâu đúng lứa, vệ sinh đồng ruộng…

2.6.2. Biện pháp dùng hóa chất

 Phun Bi 58: 40/00, Mipcin 90/00, Bassa 20/00, Suprathion 0,50/00, phòng trừ rầy. Anvil 1,50/00 phòng gỉ sắt. Thời gian cách ly cho tằm 7 – 10 ngày sau phun thuốc (Suprathion 0,5 50/00 thời giaan cách ly là 15 – 20 ngày).