TS. Trương Hồng
Mỹ, Hà Lan, Pháp, Canada, Úc, Đức, Ấn Độ…. là những nước đã sản xuất và sử dụng các loại phân bón chức năng từ thế kỷ 19 và đến thế kỷ 20, 21 mới thật sự phát triển.
Tổng hợp tài liệu từ nhiều nguồn cho thấy rằng sử dụng các loại phân bón chức năng, đặc biệt là phân đạm chức năng đã làm giảm lượng phân đạm bón cho cây trồng từ 15 – 35 %; hiệu quả sử dụng phân đạm tăng 15 – 30 %; phân lân tăng 10 – 30 %; kali tăng 5 – 15 %. Cây trồng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao hơn so với bón đạm bình thường từ 5 – 20 %; chất lượng sản phẩm được cải thiện. Đặc biệt đạm – silic làm cho cây cứng cáp, ít bị sâu bệnh hại tấn công và có khả năng thích ứng tốt với điều kiện bất thuận như úng và khô hạn. Đạm bọc Agrotain giúp tăng năng suất từ 7 – 15 %….., tăng hiệu quả sử dụng phân bón từ 10 – 30 %. Phân đạm bọc dầu Neem là loại phân bón chức năng ngoài việc đáp ứng đạm cho cây trồng, loại phân bón này còn có tác dụng rất tốt trong việc hạn chế các loại sâu bệnh hại phát sinh từ đất, đặc biệt hạn chế sự phát triển của tuyến trùng gây hại rễ cà phê – tác nhân chính gây nên bệnh vàng lá cà phê và cũng là vấn đề lớn trong tái canh cà phê của Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, đạm bọc dầu Neem còn có đặc tính tan chậm, do vậy hạn chế mất mát đạm do bốc hơi hoặc rửa trôi, điều này làm tăng hiệu quả sử dụng phân đạm, tiết kiệm được chi phí đầu tư phân bón.
Phân NPK chức năng phân giải chậm phù hợp cho nhiều loại cây trồng được áp dụng ở các nước Châu Âu như Hà Lan, Pháp.
Phân bón NPK có chức năng kiểm soát cỏ dại
Đối với phân khoáng chức năng, các nước trên thế giới đã thành công trong việc nghiên cứu, sản xuất các loại phân bón NPK chức năng (kiểm soát cỏ dại, kích thích sinh trưởng cây trồng, tan chậm, giữ ẩm…) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí giá thành và bảo vệ môi trường sinh thái.
Các loại phân bón hữu cơ sinh học chức năng được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới như loại phân bón hữu cơ có bộ vi sinh vật đối kháng với 1 số nấm bệnh trong đất; phân bón chức năng chứa các acid amin, các vitamin… kích thích sinh trưởng cây trồng. Sản phẩm phân bón vi sinh vật cố định nitơ tự do từ vi khuẩn Azotobacter và Clostridium đã được sản xuất tại Mỹ, Úc và sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới với tên E.2001 mang lại hiệu quả kinh tế xã hội tương đối cao. Kết quả đánh giá ảnh hưởng của sản phẩm E.2001 trên cà chua, rau diếp và bầu cho thấy, E.2001 có tác dụng tốt trong việc nâng cao năng suất rau, trong đó mức độ tăng có thể từ 33,33% đến 56% tùy từng loại rau.
Tại Ấn Độ, sử dụng phân vi sinh chức năng (vi khuẩn hội sinh – Azospirillum) cố định nitơ cho lúa, cao lương và bông làm tăng năng suất trung bình 114%, 18,2% và 6,8% hay mang lại lợi nhuận 1015 rupi, 1149 rupi và 343 rupi/ha. Tại Liên bang Nga, việc bón chế phẩm vi sinh vật cố định nitơ làm tăng năng suất khoai tây 12,8 tạ/ha; năng suất cà chua tăng 28,0 tạ/ha; năng suất ngô hạt tăng 22,4 tạ/ha; năng suất cây bắp cải tăng 75,2 tạ/ha.
Phân bón vi sinh vật chức năng vi khuẩn nốt sần đã được sản xuất công nghiệp và trở thành hàng hóa ở Châu Âu, Nam Mỹ và Úc. Năm 2012 giá trị hàng hóa của phân vi khuẩn nốt sần trên thế giới đạt khoảng 500 triệu USD, trong đó Mỹ là quốc gia có lượng sử dụng lớn nhất với giá trị là 110 triệu USD. Tại Ấn Độ, phân bón vi sinh vật chức năng cố định đạm đã giúp tăng năng suất cây đậu đỗ trung bình tới 13,9% và mang lại lợi nhuận 1.204 Rupi/ha. Ở Đông Nam Á, Thái Lan là nước sử dụng phân vi khuẩn nốt sần nhiều nhất.
Theo Kong Ngoen và CTV, số lượng phân vi khuẩn nốt sần được sử dụng ở Thái Lan đã tăng từ 3,36 tấn (1985) lên 320.000.000 tấn (2012). Qua việc sử dụng phân chức năng vi khuẩn nốt sần trong giai đoạn 1980-1993, Thái Lan đã tiết kiệm được 143.828 tấn urê. Lợi nhuận của việc nhiễm khuẩn cho lạc mang lại cho mỗi ha là 78,5 USD. Nhiễm khuẩn cho cây bộ đậu không đắt, chỉ cần đầu tư kỹ thuật thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt quá trình tổng hợp đạm sinh học này không gây ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần nâng cao độ phì đất cải thiện môi trường sinh thái. Sản xuất, sử dụng phân vi khuẩn nốt sần nhằm tăng năng suất cây bộ đậu, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập người nông dân là một tiến bộ kỹ thuật đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công.
Tuy nhiên do hệ vi sinh vật rất đa dạng và mỗi vi sinh vật trong đất đều chịu nhiều tác động qua lại của các vi sinh vật khác cũng như điều kiện môi trường nên hiệu quả của các sản phẩm vi sinh trong các điều kiện khác nhau không giống nhau. Tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc; Đức; Nhật, Mỹ, Anh, Úc… người ta ngày càng chú ý nhiều đến các sản phẩm phân vi sinh vật hỗn hợp (phân bón vi sinh đa chức năng) bao gồm tập hợp các nhóm vi sinh vật cố định nitơ, phân giải. lân, kích thích sinh trưởng thực vật, đối kháng vi sinh vật gây bệnh vùng rễ cây trồng do tác dụng tổng hợp của nó đối với đất, cây trồng và môi trường sinh thái. Các sản phẩm phân bón vi sinh vật đơn chức năng như cố định nitơ hay phân giải lân đang dần dần được thay bằng sản phẩm vi sinh vật hỗn hợp.
Tài liệu tổng hợp từ nhiều nguồn.