Một số yếu tố ảnh hưởng đến đậu quả và năng suất cây bơ

TS. Trần Thị Minh Huệ

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên

      1. Giới thiệu

      Bơ có đặc trưng là tỷ lệ đậu quả thấp, có nghĩa hầu hết hoa không bao giờ tạo quả. Ở nhiều loài, điều này có thể là do thụ phấn không đầy đủ, và điều này cũng đúng với bơ bởi các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong điều kiện tự nhiên tỷ lệ đậu quả chỉ là 0,15%, cứ khoảng 700 hoa sẽ cho một quả. Để kiểm tra xem có phải việc đậu quả thấp là kết quả của việc thụ phấn tự nhiên không đầy đủ, nghiên cứu thụ phấn bằng tay được tiến hành. Thụ phấn bằng tay tăng đậu quả đến 2,8% (hoặc cứ 100 hoa sẽ cho 3 quả), đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa cao. Thật thú vị là không có sự khác biệt trong phần trăm đậu quả giữa các năm (năm được mùa và năm mất mùa, bơ cho năng suất cách năm); sự khác biệt về năng suất là do sự khác biệt về tổng số hoa được sản xuất. Nói chung, những phát hiện này cho thấy rằng thụ phấn không đầy đủ đóng một vai trò trong việc bơ đậu quả thấp, nhưng các yếu tố khác cũng có liên quan.

     2. Các yếu tố liên quan đến đậu quả và năng suất cây bơ

     Các loại hoa ở bơ

     Một yếu tố ảnh hưởng đến sự thụ phấn không đầy đủ ở bơ là do thói quen nở hoa bất thường của cây bơ. Hoa bơ nở hai lần, một lần ở giai đoạn hoa cái và một lần giai đoạn hoa đực. Thời gian hoa nở trong mỗi giai đoạn sẽ xác định xem chúng được phân loại là ra hoa kiểu “A” hay “B”. Các giống bơ thuộc nhóm hoa “A” (ví dụ: Hass) nở hoa cái vào buổi sáng của ngày một và hoa đực vào chiều ngày thứ hai. Các giống trồng thuộc nhóm hoa “B” (ví dụ: Fuerte) nở hoa cái vào buổi chiều của ngày một và hoa đực vào sáng ngày thứ hai (Xem hình 1). Xét về mặt tiến hóa, mô hình nở hoa này ưa thích thụ phấn chéo vì hoa cái nhóm “A” sẽ chồng với hoa đực nhóm “B” và ngược lại.

Hình 1: Thời gian nở hoa bơ của nhóm hoa “A” và “B”.

       Sức sống của phấn hoa 

     Giả sử giai đoạn trùng nhau giữa hoa cái và hoa đực (hình 2) là đủ dài trong một vườn cây, phấn hoa được chuyển từ hoa này đến hoa khác phải có đủ sức sống. Ở điều kiện ở miền nam Tây Ban Nha, thử nghiệm nảy mầm cho thấy phấn hoa bơ có khả năng sống sót khoảng 50% đến 60%. Bằng chứng khác cho thấy sức sống hạt phấn có thể cao hơn trong điều kiện của California, Mỹ. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi một loài như bơ – có nguồn gốc từ khí hậu mát mẻ, ẩm ướt – đã bị giảm sức sống hạt phấn khi ở vùng khí hậu ấm áp, khô như California, Mỹ và miền nam Tây Ban Nha. Khi lưu trữ ở 39°F (tương đương 40C), sức sống của phấn hoa bị giảm đáng kể, chỉ được một ngày. Tuy nhiên, khi hoa được thụ phấn với phấn tươi (fresh pollen) hoặc phấn được lưu trữ (một ngày) thì tỷ lệ đậu quả giảm không đáng kể. Điều này cho thấy rằng sức sống của phấn hoa có lẽ không phải là yếu tố chính trong việc bơ đậu quả thấp.

 Hình 2: Hoa đực (trái) và hoa cái (phải) (Nguồn: Iñaki Hormaza, 2014)

      Chất lượng hoa

     Một câu hỏi thú vị là liệu tất cả các hoa trong 1 cụm hoa có được tạo ra như nhau không. Kết quả phân tích hàm lượng tinh bột trong hoa cho thấy có sự biến thiên lên đến mười lần giữa các hoa trong cùng một cụm hoa. Và hàm lượng tinh bột tương quan chặt chẽ với đậu quả, những hoa cho đậu quả có hàm lượng tinh bột trung bình cao gấp 3 lần so với hoa bị rụng. Sự khác biệt về hàm lượng tinh bột hoa không liên quan đến vị trí của hoa trong cụm hoa, loại cụm hoa (hoa xác định hay bất định), hoặc năm thu hoạch (năm được mùa hay mất mùa). Làm thế nào để tăng hàm lượng tinh bột ở hoa và liệu điều này có thể cải thiện việc đậu quả ở bơ hay không, cần được quan tâm nghiên cứu.

     Thụ phấn

     Trong phạm vi nguồn gốc xuất phát của bơ thì bơ được thụ phấn bởi một số các loài ong không có nọc khác nhau và ít nhất một loài ong vò vẽ. Ong nghệ (Bumble) hoặc côn trùng khác có thể là tác nhân thụ phấn hiệu quả hơn trong điều kiện sản xuất thương mại nhưng chúng không dễ dàng được thiết lập trong vườn cây như ong mật. Mặc dù ong mật không thích hoa bơ, ong vẫn đến hút mật và vì thế làm tăng lượng hoa được thụ phấn và làm tăng đáng kể tỷ lệ đậu quả (Bezuidenhout và cs., 2017). Theo Dixon (2004), nên đặt ít nhất 4 thùng ong cho mỗi ha để đảm bảo có 20 – 30 con ong cho mỗi cây để đảm bảo cho việc thụ phấn tốt trong vườn cây.

     Sự thụ phấn và loại hoa cũng có tương tác mạnh ảnh hưởng đến đậu quả. Khi hoa được theo dõi từ thụ phấn đến đậu quả, người ta thấy rằng những bông hoa có nhụy có ít hạt phấn hoa thường bị rụng và những nhụy có nhiều hạt phấn (> 40) có nhiều khả năng đậu quả nhất. Để phấn hoa có thể được chuyển giao giữa các hoa nhiều nhất cần phải có khoảng thời gian trùng lắp giữa các giai đoạn hoa đực và hoa cái nở vào cùng ngày và khoảng thời gian trùng lắp này xuất hiện trong cả giai đoạn nở hoa.

     Nguồn phấn hoa cũng rất quan trọng để đậu quả thành công. Trong một nghiên cứu thụ phấn bằng tay, hoa bơ Hass thụ phấn với phấn hoa từ bơ Nobel, Marvel hoặc Fuerte. Hoa giống Hass thụ phấn với phấn hoa của giống Nobel và Marvel đậu quả tương ứng là 8,4% và 7,4%, trong khi hoa Hass thụ phấn với hoa Fuerte chỉ có 2,8% đậu quả. Trong một thử nghiệm khác, Hass được trồng ở một ô liền kề với ô Fuerte, thụ phấn chéo giữa hai giống đã được kiểm tra bằng phân tích DNA trên hạt của quả bơ Hass. Trong hàng cây đầu tiên tiếp giáp với ô Fuerte, 40%-50% quả được tạo ra từ thụ phấn chéo; ở hàng thứ hai của cây khoảng 30% – 40% quả thu được từ thụ phấn chéo; và ở hàng thứ ba chỉ có 20%-30% quả thu được từ thụ phấn chéo. Và trong khoảng thời gian 13 năm không có ảnh hưởng đáng kể của khoảng cách đến nguồn phấn hoa lên năng suất, ngoại trừ trong hai năm mất mùa thì hàng Hass gần nhất với ô Fuerte có sản lượng cao hơn. Tỷ lệ giao phấn và thụ phấn ở bơ biến thiên theo giống và có sự khác biệt ở các nghiên cứu. Ví dụ nghiên cứu của trường ĐH Florida, Mỹ (Borrone và cs., 2008) cho thấy tỷ lệ giao phấn là 63 – 85% ở ô thí nghiệm trồng hai giống Simmonds (nhóm hoa A) và Tonnage (nhóm hoa B). Các nghiên cứu khác trên giống Hass ở California, Mỹ cho thấy giao phấn không là yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất (Garner và cs., 2008) và tự thụ phấn vẫn rất phổ biến ở cây bơ (Kobayashi và cs., 2000). Thông thường trồng xen giống bơ thuộc hai loại hoa A và B trong vườn bơ là phổ biến và được khuyến khích. Tuy nhiên theo những nghiên cứu trên thì việc trồng cả hai loại bơ trên cùng diện tích cũng chưa hẳn cần thiết và nếu một trong hai giống có năng suất thấp thì cần cân nhắc. Nghiên cứu xác định tỷ lệ giao phấn và loại phấn nào phù hợp với giống bơ nào trên địa bàn Tây Nguyên là rất cần thiết để đưa ra khuyến cáo phù hợp.

      Nhân tố môi trường

     Nhiệt độ và độ ẩm tương đối là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng mạnh mẽ đến ra hoa và đậu quả. Nói chung, nhiệt độ mát hơn dẫn đến hoa nở rộ nhiều hơn và ngược lại. Nhưng nhiệt độ cũng quan trọng đối với chu kỳ nở hoa và đóng hoa hàng ngày, và sức sống phấn hoa. Độ bám dính vào noãn tối đa của hạt phấn là từ 20 – 250C, và nảy mầm của phấn hoa cũng đạt cao điểm ở phạm vi nhiệt độ này. Một khi hạt phấn nảy mầm, nhiệt độ ảnh hưởng đến tốc độ ống phấn chạm đến bầu nhụy để thụ tinh.  Từ 20 – 300C ống phấn hoa chạm đến bầu nhụy trong khoảng 8 đến 12 giờ; tuy nhiên, ở 100C có thể mất tối đa 48 giờ. Để hạt phấn hoa dính vào đầu nhụy, đầu nhụy phải ẩm ướt. Độ bám dính và nảy mầm tối đa của phấn hoa được tìm thấy ở độ ẩm tương đối 75%. Người ta không rõ liệu việc tưới hay xịt nước vào tán cây có thể tăng tương đối độ ẩm đủ để ảnh hưởng tích cực đến việc tiếp nhận phấn của đầu nhụy và nảy mầm của phấn hoa. Thời tiết lạnh (<170C), ẩm ướt, gió và ngày nhiều mây thường làm giảm hoạt động của ong và giảm sự thụ phấn.

      Phân bón

     Nghiên cứu sử dụng boron để tăng đậu quả và năng suất của các loại cây trồng đã được nghiên cứu  nhiều. Các báo cáo đều chỉ ra tác dụng tích cực của boron trên sự nảy mầm của phấn hoa; sự tăng trưởng của phấn hoa ống đến noãn; quá trình hình thành giao tử; và phân chia tế bào trong giai đoạn đầu của phát triển quả (Lovatt và Dugger, 1984). Năng suất tăng khi bón boron ngay cả đối với cây có yêu cầu boron ở mức độ vừa phải (Hanson, 1991). Phun Boron hiệu quả nhất khi thời tiết mát mẻ, ẩm ướt chiếm ưu thế trong quá trình ra hoa, tuy nhiên điều kiện thời tiết này hoạt động của ong và thụ phấn đều giảm (Hanson, 1991).

     Phun boron và urê qua lá dẫn đến việc tăng năng suất tích lũy (3 năm) so với đối chứng (Bảng 1). Năng suất tích lũy tăng lên được đi kèm với việc số lượng quả có kích thước lớn tăng. Phun boron qua lá kết hợp với urê không ảnh hưởng đến năng suất. Trong những năm điều kiện khí hậu bất thuận có thể làm giảm sự tăng trưởng ống phấn và sức sống của noãn, phun Boron qua lá để tăng năng suất (Jaganath và Lovatt, 1998; Robbertse và cs., 1992).

     Bảng 1: Ảnh hưởng của việc phun Boron và/hoặc urê qua lá ở cây bơ Hass ở giai đoạn phát triển cụm hoa đến năng suất

Công thức

Năng suất (kg quả/cây)

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Cộng dồn

Đối chứng

69 a

82 b

41 a

192 b

Boron

67 a

134 a

41 a

242 a

Urê

99 a

89 b

47 a

237 a

Boron + Urê

56 a

87 b

43 a

186 b

(Nguồn Jaganath và Lovatt (1998); Số liệu là giá trị trung bình cho 16 cá thể lặp lại trên mỗi lần xử lý. Giá trị trong mỗi cột dọc được theo sau bởi các chữ cái khác nhau là có ý nghĩa theo test Tukey với P ≤ 0,05).

      Tương tác gốc ghép và chồi ghép

     Bơ thường được nhân giống bằng phương pháp ghép, tuy nhiên ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng gốc ghép lên chất lượng và năng suất. Kohne (1992) cho rằng không có sự khác biệt về chất lượng khi ghép bơ Hass lên gốc Duke 7, G6 và G755C, ngoại trừ hình thái quả có thay đổi khi dùng Duke 7 làm gốc ghép. Kremer-Köhne và cs. (1992) ghép Hass lên Duke 7, G6 và G755C, và Fuerte lên Duke 7 và G6. Kết quả cho thấy Hass cho quả (precocious) sớm hơn Fuerte, Duke 7 là gốc ghép tốt nhất và chất lượng quả của Hass tốt hơn Fuerte. Marques và cs. (2003) dùng cây bơ ‘Hass’ ghép lên cây thực sinh Velvick, dòng vô tính Velvick và dòng vô tính Duke 7 để xác định khả năng dùng gốc ghép trong việc cải thiện chất lượng bơ. Kết quả cho thấy gốc ghép có thể ảnh hưởng đến chất lượng quả bơ Hass về thành phần chất khoáng của quả (nồng độ canxi, boron, nitơ). Gốc ghép không ảnh hưởng đến sản lượng, thể tích tán, trọng lượng quả trung bình, tỷ lệ chiều dài quả/chiều rộng, độ dày của vỏ quả, chất khô, hoặc tỷ lệ khối lượng hạt/trái. Kết quả này cho thấy có tiềm năng cải thiện chất lượng bơ của cây bơ ‘Hass’ thông qua việc lựa chọn gốc ghép.

     3. Nhận xét

     Đậu quả và năng suất quả bơ là kết quả của sự tương tác của nhiều các yếu tố phức tạp. Trong hệ thống sản xuất thương mại, lý tưởng nhất là người trồng bơ có thể điều khiển các yếu tố này để tối đa hóa năng suất, nhưng nhiều yếu tố không kiểm soát được (ví dụ: hàm lượng tinh bột của hoa). Vì vậy, chúng ta cần lựa chọn những biện pháp tốt nhất có thể bằng việc cẩn thận chọn loại phấn dựa trên thời gian trùng lắp các giai đoạn nở hoa, khuyến khích hoạt động của các tác nhân thụ phấn trong vườn cây, quản lý thụ phấn, tưới nước và tỉa cành để cây phát triển trong mùa hè tốt nhằm tối đa hóa tiềm năng ra hoa và lựa chọn gốc ghép phù hợp.

     Tài liệu tham khảo

     1. Bezuidenhout và cs. (2017). Finding the best polliniser for ‘Hass’ avocado and the effect of bees as pollinators. South African Avocado Growers’ Association Yearbook 40, 2017

     2. Borrone và cs. (2008). Outcrossing in Florida Avocados as Measured Using Microsatellite Markers. Journal of the American Society for Horticultural Science 133(2):255–261

     3. Garner và cs. (2008). The Impact of Outcrossing on Yields of ‘Hass’ Avocado. Journal of the American Society for Horticultural Science 133(5):648–652

     4. Hormaza, Iñaki (2014). Factors Influencing Avocado Fruit Set and Yield. Conference in Fallbrook, Mỹ.

      5. Kobayashi và cs. (2000). Quantitative analysis of avocado outcrossing and yield in California using RAPD markers. Scientia Horticulturae 86: 135-149

     6. Kohne (1992). Field Evaluation of ‘Hass’ Avocado Grown on Duke 7′, G6 and G755C Rootstocks. Proc. of Second World Avocado Congress 1992 pp. 301-303

     7. Kremer-Köhne và cs. (1992). Yield and fruit quality of Fuerte and Hass on clonal rootstocks. South African Avocado Growers’ Association Yearbook 1992. 15:69

     8. Lovatt, Carol J. (1999). Timing Citrus and Avocado Foliar Nutrient Applications to Increase Fruit Set and Size. HortTechnology. 9:4

     9. Marques, J. R. và cs (2003). Rootstocks influence `Hass’ avocado fruit quality and fruit minerals. Journal of Horticultural Science & Biotechnology. 78:5. pp. 673-679

     10. Salazar-García và Lovatt (2002). Use of GA3 to Manipulate Flowering and Yield of ‘Hass’ Avocado. Journal of the American Society for Horticultural Science 125(1):25–30