TS. Trương La
1. Khái niệm
Khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh – TMR (Total Mixed Ration) là khẩu phần kết hợp giữa thức ăn thô xanh, thức ăn tinh (gồm các loại thức ăn hạt, các nguyên liệu cung cấp năng lượng, đạm,…), các phụ phẩm nông công nghiệp, các chất bổ sung khoáng, vitamin và các chất phụ gia được phối trộn với một tỉ lệ nhất định thành một khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh, đồng nhất và cân bằng dưỡng chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của bò.
Phương thức chăn nuôi công nghiệp tỏ ra đặc biệt thích ứng với loại thức ăn này.
Thức ăn TMR có nhiều ưu điểm:
– Khắc phục được sự mất cân đối trong các loại thức ăn hỗn hợp khác nhau. Điều này thuận tiện trong sử dụng cho người chăn nuôi.
– Tận dụng được nhiều loại nguyên liệu để sản xuất: cỏ khô, cỏ ủ, ngũ cốc, …nhất là các loại phụ phẩm của ngành nông nghiệp, thực phẩm mà nếu cho ăn riêng lẻ bò khó thể ăn được vì không hợp khẩu vị (do mùi vị hoặc quá cứng,…); khi được trộn chung vào một khẩu phần thật đều, bò không thể chọn lựa loại nguyên liệu này bỏ loại khác. Do vậy bò ăn được nhiều loại thức ăn hơn.
– Thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng do đã được phối trộn một cách hợp lý.
– Thức ăn có tỷ lệ tiêu hóa cao hơn do thức ăn đã được chế biến và thức ăn tinh do được trộn lẫn với thức ăn thô nên qua đường tiêu hóa chậm hơn.
– Kiểm soát được hiệu quả sử dụng thức ăn: dễ dàng phát hiện những vấn đề do khẩu phần thức ăn gây ra nhờ theo dõi biến động lượng sữa, tăng trọng hàng ngày của từng cá thể, từ đó điều chỉnh bổ sung cho phù hợp nhu cầu; giúp bò kéo dài độ bền cho sữa, khai thác được nhiều kỳ sữa, nhất là bò cao sản không bị suy kiệt phải loại thải sớm, lãng phí.
– Loại thức ăn TMR tốt với nhiều quy mô chăn nuôi nhưng đặc biệt phù hợp với quy mô chăn nuôi tập trung, công nghiệp hóa, con giống có năng suất sữa cao.
– Giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động do tăng cơ giới hóa, từ đó tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi bò sữa, bò thịt.
So với phương thức chăn nuôi bò cho ăn riêng lẻ từng loại thức ăn, khi thừa khi thiếu chất dinh dưỡng này hoặc chất dinh dưỡng khác hoặc mất cân đối khoáng và vitamin thì loại thức ăn TMR khắc phục được tất cả các nhược điểm trên một cách hoàn hảo. Đặc biệt với những loại thức ăn TMR có sử dụng hệ đệm khoáng premix giàu Ca, P, Na, K thì hiệu quả rất rõ rệt qua khả năng tăng sản lượng sữa/chu kỳ của bò vắt sữa. Chất lượng sữa được đảm bảo, đồng thời bò sữa có nâng cao được sức đề kháng, giảm thiểu tối đa các bệnh về sinh sản.
2. Một số kết quả ứng dụng khẩu phần TMR trong nuôi dưỡng bò tại Việt Nam
TMR lần đầu tiên được giới thiệu ở Mỹ, Nam Phi và Israel vào cuối những năm 1960. Ngày nay đã phổ biến rộng rãi trên thế giới cho cả trại nuôi bò sữa và bò thịt. Phương pháp cho ăn bằng TMR đã được xem là không thể thiếu và được áp dụng ở hầu hết các trang trại bò sữa ở những nước mà ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, điển hình là Mỹ, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là phương pháp được áp dụng trong chăn nuôi bò sữa và nuôi vỗ béo bò thịt ở nước ta những năm trở lại đây.
Theo Lê Đăng Đảnh (2004), nếu người chăn nuôi không cung cấp đủ thức ăn thô có giá trị protein cần thiết cho đàn bò, thì bù vào đó phải cho ăn từ 0,4 – 0,5 kg thức ăn tinh cho mỗi kg sữa sản xuất, từ đây làm cho bò dễ bị xáo trộn về tiêu hóa, gây ra hiện tượng acid máu (acidosis) dẫn đến bò bị đau móng, khó thụ thai, lượng sữa không đạt được đỉnh cao của chu kỳ sữa và đây là nguyên nhân làm cho mỗi bò sữa sẽ mất khoảng 250 – 500 kg sữa trong 1 chu kỳ sữa. Do đó, người chăn nuôi cần cho bò ăn theo khẩu phần TMR, nhất là trong giai đoạn đầu của chu kỳ sữa.
Hiện nay, phương thức cho bò ăn theo khẩu phần TMR đang được khuyến cáo áp dụng. TMR là khẩu phần cân bằng dinh dưỡng, trong đó nhóm thức ăn tinh và thô được trộn lẫn với nhau theo khẩu phần định lượng. Phương pháp cho ăn này đảm bảo cùng một lúc bò được ăn các loại thức ăn khác nhau với lượng phù hợp nhu cầu, giúp ổn định hệ vi sinh vật dạ cỏ, giảm các nguy cơ gây xáo trộn tiêu hóa, từ đó giúp sử dụng hiệu quả lượng thức ăn ăn vào và nâng cao khả năng sản xuất của bò sữa.
Tại Việt Nam, các nhà chăn nuôi dẫn đầu trong ngành nông nghiệp như Vinamilk, TH True Milk, Dalat Milk, Mộc Châu Milk đều đã áp dụng phương pháp cho ăn theo TMR. Bên cạnh đó, một số trang trại và các nông hộ có quy mô đàn cao (> 50 con) cũng áp dụng khẩu phần TMR trong chăn nuôi bò sữa.
Đoàn Đức Vũ và cộng sự (2012) khi nghiên cứu cho bò sữa ăn thức ăn TMR cho thấy năng suất sữa bình quân 75 ngày đã tăng hơn bò ở lô đối chứng (cho ăn theo truyền thống) là 0,8 kg/con/ngày. Theo kết quả thử nghiệm khẩu phần thức ăn TMR tại trại bò sữa An Phước, Long Thành, Đồng Nai của Lê Đăng Đảnh và Lê Thị Thu Hà (2006) cho thấy năng suất sữa tăng so với không sử dụng là 1,94 kg/con/ngày, tiết kiệm 14,5% chi phí thức ăn để sản xuất 1kg sữa. Kết quả thử ngiệm khẩu phần thức ăn TMR tại trại bò sữa Lê Văn Phi, xã An Nhơn Tây – Huyện Củ Chi cho thấy năng suất sữa bình quân tăng so với không sử dụng TMR là 2,42 kg/con/ngày, chênh lệch chi phí thức ăn cho 1 kg sữa sản xuất giữa hai lô là 250 đ/kg sữa và mức chênh lệch lợi nhuận là 12.600 đ/con/ngày (Nguyễn Thị Liễu Kiều, 2007).
Kết quả thực hiện chương trình thử nghiệm thức ăn TMR theo công nghệ Israel của Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng – vật nuôi (8/2014 – 5/2015) tại địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn và Quận 12, TP. Hồ Chí Minh cho thấy đàn bò có sử dụng khẩu phần TMR, năng suất sữa tăng từ 2,9 – 6,9 kg/con/ngày, đạt đỉnh sữa ở cuối tháng thứ 2 chu kỳ sữa, cá biệt có con đạt đỉnh sữa là 30 – 32 kg/con/ngày, năng suất sữa tăng đều qua các tháng và duy trì thời gian cho sữa cao kéo dài hơn 60 ngày; ngược lại đàn bò không sử dụng khẩu phần TMR, đỉnh sữa vào tháng thứ 2 của chu kỳ, chỉ duy trì thời gian cho sữa cao khoảng 20 – 30 ngày, sau đó năng suất sữa giảm rất nhanh, không duy trì được đỉnh sữa kéo dài so với đàn bò được ăn khẩu phần TMR. Ngoài ra, chất lượng sữa ở đàn bò có sử dụng khẩu phần TMR đều đạt tiêu chuẩn của nhà thu mua. Điều này cho thấy, các hộ chăn nuôi bò sữa cần thay đổi phương thức cho bò ăn theo TMR để nâng cao năng suất, chất lượng sữa, cải thiện sức khỏe, sức đề kháng, khả năng sinh sản, nâng cao thu nhập trong chăn nuôi bò sữa (Trung tâm Khuyến nông TP HCM, 2015).
Hà Nội hiện là một trong những địa phương có tốc độ phát triển bò sữa tương đối nhanh. Tổng đàn bò sữa của TP hiện nay là 14.733 con được chăn nuôi tại 3.203 hộ, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Quy mô chăn nuôi bình quân 4,6 con/hộ. Trong đó 74,5% hộ có quy mô từ 1 – 5 con, 23,3% có quy mô từ 6 – 10 con và 2,2% có quy mô > 10 con. Sản lượng sữa đạt 107,5 tấn/ngày. Cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, thích hợp là điều hết sức quan trọng đối với sức khoẻ bò sữa và để có năng suất sữa tối đa. Khi khẩu phần được tính toán đúng và chất dinh dưỡng được cung cấp cân đối, sự tiêu hoá thức ăn nhờ vi sinh vật ở dạ cỏ sẽ tối ưu, vì vậy mà hiệu quả sử dụng thức ăn cao hơn, năng suất sữa cũng cao hơn. Khẩu phần TMR là cách tốt nhất để đạt mục tiêu này.
Nuôi bò bằng TMR, bò dễ dàng thoả mãn chất khô ăn vào hơn so với khi ăn riêng lẻ, vì vậy dễ dàng thoả mãn nhu cầu dinh dưỡng hơn. Thực tế cho thấy bò nuôi bằng TMR cho năng suất sữa tăng từ 1 – 2,5 kg/con/ngày. Mỡ sữa cũng tăng vì quá trình lên men ở dạ cỏ tốt hơn.
Đối với sử dụng TMR cho bò thịt, tại các hộ chăn nuôi bò thịt ở Mỹ Phước, xã Mỹ Phú (Châu Phú) (quy mô từ 8 con trở lên) đã ứng dụng khẩu phần thức ăn TMR để nuôi vỗ béo bò thịt. Qua hai tuần thực hiện vỗ béo, đàn bò đã tăng trọng đáng kể (khoảng 1 kg/ngày/con). Sử dụng thức ăn TMR giúp bổ sung lượng đạm, khoáng chất, tinh bột cho bò, nhất là ở giai đoạn vỗ béo trước khi cho bò xuất chuồng, qua đó đã rút ngắn được thời gian nuôi. Hiệu quả sử dụng thức ăn TMR và tăng trọng của đàn bò tốt hơn nhiều tốt hơn so với phương pháp nuôi bò thông thường. Phương pháp phối trộn thức ăn TMR cũng khá đơn giản. Theo đó, người nuôi có thể tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương như: cỏ, cây ngô… để phối trộn với thức ăn tinh (thành phần, gồm: cám, tấm, vôi, bột cá, muối, urê…) để cho ra hỗn hợp hoàn chỉnh cho bò ăn.
Từ những kết quả nêu trên, việc áp dụng nuôi dưỡng bò bằng khẩu phần TMR cho bò thịt và bò sữa tại Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng với quy mô nông hộ và gia trại là cần thiết nhằm làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế và tận dụng được nguồn phụ phẩm đang bị lãng phí hiện nay.