TS. Trương La
Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
Trong thời gian qua, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã chuyển giao vào sản xuất các tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển chăn nuôi bò thịt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp của vùng Tây nguyên. Một số nội dung nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò thịt như sau:
1. Giống bò thịt :
Việc nghiên cứu nâng cao năng suất và chất lượng thịt của đàn bò tại Tây Nguyên đã được Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên tiến hành liên tục thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; cấp tỉnh, các chương trình phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên… Các công thức lai sử dụng các giống cao sản gồm: Brahman, Drought Master, Limuosine… bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, kết quả các con lai đều có khối lượng và chất lượng thịt cao hơn bò Laisind.
Từ năm 2002 – 2004, WASI đã thí nghiệm cho lai tạo giữa bò đực lai Brahman với bò cái Laisind tại Đắk Lắk, con lai sinh trưởng tốt. Trong điều kiện chăn thả bình thường con lai đạt 91,6kg lúc 6 tháng tuổi và 109,5kg lúc 9 tháng tuổi.
Năm 2007 – 2009, đã cho lai giữa các giống bò đực hướng thịt là Brahman, Limousine, Drougt Master với cái Laisind tại Đắk Lắk, kết quả cho thấy khối lượng lúc 20 tháng tuổi của các con lai đạt 296 – 330kg và cao hơn hẳn so với bò Laisind chỉ đạt 240,4kg và tỉ lệ thịt xẻ cũng cao hơn (53,3%/42%).
Từ năm 2009 – 2010, sử dụng tinh của các giống bò Brahman và Drought Master để phối giống cho bò Laisind tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), khối lượng của bò các nhóm lai qua các thời điểm đều đạt cao và cao hơn bò Laisind. Khối lượng bò lai Brahman lúc sơ sinh; 6; 12 tháng tuổi tương ứng: 20,2kg; 109,2kg; 173,7kg; bò lai Drought Master: 20,6; 113,7; 183,6kg.
Từ năm 2009 – 2011, trong khuôn khổ dự án SXTN cấp Nhà nước đã sử dụng tinh bò đực giống Brahman và Red Sind để phối giống cho đàn bò Laisind tại Đắk Lắk và Gia Lai. Kết quả đã có 1.350 con bê ra đời. Khối lượng bò lai Zêbu lúc 24 tháng tuổi bình quân: 229,6 kg/con tăng hơn so với bò địa phương là 25,2%.
Từ những kết quả nghiên cứu trên, WASI đã xây dựng và chuyển giao thành công 2 quy trình: “Quy trình lai tạo bò thịt chất lượng cao” và “Quy trình lai tạo bò lai Zêbu” vào các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Bình Định và Ninh Thuận.
- Phát triển các giống cỏ chăn nuôi
Năm 2002 đã khảo sát và xây dựng tập đoàn các giống cây thức ăn gia súc, trong đó có 8 giống phù hợp trong điều kiện của Đắk Lắk và Tây Nguyên cho năng suất và tính chịu hạn cao. Bên cạnh đó, đã nghiên cứu phát triển trồng các giống cỏ trong các nông hộ, kết quả cho thấy khi sử dụng cỏ trồng, lợi nhuận thu về cao hơn 20 – 25% so với chăn nuôi truyền thống.
- Phát triển các giống cỏ chăn nuôi
Năm 2002 đã khảo sát và xây dựng tập đoàn các giống cây thức ăn gia súc, trong đó có 8 giống phù hợp trong điều kiện của Đắk Lắk và Tây Nguyên cho năng suất và tính chịu hạn cao. Bên cạnh đó, đã nghiên cứu phát triển trồng các giống cỏ trong các nông hộ, kết quả cho thấy khi sử dụng cỏ trồng, lợi nhuận thu về cao hơn 20 – 25% so với chăn nuôi truyền thống.
Các giống cỏ trồng tại Lâm Đồng đạt năng suất khá cao, cỏ Voi: 169,8 tấn; Ghi nê: 124,4 tấn; cỏ VA06: 183,1 tấn chất xanh/ha.
Đã chuyển giao thành công “Quy trình kỹ thuật trồng và sử dụng một số giống cỏ chăn nuôi cao sản” vào các hộ chăn nuôi tại vùng Tây Nguyên.Chuyển giao kỹ thuật để trồng cỏ tại Đắk Lắk và Gia Lai, các giống cỏ đạt năng suất cao. Cỏ VA06: 330,9 tấn/ha, có nới đạt đến 550 tấn/ha; cỏ Voi: 298,1 tấn và Ghi nê: 174,9 tấn/ha).
- Chế biến bảo quản thức ăn cho bò
Việc chế biến thức ăn cho bò ở Đắk Lắk chủ yếu được ứng dụng công nghệ sinh học bằng biện pháp ủ chua, ủ urê đối với cỏ và một số phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cây ngô, áo ngô sau thu hoạch, vỏ ca cao, vỏ xơ mít, vỏ áo ngô…. Với các biện pháp này, thức ăn được bảo quản được từ 3 tháng đến 1 năm, chất lượng thức ăn được bảo đảm. Sử dụng thức ăn đã qua chế biến nuôi bò, tăng trọng của bò và hiệu quả kinh tế mang lại cao.
Bên cạnh đó, Viện đã nghiên cứu sản xuất đóng bánh thức ăn từ cỏ, rơm, thân cây ngô. Thức ăn đóng bánh bảo đảm chất lượng và có thể bảo quản trong điều kiện thường đến 6 tháng. Ngoài ra đã sản xuất bánh dinh dưỡng cho bò từ vỏ quả ca cao khô, có thể bảo quản được đến 1 năm. Bánh dinh dưỡng là nguồn bổ sung khoáng cho bò.
Năm 2009 đến 2012 đã chuyển giao thành công “Quy trình kỹ thuật chế biến cỏ và phụ phẩm làm thức ăn cho bò” vào sản xuất ở các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Bình Định và Ninh Thuận.
- Vỗ béo bò thịt
Bên cạnh công tác nghiên cứu về giống, việc nghiên cứu về kỹ thuật vỗ béo bò bằng những phụ phẩm sẵn có của địa phương cũng được chú trọng nhằm phát huy tối đa tiềm năng di truyền của giống và nâng cao chất lượng thịt.
Các nghiên cứu sử dụng nguồn phụ phẩm nông công nghiệp (rỉ mật, hạt bông, rơm lúa, thân cây ngô sau thu hoạch, vỏ ca cao, vỏ xơ mít…) để vỗ béo bò thịt đã mang lại kết quả tốt. Thí nghiệm vỗ béo trên bò thịt Laisind, lai Brahman, Drought master tại Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Nông bò tăng trọng đạt: 633 – 839 g/con/ngày, lợi nhuận thu được: 412.000 – 557.000 đồng/con/tháng.
Tóm lại, các tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng đối với bò đã được tiến hành thường xuyên, liên tục từ nhiều chục năm qua tại Tây Nguyên. Tất cả các nghiên cứu trên đều cho thấy nếu nuôi dưỡng hợp lý, bò lai cho tăng trọng cao và nâng cao được chất lượng thịt.
Trên cơ sở nghiên cứu đó đã chuyển giao thành công “Quy trình vỗ béo bò thịt” vào sản xuất. Quy trình mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Tây Nguyên.
- Xây dựng các mô hình ứng dụng KHCN trong chăn nuôi bò thịt
Từ năm 2006 đến 2012, WASI đã tiến hành nghiên cứu xây dựng một số mô hình chăn nuôi bò ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật gồm: nuôi bò lai hướng thịt, trồng cỏ cao sản, chế biến thức ăn, vỗ béo bò và vệ sinh an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Tây Nguyên, hiệu quả kinh tế và môi trường của các mô hình mang lại cao, cụ thể như sau:
– Mô hình chăn nuôi bò thịt dưới tán rừng tại Đắk Lắk: Mô hình có tính bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà là 25%.
– Mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng đồng bộ các giải pháp KHCN tại Lâm Đồng: Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi truyền thống là 30,2%.
– Mô hình chăn nuôi bò tại hộ đồng bào dân tộc tại chỗ tại 3 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai: Mô hình nuôi bò có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cho thu nhập tăng thêm so với chăn nuôi truyền thống là 60,8%.
– Mô hình chăn nuôi bò lai Zêbu tại Đắk Lắk, Gia Lai: Trong điều kiện hiện nay, người chăn nuôi bò lai có thể thu lãi cao hơn nuôi bò địa phương từ 25 – 30%.