Kỹ thuật ủ chua rơm lúa tươi sau thu hoạch làm thức ăn cho bò

TS. Trương La, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

  1. Nguyên lý: Ủ chua rơm lúa tươi sau thu hoạch dựa trên nguyên lý ủ yếm khí và lên men lactic tự nhiên.
  2. Các bước tiến hành

a. Chuẩn bị hố ủ: Hố được xây bằng bằng gạch, xi măng, bên trong trát kín bảo đảm không thấm nước. Kích thước hố: 1 x 1 x 1m, với kích thước này có thể ủ được 200 – 250kg rơm tươi và bảo đảm giữ được nhiệt độ hố ủ ổn định giúp cho quá trình lên men được nhanh (có thể xây hố có kích thước lớn hay nhỏ hơn tuỳ điều kiện cụ thể). Hố xây có mái che tránh nước mưa lọt vào làm hỏng thức ăn.

b. Chuẩn bị nguyên liệu ủ:

+ Rơm tươi: Rơm thu về sau khi thu hoạch trên đồng, nếu còn tươi và ướt thì phơi cho héo để đạt độ ẩm khoảng 65 – 70%. Rơm tươi khi ủ không cần phải cắt ngắn mà bỏ nguyên cọng rơm.

+ Nguyên liệu bổ sung: Bổ sung vào hố ủ là các loại nguyên liệu gồm: cám gạo, bột sắn, bột ngô.

c. Công thức ủ: Có thể sử dụng công thức sau:

– Rơm tươi:  100kg

– Nguyên liệu bổ sung (rỉ mật, cám gạo, bột sắn, bột ngô): 3 – 6 kg

– Muối:  0,5kg.

4. Cách ủ: Đầu tiên lót bạt ni lông vào xung quanh thành hố, cho rơm đã được chuẩn bị trước đó vào hố ủ và rải đều thành từng lớp dày 20 – 30cm, sau đó rải đều các nguyên liệu bổ sung và muối lên trên cùng, dùng chân hoặc dụng cụ nén nén chặt lớp rơm. Cứ làm tuần tự như thế từng lớp cho đến khi đầy hố, túm miệng bạt lại và buộc chặt bằng dây cao su. Cuối cùng lấy các vật nặng đè lên trên miệng hố (có thể đậy miệng hố bằng một lớp đất dày 20 – 25cm).

+ Chú ý: Các chất bổ sung rỉ mật, bột ngô, bột sắn, cám, muối phải ước lượng sao cho để được đều trong hố ủ. Lượng bổ sung càng đều, chất lượng thức ăn càng tốt.

Nếu không có điều kiện xây hố thì có thể ủ rơm vào bao ni lông, thùng phi hoặc các vật dụng khác nhưng phải bảo đảm kín không cho không khí lọt vào gây hỏng thức ăn.

e. Kiểm tra thức ăn: Sau khi ủ 15 đến 20 ngày cần kiểm tra thức ăn ủ xem có đạt chất lượng hay không. Thức ăn ủ chua có chất lượng tốt thường có màu vàng xanh, có mùi thơm đặc trưng của axit lactic, có vị chua, không bị thối nhũn, gia súc thích ăn.

f. Sử dụng thức ăn rơm ủ chua:

Sau 1 tháng có thể lấy cho bò ăn. Khi lấy thức ăn ủ xanh cho bò ăn cần lưu ý:

+ Chỉ dỡ bỏ lớp đậy bể ủ khi lấy thức ăn và đậy lại ngay sau khi lấy xong để hạn chế không khí lọt vào làm hỏng thức ăn.

+ Lấy thức ăn theo thứ tự hoặc từ đầu này đến đầu kia, hoặc từ trên xuống, không làm xáo trộn thức ăn.

+ Chỉ lấy đủ lượng thức ăn cho bò ăn trong ngày, nếu lấy dư để lâu cỏ sẽ hỏng.

+ Cho bò ăn thức ăn rơm ủ không quá 30% khối lượng khẩu phần trong ngày.

+ Lúc đầu gia súc ăn chưa quen thì phải luyện cho gia súc quen dần, ăn từ ít đến nhiều trong vòng 5 – 7 ngày.

+ Không nên cho gia súc ăn thức ăn rơm ủ chua riêng mà cần trộn lẫn các loại thức ăn khác.

la