Kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành trên cà phê vối ở Tây Nguyên

TS. Phạm Công Trí

1.Đặt vấn đề

Tạo hình được xem như một biện pháp kỹ thuật bắt buộc với mục đích tạo cho cây cà phê có bộ tán cân đối, khai thác triệt để không gian của mỗi cây, tạo sự cân bằng giữa sinh trưởng và ra hoa đậu quả, ổn định sản lượng.

Trước đây, có hai hệ thống tạo hình cà phê chính đang phổ biến rộng rãi là: tạo hình đa thân thả ngọn (quả thu chủ yếu trên cành cơ bản) và tạo hình đơn thân hãm ngọn (quả thu chủ yếu trên cành thứ cấp). Chọn hệ thống tạo hình cà phê vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, với các yếu tố ảnh hưởng chính như sau:

Điều kiện môi trường: Ở nhiệt độ thấp, đất đai kém phì nhiêu,… cây cà phê phát sinh cành thứ cấp ít, hệ thống tạo hình đa thân thả ngọn thường hiệu quả hơn.

Giống cà phê: Cà phê vối phân cành thứ cấp yếu hơn cà phê chè; do đó, cà phê vối được tạo hình đa thân rất phổ biến trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, do cây cà phê vối được tưới nước bổ sung trong mùa khô, điều kiện khí hậu nóng ẩm và được thâm canh cao nên khả năng phát sinh cành thứ cấp mạnh, do đó nhiều vùng trồng áp dụng kỹ thuật tạo hình đơn thân đạt hiệu quả cao.

Tập quán canh tác và giá nhân công: Hệ thống tạo hình đơn thân cần nhiều công lao động và đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng tạo hình. Nếu giá nhân công cao và thiếu lao động kỹ thuật thì tạo hình đa thân có hiệu quả cao hơn.

Kết quả nghiên cứu của Wrigley (1988), Forestier (1969) và Snoeck (1982) đều cho rằng phương pháp tạo hình đa thân thích hợp đối với  cây cà phê vối và cho năng suất cao hơn so với phương pháp tạo hình đơn thân. 

Kết quả nghiên cứu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy kỹ thuật tạo hình đơn thân cho năng suất (bình quân 8 vụ thu hoạch) cao hơn so với tạo hình đa thân một cách có ý nghĩa (Lê Ngọc Báu, 2003).

Gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu rất cấp thiết của thực tiễn sản xuất và tư vấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong các chương trình sản xuất cà phê bền vững, cà phê canh tác theo chứng nhận; nhằm giảm nhẹ áp lực kỹ thuật và công tạo hình cà phê. Dung hoà sự xung đột kỹ thuật giữa tạo hình đơn thân và tạo hình đa thân trên cà phê vối, tích hợp các ưu điểm và khắc phục các nhược điểm của hai phương pháp tạo hình kinh điển này. TS. Phạm Công Trí và các cộng sự thuộc WASI đã phát triển kỹ thuật tạo hình mới trên trên cà phê vối “Kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành”.

2. Kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành

Từ 2012 đến nay, với sự phối hợp triển khai và tài trợ của Simexco, Nestle, LDC, Acom, IDH,… “Kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành” đã được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và huấn luyện đầu bờ cho hàng vạn lượt nông dân của nhiều dự án cà phê bền vững, cà phê hạnh phúc, cà phê cảnh quan,… ở Tây Nguyên. Kỹ thuật tạo hình mới này đã được nông dân tiếp nhận, nắm bắt và từng bước áp dụng vào sản xuất.

Trong hệ thống cành cấp (2, 3, 4,…) của cây cà phê thì cấp cành càng thấp sẽ càng khỏe hơn cấp cành càng cao, thường thì cành cấp 2 luôn tỏ ra khỏe nhất và cho các đốt quả sít nhặt; việc hình thành và duy trì các bướu sinh cành cấp 2 (cấp thấp) sẽ thuận lợi trong tạo hình, nâng cao và ổn định năng suất.

Việc tạo bướu sinh cành trên cà phê vối ưu tiên tạo các bướu trên cành cấp 1 để sinh cành cấp 2 cho bộ tán khỏe và năng suất tốt nhất. Các bướu nên nằm trên cành cấp 1 và cách thân chính 25-35 cm. Bướu ở các cành phía dưới có thể cách thân xa hơn các bướu phía trên. Nếu các cành cơ bản (cấp 1) không còn khả năng sinh bướu, thì bướu được tạo trên các cành thứ cấp (cấp 2, 3,…).

Trên nhiều vườn cà phê kinh doanh tuổi lớn, bởi vì bướu sinh cành đã không còn nằm trên cành cơ bản, mà đã phát triển trên các cành thứ cấp, thì nên ưu tiên định vị bướu sinh cành ở các cấp cành càng thấp càng tốt. Nếu như không có bướu ưu thế trên các cành hiện tại, thì có thể nuôi chồi vượt sau đó tái tạo bướu sinh cành trên cành cơ bản vừa phát sinh trên chồi được nuôi bổ sung này.

Với cà phê kiến thiết cơ bản và đầu kinh doanh, việc hình thành các bướu sinh cành cần được lưu ý thực hiện càng sớm càng tốt và ưu tiên thực hiện.

Với cà phê kinh doanh khuyết tán thì để chồi vượt ở vị trí phù hợp, khi chồi vượt có cặp cành ngang đầu tiên sẽ bấm ngọn và cành phía thân, chừa lại cành phía ngoài để tái tạo cành cơ bản, và hình thành bướu sinh cành trên cành cơ bản này.

3. Kết quả áp dụng thực tiễn

 “Kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành” được áp dụng hiệu quả trên các mô hình trình diễn kỹ thuật, các vườn cà phê cảnh quan, các vườn cà phê sản xuất theo hướng bền vững với tài trợ của Simexco, Nestle, LDC, Acom, IDH,… và được TS. Phạm Công Trí và các cộng sự thuộc WASI thúc đẩy, hỗ trợ kỹ thuật. Thông qua hoạt động quả bá nhân rộng của các dự án và các phương tiện truyền thông đại chúng, kỹ thuật tạo hình mới này đang được nhiều nông dân quan tâm tìm hiểu và áp dụng hiệu quả trên vườn cà phê của mình.

Hình 1. Bướu sinh cành trên cà phê KTCB Hình 2. Bướu sinh cành trên cà phê KD

Hình 3. Tập huấn nông dân của dự án LDC về kỹ thuật tạo bướu sinh cành trên cà phê giải đoạn kiến thiết cơ bản Hình 4. Tập huấn nông dân của dự án LDC về kỹ thuật tạo bướu sinh cành trên cà phê giải đoạn kinh doanh ổn định