KS. Võ Trần Quang
Bộ môn Chăn nuôi và Đồng cỏ
Kỹ thuật này là kết quả của Dự án: “Ứng dụng các quy trình công nghệ và giải pháp thị trường nhằm xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt tại một số xã đặc biệt khó khăn ở 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk”, thuộc chương trình nghiên cứu Khoa học và Phát triển công nghệ tỉnh Đắk Lắk, được thực hiện từ 5/2016 – 6/2018.
Bài viết này nhằm giới thiệu kỹ thuật phòng và trị 2 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên bò là Tụ huyết trùng và Lở mồm long móng.
1. Bệnh Tụ huyết trùng trâu bò (Bệnh Toi hay bệnh Sưng hầu)
– Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây nên. Lây nhiễm qua thức ăn và nước uống vì mầm bệnh thường có ở trong phân và đất. Bệnh có thể lây nhiễm qua người và các dụng cụ chăn nuôi, thú y; có thể lây nhiễm từ những ổ dịch Tụ huyết trùng của heo, gà, vịt. Bệnh cũng có thể lây lan từ trâu bò bệnh sang heo và gà vịt hoặc có thể tự phát ra do vi khuẩn có sẵn ký sinh trong đường hô hấp của trâu bò khi điều kiện môi trường thay đổi.
– Triệu chứng: Đầu tiên thấy bò bỏ ăn và ngưng nhai lại, dáng điệu mệt mỏi, lờ đờ. Sau đó thì chướng hơi và nước miếng nước mũi chảy ra nhiều. Bò sốt cao 41 – 42,5oC, thở mạnh, mắt đỏ ngầu. Sau một ngày thường thấy hầu sưng to, lưỡi lè ra không co lại được. Đi phân táo, có khi lỏng, phân ở những con bệnh nặng thường có máu tươi do xuất huyết ruột. Nước tiểu đỏ hơi vàng và có mùi khai đặc biệt. Trường hợp bệnh nặng con vật ngã gục, run rẩy, chân co giật từng hồi, bụng chướng, mắt trợn ngược rồi lăn ra chết.
– Phòng bệnh: Tiêm phòng bằng Vaccin Tụ huyết trùng cho toàn đàn. Liều tiêm: 2 ml/1con, tiêm dưới da cổ hoặc mông. Lứa tuổi: Bê từ 6 tháng tuổi trở lên, bò mang thai từ tháng thứ 4 – 8 đều tiêm phòng được. Thời gian miễn dịch: 4 – 6 tháng.
– Trị bệnh: Dùng một trong các thuốc đặc trị Gram âm: Streptomycine, liều 1 g/100 kgP (kilogam khối lượng bò); Septotryl, Strepnovil, Clotetrasol, liều 5 ml/100 kgP mỗi loại…; có thể dùng một trong các loại trên và kết hợp với Penicilline (liều 1 triệu UI/100 kgP).
2. Bệnh Lở mồm long móng (Foot and Mouth Disease – FMD)
– Nguyên nhân: Bệnh do một loại vi rút gây nên. Trâu, bò, dê, cừu, heo đều có thể mắc bệnh. Bệnh ít gây tử vong nhưng lây lan rất nhanh và có thể chữa được.
– Triệu chứng: Con vật ủ rũ, lông dựng đứng, đầu mũi khô, da nóng, sốt liên tục 2 – 3 ngày từ 40 – 41oC. Miệng khô, lưỡi dày khó cử động. Niêm mạc miệng, môi, lợi, chân răng bắt đầu mọc lên những mụn bằng hạt ngô hay to hơn, 1 – 2 ngày sau mụn vỡ tạo thành vết loét to và sâu, sau 2 – 3 ngày thì vết loét bắt đầu thành sẹo. Sau đó, ở kẽ và móng chân xuất hiện nhiều mụn mọng nước rộp lên, có mủ, móng và bàn chân đều sưng tấy, con vật đi khập khiễng chỉ muốn nằm một chỗ. Sau 10 – 15 ngày chân lành và con vật đi lại bình thường.
– Phòng bệnh: Sử dụng Vaccin FMD trâu bò.
– Trị bệnh: Dùng chất sát trùng, chất chua nhẹ để rửa miệng hàng ngày cho sạch các mụn loét. Có thể dùng khế, chanh quả hoặc nước muối chà kỹ ở lưỡi, mặt trong má, lợi; sau đó dùng một trong các loại sau: mật ong, thuốc đỏ 1%, phèn chua, giấm ăn 2 – 3%, thuốc tím 1% bôi lên vết loét. Các vết loét ở móng chân: dùng bàn chải chà rửa sạch đất, cắt các mảng da chết, rửa lại bằng các thuốc sát trùng rồi dùng thuốc đỏ, cồn Iod 10%, acid calicilic hoặc formol 1% bôi lên vết loét. Sau đó dùng vải sạch băng chân lại để giữ thuốc và tránh nhiễm bẩn.
Có thể dùng kết hợp các loại thuốc sau đây trong 3 – 5 ngày để trợ sức và chống nhiễm trùng kế phát: Penicilline, VitaminC, Camphora hoặc Cafein.
![]() |
![]() |
Hình 1. Bệnh Lở mồm long móng xuất hiện ở chân bò | |
![]() |
|
Hình 2. Bệnh Lở mồm long móng xuất hiện ở mõm bò |