Trương La, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng: Kỹ thuật này áp dụng cho các trang trại, cơ sở, nông hộ chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Đặc biệt phù hợp cho chăn nuôi bò quy mô nông hộ sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò tại Tây Nguyên.
2. Mục tiêu: Sử dụng công nghệ sinh học (ủ chua bằng men Lactic) để chế biến thức ăn cho bò từ cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp, góp phần bổ sung đủ và đều nguồn thức ăn cho bò nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.
3. Yêu cầu: Thức ăn chế biến có chất lượng tốt, an toàn cho bò và có thể bảo quản được đến 6 tháng.
4. Kỹ thuật ủ chua cỏ, rơm lúa tươi và thân cây ngô sau hoạch bằng men Lactic
4.1. Chuẩn bị hố ủ: Hố được xây bằng bằng gạch, xi măng, bên trong trát kín bảo đảm không thấm nước. Kích thước hố: 1 x 1 x 1 m. Có thể xây hố có kích thước lớn hơn tuỳ điều kiện cụ thể, hoặc có thể làm hố bằng cách đào đất hoặc dùng bao ni lông để ủ.
4.2. Nguyên liệu và công thức ủ: Các loại cỏ ủ thích hợp là các giống cỏ hòa thảo như cỏ Voi, VA06, Ghine. Lượng nước thích hợp trong cỏ nguyên liệu là 65 – 75%. Cỏ và thân cây ngô đem ủ cần được chặt ngắn (5 – 10 cm) để có thể nén được tốt; rơm lúa để nguyên không cần chặt nhỏ.
Cỏ, rơm tươi và thân cây ngô được ủ kèm với các chất bổ sung theo công thức sau:
– Nguyên liệu ủ (cỏ/rơm/cây ngô): 100 kg,
– Bột ngô (hoặc bột sắn, cám gạo, rỉ mật): 3 kg,
– Muối ăn: 1 kg
– Chế phẩm Lactic: 0,5 kg đối với cỏ và cây ngô; 0,7 kg đối với rơm lúa.
4.3. Cách ủ: Đầu tiên lót bạt ni lông vào xung quanh thành hố, cho nguyên liệu ủ đã được chuẩn bị trước đó vào hố ủ và rải đều thành từng lớp dày 20 – 30cm, sau đó rải đều các nguyên liệu bổ sung và chế phẩm Lactic lên trên, dùng chân hoặc dụng cụ nén nén chặt lớp cỏ. Đối với hố đất lớn thì dùng xe máy cày chạy trên nguyên liệu để nén chặt. Cứ làm tuần tự như thế từng lớp cho đến khi đầy hố, túm miệng bạt lại và buộc chặt bằng dây cao su. Cuối cùng lấy các vật nặng đè lên trên miệng hố (có thể đậy miệng hố bằng một lớp đất dày 20 – 25cm).
Chú ý: Các chất bổ sung bột ngô, rỉ mật, cám gạo, chế phẩm Lactic phải ước lượng sao cho để được đều trong hố ủ. Lượng bổ sung càng đều, chất lượng thức ăn càng tốt.
4.4. Kiểm tra thức ăn: Sau khi ủ 15 đến 20 ngày cần kiểm tra thức ăn ủ xem có đạt chất lượng hay không. Cỏ, rơm lúa và thân cây ngô ủ chua sử dụng chế phẩm Lactic có chất lượng tốt có màu vàng xanh, vàng tươi, có mùi thơm đặc trưng của axit lactic, có vị chua, không bị thối nhũn, gia súc thích ăn.
4.5. Sử dụng thức ăn ủ chua: Thức ăn ủ chua có thể sử dụng như nguồn thức ăn xanh cho gia súc. Do đó có thể cho gia súc ăn tự do cùng phối hợp với một số loại thức ăn khác (rơm chế biến urê, cỏ khô, thức ăn tinh…).
Có thể lấy cho bò ăn sau khi ủ 4 tuần nhưng tốt nhất là sau ủ 60 ngày. Gia súc ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, không nên để dư lại sang bữa sau. Khi đã mở hố ủ nên cho ăn liên tục. Lúc đầu gia súc ăn chưa quen thì phải luyện cho gia súc quen dần, ăn từ ít đến nhiều trong vòng 5 – 7 ngày. Thức ăn ủ chua có thể cho bò ăn với lượng tối đa 5 – 7 kg/100 kg thể trọng/ngày. Khi ăn xong phải vệ sinh máng ăn sạch sẽ.
Hình 1. Cây ngô ủ trong hố sau 60 ngày | Hình 2. Cây ngô ủ trong bao ni lông |