Kỹ thuật chăn nuôi bò lai cao sản

Trương La, Bộ môn Chăn nuôi và Đồng cỏ,

Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Kỹ thuật chăn nuôi bò lai cao sản là kết quả của đề tài KHCN: “Lai tạo giống bò thịt cao sản thích hợp với điều kiện chăn nuôi tại tỉnh Lâm Đồng”, thuộc chương trình nghiên cứu Khoa học và Phát triển công nghệ tỉnh Lâm Đồng, được thực hiện từ 8/2013 – 8/2016.

Kỹ thuật này được áp dụng để nuôi dưỡng đối với các giống bò thịt được lai tạo từ các giống bò cao sản gồm Brahman, Drought Master và Red Angus tại các trang trại nuôi bò thịt tập trung và các hộ gia đình chăn nuôi bò thịt cao sản.

  1. Chăm sóc nuôi dưỡng bò lai cao sản từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi

Đây là giai đoạn nuôi bê bằng sữa mẹ, vì vậy cần phải nuôi bò mẹ tốt để có đủ sữa cho con bú.

– Bê đẻ ra sau khi bóc móng, lau khô mình (hoặc để bò mẹ liếm con) cần cho nằm trên lớp lót mềm (thường sử dụng rơm khô), nếu trời rét cần sưởi ấm cho bê.

– Trong 7 ngày đầu mới sinh cần phải chú ý cho bê con bú đầy đủ sữa đầu, vì lúc này sữa có nhiều protein, vitamin, chất khoáng và các kháng thể …

– Từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi, nuôi bê tại nhà cạnh mẹ, luôn giữ ấm tránh gió lùa, cho bê nằm chỗ khô sạch.

– Từ tháng thứ 2, tập cho bê ăn cỏ xanh phơi khô được nắng, cỏ tươi sạch  và thức ăn tinh.

– Trời nắng ấm tập cho bê vận động tự do trong sân khô ráo dưới ánh nắng để bê có đủ Vitamin D3, tạo cho bộ xương cứng cáp.

– Thức ăn cho bê:

+ Thức ăn xanh: 5 – 7 kg cỏ/con/ngày.

+ Thức ăn tinh hỗn hợp: 0,5 – 0,8 kg/con/ngày (thức ăn tinh hỗn hợp có 100g protein tiêu hoá và 2.800 Kcal/kgCK).

– Chú ý phòng và trị kịp thời các bệnh đường ruột như tiêu chảy, giun, sán. Đối với bê đi chăn theo mẹ, nếu có ve bám phải bắt hoặc xịt thuốc ngay, không để ve hút máu bê.

– Khi bê đạt 6 tháng tuổi tiến hành cai sữa cho bê (Những con ốm yếu, còi cọc có thể cho bú đến 8 tháng tuổi mới cai).

  1. Chăm sóc nuôi dưỡng bò lai cao sản từ 7 – 12 tháng tuổi

 Đây là giai đoạn khủng hoảng của bê lai vì lượng sữa mẹ giảm mạnh trong khi đó khả năng sử dụng thức ăn xanh còn kém. Đây là giai đoạn chuyển từ bú sữa sang thức ăn thô xanh nên cần chú ý bảo đảm đủ số lượng và chất lượng thức ăn để bê không bị còi cọc.

– Khi chăn thả ngoài bãi, bê lai gặm được cỏ rất ít. Do đó phải cắt cỏ cho ăn bổ sung tại chuồng vào buổi tối theo định mức sau:

Tháng tuổi

TĂ tinh hỗn hợp (kg)

Cỏ (kg)

Muối (g)

Rỉ mật (g)

7 – 8

0,8

6 – 8

20

100

9 – 10

1,0

8 – 10

20

100

11 – 12

1,2

10

20

100

* Thức ăn tinh hỗn hợp bổ sung nuôi bê giai đoạn từ 7 – 12 tháng tuổi có thể được phối trộn theo 1 trong 2 công thức sau:

TT

Nguyên liệu (%)

Công thức 1

Công thức 2

1

Cám gạo

23

28

2

Bột sắn

65

65

3

Bột cá

10

5

4

Urê

1

1

5

Khoáng premix

1

1

 

Tổng

100

100

– Protein thô (%)

12,0

10,1

– Năng lượng trao đổi – ME (Kcal/kgTĂ)

2.240

2.233

– Nếu thiếu cỏ tươi có thể sử dụng rơm ủ 4% urê hay các loại khác như dây lạc, ngọn mía, áo ngô, thân cây ngô tươi…

– Khi thả bê đi chăn, cần làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, dọn phân thường xuyên. Cần có chất độn chuồng và phải sạch sẽ.

– Trong máng uống luôn có đủ nước sạch, hàng ngày phải rửa sạch và thay nước mới.

– Cho bê ra sân vận động 2 – 4 giờ/ngày.

  1. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò lai cao sản từ 13 – 18 tháng tuổi

Giai đoạn này bò lai đã sử dụng tốt thức ăn thô xanh. Ngoài giờ chăn thả, cần bổ sung thêm vào buổi tối: rơm khô, cỏ ủ xanh, cỏ khô, rỉ mật… Khẩu phần cho ăn như sau:

Tháng tuổi

TĂ tinh hỗn hợp (kg)

Cỏ (kg)

Muối (g)

Rỉ mật (g)

13 – 14

1,2

10 – 12

20

200

15 – 16

1,5

13 – 15

20

250 – 300

17 – 18

1,7

16 – 18

25

350 – 400

* Thức ăn tinh hỗn hợp bổ sung nuôi bê giai đoạn từ 13 – 18 tháng tuổi có thể được phối trộn theo 1 trong 2 công thức sau:

TT

Nguyên liệu (%)

Công thức 3

Công thức 4

1

Cám gạo

26

21

3

Bột sắn

68

75

4

Bột cá

4

2

5

Urê

1

1

6

Khoáng premix

1

1

 

Tổng

100

100

– Protein thô (%)

9,6

8,6

– Năng lượng trao đổi – ME (Kcal/kgCK)

2.237

2.248

  1. Phòng trị bệnh cho bò lai cao sản

Thực hiện tốt lịch tiêm phòng các loại bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, theo quy định của ngành thú y. Định kỳ tẩy giun, sán (sán lá gan, sán dạ cỏ, …), phòng trị các loại bệnh ký sinh trùng đường máu cho bò. Định kỳ tiêm thuốc và xịt thuốc để chống ve.

image001