Kỹ thuật bón phân qua hệ thống tưới tiết kiệm hoặc nhỏ giọt

TS. Trương Hồng

  1. Yêu cầu kỹ thuật hệ thống tưới tiết kiệm hoặc nhỏ giọt

+ Thiết kế đến từng cây

+ Lượng nước tưới đến từng cây phải đồng đều

+ Có hệ thống cấp phân gắn với hệ thống tưới và hệ thống các van điều chỉnh.

+ Lưu lượng nước tại 1 vòi ra tùy thuộc vào công suất hệ thống, song tốt nhất dao động từ 40 – 80 lít/giờ.

  1. Yêu cầu nguồn nước tưới

Nguồn nước tưới có thể là nước hồ, sông suối, nước giếng; song phải đảm bảo không có cặn bã, rác và đảm bảo các tiêu chuẩn hóa lý của nước tưới tiêu.

  1. Yêu cầu loại phân bón để bón qua hệ thống tưới
  • Đảm bảo đầy đủ các thành phân đa lượng theo tỷ lệ cân đối phù hợp với nhu cầu sinh lý của cây tiêu. Tốt nhất là dùng loại phân bón hòa tan chuyên dùng bao gồm đầy đủ các nguyên tố đa, trung và vi lượng.
  • Độ hòa tan tốt, không lẫn các chất lắng cặn, kết tủa.
  1. Kỹ thuật vận hành hệ thống tưới kết hợp với bón phân
  • Kiểm tra nguồn cấp nước (nguồn nước, máy bơm) để đảm bảo vận hành an toàn.
  • Chuẩn bị đủ lượng phân bón theo từng giai đoạn và tính toán số lần hòa tan để đảm bảo lượng phân phải được cấp đủ cho cây theo quy trình trong thời gian vận hành của hệ thống theo dự kiến.
  • Vận hành hệ thống tưới nước (chưa cấp phân) và kiểm tra vườn cây để đảm bảo rằng tất cả các cây đều được cấp nước theo đúng lưu lượng.
  • Hòa tan phân theo định lượng và cấp phân qua hệ thống tưới. Tùy theo dung tích bể hoặc bình cấp phân mà tính toán lượng phân hòa tan cho mỗi lần để đảm bảo lượng phân phải tan hoàn toàn. Phải đảm bảo rằng lượng phân bón cho từng đợt đều được cung cấp đầy đủ cho cây qua hệ thống tưới.
  1. Một số lưu ý khi bón phân qua hệ thống tưới
  • Cấp phân cho hệ thống sau khi hệ thống tưới đã vận hành được 10 – 20 phút và kết thúc việc cấp phân trước khi hệ thống ngừng vận hành 20 phút.
  • Trong mùa mưa, việc vận hành hệ thống tưới chủ yếu phục vụ cho bón phân, vì vậy thời gian vận hành chỉ bằng 1/3 -1/2 so với thời gian tưới nước cho cây trong mùa khô.
  • Trong các đợt bón phân cho cây trồng rơi vào mùa khô (tháng 11, 12, 1, 2, 3, 4) nên chia nhỏ lượng bón thành nhiều đợt, có thể cứ 1 tháng bón 1 lần kết hợp với tưới nước thì hiệu quả sử dụng phân bón rất cao. Căn cứ vào lượng phân bón cho mỗi giai đoạn mà tính toán cho phù hợp. Thời gian tưới cho cây trong mùa khô trung bình 2 – 6 giờ tùy loại cây trồng, ví dụ cây tiêu lượng nước đảm bảo từ 120 – 150 lít/gốc/lần; cây cà phê từ 300 – 350 lít/lần
  • Thời gian cần bón phân qua hệ thống tưới tốt nhất ≤ 60 % so với thời gian tưới của 1 đợt hoặc thời gian vận hành hệ thống tưới (nếu bón phân trong mùa mưa).
  1. Tính toán lượng phân cần hòa tan trong bình/bể chứa phân:

F = C x S/1000

F: Lượng phân cần hòa tan trong bình/bể, kg

C: Dung tích bình/bể chứa phân, lít

S: Độ hòa tan của phân trong nước, trung bình khoảng 500 g/lít

1.000: chuyển sang kg.

Ví dụ: Dung tích bể/bình chứa phân hòa tan là 50 lít, độ hòa tan của phân là 500 g/lít. Vậy lượng phân cần hòa tan để bón qua hệ thống tưới là:

F = 50 x 500/1.000 = 25 kg.

  1. Tính toán số lần hòa tan phân để bón qua hệ thống tưới

L = Ft/F

L: Số lần hòa tan phân

Ft: Tổng lượng phân bón dùng để bón cho 1 đợt (kg)

F: Lượng phân bón hòa tan cho 1 bình/bể (kg)

Ví dụ: theo khuyến cáo, lượng phân bón cho 1 đợt kết hợp với tưới nước là 30 kg. Bình/bể chứa phân có dung tích là 30 lít; độ hòa tan của phân là 500 g/lít. Cách tính như sau:

  • Tính lượng phân cần hòa tan trong 1 bình/bể 30 lít:

F = 30 x 500/100 = 15 kg.

  • Tính toán số lần cần hòa tan hết 30 kg:

L = 30/15 = 2 lần

  1. Tính toán thời gian hệ thống tưới hút hết phân hòa tan trong bình/bể

T = C/LL

T: thời gian hệ thống hút hết 1 bình/bể phân đã hòa tan (phút)

C: Dung tích bình/bể phân

LL: Lưu lượng của ống hút dung dịch phân đã hòa tan (lít/phút). Lưu lượng phụ thuộc vào đường kính ống hút phân và lưu lượng của ống dẫn nước tưới (ống cấp 1) của hệ thống.

Ví dụ: Một bình/bể chứa phân hòa tan dung tích 50 lít. Lưu lượng hút phân của hệ thống tưới khoảng 2 lít/phút thì thời gian để hút hết 1 bình/bể phân hòa tan sẽ là:

T = 50/2 = 25 phút.