Trần Vinh, Đặng Đinh Đức Phong, Đặng Thị Thùy Thảo & CTV
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Cây Thủy tùng hay còn gọi là Thông nước có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis (Staunt) K.Koch, thuộc họ Bụt mọc Taxodiaceae, được xem như loài hoá thạch sống của ngành Hạt trần, xuất hiện cùng thời với Bách xanh cổ cách đây khoảng 10 triệu năm.Trên thế giới, Thủy tùng chỉ được biết đến ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, Thủy tùng chỉ có phân bố tự nhiên ở huyện Krông Năng, Krông Buk và Ea H’leo thuộc tỉnh Đăk Lăk. Hiện nay, loài cây này đang bị đe dọa tuyệt chủng không chỉ vì có phân bố hẹp và số cá thể còn lại quá ít mà còn bỡi vì quá trình tái sinh tự nhiên rất kém, môi trường sống ngày càng bị xâm phạm và thu hẹp.
Tính đến thời điểm này, quần thể Thủy tùngtại Đăk Lăk chỉ còn 161 cây, trong đó có những cây khó tồn tại lâu dài vì chất lượng kém (khô ngọn, rỗng ruột), điều này cho thấy việc bảo tồn loài Thủy tùngngày càng trở nên cấp bách hơn. Tuy nhiên, công tác bảo tồn nếu chỉ dừng lại ở bảo tồn nguyên trạng thì hiệu quả cũng như tính bền vững không cao, đặc biệt là đối với những loài không còn khả năng tái sinh tự nhiên như Thủy tùng.Vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây Thủy tùng(Glyptostrobus pensilis) trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk”nhằm mục đích bổ sung số lượng cá thể tại vùng phân bố tự nhiên cũng như mở rộng phạm vi bảo tồn cây Thủy tùng theo hướng bảo tồn ngoại vi (Ex situ) là thực sự cần thiết.
- NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây Thủy tùng ghép tại một số vùng khác nhau của tỉnh Đăk Lăk
- Địa điểm trồng thử nghiệm
- Huyện Ea H’leo: Trồng tại Ea Ran.
- Huyện Krông Năng: Trồng tại Trấp K’sor.
- Huyện Krông Păk: Trồng tại Công ty cà phê Phước An.
- Huyện Lăk: Trồng tại xã Bông Krang
- Buôn Ma Thuột: Trồng tại thôn 10, xã Hòa Thắng.
- Thời gian trồng: 6/2013
- Biện pháp kỹ thuật áp dụng
- Cây Thủy trùng được trồng ở điều kiện trên cạn.
- Số cây trồng: 50 cây/điểm.
- Khoảng cách trồng: 5 m x 5 m.
- Phân bón lót: 10 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg lân Văn Điển/hố
- Phân bón thúc (NPK 18-16-8): Năm 1: 0,3 kg/cây; Năm 2: 0,5 kg/cây; Năm 3: 0,7 kg/cây. Bón 3 lần/năm.
- Chăm sóc: Làm cỏ 6-7 lần/năm; Phun thuốc phòng trừ khi sâu bệnh xuất hiện; Xử lý mối bằng thuốc Confidor,định kỳ 1 tháng/lần trong mùa khô; Tưới nước trong mùa khô, 4 lần/năm.
2.2. Nghiên cứu trồng cây Thủy tùng ghép ở các điều kiện khác nhau tại vùng phân bố tự nhiên (Trấp K’sor – Krông Năng và Ea Ran – EaH’leo)
– Địa điểm trồng thử nghiệm
- Trồng tại Ea Ran (huyện EaH’leo).
- Trồng tại Trấp K’sor (huyện Krông Năng).
– Thời gian trồng: 6/2013
– Điều kiện trồng:
- Trồng trên cạn (CT1): Điều kiện không bị che bóng
- Trồng dưới nước (CT2): Điều kiện không bị che bóng, độ sâu mực nước từ 20-40 cm
- Trồng dưới tán rừng (CT3): Độ tàn che từ 0,4-0,7; Trồng dưới nước, độ sâu mực nước từ 20-40 cm
– Biện pháp kỹ thuật áp dụng:
- Số cây trồng tại mỗi điểm: 130 cây/3 công thức (Trên cạn: 50 cây; dưới nước: 60 cây; dưới tán rừng: 20 cây).
- Công thức trồng trên cạn: Tưới nước 4 đợt trong mùa khô.
- Đối với công thức trồng dưới nước: Tiến hành đắp mô trước khi trồng. Kích thước mô: chiều rộng từ 0,6-0,8 m; chiều cao: cao hơn mặt nước từ 0,1-0,2 m.
- Chăm sóc: Làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh.
- Tiêu chuẩn cây giống Thủy tùng sử dụng cho các mô hình: Cây 1 năm tuổi, chiều cao cây từ 40-50 cm, đường kính gốc từ 0,8-1,0 cm, cây khỏe mạnh và xanh tốt.
- Chỉ tiêu theo dõi chung cho các mô hình:
- Tỷ lệ sống của cây Thủy tùng ở các mô hình.
- Sinh trưởng của cây Thủy tùng: Đường kính gốc (Dg), đường kính tán (Dt), chiều cao cây (Hc), chất lượng cây trồng A, B, C (A; cây sinh trưởng tốt, thân thẳng, tán cân đối; B: cây sinh trưởng tốt đến trung bình, thân không được thẳng; C: cây sinh trưởng kém, thân cong queo, phình vết ghép). Quan trắc trên toàn vườn.
- Sâu bệnh: Điều tra thành phần loài sâu bệnh, tỷ lệ cây bị sâu bệnh, mức độ phổ biến của các loài sâu bệnh hại (Điều tra trên toàn vườn).
3.1. Kết quả đánh giá điều kiện đất đaiở các vùng trồng khác nhau
(1) Phẫu diện tại điểm trồng Krông Năng
– Vị trí phẫu diện: Phẫu diện đào trên cạn, cách mặt nước 2 m.
– Đặc điểm hình thái phẫu diện:
- 0-25 cm: Không có tầng thảm mục, đất có màu nâu đen, ẩm, thịt nhẹ, cấu trúc rời rạc.
- 25-60 cm: Đất có màu nâu đen, biểu hiện của quá trình tích lũy mùn lâu năm. Ở độ sâu 30cm đã xuất hiện tầng nước ngầm.
(2) Phẫu diện tại điểm trồng Ea H’Leo
– Vị trí phẫu diện: Phẫu diện đào trên cạn, cách mặt nước 2 m.
– Đặc điểm hình thái phẫu diện:
- 0-15 cm: Tầng thảm mục có nhiều rễ cây và xác thực vật đang phân hủy, màu nâu đen.
- 15-30 cm: Tầng chuyển tiếp, có màu xám đen, kết cấu mềm, mịn.
- 30-60 cm: Màu nâu vàng, kết cấu chặt, mịn hơn tầng trên. Ở độ sâu 40 cm đã xuất hiện tầng nước ngầm.
(3) Phẫu diện tại điểm trồng Lăk
- Vị trí trồng: Vùng tiếp giáp giữa đất vườn nhà và đất ruộng lúa nước.
- Đặc điểm hình thái phẫu diện:
- 0-15 cm: Tầng đất mặt do qua trình bồi đắp từ đất vườn xuống đất ruộng, có màu nâu, dạng đất thịt pha cát, cấu trúc rời rạc.
- 15-53 cm: Đất có màu xám xanh, dạng sét pha cát, cấu trúc chặt.
- 53-100 cm: Đất màu nâu vàng, dạng sét pha cát, kết cấu chặt, Ở độ sâu 60 cm đã xuất hiện tầng nước ngầm
(4) Phẫu diện tại điểm trồng Krông Păk và Buôn Ma Thuột
- Vị trí trồng: Trên nền đất trồng cà phê lâu năm và hiện đã trồng tái canh lại cà phê và trồng xen sầu riêng.
- Loại đất: Đất đỏ Bazan, tầng dày, phẫu diện đào sâu 1,2 m không thấy có sự phân tầng rõ rệt.
Bảng 1. Đặc điểm lý hóa tính đất của phẫu diện tại các điểm trồng thử nghiệm
Địa điểm |
Tầng đất (cm) |
pHKCl |
Tổng số (%) |
Dễ tiêu (mg/100gđ) |
Thành phần cơ giới (%) |
||||||
HC |
N |
P2O5 |
K2O |
P2O5 |
K2O |
Sét |
Thịt |
Cát |
|||
Krông Năng |
0-25 |
3,96 |
6,53 |
0,21 |
0,54 |
0,01 |
0,84 |
2,12 |
61,98 |
35,39 |
2,63 |
25-60 |
3,88 |
6,75 |
0,23 |
0,61 |
0,01 |
1,05 |
1,08 |
64,04 |
34,68 |
1,28 |
|
Ea H’leo |
0-15 |
4,30 |
34,06 |
1,54 |
0,49 |
0,05 |
0,44 |
32,74 |
18,40 |
78,72 |
2,88 |
15-30 |
4,04 |
18,04 |
0,70 |
0,47 |
0,01 |
3,31 |
1,20 |
36,74 |
59,80 |
3,46 |
|
30-60 |
4,13 |
9,90 |
0,35 |
0,70 |
0,01 |
7,72 |
0,79 |
46,38 |
46,51 |
7,11 |
|
Krông păk |
0-30 |
4,13 |
4,25 |
0,19 |
0,50 |
0,02 |
0,95 |
12,83 |
48,70 |
49,05 |
2,25 |
30-60 |
4,12 |
3,50 |
0,15 |
0,48 |
0,02 |
0,18 |
12,57 |
63,20 |
34,42 |
2,38 |
|
60-120 |
4,54 |
2,37 |
0,11 |
0,41 |
0,03 |
0,05 |
13,59 |
70,06 |
28,03 |
1,91 |
|
Lăk |
0-15 |
3,95 |
1,61 |
0,09 |
0,06 |
0,03 |
3,80 |
1,69 |
20,42 |
3,20 |
76,38 |
15-53 |
3,84 |
2,44 |
0,13 |
0,07 |
0,06 |
4,14 |
1,79 |
24,02 |
10,25 |
65,73 |
|
53-83 |
3,90 |
0,63 |
0,06 |
0,04 |
0,03 |
1,36 |
1,61 |
31,48 |
1,65 |
66,87 |
|
Buôn Ma Thuột |
0-30 |
4,62 |
3,57 |
0,15 |
0,57 |
0,03 |
8,18 |
29,35 |
47,96 |
48,27 |
3,77 |
0-60 |
4,40 |
1,53 |
0,08 |
0,23 |
0,01 |
0,13 |
2,57 |
59,32 |
38,82 |
1,86 |
Đánh giá về đặc điểm lý hóa tính đất của phẫu diện tại các điểm trồng thử nghiệm cây Thủy tùng ở bảng 1 cho thấy:
- pH đất:
Biến động trong khoảng 3,78 đến 4,62, cho thấy đất tại các điểm trồng thử nghiệm cây Thủy tùng từ chua đến rất chua, trong đó tại Lăk và Krông Năng mẫu đất ở các tầng đều có pH dưới 4.
- Hàm lượng hữu cơ trong đất:
Hàm lượng hữu cơ trong đất tại các điểm trồng biến động khá lớn và đạt mức khá đến giàu (4,25-34,06%) ở tầng 0-30 cm, ngoại trừ tại Lăk là ở mức thấp.
- Về hàm lượng đạm, lân, ka li trong đất:
- Đạm tổng số: Biến động khá lớn từ 0,06 đến 1,54%, trong đó tại 2 điểm Krông Năng và Ea H’leo hàm lượng đạm là tương đối cao (0,2-1,54%); còn lại 3 điểm trồng tại Krông Păk, Viện và Lăk cóhàm lượng ở mức trung bình đến thấp ( 0,06-0,19%).
- Lân: Lân tổng số (P2O5) biến động từ trung bình đến khá (0,04-0,7%). Ngoại trừ tại Lăk, hàm lượng lân tổng số chỉ ở mức trung bình đến hơi thấp, các điểm còn lại có hàm lượng lân tổng số ở mức khá (>0,1%). Hàm lượng lân dễ tiêu ở phẫu diện đất tại các điểm trồng phần lớn ở mức trung bình đến thấp, biến động từ 0,13-4,14 mg P2O5 /100 gam đất, ngoại trừ tại Viện (ở tầng 0-30 cm) và Ea H’leo (ở tầng 30-60 cm) có hàm lượng khá (> 6 mg/100 gam đất).
- Ka li:Hàm lượng ka li tổng số (K2O) trong mẫu đất tại các điểm trồng thử nghiệm Thủy tùng đều ở mức thấp, biến động từ 0,01- 0,06 %. Số liệu phân tích về hàm lượng ka li dễ tiêu cho thấy tại Phước An – Krông Păk đạt được ở mức trung bình (>10 mg K2O/100 gam đất), Tại Ea H’leo (tầng 0-15 cm) và tại Viện (tầng 0-30 cm) có hàm lượng ka li dễ tiêu tương đối cao, xấp xỉ 30 mg/100 gam đất còn lại chỉ đạt mức trung bình đến thấp.
3.2. Đặc điểm khí hậu tại các địa điểm nghiên cứu
Kết quả tổng hợp các yếu tố khí hậu chủ yếu bình quân trong 3 năm (2012 – 2014) được trình bày ở bảng sau:
Bảng 2. Kết quả tổng hợp các chỉ tiêu khí tượng chủ yếu tại các điểm nghiên cứu
Địa điểm |
Nhiệt độ không khí (T0) |
Độ ẩm không khí (%) |
Lượng mưa (mm) |
||||||
2012 |
2013 |
2014 |
2012 |
2013 |
2014 |
2012 |
2013 |
2014 |
|
Krông Năng |
22,6 |
22,4 |
22,3 |
86,1 |
86,7 |
86,4 |
1.303,1 |
1.771,5 |
1.654,9 |
Krông Păk |
24,0 |
23,7 |
23,8 |
82,8 |
82,5 |
82,0 |
1.042,3 |
1.399,6 |
1.235,8 |
EaH’leo |
23,0 |
22,6 |
22,7 |
84,6 |
83,8 |
83,8 |
2.129,0 |
2.636,6 |
2.397,3 |
Lăk |
24,8 |
24,5 |
24,5 |
79,5 |
79,3 |
78,5 |
1.388,2 |
1.855,5 |
2.048,4 |
BMT |
24,3 |
23,9 |
24,0 |
82,7 |
83,1 |
81,3 |
1.641,8 |
1.958,5 |
1.780,0 |
(Trung bình 3 năm: 2012-1014)
Không có sự chênh lệch đáng kể về nhiệt độ bình quân năm giữa 5 vùng trồng. Trong đó, nhiệt độ tại 2 khu phân bố tự nhiênThủy tùng(Ea H’leo và Krông Năng) thấp hơn so với 3 điểm còn lại (Krông Păk, Lăk và Buôn Ma Thuột), vào khoảng 1-20C.
Về độ ẩm không khí, tại khu vực Krông Năng và Ea H’leo cao hơn so với 3 khu vực còn lại, tuy nhiên sự chênh lệch này cũng không quá lớn (<7%). Riêng tại Lăk, độ ẩm không khí thấp hơn 80%, những vùng còn lại có độ ẩm không khí lớn hơn 80%.
Xét về tổng lượng mưa/năm(bình quân trong 3 năm):tại Ea H’leo có lượng mưa lớn nhất (2.387,6 mm). Buôn Ma Thuột (1.793,4 mm) và Lăk (1.764,0 mm) có lượng mưa thấp hơn so với Ea H’leo nhưng cao hơn so với Krông Năng (1.576,5mm).Huyện Krông Păk (1.225,9 mm) có lượng mưa thấp hơn so với 2 vùng phân bố tự nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây Thủy tùng, đặc biệt là tỷ lệ sống.
3.3. Kết quả trồng thử nghiệm cây Thủy tùng ở các vùng trồng khác nhau
* Kết quả đánh giá về tỷ lệ sống, cấp chất lượng của cây Thủy tùng
Bảng 3. Tỷ lệ sống và chất lượng cây Thủy tùng tại các điểm trồng
Địa điểm trồng |
Tỷ lệ sống (%) |
Cấp chất lượng sau 28 tháng trồng (%) |
|||
12 tháng |
28 tháng |
A |
B |
C |
|
Ea H’Leo |
86,0 |
70,0 |
85,7 |
8,6 |
5,7 |
Krông Năng |
84,0 |
56,0 |
64,3 |
35,7 |
0,0 |
Krông Păk |
82,0 |
40,0 |
85,0 |
10,0 |
5,0 |
Lăk |
88,0 |
82,0 (*) |
92,7 |
4,9 |
2,4 |
BMT |
68,0 |
62,0 |
67,7 |
25,8 |
6,5 |
Trung bình |
81,6 |
57,0 |
79,1 |
17,0 |
3,9 |
(*): Tỷ lệ sống sau 18 tháng
Đánh giá sau một năm trồng cho thấy, tỷ lệ sống của cây Thủy tùng ở các điểm trồng thử nghiệm đạt trung bình là là 81,6%, trong đó tỷ lệ sống đạt cao nhất là tại Lăk (88%) và thấp nhất là tại Buôn Ma Thuột (68%).
Sau 28 tháng trồng, tỷ lệ sống của cây Thủy tùng ở các mô hình giảm xuống còn 57%, cao nhất là mô hình trồng tại Ea H’leo (70%) và thấp nhất là mô hình trồng tại Krông Păk (40%). Riêng mô hình trồng tại Lăk (trồng năm 2014) có tỷ lệ sống sau 18 tháng đạt 82%.Qua theo dõi cho thấy, nguyên nhân gây chết đối với cây Thủy tùng chủ yếu là do mối gây hại vào mùa khô.
Việc phân cấp chất lượng về hình thái cây Thủy tùng ở bảng 3 cho thấy: tỷ lệ cây loại A (cây tốt) chiếm tỷ lệ khá cao (79,1%), tỷ lệ cây loại C (cây xấu) chiếm tỷ lệ rất thấp (3,9%). Điều đó cho thấy cây Thủy tùng ghép trên gốc Bụt mọc có khả năng thích nghi tốt khi trồng ra ngoài thực địa ở điều kiện trên cạn.
* Kết quả đánh giá tổng hợp về các chỉ tiêu sinh trưởng của cây Thủy tùng sau 28 tháng tại các điểm trồng và sau 18 tháng trồng tại Lăk.
Bảng 4. Sinh trưởng của cây Thủy tùng ở các điểm trồng
Chỉ tiêu theo dõi |
Chỉ số |
Ea H’leo |
Krông Năng |
Krông Păk |
Lăk |
BMT |
Dg (cm) |
TB |
4,6 |
3,0 |
3,4 |
4,4 |
3,8 |
CV% |
34,7 |
36,6 |
24,2 |
31,5 |
43,2 |
|
Max |
7,5 |
6,2 |
5,4 |
7,4 |
8,5 |
|
Min |
2,0 |
1,8 |
1,6 |
2,0 |
1,6 |
|
Hvn (cm) |
TB |
180,3 |
120,5 |
137,8 |
186,8 |
174,2 |
CV% |
41,5 |
27,6 |
34,5 |
33,2 |
40,8 |
|
Max |
350 |
210 |
240 |
350 |
330 |
|
Min |
55 |
70 |
72 |
100 |
70 |
|
Dt (cm) |
TB |
69,7 |
52,6 |
64,6 |
72,7 |
64,8 |
CV% |
33,6 |
22,0 |
29,8 |
24,1 |
26,8 |
|
Max |
120 |
80 |
100 |
109 |
100 |
|
Min |
30 |
40 |
27 |
40 |
35 |
Sau 28 tháng trồng, sinh trưởng đường kính gốc trung bình của cây thủy tùng tại các điểm trồng biến động từ 3,0 – 4,6 cm. Sinh trưởng chiều cao trung bình của cây thủy tùng biến động từ 120,5 -180,3 cm, và sinh trưởng đường kính tán trung bình của cây thủy tùng biến động từ 52,6 – 69,7 cm. Riêng với điểm trồng tại Lăk, cây thủy tùng sinh trưởng khá nhanh, chỉ sau 18 tháng trồng nhưng đường kính gốc đã đạt 4,4 cm, chiều cao cây đạt 186,8 cm và đường kính tán đạt 72,7 cm, tương đương với điểm trồng tại Ea H’leo và vượt trội so với 3 điểm Krông Năng, Krông Păk và Buôn Ma Thuột. Như vậy, kết quả bước đầu cho thấy, cây thủy tùng ghép có thể sinh trưởng tốt ở những vùng ngoài khu vực phân bố tự nhiên.
Kết quả từ bảng 3cũng cho thấy, biến động về các chỉ tiêu sinh trưởng của cây thủy tùng trong cùng một điều kiện gây trồng cũng như giữa các vùng trồng là khá lớn, biến động từ 22,0- 41,5%.
3.3.Kết quả trồng thử nghiệm cây Thủy tùng ghép ở các điều kiện khác nhau tại vùng phân bố tự nhiên (Trấp K’sor – Krông Năng và Ea Ran – EaH’leo)
* Kết quả đánh giá tỷ lệ sống và cấp chất lượng của cây Thủy tùng
Bảng 5. Tỷ lệ sống và cấp chất lượng của cây Thủy tùng ở 3 công thức trồng thử nghiệm
Địa điểm trồng |
Công thức thử nghiệm |
Tỷ lệ sống (%) |
Cấp chất lượng sau 28 tháng trồng (%) |
|||
12 Tháng |
28 Tháng |
A |
B |
C |
||
Krông Năng |
CT1 |
84,0 |
56,0 |
64,3 |
35,7 |
0,0 |
CT2 |
80,0 |
70,0 |
85,7 |
11,9 |
2,4 |
|
CT3 |
60,0 |
50,0 |
60,0 |
30,0 |
10,0 |
|
TB |
74,7 |
58,7 |
70,0 |
25,9 |
4,1 |
|
EaH’leo |
CT1 |
86,0 |
70,0 |
85,7 |
8,6 |
5,7 |
CT2 |
80,0 |
58,3 |
54,3 |
34,3 |
11,4 |
|
CT3 |
80,0 |
50,0 |
20,0 |
40,0 |
40,0 |
|
TB |
82,0 |
59,4 |
53,3 |
27,6 |
19,0 |
CT1: Trồng trên cạn CT2: Trồng dưới nước CT3: Trồng dưới tán rừng
Tại Krông Năng:
Sau 12 tháng trồng, tỷ lệ sống của cây Thủy tùng ở các công thức đạt trung bình 74,7% và giảm xuống 58,7% sau 28 tháng trồng. Trong số 3 công thức trồng thử nghiệm, công thức trồng dưới nước cho tỷ lệ sống cao nhất (70%) và thấp nhất là công thức trồng dưới tán rừng (50%). Nguyên nhân gây chết Thủy tùng ở công thức trồng trên cạn chủ yếu là do mối cắn gốc. Riêng đối với công thức trồng dưới tán rừng, tỷ lệ cây chết cao là do cây bị ngập hoàn toàn trong mùa mưa ở năm đầu tiên sau khi trồng.
Đánh giá về chất lượng cây Thủy tùng sau 28 tháng trồng cho thấy: Trung bình ở các công thức trồng, tỷ lệ cây tốt chiếm khá cao (70%), trong đó công thức trồng dưới nước cho tỷ lệ cây tốt cao nhất (85,7%), công thức trồng dưới tán rừng cho tỷ lệ cây tốt thấp nhất và cũng là công thức có tỷ lệ cây xấu cao nhất. Qua đó có thể thấy rằng, cây Thủy tùng không thích hợp trong điều kiện trồng bị che bóng.
Tại EaH’leo:
Tỷ lệ sống của cây Thủy tùng sau 12 tháng trồng đạt trung bình là 82,0% và giảm xuống còn 59,4% sau 28 tháng. Trong đó, công thức trồng trên cạn cho tỷ lệ sống đạt cao nhất (70%), và thấp nhất là công thức trồng dưới tán rừng (50%). So với điểm trồng tại Krông Năng, công thức trồng trên cạn tại EaH’leo được trồng ở điều kiện gần nguồn nước hơn nên tỷ lệ cây Thủy tùng bị mối gây hại cũng thấp hơn. Đối với công thức trồng dưới tán rừng (độ tàn che 0,6-0,7), cây tuy không bị ngập nước nhưng do bị che bóng nhiều nên sinh trưởng kém và chết dần.
Đánh giá về chất lượng cây trồng cho thấy: công thức trồng trên cạn cho tỷ lệ cây tốt đạt trên 85%, trong khi đó ở công thức trồng dưới tán rừng tỷ lệ cây tốt chỉ đạt 20%, qua đó một lần nữa khẳng định cây Thủy tùng ghép không thích hợp với điều kiện trồng bị che bóng.
* Sinh trưởng của cây Thủy tùng ở các điều kiện trồng khác nhau tại Krông Năng và EaH’leo
Bảng 6. Sinh trưởng của cây Thủy tùng ở 3 công thức trồng thử nghiệm
Địa điểm trồng |
Công thức thử nghiệm |
Đường kính gốc (cm) |
Chiều cao cây (cm) |
Đường kính tán (cm) |
||||||
TB |
CV% |
TB |
CV% |
TB |
CV% |
|||||
Krông Năng |
CT1 |
3,0 |
a |
36,6 |
120,5 |
a |
27,6 |
52,6 |
a |
22,0 |
CT2 |
4,8 |
b |
30,5 |
153,7 |
b |
24,7 |
68,9 |
b |
24,1 |
|
CT3 |
4,0 |
ab |
42,0 |
149,5 |
b |
35,3 |
66,0 |
b |
43,6 |
|
EaH’leo |
CT1 |
4,6 |
a |
34,7 |
180,3 |
a |
41,5 |
69,7 |
a |
33,6 |
CT2 |
2,5 |
b |
41,3 |
105,0 |
b |
69,7 |
49,0 |
b |
29,7 |
|
CT3 |
2,0 |
b |
34,8 |
93,8 |
b |
24,9 |
41,8 |
b |
26,6 |
CT1: Trồng trên cạn CT2: Trồng dưới nước CT3: Trồng dưới tán rừng
(Các chữ cái trên cùng một cột dùng để so sánh các trung bình trên cùng một địa điểm trồng.
Những trung bình có chữ cái giống nhau thì không khác nhau có ý nghĩa thống kê với trắc nghiệm LSD ở mức tin cậy là 5%);
Tại Krông Năng:
Sau 28 tháng trồng, sinh trưởng đường kính gốc của cây Thủy tùng trung bình ở 3 công thức biến động từ 3,0 – 4,8 cm; chiều cao cây biến động từ 120,5 – 153,7 cm; đường kính tán biến động từ 52,6 – 68,9 cm.
Sinh trưởng của cây Thủy tùng ở công thức trồng dưới nước là lớn nhất ở cả 3 chỉ tiêu đường kính gốc, chiều cao cây và đường kính tán, kế đến là công thức trồng dưới tán rừng và thấp nhất là công thức trồng trên cạn.
Sự khác biệt về sinh trưởng của cây Thủy tùng ở công thức 1 với công thức 2 là có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, mặc dù có sự chênh lệch về sinh trưởng của cây Thủy tùng giữa công thức 2 và 3 nhưng sự khác biệt này là không có ý nghĩa. Điều này cho thấy, trong cùng một khu vực trồng, điều kiện trồng dưới nước và trên cạn có ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng của cây Thủy tùng và kết quả cũng cho thấy với điều kiện trồng dưới nước cây Thủy tùng sinh trưởng tốt hơn so với trồng trên cạn.
Nhìn chung, hệ số biến động về các chỉ tiêu sinh trưởng của cây Thủy tùng là khá lớn, từ 22,0 – 43,6%. Tuy nhiên công thức trồng dưới nước cho hệ số biến động thấp hơn so với 2 công thức còn lại.
- Tại Ea H’leo:
Sau 28 tháng trồng, sinh trưởng trung bình về đường kính gốc biến động từ 2,0 – 4,6 cm; chiều cao cây biến động từ 93,8 – 180,3 cm; đường kính tán biến động từ 41,8 – 69,7 cm. Trong đó, sinh trưởng của cây Thủy tùng ở công thức 1 (trồng trên cạn) là tốt nhất và khác biệt có ý nghĩa so với 2 công thức còn lại. Công thức 2 (trồng dưới nước) và công thức 3 (trồng dưới tán) cho sinh trưởng của cây Thủy tùng là tương đương nhau và không sai khác có ý nghĩa thống kê.
Biến động về các chỉ tiêu sinh trưởng của cây Thủy tùng ở 3 công thức trồng thử nghiệm là khá lớn, thể hiện qua hệ số biến động ở các chỉ tiêu sinh trưởng từ 26,6-69,7%.
- Nhận xét chung:
Kết quả trồng thử nghiệm cây Thủy tùng ghép ở 2 địa điểm cho thấy: tại Ea H’leo công thức trồng trên cạn cho kết quả tốt hơn so với công thức trồng dưới nước cả về tỷ lệ sống cũng như các chỉ tiêu sinh trưởng, trong khi đó tại Krông Năng công thức trồng dưới nước lại cho kết quả tốt hơn so với công thức trồng trên cạn. Điều này được lý giải như sau:
Đối với công thức trồng trên cạn: Tại Ea H’leo, cây Thủy tùng được trồng trên nền đất bồi tụ sát mép nước nên cây sinh trưởng tốt và ít bị mối gây hại, trong khi đó tại Krông Năng cây trồng trên nền đất đỏ xa nguồn nước hơn nên cây sinh trưởng kém và tỷ lệ chết do mối cũng cao hơn.
Đối với công thức trồng dưới nước: Tại Krông Năng cây Thủy tùng được trồng trên mô đất đắp nên ngay từ đầu rễ cây có chân đất để bám do vậy có điều kiện để phát triển tốt. Tại EaH’leo, đặc điểm đất trồng là sình lầy, cơ bản gồm 3 tầng: Tầng trên cùng là một lớp thảm dày 30-50 cm gồm xác bã thực vật kết hợp với một lớp rễ tươi dày đặc của các loại thực vật thủy sinh, kế đến là tầng nước sâu từ 1-1,5 m, sau đó mới đến tầng đất mùn. Như vậy, tính từ mặt nước đến tầng đất mùn bên dưới thì độ sâu mực nước phải từ 1,3 đến 2 m. Do đó, trong những năm đầu khi rễ cây chưa thể tiếp xúc được với nền đất bên dưới thì sinh trưởng của cây ít nhiều cũng bị hạn chế, và kết quả cho thấy sinh trưởng của cây Thủy tùng trồng tại Ea H’leo kém hơn so với Krông Năng.
3.4. Kết quả đánh giá về tình hình nhiễm sâu bệnh hại của cây Thủy tùng tại các điểm trồng
Việc đánh giá tình hình nhiễm sâu bệnh của cây thủy tùng được đánh giá chung theo điểm trồng. Riêng đối với mô hình trồng tại Ea H’leo và Krông Năng, việc đánh giá được ghi nhận theo từng công thức trồng thử nghiệm. Qua quá trình theo dõi chúng tôi ghi nhận thành phần và mức độ phổ biến của các loài sâu bệnh hại chính trên cây thủy tùng như sau:
Bảng 7. Mức độ phổ biến của các loài sâu bệnh hại trên cây thủy tùng
Địa điểm trồng |
Mối |
Sâu đục thân |
Khô cành, ngọn |
EaH’Leo |
+ |
+ |
++ |
Krông Năng |
++ |
+ |
+ |
Krông Păk |
+++ |
+ |
+ |
Lăk |
+ |
+ |
+ |
BMT |
++ |
+ |
+ |
(+): Tỷ lệ cây bị sâu, bệnh <25%; (++): Tỷ lệ cây bị sâu, bệnh từ 25-50%
(+++):Tỷ lệ cây bị sâu, bệnh từ >50%
Qua kết quả điều tra cho thấy, có 2 loài sâu hại và một loại bệnh hại chính trên cây thủy tùng đó là: mối, sâu đục thân và bệnh khô thân, cành. Trong đó, mối là nguyên nhân gây hại chính dẫn đến chết cây ở hầu hết các điểm trồng đối với công thức trồng trên cạn. Thực tế cho thấy, cũng là mô hình trồng trên cạn nhưng ở điểm trồng tại Lăk và EaH’leo cây được trồng trong điều kiện đất ẩm (gần nguồn nước) hơn nên tỷ lệ cây chết vì mối là rất thấp (tại Ea H’leo là 10% và tại Lăk là 6%), trong khi đó tại Krông Năng, Krông Păk, Buôn Ma Thuột điều kiện trồng xa nguồn nước, mặc dù có tưới nước vào mùa khô nhưng tỷ lệ cây chết do mối là khá cao (tại Krông năng là 32%, Krông Păk là 56% và tại Buôn Ma Thuột là 38%). Riêng với sâu đục thân thì tỷ lệ xuất hiện thấp và mức độ nguy hại cũng không như mối vì phần lớn cây bị hại sẽ phát sinh lại chồi mới.
Bệnh khô thân, cành do nấm Pestalotia sp và Lasiodiplodia sp gây nên, trong đó tác nhân gây bệnh chính là do nấm Pestalotia sp với tần suất xuất hiện là 71,4%). Bộ phận bị hại chủ yếu là trên các cành non (thỉnh thoảng xuất hiện trên thân chính). Trên cành, vết bệnh có màu nâu, nấm bệnh xâm nhiễm và gây hại vào bên trong mạch gỗ sau đó vết lệnh lan rộng và bao xung quanh cành làm tắt mạch dẫn và gây chết cả cành. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa và ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng của cây thủy tùng. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật (Amistar top 325 SC, Copper Hydroxide ) cho thấy có hiệu quả.
- KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
- Tỷ lệ cây sống của cây Thủy tùng, trung bình ở các vùng trồng (trên cạn) đạt 57%. Sinh trưởng đường kính gốc trung bình đạt 3,0 – 4,6 cm; chiều cao cây đạt 120,5 – 180,3 cm; và đường kính tán đạt 52,6 – 69,7 cm.
- Đối với 3 công thức trồng thử nghiệm, tại Ea H’leo công thức 1 (trồng trên cạn) cho kết quả tốt nhất, tại Krông Năng công thức 2 (trồng dưới nước) cho kết quả tốt nhất.
- Cây Thủy tùng có thể sinh trưởng tốt ở ngoài khu vực phân bố tự nhiên (Lăk, Buôn Ma Thuột…) là cây ưa sáng, không thích hợp với điều kiện bị che bóng.
- Mối là đối tượng gây hại chính đối với cây Thủy tùng ở điều kiện trồng trên cạn.
- Nên trồng Thủy tùng ở gần môi trường nước, điều này vừa giảm tỷ lệ chết do mối gây hại đồng thời giúp cây Thủy tùng sinh trưởng tốt hơn.
- Tiếp tục đánh giá sinh trưởng và khả năng tạo hạt hữu thụ của cây Thủy tùng ghép ở những năm sau.
- Có thể mở rộng phạm vi bảo tồn cây Thủy tùng ra ngoài khu vực phân bố tự nhiên, đặc biệt là xung quanh những nơi có hồ đập và vùng đất ngập nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- Đại Học Tây Nguyên (2010), Dự án bảo tồn loài – sinh cảnh Thủy tùng tại Đăk Lăk, Giai đoạn 2015-2015.
- Trần Vinh (2011), Nghiên cứu khả năng nhân giống và bảo tồn loài Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis) tại Tây Nguyên, Luận án tiến sĩ nông nghiệp, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.