Tây Nguyên, với các điều kiện tự nhiên nhiều ưu đãi, là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.Trong những năm qua, dưới tác động của các chính sách kinh tế phù hợp, sản xuất nông nghiệp trong vùng có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng theo hướng kinh tế hàng hóa. Tỷ trọng kinh tế của sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 50% và thu hút khoảng 80% dân số toàn vùng. Hiện nay, toàn vùng đã hình thành được cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao để phục vụ xuất khẩu, trong đó đáng chú ý là hai loại cây trồng chính cà phê và hồ tiêu. Theo Cục Trồng trọt năm 2015, diện tích Hồ tiêu toàn vùng Tây Nguyên lên tới 51,3 ngàn ha, chiếm 52,6% diện tích cả nước, còn diện tích cà phê là 577,8 ngàn ha, chiếm 89,6%. Kim ngạch xuất khẩu niên vụ 2014-2015 của hai loại cây trồng trên luôn ở mức cao: khoảng 1,2 tỷ USD cho hồ tiêu và 2,6 tỷ USD đối với cà phê.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên phải đối diện nhiều vấn đề như giá cà phê bấp bênh, giá nhân công và vật tư đầu vào tăng, đặc biệt là các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trong thực tế, việc phân bố lượng mưa không đều, tổng lượng mưa năm sụt giảm, các điều kiện khí hậu khắc nghiệt gia tăng trong mùa khô đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp bền vững ở Tây Nguyên, đặc biệt là đối với cây cà phê. Ảnh hưởng rõ nét nhất là hiện tượng mùa mưa kết thúc sớm làm cho cây cà phê phân hóa mầm hoa sớm, kết hợp với các cơn mưa muộn làm cho cây cà phê nở hoa sớm và không tập trung ảnh hưởng đến năng suất và kéo dài mùa khô. Thêm vào đó, tình hình hạn hán, thiếu nước tưới cho cà phê trong mùa khô ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mùa khô niên vụ cà phê 2016-2017, theo thống kê sơ bộ, diện tích cà phê ở Tây Nguyên không có nước tưới lên đến 100.000 ha, nghiêm trọng nhất là ở Đăk Lăk và Gia Lai với gần 40% diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi thiếu nước tưới (VICOFA, 2016). Đối với hồ tiêu, tuy mức ảnh hưởng được đánh giá là ít nghiêm trọng hơn do đặc điểm mùa vụ khác so với cà phê nhưng hạn hán kéo dài và thiếu nước tưới cũng gây nên việc sụt giảm năng suất vườn cây. Ngoài ra, việc tập trung mưa quá nhiều trong một giai đoạn ngắn cũng là nguyên nhân chính cho việc phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm như chết nhanh, chết chậm ở Hồ tiêu.
Để ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc thiếu nước tưới trong mùa khô nhằm phát triển nông nghiệp bền vững hơn cho vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN trong đó tập trung vào các hướng sau:
– Nghiên cứu các giải pháp về giống chín muộn cho cà phê, giống có khả năng chịu hạn, sâu bệnh cho cà phê và hồ tiêu: đây là một trong những giải pháp có tính chiến lược và triệt để nhất.
– Nghiên cứu các kỹ thuật tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước: ngoài việc thử nghiệm và điều chỉnh các công nghệ của nước ngoài, việc phát triển công nghệ tưới tiết kiệm “phun mưa cục bộ” với việc sử dụng các nguyên vật liệu trong nước nhằm giảm giá thành và phù hợp hơn với điều kiện và tập quán sản xuất của Việt Nam là rất cần thiết.
– Nghiên cứu gói giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) tăng cường một cách tối đa các tương hỗ của các biện pháp canh tác tốt (GAP), giảm chi phí sản xuất và tăng tính bền vững cho toàn bộ hệ thống sản xuất, đáp ứng được với các chương trình sản xuất có chứng nhận.
Trong những năm qua,Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện những đề tài dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp địa phương với các kết quả nổi bật như sau:
Đối với cây cà phê:
Thông qua đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu chọn tạo giống cà phê vối chất lượng cao cho Tây Nguyên” đã chọn tạo được hai giống cà phê TR14 và TR15 với các đặc điểm vượt trội: năng suất trung bình của các dòng từ4,97 – 5,48 tấn nhân/ha, cao hơn có ý nghĩa so với dòng đối chứng TR6, khối lượng 100 nhân:18,6 – 23,0g, tỷ lệ hạt trên sàng 16 đạt92,6 – 97,4%, kháng cao với bệnh gỉ sắt. Đặc biệt đây là hai giống có thời điểm chín muộn vào thời điểm gần giữa mùa khô nên ít bị ảnh hưởng của các đợt mưa muộn. Hơn nữa, qua nghiên cứu cho thấy thời điểm tưới muộn hơn so với đại trà 25 ngày và chu kỳ tưới 35 ngày không ảnh hưởng đến sự ra hoa, đậu quả và năng suất và chất lượng quả hạt của các dòng cà phê vối chín muộn này.
Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước: thông qua các nghiên cứu thực hiện từ năm 2009 tại Đăk Lăk và Gia lai, kỹ thuật tưới phun mưa tại gốc của Viện cho thấy có nhiều ưu điểm so với phương thức tưới nước và bón phân truyền thống: giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm công lao động tưới nước và bón phân. Ngoài ra, ở mức tiết kiệm 20% lượng nước tưới và 20% lượng phân bón sử dụng hệ thống mới.Ngoài hiệu quả về môi trường như tiết kiệm nước tưới, hạn chế ô nhiễm môi trường do thất thoát phân bón. Các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy các mô hình sử dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước có hiệu quả kinh tế hơn khoảng 16 triệu đồng so với đối chứng. Ngoài ra, Viện còn hỗ trợ Tổng cục Thủy lợi tổng kết các kết quả nghiên cứu thực nghiệm nhằm đưa ra khuyến cáo tưới tiết kiệm nước cho các kỹ thuật tưới khác như tưới nước nhỏ giọt hay tưới dí gốc.
Kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp áp dụng cho cây cà phê:là kết quả của đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp tiết kiệm chi phí đầu vào đối với cây cà phê ở Tây Nguyên” và sau đó là đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) áp dụng cho cây cà phê”, kỹ thuật ICMđược tổng hợp từ 03 thành phần chính là: quản lý dinh dưỡng tổng hợp, quản lý tưới nước tổng hợp và quản lý dịch hại tổng hợp.Ở các mô hình ICM, ngoài việc cải thiện về các chỉ tiêu sinh trưởng cũng như sâu bệnh hại, năng suất ở các mô hình chỉ tăng nhẹ, trung bình khoảng 10%, tuy nhiên hiệu quả kinh tế tăng ở mức khoảng 25%. Đặc biệt, ở các mô hình ICM, lượng nước sử dụng để tưới có thể giảm 10-30% so với sản xuất đại trà do việc áp dụng các phương pháp xác định thời điểm tưới theo độ ẩm đất.Ngoài ra, các nghiên cứu về khuyến cáo về trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị cao trong vườn cà phê cũng góp phần làm tăng tính bền vững về cả kinh tế và môi trường cho hệ thống canh tác.
Tất cả những nghiên cứu về tưới nước tiết kiệm và canh tác tổng hợp của Viện đã được đưa vào chương trình khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cà phê đạt hiệu quả, bền vững và được chứng nhận tại Tây Nguyên” với rất nhiều nội dung trong đó đáng chú ý là việc xây dựng được 139 ha thâm canh cà phê bền vững, năng suất cao theo hướng đạt các tiêu chuẩn chứng nhận 4C, Rainforest và việc xây dựng được các mô hình tưới phun mưa cục bộ với quy mô 9 ha.
Đối với cây hồ tiêu
Tuy không được chuyên sâu như cây cà phê, cây hồ tiêu cũng được Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu chủ yếu qua các đề tài phối hợp với các đơn vị và địa phương, đặc biệt là các đề tài, dự án cấp tỉnh ở Gia Lai, Đăk Nông.
Về công tác giống, từ kết quả điều tra, nghiên cứu, WASI khuyến cáo sử dụng các giống tiêu có khả năng cho năng suất cao, chất lượng khá tốt, ít mẫn cảm với sâu bệnh hại như Vĩnh Linh, Phú Quốc, Lộc Ninh, vv.
Hiện nay tỷ lệ diện tích hồ tiêu áp dụng trồng cây trụ choái sống ngày càng tăng, góp phần đáng kể trong việc hạn chế tình trạng phá rừng để khai thác trụ tiêu do vậy làm hạn chế được quá trình suy thoái về tài nguyên rừng là nguyên nhân làm tăng nhanh tác hại của biến đổi khí hậu.Mặc dù sinh trưởng cây tiêu trồng trên trụ sống trong những năm đầu chậm hơn so với trồng trên trụ gỗ, trụ bê tông nhưng vào thời kỳ kinh doanh ổn định, các vườn tiêu trụ sống có lợi thế hơn về chiều cao trụ nên có thể thu được năng suất cao không thua kém các loại trụ khác. Ngoài ra, nhờ có độ che bóng nhất định của tán lá cây trụ mà vườn trụ sống có năng suất ổn định hơn, ít khi có hiện tượng kiệt sức do quá sai quả như ở các vườn tiêu trồng trên trụ chết.Ngoài ra, việc sử dụng cây choái sống làm trụ tiêu cũng giúp giảm chi phí đầu tư trong thời kỳ trồng mới cây hồ tiêu, giúp điều hòa vi khí hậu trong vườn tiêu; giúp tiết kiệm chi phí tưới nước.. và do vậy cũng giúp giảm chi phí giá thành và giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất hồ tiêu của nông dân.Các nghiên cứu về việc sử dụng choái sống trong sản xuất hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng khẳng định việc giảm tỷ lệ cây tiêu bị vàng lá thấp hơn 10% so với vườn dùng choái chết và tỷ lệ tuyến trùng ở trong đất cũng có xu hướng giảm.
Bón phân hữu cơ và dinh dưỡng hợp lý cho cây hồ tiêu cũng là giải pháp kỹ thuật mang tính quyết định tính bền vững của sản xuất hồ tiêu đã được WASI nghiên cứu khẳng định. Phân hữu cơ ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện lý hóa tính đất, tăng khả năng thoát và giữ nước, làm giàu thêm hệ vi sinh vật đất, đặc biệt là hệ vi sinh vật đối kháng do vậy hạn chế được sự phát triển của một số tuyến trùng và nấm bệnh trong đất. Các nghiên cứu thực nghiệm của Viện cho thấy trên nền phân hữu cơ 24-25 tấn phân chuồng/năm và phun phân bón lá chuyên dùng NUPE 4 lần/năm, liều lượng phân khoáng thích hợp cho hồ tiêu kinh doanh trồng trên đất đỏ bazan là 250kg N + 125kg P2O5 + 375kg K2O/ha/năm. Với lượng phân bón này hồ tiêu đạt năng suất bình quân 7,49 tấn tiêu đen/ha/năm.
Việc trồng xen tiêu với cà phê bằng cách cho cây tiêu leo bám trên cây che bóng hoặc cây đai rừng đã mang lại nhiều lợi ích. Mô hình trồng xen này không tranh chấp quỹ đất với cây trồng khác, chi phí đầu tư thấp, hạn chế sự lây lan và phát triển của bệnh héo chết nhanh, vườn cây phát triển bền vững và có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này hiện đang phát triển nhanh chóng và đã thực sự góp phần quan trong trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và nguồn nước, tăng thu nhập cho nông dân. Nghiên cứu của Viện cho thấy một ha cà phê với 200 – 370 trụ tiêu là cây muồng đen trồng làm đai rừng chung quanh và che bóng trong lô có thể đạt 3,6 tấn cà phê nhân và 1,11 tấn tiêu đen.
Trong thời gian qua, WASI đã nghiên cứu và bước đầu chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân qua nước cho nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước do giảm được lượng nước tưới; làm tăng hệ số sử dụng phân bón, giúp tiết kiệm được lượng phân bón khoảng từ 30 – 40 %; góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng tiêu và hạn chế sự phát triển của sâu bệnh.
Kết quả thực hiện mô hình ICM trên hồ tiêu tại 3 huyện Chư Sê, Chư Prông và Đăk Đoa cho thấy: áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác như trồng tiêu trên cây choái sống hoặc tạo độ che bóng thích hợp trong vườn tiêu, vệ sinh đồng ruộng tốt, tủ gốc mùa khô, tưới tiêu hợp lý, quản lý dinh dưỡng tổng hợp tốt (bằng phân hữu cơ, phân khoáng, phun phân qua lá), quản lý sâu bệnh tốt (bằng sử dụng nấm đối kháng Tricô-VTN, phát hiện bệnh sớm và xử lý thuốc hóa học kịp thời) đã hạn chế được sự phát triển của bệnh vàng lá chết chậm và bệnh héo chết nhanh trên cây tiêu đồng thời giảm tổng chi phí đầu tư so với tập quán canh tác của chủ vườn khoảng 16 đến 25 tr. đồng/ha và tăng hiệu quả kinh tế so với đối chứng theo kinh nghiệm nông dân là 27,5 đến 46 tr. đồng/ha/năm.
Tóm lại, các kết quả nghiên cứu mang tính chất tổng hợp đối với các loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên của WASI trong thời gian qua đã thực sự góp phần không nhỏ phục vụ thâm canh sản xuất bền vững ngành hàng cà phê, hồ tiêu của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hiện nay./.