Kết quả nghiên cứu lượng phân bón NPK chậm tan cho cây cà phê vối giai đoạn kinh doanh trên đất nâu đỏ bazan tại Đắk Lắk

Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đinh Thị Nhã Trúc, Phan Việt Hà

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngành cà phê Việt Nam đang trên đà phát triển theo hướng thâm canh cao, nông dân sử dụng rất nhiều loại phân bón hóa học và hầu hết là loại phân dễ tan. Vì vậy khi được bón vào đất, các loại phân hóa học này tan nhanh hơn so với khả năng hấp thu của cây. Trong những năm gần đây, khí hậu nước ta có xu hướng diễn ra bất thường, không theo quy luật của tự nhiên như mưa nhiều, nắng nóng, nhiệt độ cao là nguyên nhân gây thất thoát lượng phân bón. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (2006) hiệu quả sử dụng phân urê đạt 30% – 50%, phân lân 40% – 45%, kali 40% – 50%, phần còn lại bị bay hơi, rửa trôi, trực di, xói mòn…. Điều này gây ô nhiễm cho môi trường, đất, nước, không khí, làm tăng chi phí đầu vào và giảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất cà phê.

Để giải quyết những vấn đề trên cần chuyển đổi thay thế loại phân bón nhanh tan sang loại phân bón chậm tan có kiểm soát (Controlled Release Fertilizer – CRF). Đây là loại phân được sản xuất với công nghệ lý – hóa đặc biệt, chỉ cần bón 1 – 2 lần/vụ mà vẫn đáp ứng tốt dinh dưỡng cho cây trồng cả năm. Các chất dinh dưỡng trong phân tan vào đất một cách từ từ và liên tục nên cây trồng sử dụng được lâu dài, hiệu quả sử dụng phân cao hơn so với loại phân thông thường.

Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn trên, đề tài: “Nghiên cứu lượng phân bón NPK chậm tan cho cây cà phê vối giai đoạn kinh doanh trên đất đỏ bazan tại Đắk Lắk”  là rất cần thiết, góp phần cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong bối cảnh biến đổi khí hậu và lạm dụng phân bón vô cơ như hiện nay.

2. MỤC TIÊU

Xác định được lượng phân bón NPK chậm tan có kiểm soát (CRF) đến quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây cà phê vối trồng trên đất nâu đỏ bazan tại tỉnh Đắk Lắk. 

3. VẬT LIỆU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. Vật liệu nghiên cứu:

– Vườn cà phê vối giai đoạn kinh doanh 8 năm tuổi.

– Phân bón NPK chậm tan có kiểm soát (CRF).

– Thời gian nghiên cứu: năm 2019.

– Địa điểm nghiên cứu tại xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

3.2. Nội dung nghiên cứu:

– Ảnh hưởng của lượng phân bón NPK chậm tan đến các chỉ tiêu sinh trưởng của cây cà phê.

– Ảnh hưởng của lượng phân bón NPK chậm tan đến năng suất và chất lượng cà phê nhân sống.

– Đánh giá hiệu quả kinh tế và hiệu suất đầu tư phân bón NPK chậm tan cho cây cà phê.

3.3. Phương pháp nghiên cứu

3.3.1. Phương pháp bố trí thí nghiệm

 Thí nghiệm gồm 4 công thức, nhắc lại 3 lần, bố trí theo khối đầy đủ ngẫu nhiên (RCBD), mỗi ô cơ sở 55 cây (500 m2), tổng diện tích thí nghiệm 7.000 m2. Thí nghiệm được bố trí trên nền phân chuồng 2 năm bón một lần, mỗi lần 10 tấn/ha. Khoảng cách giữa các ô cơ sở có một hàng ngăn cách (bảo vệ).

– Các công thức thí nghiệm:


Ghi chú: đ/c là đối chứng.

3.3.2. Phương pháp theo dõi

– Theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng:

+ Số đốt dự trữ được đếm từ đốt mang quả cuối cùng của cành: bằng cách cột dây đánh dấu và theo dõi cố định 5 cây ở giữa ô cơ sở, mỗi cây 4 cành theo bốn hướng ở vị trí giữa cây.   

 +  Tỷ lệ rụng quả: Theo dõi tỷ lệ quả rụng bằng cách cột dây đánh dấu và theo dõi cố định 5 cây ở giữa ô cơ sở, mỗi cây 4 cành theo bốn hướng ở vị trí giữa cây, mỗi cành quan trắc 5 đốt ở giữa cành (tổng 100 đốt quan trắc/ô). Đếm số quả đậu và quả rụng hiện thời trên đốt qua mỗi lần theo dõi. Thời gian theo dõi 2 lần/vụ, lần 1 sau khi đậu quả, lần 2 trước khi thu hoạch (tháng 4 và tháng 10).

– Năng suất và chất lượng cà phê nhân sống:

+ Tỷ lệ tươi/nhân và khối lượng 100 nhân : Lấy 3 kg/mẫu quả tươi ở giữa vụ và chín đều (theo TCVN 4193:2014).

+ Năng suất thực thu (thu toàn bộ năng suất/ô và quy ra tấn nhân/ha).

3.3.3. Phương pháp tính toán và xử lý số liệu

Tỷ lệ rụng quả được tính như sau:

Tỷ lệ rụng quả R (%) = (Sf – Ft)/Sf * 100.

Trong đó: Sf là số quả đậu; Ft là số còn trên cành tại thời điểm quan trắc

Hiệu quả kinh tế:

Lợi nhuận (1.000 đồng) = (Y x G) – TCP.

Trong đó: Y là năng suất, G là giá bán, TCP là tổng chi phí đầu tư.

– Hiệu quả một đồng đầu tư phân bón:

VCR = L/TCPP.

Trong đó: VCR  là hiệu quả một đồng đầu tư phân bón, L là lợi nhuận, TCPP là tổng chi phí phân bón.

Xử lý số liệu: số liệu được xử lý thống kê bằng chương trình Excel và SAS 9.1.

4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Bảng 4.1. Ảnh hưởng của lượng phân bón NPK chậm tan đến một số chỉ tiêu sinh trưởng của cây cà phê

Ghi chú: Trong cùng một cột, các số có chữ cái theo sau khác nhau thì biểu thị sự sai khác có ý nghĩa thống kê với P = 0,05.

Kết quả ở bảng 4.1 cho thấy: Số đốt dự trữ/cành ở các công thức bón phân khác nhau, dao động từ 10,13 đốt/cành đến 13,67 đốt/cành. Trong đó, công thức 2 (bón 100% lượng phân chậm tan) có số đốt dự trữ/cành đạt cao nhất (13,67 đốt/cành). Công thức 3 (bón 85%) và công thức 4 (bón 70%) cũng có số đốt dự trữ/cành cao hơn công thức 1 (đối chứng), tuy nhiên sự sai khác không có ý nghĩa thống kê.

 Ảnh hưởng của lượng phân bón khác nhau đến tỷ lệ rụng quả cho thấy, Ở công thức 4 bón phân ở mức thấp nhất (bón 70% lượng phân chậm tan so với đối chứng) nhưng cho tỷ lệ rụng quả cao tương đương so với công thức 1(đối chứng). Còn công thức 2 và công thức 3 cho tỷ lệ rụng quả thấp hơn hẳn công thức 1 và công thức 4, sự sai khác này có mức ý nghĩa thống kê.

Bảng 4.2. Ảnh hưởng của lượng phân bón NPK chậm tan đến năng suất và chất lượng cà phê nhân sống

Ghi chú: Trong cùng một cột, các số có chữ cái theo sau khác nhau thì biểu thị sự sai khác có ý nghĩa thống kê với P = 0,05.

Tại bảng 4.2 cho thấy: Khối lượng 100 nhân ở công thức 2 và 3 cao hơn hẳn  công thức 1 (đ/c) và công thức 4. Tuy nhiên, ở công thức 3 (bón 85%) cho khối lượng 100 nhân cao nhất là 22,08 g. Sai khác này có ý nghĩa thống kê giữa công thức 1 và 4, công thức còn lại không có sự sai khác.  

Tỷ lệ tươi/nhân và năng suất cà phê nhân: Tỷ lệ tươi/nhân là chỉ tiêu quan trọng sẽ quyết định đến năng suất cà phê nhân. Tỷ lệ tươi/nhân càng thấp cho năng suất cà phê nhân càng cao và ngược. Từ số liệu phân tích ở trên cho thấy, công thức 2 (bón 100% lượng phân chậm tan so với đối chứng) và công thức 3 (bón 85%) cho tỷ lệ tươi/nhân thấp nhất cũng như cho năng suất cà phê nhân cao hơn hẳn so với công thức 1 (đối chứng) và công thức 4 (bón 70% lượng phân chậm tan).

Bảng 4.3. Hiệu quả kinh tế và hiệu suất đầu tư phân bón của các công thức thí nghiệm


Ký hiệu: TCP: Tổng chi phí; VCR: Hiệu quả một đồng đầu tư phân bón

Ghi chú: giá bán cà phê nhân trung bình năm 2019: 35.000 đ/kg

Qua bảng 4.3 cho thấy: Lợi nhuận tăng so với đối chứng, chỉ có công thức 2 và 3 có lợi nhuận tăng so với đối chứng, còn công thức 4 có lợi nhuận thấp hơn so với đối chứng. Công thức 3 có lợi nhuận tăng cao nhất so với đối chứng (12,53 triệu đồng), cao hơn so với công thức 2 (9,97 triệu đồng). Phần trăm lợi nhuận tăng so với đối chứng của công thức 3 (15,61%) cao hơn công thức 2 (14,18%).  

Hiệu suất một đồng đầu tư phân bón chậm tan: Công thức 4 mặc dù năng suất cao hơn so với công thức 1 (đối chứng) nhưng do chi phí phân bón chậm tan cao hơn so với phân bón thông thường, nên có lợi nhuận âm so với đối chứng và hiệu suất một đồng đầu tư phân bón cũng ở mức âm. Tương tự, ở công thức 2 cho năng suất cà phê nhân cao hơn công thức 3 nhưng do tổng chi phí phân bón của công thức 2 (24,68 triệu đồng) cao hơn công thức 3 (20,97 triệu đồng). Vì vậy, hiệu suất một đồng đầu tư phân bón của công thức 3 đạt cao nhất (1,62) và hiệu suất của công thức 2 thấp hơn công thức 3 đạt (0,87).

5. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

5.1. Kết luận

– Bón phân NPK chậm tan cho cây cà phê vối tại Đắk Lắk: Các chỉ tiêu sinh trưởng, năng suất và chất lượng cà phê nhân sống của các công thức bón phân với lượng khác nhau cho thấy: Công thức 4 bón lượng phân thấp nhất (bón 70% lượng phân chậm tan) nhưng cho các chỉ tiêu đạt tương đương so với công thức 1 (đối chứng). Công thức 2 (bón 100% lượng phân chậm tan tương đương so với đối chứng) và công thức 3 (bón 85%) cho các chỉ tiêu cao vượt trội hơn hẳn công thức 1 và công thức 4.

– Trong thí nghiệm phân bón chậm tan, công thức 3 (bón 85% lượng phân so với đối chứng) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Lượng phân bón tương ứng 274 kg N. Humate (35% N) bón vào tháng 3 + 944 kg NPK chậm tan (15-9-20) và 82 kg KCl bón vào tháng 6, cho năng suất (4,60 tấn nhân/ha) với lợi nhuận cao nhất là 82,86 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế tăng so với đối chứng là 15,61% và đạt hiệu suất một đồng đầu tư phân bón cao nhất 1,62.

5.2. Đề nghị

Thí nghiệm bón phân NPK chậm tan cho cây cà phê vối mới được thực hiện trong năm 2019 nên cần tiếp tục theo dõi thêm trong một vài năm tiếp theo để đánh giá đầy đủ và chính xác hơn bởi ảnh hưởng của phân bón tới cây cà phê vối cần thời gian khá dài từ 2 đến 3 năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trương Hồng, Đinh Thị Nhã Trúc, Phan Việt Hà (2012), Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp tiết kiệm chi phí đầu vào đối với cà phê ở Tây Nguyên, báo cáo khoa học, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.
  2. Hiệp hội phân bón Việt Nam (2006), Tuyển tập phân bón Việt Nam, tập 1, NXB Đại học Nông Nghiệp.
  3. Đoàn Triệu Nhạn (Chủ biên), Hoàng Thanh Tiệm, Phan Quốc Sủng (1999), Cây cà phê Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.
  4. Vũ Anh Pháp, Trần Hữu Phúc, Nguyễn Văn Sánh (2017), “Đánh giá hiệu quả phân bón tan chậm đến sinh trưởng và năng suất lúa vụ hè, thu 2016 trên vùng đất nhiễm phèn tỉnh Đồng Tháp”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần thơ, 5b: 26.
  5. Trần Quốc Toàn (2017), Chế tạo và nghiên cứu động học quá trình nhả chất dinh dưỡng của một số loại phân bón nhả chậm, Luận án tiến sĩ Hóa học, Học viện Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.