KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM GIỐNG CÀ PHÊ CHÈ THA1 TẠI CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN

ThS. Đinh Thị Tiếu Oanh – Bộ môn cây công nghiệp

1. GIỚI THIỆU

Trong những năm qua, công tác chọn tạo giống cà phê chè của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã có những bước tiến mới, Các giống lai F1 có nhiều triển vọng là kết quả lai tạo giữa giống Catimor và các vật liệu thu thập từ Ethiopia với mục đích cải tiến chất lượng đồng thời vẫn cho năng suất cao ở các đời con. Công tác lai tạo đã được tiến hành từ năm 1991 đến 1995 và kết quả đã được Bộ NN và PTNT công nhận 2 giống cà phê chè TN1 và TN2 là giống cây trồng mới năm 2011. Các giống lai này cho năng suất cao và chất lượng vượt trội so với giống Catimor, được sử dụng ngay đời F1 để nhân giống vô tính cung cấp giống mới cho sản xuất. Bên cạnh đó, riêng giống TN1 đã được tiếp tục chọn lọc phả hệ để tạo dòng thuần. Quá trình đánh giá chọn lọc ở các thế hệ F2, F3 ,F4 thông qua tự thụ phấn có kiểm soát , kết quả đến nay Viện Tây Nguyên đã chọn được 4 dòng tự thụ nổi bật ở thế hệ F5 có tên 10-10 (THA1), 10-104, 11-105 và 8-33. Các dòng tự thụ khá đồng đều về kiểu hình và có năng suất, kích cỡ hạt cao hơn giống Catimor, kháng bệnh gỉ sắt cao, chất lượng nước uống tốt. (Hoàng Thanh Tiệm và ctv, 2011). Các dòng này đang được khảo nghiệm diện rộng tại các vùng sinh thái  ở Tây Nguyên để tiếp tục đánh giá và chọn lọc dòng tốt nhất cung cấp giống mới cho sản xuất dưới dạng hạt giống thuần, dễ sử dụng và giá thành hạ.

2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Vật liệu nghiên cứu

Gồm 04 dòng tự thụ ở thế hệ F5 của con lai TN1 có tên 10-10 (được tên là THA1), 10-104, 11-105 và 8-33, giống đối chứng là Catimor.

2.2. Phương pháp bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được thực hiện từ năm 2008, gồm 3 thí nghiệm bố trí tại 3 địa điểm: huyện Krông Năng, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk và huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng, diện tích mỗi điểm 0,5 ha. Các thí nghiệm đánh giá 04 dòng tự thụ ở thế hệ F5 được bố trí theo khối đầy đủ ngẫu nhiên (RCBD), 4 lần lặp lại. Mỗi ô cơ sở có 40 cây, mỗi hố trồng một cây và được hãm ngọn ở độ cao 1,6 m với mật độ 4.902 cây/ha (1,2 x 1,7 m), giống Catimor làm đối chứng. Cây che bóng là cây keo dậu (Leucaena leucocephala) được trồng với khoảng cách 8 x 12 m (120 cây/ha).

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Bảng 1. Một số chỉ tiêu sinh trưởng và cấu thành năng suất của các dòng tự thụ (sau 18 tháng trồng)

Đánh giá sinh trưởng của các dòng tự thụ cho thấy: Chỉ tiêu chiều dài cành của các dòng trồng tại Buôn Ma Thuột cao hơn tại Krông Năng và Lâm Hà, dao động từ 61,8- 62,9 cm. Tuy nhiên, số cặp cành cấp 1 tại Lâm Hà đạt cao nhất so với 2 vùng còn lại và dao động từ 18,0 – 20,2 cặp, trong khi tại Buôn Ma Thuột đạt từ 16,4 – 18,9 cặp và tại Krông Năng đạt từ 14,7 – 16,7 cặp. Số cặp cành cấp 1 tại Buôn Ma Thuột biến động khá lớn và hầu hết các dòng tự thụ đều cao hơn có ý nghĩa so với Catimor ngoại trừ dòng 8-33. Số đốt trên cành không khác biệt đáng kể giữa các dòng và Catimor.

Bảng 2. Năng suất của các dòng tự thụ tại các vùng nghiên cứu

Kết quả thu năng suất qua 4 vụ đầu cho thấy: Năng suất các dòng tự thụ tại các vùng nghiên cứu chệnh lệch không nhiều, vùng Krông Năng cho năng suất cao hơn  các vùng khác và đạt từ 2,45 – 2,70 tấn nhân/ha. Các dòng tự thụ đều có năng suất trung bình 4 vụ cao hơn có ý nghĩa so với giống Catimor tại các vùng khảo nghiệm, trung bình đạt từ 2,15 – 2,45 tấn nhân/ha, trong đó dòng THA1 có năng suất cao nhất đạt 2,45 tấn nhân/ha, giống đối chứng Catimor chỉ đạt 1,67 tấn nhân/ha.

Bảng 3. Một số đặc điển hạt của các dòng tự thụ tại các vùng nghiên cứu

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy các dòng tự thụ tại các điểm thí nghiệm đều có khối lượng 100 nhân lớn hơn giống Catimor có ý nghĩa thống kê. Các dòng tự thụ có khối lượng 100 nhân biến động từ 16,1 – 20,1 g trong khi đó Catimor chỉ từ 13,8 – 16,0 g. Điều này chứng tỏ các dòng tự thụ có chất lượng cà phê nhân hay kích cỡ hạt được cải thiện nhiều so với giống Catimor. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để cải thiện giống cà phê chè có chất lượng cao.

Tỷ lệ hạt trên sàng 16 của các dòng tự thụ khá cao, cao nhất tại Krông Năng với tỷ lệ hạt trên sàng 16 đạt trên 90%, các điểm còn lại có tỷ lệ thấp hơn đạt từ 78,1 – 86,7%, giống Catimor có kích thước hạt nhỏ hơn các dòng tự thụ với tỷ lệ hạt trên sàng 16 tại các điểm trồng đạt từ 72,3 – 83,3%.

Bảng 4. Hàm lượng caffeine, acid chlorogenic của dòng tự thụ và Catimor

Kết quả phân tích hàm lượng caffeine và acid chlorogenic của các dòng tự thụ trồng tại các điểm tương đương với giống Catimor. Các dòng tự thụ trồng tại Buôn Ma Thuột có hàm lượng caffeine thấp hơn giống Catimor. Hàm lượng caffeine của dòng tự thụ biến động từ 1,50 – 1,79% chất khô trong khi đó giống Catimor là 1,94%. Hàm lượng acid chlorogenic của các dòng tự thụ tương đương với Catimor, cao nhất là dòng tự thụ 8-33 (7,06% chất khô) và thấp nhất là dòng tự thụ THA1 (5,54% chất khô).

Các dòng tự thụ trồng tại Krông Năng có hàm lượng caffeine biến thiên khá nhiều, dòng tự thụ THA1 chỉ có 1,18% chất khô là thấp nhất, cao nhất là dòng tự thụ 11-105 lên đến 2,05% chất khô. Acid chlogogenic của các dòng tự thụ tương đương nhau biến động từ 5,39 – 6,29% chất khô.

Các dòng tự thụ và Catimor trồng tại Lâm Hà có hàm lượng caffeine tương đương nhau và biến động từ 1,57 – 1,81% chất khô. Hàm lượng caffeine thấp nhất là dòng tự thụ 8-33 (1,57%) và dòng tự thụ THA1 (1,58%), Catimor vẫn là giống có hàm lượng caffeine cao nhất (1,81%). Hàm lượng acid chlorogenic của dòng tự thụ 10-104 cao nhất (7,57%) và thấp nhất là dòng tự thụ 10-10 (5,61%).          

Bảng 5. Chất lượng nước uống của các dòng tự thụ tại các vùng khảo nghiệm

Chất lượng nước uống của các dòng tự thụ tương đương với giống Catimor tại các điểm trồng, tuy nhiên có một số đặc điểm được cải thiện hơn. Các dòng tự thụ có chất lượng nước uống được cải thiện theo cao độ trồng trọt, điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Wintgens, (2004b). Các dòng tự thụ trồng tại Buôn Ma Thuột có chất lượng nước uống tương đương với giống Catimor. Tuy nhiên các dòng tự thụ trồng tại Krông Năng và Lâm Hà đều có các thuộc tính của nước uống được cải thiện hơn giống Catimor. Kết quả đánh giá cảm quan có dòng tự thụ 10-104 là đạt hơn các dòng tự thụ khác và kém nhất là dòng tự thụ 11-105.

Các dòng tự thụ ở thế hệ F5 vẫn giữ được khả năng kháng bệnh gỉ sắt qua quá trình chọn lọc và có khả năng kháng bệnh gỉ sắt từ cao đến rất cao. Dòng tự thụ THA1 có khả năng kháng cao nhất chỉ có 37,3% cây bị bệnh gỉ sắt và những cây này có 6,7% lá bị bệnh với chỉ số bệnh là 0,5%. Kế đến là hai dòng tự thụ 8-33 cũng có khả năng kháng bệnh gỉ sắt cao hơn giống Catimor, dòng tự thụ 10-104 thì khả năng kháng bệnh trên đồng ruộng tương đương với giống Catimor.

Bảng 6. Khả năng kháng bệnh gỉ sắt của dòng tự thụ trung bình tại các vùng trồng

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

4.1. Kết luận

Đã chọn được dòng THA1 nổi trội nhất trong 4 dòng cà phê chè thế hệ F5, với khả năng sinh trưởng khỏe, dạng cây thấp, tán chặt thích hợp trồng với mật độ dày. Năng suất trung bình dòng THA1 cao nhất và đạt 2,45 tấn nhân/ha, tỷ lệ hạt trên sàng 16 đạt trung bình 84,8%, khối lượng 100 nhân trung bình 17,3 g và kháng rất cao với bệnh gỉ sắt (với chỉ số bệnh là 0,5%), chất lượng nước uống khá. Các chỉ tiêu đánh giá về năng suất và chất lượng đều cao hơn so với giống catimor trong cùng điều kiện trồng trọt.

4.2. Đề nghị

Phát triển giống cà phê mới THA1 tại các vùng sinh thái phù hợp để thay thế giống Catimor trong chương trình tái canh cà phê của Việt Nam trong thời gian tới

Phụ lục. Một số hình ảnh của giống cà phê chè chọn lọc THA1