TS. Hoàng Mạnh Cường, ThS. Lâm Minh Văn
Bộ môn Lâm nghiệp và Cây Ăn quả
1. Đặt vấn đề
Với sự đa dạng về giống sầu riêng, cam và bơ, trong đó có sự đa dạng về thời điểm thu hoạch (giống sớm, chính vụ, muộn) giúp cho việc bố trí cơ cấu giống rải vụ ở quy mô vùng Tây Nguyên, kéo dài nguồn cung cấp cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tùy điều kiện sinh thái từng vùng, có thể lựa chọn giống phù hợp để bố trí hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nhằm rải vụ, kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm cho thị trường. Vì vậy việc điều tra thời điểm thu hoạch các giống sầu riêng, cam và bơ để xác định cơ cấu giống rải vụ (giống sớm, chính vụ, muộn) cho vùng Tây Nguyên là cần thiết hiện nay.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Là các loài cây ăn quả: Sầu riêng, cam và bơ tại 5 tỉnh Tây Nguyên, bao gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Kon Tum.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
– Lập bộ phiếu để điều tra phỏng vấn.
– Điều tra phỏng vấn và thu thập số liệu: Áp dụng phương pháp điều tra ngẫu nhiên theo vùng đại diện của Tây Nguyên, phương pháp đánh giá có sự tham gia (PRA), phương pháp kế thừa và quan sát đánh giá trực tiếp ngoài đồng ruộng. Quy mô điều tra 50 phiếu/loài cây/tỉnh. Các hộ điều tra sản xuất có diện tích mỗi loài cây sầu riêng, cam, bơ > 0,5 ha và trong giai đoạn kinh doanh ổn định.
– Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được xử lý phân tích bằng phần mềm SPSS 16.0.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Thời điểm ra hoa và thu hoạch các giống sầu riêng trồng tại Tây Nguyên
Bảng 1. Thời điểm ra hoa và thu hoạch các giống sầu riêng trồng tại Tây Nguyên
Giống sầu riêng Dona là giống ra hoa trung bình, cho thu hoạch muộn nhất trong các giống điều tra, từ khi xả nhị đến thu hoạch khoảng 150 ngày, muộn hơn 20 – 30 ngày so với giống Ri6, Chín Hóa, Khổ qua xanh tại cùng vùng trồng. Kết quả điều tra cho thấy, thời điểm ra hoa và thu hoạch sầu riêng thay đổi tùy theo giống và điều kiện khí hậu từng nơi. Cùng một giống Dona nhưng khi trồng tại vùng khí hậu nóng Đạ Huoai (Lâm Đồng) thì ra hoa sớm hơn (tháng 12 và 1) so với các vùng trồng sầu riêng khác (tháng 1 đến tháng 3) Di Linh (Lâm Đồng), Krông Păk (Đắk Lắk), Đăk Mil (Đắk Nông) nên thu hoạch sớm vào tháng 5 đến tháng 7 [2].
Giống Dona thường ra hoa tập trung nên thu hoạch rất gọn, chỉ 1 – 2 đợt; giống Ri6 và Chín Hóa ra hoa không tập trung nên thu nhiều đợt (2 – 3 đợt), và cho thu hoạch sớm, vụ chính là tháng 7 đến tháng 8, riêng vùng trồng Đạ Huoai (Lâm Đồng) tháng 4, 5 đã cho thu hoạch rộ, vì vậy 2 giống Ri6 và Chín Hóa mang ý nghĩa rải vụ trong năm.
Giống Khổ qua xanh là giống có nguồn gốc trong nước, ra hoa vào tháng 12 đến tháng 1 và cho thu hoạch tập trung vào tháng 7 đến tháng 8.
Sầu riêng trồng tại Tây Nguyên (trừ vùng Đạ Huoai) cho thu hoạch muộn tháng 8 đến tháng 10 nên lệch vụ so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, giá bán rất cao, theo ghi nhận tháng 10 năm 2018 giá thị trường cao đến 80.000 – 90.000 đ/kg. Thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 và lệch vụ so với các vùng trồng khác là điều kiện thuận lợi đặc trưng do khí hậu đem lại nhưng sản xuất sầu riêng vùng Tây Nguyên vẫn mang tính thời vụ (tháng 7 đến tháng 8) [1],[4].
3.2. Thời điểm ra hoa và thu hoạch các giống cam trồng tại Tây Nguyên Tương tự như cây bơ và sầu riêng cơ cấu giống cam (giống sớm, chính vụ, muộn) ở Tây Nguyên chưa có tổ chức trong sản xuất (hoặc còn nhỏ lẻ) để điều tiết lượng hàng hóa thị trường, điều này rất quan trọng đối với cây có múi nói chung và cây cam nói riêng, vì ngoài Tây Nguyên cây cam được trồng hầu khắp các vùng miền trên cả nước và thu hoạch chính vào một vụ; ngoài các vùng trồng trong nước còn có sự cạnh tranh của thị trường Trung Quốc. Vì vậy, việc xác định cơ cấu giống rải vụ đảm bảo nội tiêu và xuất khẩu là cần thiết hiện nay. Thực tế sản xuất còn cho thấy cây cam trồng tại Tây Nguyên mùa vụ thu hoạch chính tập trung vào tháng 11, chủ yếu là cam Sành (chiếm 82,5%) và trùng với vụ thu hoạch vùng cam đồng bằng sông Cửu Long nhưng quả mẫu mã xấu, chất lượng kém hơn và chỉ tiêu thụ nội địa trong thời gian ngắn nên giá bán vào chính vụ rất thấp, có thời điểm chỉ 5.000 đ/kg, nên việc rải vụ thu hoạch là việc làm cần thiết [3].
Thời điểm thu hoạch các giống cam điều tra có sự khác nhau rõ, trong đó giống cam Sành thu hoạch chính vụ tháng 10 đến tháng 11, so với Đắk Lắk thì tại Kon Tum ở vùng trồng Kon Plông thu hoạch muộn hơn 1 tháng, thu tập trung tháng 12 đến tháng 1 năm sau, vì khí hậu lạnh hơn. Giống cam Soàn thu hoạch tập trung vào tháng 10, sớm hơn 15 – 20 ngày so với cam Sành khi trồng ở Gia Lai và Đắk Lắk. Các giống cam V2, CT36 có thời gian thu muộn hơn các giống còn lại, thu hoạch vào tháng 2 và 3, giống Cara và BH thu hoạch vào tháng 11 và 12. Cam V2, CT36 thu hoạch muộn hơn so với các giống cam Sành và cam Soàn trồng tại Đắk Lắk nên rất có tiềm năng phát triển, đáp ứng nhu cầu giống cam muộn của địa phương. Số liệu Bảng 2 cho thấy, thời gian ra hoa chính của các giống cam vùng Tây Nguyên có sự khác nhau giữa các giống và tập trung vào tháng 2 – 3, các giống cam Cara, V2, CT36, BH thường ra hoa muộn hơn so với các giống cam khác khoảng 1 đến 2 tháng.
Điều tra ở vùng sản xuất cam lớn nhất Đắk Lắk cho thấy trên cây cam Sành, các nông hộ đã quan tâm đến việc rải vụ thu hoạch, bằng cách không xử lý cây ra hoa, thu hoạch tập trung 1 vụ mà cho cây ra hoa quanh năm thu hoạch 3 vụ/năm (tháng 2, 3; tháng 10, 11; tháng 5, 6). Cây cam không ra hoa, thu hoạch tập trung làm ảnh hưởng đến chất lượng quả và cây rất dễ suy kiệt vì khai thác quá mức. Một số nông hộ đã xử lý nghịch vụ cam thu vào tháng 2, 3 thành công, nhưng do chăm sóc không đúng mức, bón ít phân hữu cơ nên vườn cam suy kiệt nhanh vào vụ sau.
3.3. Thời điểm ra hoa và thu hoạch các giống bơ tại Tây Nguyên
Các giống bơ nhập nội ra hoa vào thời điểm tháng 2 đến tháng 4 và cho thu hoạch rất muộn, từ tháng 9 đến tháng 01 năm sau. Trong đó giống Reed cho thu hoạch muộn nhất (tháng 12, tháng 1 năm sau). Thời gian từ khi ra hoa đến quả thành thục và rụng khoảng 240 – 300 ngày. Đặc điểm thu hoạch muộn và thời gian neo quả lâu, vì vậy các giống bơ nhập nội như Booth 7, Hass, Gem, Lambhass, Pinkerton, Reed có khả năng tích lũy chất dinh dưỡng vận chuyển vào sản phẩm tốt hơn so với các giống địa phương. Kết quả điều tra thời điểm ra hoa và thu hoạch các giống bơ cho thấy, các giống, dòng bơ địa phương TA1, TA40, BLĐ 034, Xuân Mười ra hoa vào tháng 12 đến tháng 2 và thu hoạch tập trung vào tháng 7, tháng 8. Riêng cây đầu dòng BLĐ 034 cho thu hoạch 2 vụ/năm, vụ 1 vào tháng 6 tháng 7 là vụ chính, và vụ 2 cho khoảng 10 – 15 kg/cây vào tháng 12, tháng 1. Cây đầu dòng Thành Bích cho thu hoạch khá muộn tháng 9 đến tháng 10. Thời gian từ khi ra hoa đến quả thành thục và rụng các giống, dòng bơ địa phương khoảng 180 – 210 ngày.
Tóm lại, tùy điều kiện sinh thái từng vùng, có thể lựa chọn giống phù hợp và sử dụng các biện pháp xử lý trái vụ nhằm kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm cho thị trường. Nhưng việc rải vụ phải cần thực hiện: (1) rải vụ mà không ảnh hưởng đến chất lượng quả, sức khỏe vườn cây và sản phẩm an toàn cho người sử dụng; (2) có quy hoạch và liên kết giữa các vùng trồng tránh mùa nghịch lại thừa, mùa chính lại thiếu.
4. Kết luận và đề nghị
4.1. Kết luận
– Cây bơ: Giống sớm: BLĐ 034; giống chính vụ: TA1, TA40, BLĐ 034; giống muộn: Hass, Lambhass, Gem, Booth 7, Pinkerton và giống rất muộn Reed.
– Cây sầu riêng: Giống chính vụ: Ri6, Khổ qua xanh, Dona.
– Cây cam: Giống sớm: Soàn; giống chính vụ: Sành, Cara, BH và giống muộn: V2, CT36.
4.2. Đề nghị
– Nên tổ chức sản xuất sầu riêng, cam, bơ theo cơ cấu giống rải vụ trên cơ sở kết quả điều tra của đề tài.
– Cần thực hiện tuyển chọn thêm các giống sớm hoặc giống muộn chất lượng cao; rải vụ theo vùng sinh thái và sử dụng các biện pháp xử lý trái vụ.
5. Tài liệu tham khảo
1. Võ Thùy Dương (2015), Phân tích hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang, Luận án thạc sĩ nông nghiệp, Đại học Cần Thơ.
2. Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên (2018), Số liệu lượng mưa, nhiệt độ trung bình các ngày trong tháng tại các trạm khí tượng vùng Tây Nguyên, Gia Lai.
3. Đồng bằng sông Cửu Long: Cam sành được mùa, rớt giá, ngày 2 tháng 6 năm 2017. https://congthuong.vn/dong-bang-song-cuu-long-cam-sanh-duoc-mua-rot-gia-88005.html
4. Emer O’Gara, David I. Guest and Nik Masdek Hassan (2004), “Botany and Production of Durian (Durio zibethinus) in Southeast Asia”, Managing Phytophthora Diseases, pp 181-186