ThS. Đinh Thị Tiếu Oanh – Bộ môn cây công nghiệp
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã nghiên cứu và chọn lọc được 11 dòng vô tính cà phê vối mới để sản xuất và phục vụ cho tái canh cà phê vối tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, các giống mới cho năng suất cao và chất lượng cà phê nhân nổi trội so với giống cũ. Tuy nhiên, do nhu cầu tái canh cà phê ngày càng cao, yêu cầu lượng cây giống lớn, nhưng nếu các giống chỉ được nhân bằng phương pháp vô tính thì không thể đáp ứng đủ. Do vậy, trong những năm qua Viện KHKT NLN Tây Nguyên đã tiến hành nghiên cứu, xác định các tổ hợp bố mẹ tốt để lai tạo theo hướng tạo hạt giống lai tổng hợp. Kết quả đã xác định được 4 dòng bố mẹ tốt từ các dòng vô tính cà phê vối đã được công nhận là TR4, TR9, TR11 và TR12. Giống cà phê vối lai TRS1 là sản phẩm hạt lai từ các dòng chọn lọc trên, đã được Bộ NN và PTNT công nhận giống chính thức từ tháng 11 năm 2015. Giống TRS1 được nhân giống bằng hạt, hệ số nhân cao, hạ giá thành sản xuất cây giống, có thể phục vụ đủ cho nhu cầu tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới. Giống đã và đang được nhân rộng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên với khả năng đáp ứng rất tốt với các vùng sinh thái cũng như tiềm năng năng suất và chất lượng sản phẩm.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP CHỌN LỌC
2.1. Vật liệu
Giống cà phê vối lai TRS1 (hạt giống) được lai tạo từ vườn trồng các giống mới (dòng vô tính) là: TR4, TR9, TR11, TR12 (được trồng năm 2003 tại WASI, diện tích 2,0 ha). Trong đó giống TR4 đã được công nhận giống chính thức năm 2006 (Quyết định số 1086 QĐ/BNN-KHCN ngày 14/4/2006) và các giống TR9, TR11, TR12 được công nhận giống chính thức năm 2011 (Quyết định số 175/QĐ-TT-CCN ngày 04/05/2011). Các giống dùng làm bố mẹ để sản xuất hạt lai TRS1 có năng suất trung bình từ 4,2 – 7,3 tấn nhân/ha, tỷ lệ hạt trên sàng loại 1 đạt từ 73,5 – 98,8%, khối lượng 100 nhân từ 17,2 – 25,1 g và kháng bệnh gỉ sắt cao.
2.2. Phương pháp
Triển khai sản xuất thử giống cà phê vối lai TRS1 tại các tỉnh vùng Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng. Phương pháp thực hiện là chọn các diện tích khảo nghiệm đã triển khai từ năm 2008 tại mỗi vùng để tiếp tục theo dõi và đánh giá tiềm năng năng suất 2 vụ 2013 và 2014, mỗi vùng khảo sát 10 mô hình, diện tích từ 0,5 – 1,0 ha/mô hình. Đối chứng là các vườn trồng giống đại trà, yêu cầu không thuộc vườn già cỗi và năng suất quá thấp, đạt mức sinh trưởng bình thường, vườn có điều kiện chăm sóc tương tự giống TRS1 và được trồng cùng thời điểm với giống lai TRS1.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Bảng 1. Khả năng sinh trưởng của giống TRS1 tại các vùng khảo nghiệm (sau 18 tháng trồng)
Khảo sát khả năng sinh trưởng của giống TRS1 tại các vùng sản xuất thử sau 18 tháng trồng cho thấy: Giống có khả năng thích ứng tốt tại tất cả các vùng trồng, thể hiện cây sinh trưởng khỏe, đường kính gốc đạt trung bình từ 4,9 – 5,8 mm, số cặp cành cấp 1 khá nhiều đạt từ 17,9 – 24,5 cặp. Sự biến thiên về các chỉ tiêu sinh trưởng tại các vùng khảo nghiệm không đáng kể (CV<10% đối với mỗi tính trạng).
Bảng 2. Năng suất giống TRS1 sản xuất thử và giống đại trà tại Đắk Lắk
Kế thừa kết quả khảo nghiệm giống TRS1 tại một số vùng khu vực Tây Nguyên từ năm 2008 đến nay. Tiếp tục theo dõi và thu thập thêm 2 vụ thu hoạch (vụ 2013 và 2014) từ hệ thống các vườn đã điều tra trong giai đoạn trước để có kết luận chính xác về khả năng thích ứng cũng như tiềm năng cho năng suất của giống lai TRS1 tại các vùng sản xuất thử. Kết quả đánh giá các mô hình sản xuất thử giống TRS1 tại Đắk Lắk qua bảng 2 cho thấy: Giống TRS1 cho năng suất cao hơn so với giống đại trà qua các năm, mức năng suất trung bình của giống TRS1 qua 2 vụ kinh doanh đạt 4,01 tấn nhân/ha trong khi năng suất trung bình giống đại trà chỉ đạt 3,14 tấn nhân/ha, năng suất giống TRS1 vượt trung bình 29,0% so với giống đại trà.
Tại Gia Lai, giống TRS1 có năng suất trung bình 2 vụ kinh doanh khá cao đạt 4,57 tấn nhân/ha, cao hơn hẳn so với giống đại trà chỉ đạt 3,12 tấn nhân/ha, tăng 46,5% so với giống đại trà tính trên 2 vụ thu hoạch. Tuy nhiên, sự phân ly về năng suất trong quần thể giống TRS1 vẫn khá cao và chiếm từ 37,6 – 42,8%. Điều này có thể giải thích rằng: khi quần thể phân ly mạnh, các cá thể tốt cho năng suất vượt trội trong quần thể chiếm ưu thế cũng làm tăng hệ số biến thiên, do đó tỷ lệ cây cho năng suất thấp không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng cà phê trên đơn vị diện tích.
Bảng 3. Năng suất giống TRS1 sản xuất thử và giống đại trà tại Gia Lai
Bảng 4. Năng suất giống TRS1 sản xuất thử và giống đại trà tại Đắk Nông
Khảo sát năng suất tại vùng Đắk Nông cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa giống TRS1 và giống đại trà. Năng suất trung bình của giống TRS1 đạt 4,43 tấn nhân/ha,cao hơn đối chứng 86,9 % và hầu như cao đều ở các vụ, trong khi đó năng suất giống đại trà chỉ đạt trung bình 2,37 tấn nhân/ha.. Đây là sự khác biệt rõ và thể hiện tính nổi trội của giống TRS1 trồng tại Đắk Nông, hoặc cũng có thể giải thích rằng giống đại trà trước đây được trồng tại Đắk Nông cho năng suất thấp do bộ giống trồng không được chọn lọc.
Bảng 5. Năng suất giống TRS1 sản xuất thử và giống đại trà tại Lâm Đồng
Năng suất của giống TRS1 tại vùng Lâm Đồng có xu hướng thấp hơn các vùng khác và đạt trung bình 3,59 tấn nhân/ha ở 2 vụ kinh doanh. Tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với giống đại trà chỉ đạt 2,61 tấn nhân/ha, tăng 37,5% so với giống đại trà. Tỷ lệ phân ly về năng suất trong quần thể từ 30,6 – 43,5% đối với giống TRS1 và có chiều hướng cao hơn giống đại trà. Điều này có thể do mức phân bố năng suất của giống TRS1 trải đều từ thấp đến cao nên tỷ lệ biến thiên quần thể cao.
Kết quả khảo sát năng suất của giống TRS1 cho thấy: các vùng Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông có năng suất trung bình đạt >4,0 tấn nhân/ha, cao hơn vùng Lâm Đồng (3,59 tấn nhân/ha). Trong đó vùng Gia Lai và Đắk Nông có năng suất cao hơn các vùng khác, tuy vậy năng suất sẽ ổn định hơn ở các vụ kinh doanh kế tiếp.
Bảng 6. Một số đặc điểm về hạt của giống cà phê vối lai TRS1 và giống đại trà tại các vùng khảo nghiệm
Khảo sát các chỉ tiêu về quả hạt qua 2 vụ (bảng 6) cho thấy: Kích thước và khối lượng 100 nhân của giống TRS1 tại các vùng đều cao hơn giống đại trà. Khối lượng 100 nhân của giống TRS1 đạt từ 17,9 – 20,8 g, trong khi giống đại trà chỉ đạt từ 15,0 – 15,4 g, tỷ lệ tăng so với đại trà từ 17,0 – 38,6%. Tương tự, kích thước hạt của giống TRS1 cũng tăng so đối chứng từ 19,1 – 33,7%. Tỷ lệ tươi nhân giống TRS1 trung bình đạt 4,6 trong khi giống đại trà chiếm trung bình 4,9.
Như vậy, song song với khả năng cho năng suất cao và vượt so với đối chứng, giống TRS1 cũng có khối lượng và kích thước hạt lớn đồng thời cao hơn giống đại trà ở tất cả các vùng khảo nghiệm. Đây cũng là điểm nổi trội và khác biệt rõ của giống TRS1 so với giống cà phê vối đại trà hiện nay. Giống TRS1 vừa có thể đạt năng suất cao đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc cải thiện kích cỡ hạt cà phê nhân.
Bảng 7. Khả năng kháng bệnh gỉ sắt của giống TRS1 tại các vùng khảo nghiệm
Điều tra mức độ nhiễm bệnh gỉ sắt trong quần thể giống lai và giống đại trà tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Lâm Đồng cho thấy: hầu hết cây chưa biểu hiện nhiễm bệnh gỉ sắt ở cả 2 loại giống trồng, tỷ lệ cây không bị nhiễm bệnh ở giống TRS1 khá cao và chiếm từ 80,0 – 90,0% trong quần thể, giống đại trà có tỷ lệ cây không nhiễm gỉ sắt từ 45,0 – 85,0%. Tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh từ trung bình đến nặng của giống lai chỉ chiếm 7,2%, giống đại trà 10,3%. Như vậy, xét về mức độ nhiễm bệnh gỉ sắt của giống lai hiện nay là rất thấp, không ảnh hưởng đến năng suất và sinh trưởng vườn cây khi được trồng bằng giống lai này.
Bảng 8. Một số đặc trưng chính của giống TRS1 tại các vùng khảo nghiệm
Kết quả đánh giá các mô hình sản xuất thử giống cà phê vối lai TRS1 tại các vùng cho kết luận rằng: mức năng suất trung bình của giống TRS1 qua 2 vụ kinh doanh tại các tỉnh vùng Tây Nguyên đạt trung bình 4,31 tấn nhân/ha; khối lượng 100 nhân đạt trung bình 19,1 g; tỷ lệ hạt trên sàng 16 (hạt loại 1) chiếm trung bình 85,3%; tỷ lệ tươi nhân đạt 4,6 và mức nhiễm bệnh gỉ sắt trung bình đến nặng chiếm 7,2%. Giống TRS1 tỏ ra thích ứng tốt và có năng suất, kích thước hạt cũng như các tính trạng khác tốt hơn hẳn giống sản xuất đại trà tại các vùng sản xuất thử thuộc các tỉnh Tây Nguyên.
4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
4.1. Kết luận
Năng suất của giống TRS1 tại các vùng sản xuất thử đạt trung bình 4,31 tấn nhân/ha, tăng 50,2% so với giống đại trà trong cùng điều kiện khảo nghiệm. Một số vườn thâm canh cao có năng suất đạt trên 6 tấn nhân/ha.
Giống TRS1 có khối lượng 100 nhân trung bình đạt 19,1g, tăng so với giống đại trà 25,4%; hạt trên sàng 16 (loại hạt R1) đạt trung bình 85,3%, tăng 27,7% so với giống đại trà; tỷ lệ tươi nhân đạt trung bình 4,6; tỷ lệ cây nhiễm bệnh gỉ sắt thấp và chiếm khoảng 7,2%.
4.2. Đề nghị
Cần có biện pháp cưa ghép cải tại các cây xấu và bị bệnh gỉ sắt bằng các dòng vô tính tốt để tăng độ đồng đều và ổn định năng suất vườn cây.
Sử dụng giống cà phê vối lai TRS1 phục vụ cho chương trình tái canh cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên.
PHỤ LỤC. MỘT SỐ HÌNH ẢNH GIỐNG CÀ PHÊ VỐI LAI TRS1