Hướng dẫn cách lấy mẫu phân tích tuyến trùng và nấm bệnh trên cây cà phê và hồ tiêu

Để lấy mẫu phân tích sâu bệnh hại, trước tiên cần xác định mục tiêu phân tích của mình là gì mà chọn cách lấy mẫu. Có 2 dạng lấy mẫu như sau: lấy mẫu phân tích xác định tác nhân gây bệnh và lấy mẫu xác định mức độ nhiễm bệnh của tác nhân gây bệnh trên vườn (cà phê, tiêu).

  1. Kỹ thuật thu thập mẫu để xác định tác nhân gây bệnh trên vườn (cà phê, tiêu)

– Mục đích: xác định tác nhân gây bệnh

a. Thu thập mẫu đất và rễ cà phê/ hồ tiêu bị bệnh

– Yêu cầu: quan sát, đánh giá vườn cây cần thu thập. Lựa chọn cây bị nhiễm bệnh và các cây xung quanh cây bị bệnh: cây sinh trưởng phát triển kém, cây bị vàng lá, rễ có hiện tượng sưng hoặc thối… lấy mẫu ở 3 cây bị bệnh trộn lại thành 1 mẫu.

– Dụng cụ: cuốc, bút ghi mẫu, túi ni-lông, nhãn dán…

– Phương pháp lấy mẫu: mẫu đất và rễ được lấy theo hình chiếu tán cây trồng (tán đến đâu thì lấy mẫu đến đó), với điều kiện có làm bồn thì lấy ở mép trong của bồn nếu tán cây đã giao nhau. Khi chọn được vị trí lấy mẫu thích hợp, dùng cuốc gạt bớt lớp đất mặt cũng như các tàn dư thực vật phía trên (khoảng 10 cm). Đất và rễ được lấy ở tầng đất 10 – 30 cm. Lấy mẫu khi đất đủ ẩm (không quá khô hoặc quá ướt). Mỗi mẫu được lấy tại 5 cây và trộn lai với nhau, khoảng 1 kg đất và 50 g rễ/ mẫu (Chú ý: rễ được vùi trong đất để được giữ ẩm). Ghi chép đầy đủ thông tin trên bao bì bằng bút ghi mẫu: tên chủ vườn, vị trí vườn, số thứ tự mẫu, ngày thu mẫu…

– Bảo quản và vận chuyển mẫu: các mẫu thu thập được bảo quản trong thùng xốp giữ nhiệt để vận chuyển tới các đơn vị chuyên môn trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình vận chuyển, luôn giữ đất ở điều kiện mát tránh nhiệt độ quá cao.

b. Thu thập mẫu thân, lá, quả… bị bệnh

– Yêu cầu: quan sát, đánh giá vườn cây cần thu thập. Chọn những bộ phận mới chớm bệnh hoặc bị nhiễm bệnh vừa phải.

– Dụng cụ: kéo, túi ni-lông, túi díp, bút ghi mẫu, nhãn dán…

– Phương pháp: thu thập mẫu thân, lá, quả… vừa chớm bệnh và cho vào các túi díp, với mỗi mẫu vật có triệu chứng khác nhau nên cho vào từng túi díp riêng để tránh lẫn tạp. Sau đó đính nhãn, ghi đầy đủ thông tin trên từng mẫu bằng bút ghi mẫu: tên chủ vườn, vị trí mẫu, số thứ tự, ngày thu mẫu…

Bảo quản và vận chuyển mẫu: tương tự mẫu đất và rễ.

  1. Kỹ thuật thu thập mẫu để xác định mức độ nhiễm bệnh của tác nhân gây bệnh trên vườn (cà phê, tiêu)

– Mục đích: xác định mức độ nhiễm bệnh

Kỹ thuật thu thập mẫu: tương tự như kỹ thuật thu thập mẫu để xác định tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, đối với mẫu đất và rễ tại mỗi vườn, lấy mẫu ở 5 cây khỏe và 5 cây bệnh phân bố tại 5 điểm chéo góc trên vườn để lấy mẫu, trộn các mẫu của 5 cây khỏe lại thành 1 mẫu cũng như trộn các mẫu của 5 cây bệnh lại thành 1 mẫu để phân tích.

Chú ý: Để được các cán bộ kỹ thuật nhận xét và đưa ra các khuyến cáo. Khi gửi mẫu cần bổ sung thêm các thông tin về mẫu như: loại cây trồng, diện tích, năm trồng, mô tả triệu chứng bệnh của cây cũng như tỷ lệ cây bệnh trên vườn…

Tại Đăk Lăk, có thể gửi mẫu đến Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, 53 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk để phân tích mẫu sâu bệnh hại cây trồng.