Đào thị Lan Hoa, Trương Hồng, Đào thị Lam Hương và CTV
Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2015, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã tổ chức 4 hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học về ca cao Việt Nam thuộc đề tài Độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu phát triển sản xuất ca cao bền vững tại Việt Nam”, giai đoạn 2011 – 2015.
Ngày 22/9/2015: tổ chức hội thảo tại Ủy ban Nhân dân xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; Ngày 24/9/2015: tổ chức hội thảo tại Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; Ngày 30/9/2015: tổ chức hội thảo tại Công ty Cà phê Đức Lập, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông; Ngày 8/10/2015: tổ chức hội thảo tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Thành phần tham dự hội thảo tại các tỉnh gồm đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Trung tâm Khuyến Nông và Khuyến Ngư; Trung tâm Giống, Cây trồng và Vật nuôi; Chi cục Bảo vệ Thực vật; Trạm Bảo vệ Thực vật; Trạm Khuyến Nông và Khuyến Ngư; Phòng Nông nghiệp các huyện; Các công ty trồng ca cao; Các hợp tác xã trồng ca cao; hộ nông dân trồng ca cao; Nhà máy Phân bón Năm Sao thuộc Tập đoàn Quốc tế Năm Sao…
Hình 1. TS. Trương Hồng phát biểu khai mạc hội thảo tại Bến Tre
Nội dung hội thảo: giới thiệu các kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu phát triển sản xuất ca cao bền vững tại Việt Nam”, bao gồm: Thực trạng sản xuất ca cao tại Việt Nam; Kết quả nghiên cứu về Giống ca cao; Kết quả nghiên cứu về kỹ thuật canh tác; Kết quả nghiên cứu về phòng trừ sâu bệnh hại ca cao; Kết quả về sơ chế ca cao; Kết quả xây dựng mô hình trồng ca cao.
Hình 2. ThS. Đào Thị Lam Hương báo cáo kết quả nghiên cứu chọn tạo giống ca cao tại hội thảo ở Bình Phước
Trong hội thảo nhiều vấn đề liên quan đến quản lý và sản xuất ca cao bền vững đã được thảo luận: vấn đề ra hoa và đậu quả ca cao, giống ca cao, tỉa cành tạo tán, phân bón hiệu quả kinh tế trồng xen ca cao trong vườn điều, biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại chính bọ xít muỗi, bệnh thối quả, sóc gây hại quả, lên men, hệ thống thu mua, giá cả, thị trường, chế biến sâu, tổ chức sản xuất, chính sách để thu hút phát triển ca cao, thành lập câu lạc bộ trồng ca cao, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để nhân rộng mô hình, hỗ trợ về vốn để phát triển ca cao…
Hình 3. Đại biểu tham dự hội thảo tại tỉnh Đăk Nông
Qua các buổi hội thảo, đại biểu tham dự đã đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài. Các nội dung nghiên cứu là hết sức bổ ích, thiết thực đối với các nhà quản lý, nhà kỹ thuật ở các địa phương cũng như bà con nông dân trồng ca cao. Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được các địa phương tiếp nhận và chuyển giao cho bà con nông nhân trồng ca cao tại các tỉnh phía Nam áp dụng để sản xuất ca cao bền vững. Mong muốn của đại diện các đơn vị, cá nhân tham dự hội thảo là Nhà nước cần quan tâm hơn về sản xuất và nghiên cứu ca cao ở Việt Nam; Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyển giao, khuyến nông để tiến hành các đề tài nghiên cứu mới về ca cao, dự án sản xuất thử nghiệm, các mô hình ghép cải tạo các giống ca cao có năng suất cao, chất lượng tốt.
Hình 4. TS. Lê Ngọc Báu phát biểu tại hội thảo Đăk Lăk
Thay mặt đơn vị Chủ trì đề tài và nhóm thực hiện đề tài, Viện Khoa học Kỹ thật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cảm ơn các đơn vị, cá nhân và các cơ quan ban ngành của các tỉnh phía Nam đã tạo điều kiện giúp đỡ nhóm nghiên cứu triển khai đề tài và tổ chức Hội thảo thành công.