Hội thảo diễn đàn nghiên cứu vì sự phát triển (R4D) Tây Nguyên

Châu Thị Minh Long, Bộ môn Chăn nuôi và Đồng cỏ

Ngày 28/10/2016, tại khách sạn Đắkruco, 30 Nguyễn Chí Thanh, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, trong khuôn khổ đề tài hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Thế giới (ICRAF) “Nghiên cứu phát triển sinh kế và tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên thông qua phát triển hệ thống canh tác tổng hợp và đa dạng hóa hoạt động nông nghiệp ở Tây Nguyên”, thuộc Chương trình nghiên cứu Hệ thống canh tác cho vùng Nhiệt đới ẩm (Humidtropics), Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu vì sự phát triển (R4D) Tây Nguyên.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia trong và ngoài nước: TS. Akwesi Ntiamoah Atta-Krah, Giám đốc Chương trình Nhiệt đới ẩm; TS. Lisa Hiwasaki, Giám đốc Tiểu vùng sông Mê Kông; TS. Adrian Marc Bolliger, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT); TS. Trương Hồng, Q. Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây nguyên và các cán bộ nghiên cứu của Viện;  Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; Sở KH &CN Đắk Lắk, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk; Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột; Trường Đại học Tây Nguyên; Trạm khuyến nông Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông và Huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk; và đại diện các nông dân tại địa bàn nghiên cứu của đề tài.
image001

Hình 1: TS. Trương Hồng, Q. Viện trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo
image002

Hình 2: TS. Akwesi Ntiamoah Atta-Krah, Giám đốc Chương trình Nhiệt đới ẩm phát biểu tại hội thảo
image003

Hình 3: ThS. Châu Thị Minh Long, chủ nhiệm đề tài, trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài.

Diễn đàn là không gian cho các đối tác trong và ngoài nước, các nhà quản lý, Ban, Ngành, các nhà nghiên cứu của Viện, Trường Đại học, chính quyền địa phương và người dân trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được của đề tài và định hướng nghiên cứu về phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới tại Tây Nguyên.
image004

Hình 4: Các đại biểu thảo luận nhóm

Tại diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá cao các kết quả đạt được của đề tài. Mặc dù trong thời gian ngắn nhưng đã giúp người dân nâng cao nhận thức về phát triển hệ thống canh tác tổng hợp và đa dạng hóa các hoạt động sản xuất nông hộ, góp phần nâng cao thu nhập đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các mô hình canh tác tổng hợp cà phê- cây ăn quả- cỏ chăn nuôi- chăn nuôi bò và cá nước ngọt; mô hình chăn nuôi lợn địa phương và mô hình vườn rau nông hộ đã được chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao và bước đầu đã có sự lan tỏa trong cộng đồng. Các đại biểu đã thảo luận kế hoạch nghiên cứu trong thời gian tới bao gồm: tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chi tiết hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của các mô hình đã thiết lập; lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương để phát triển sản xuất gắn với thị trường; tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị một số loại nông sản phù hợp trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đối tác trong và ngoài nước đã thảo luận về kế hoạch hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới tại Tây Nguyên.