CN. Hoàng Hải Long, ThS. Đỗ Văn Chung,
ThS. Đinh Thị Nhã Trúc, TS. Phạm Công Trí
Bộ môn Hệ thống Nông Lâm nghiệp
Mô hình “Tái canh cà phê vối không qua luân canh” là một hợp phần cốt lõi của Dự án “Xây dựng mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cà phê tái canh tại Đắk Nông”. Mô hình có quy mô 2 ha, được thực hiện trong 3 năm (2016-2018) tại xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Mục tiêu là tạo ra hình mẫu về tái canh cà phê vối không qua luân canh;trồng xen hợp lý cây ăn quả trên vườn cà phê theo phương thức nông lâm kết hợp; là nơi tham quan học tập, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất cà phê.
Mô hình là kết quả tự nguyện hợp tác và chia sẻ của một dự án nghiên cứu phát triển kỹ thuật tái canh cà phê có sự tham gia của người dân và vì sự tiến bộ xã hội của nhiều bên liên quan:
- Nhà khoa học: Bộ môn Hệ thống Nông Lâm nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI);
- Nhà doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời;
- Nhà nông: Hộ ông Văn Minh Lâm.
Trong quá trình triển khai mô hình, Dự án đã tổ chức 3 đợt tập huấn, hội thảo đầu bờ với 1.000 lượt người tham gia (gồm 980 nông dân, 10 cán bộ nông nghiệp và 10 cán bộ khuyến nông trên địa bàn).
Trong tháng 10/2018, WASI, Tập đoàn Lộc Trời và nông hộ đã phối hợp tổ chức buổi Hội thảo đầu bờ với 30 người tham gia (28 nông dân tái canh cà phê, 1 cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil và 1 cán bộ khuyến nông xã Thuận An). Buổi hội thảo tập trung vào các chủ đề sau: (1) Quy trình kỹ thuật tái canh cà phê vối không qua luân canh; (2) Giống cà phê cho tái canh;(3) Kỹ thuật lấy mẫu đất phân tích độ phì và sâu bệnh hại;(4) Bón phân hiệu quả; (5) Tạo hình bàn tay với bướu sinh cành;(6) Trồng xen trên vườn cà phê; (7) Sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn.
Tại Hội thảo, nông dân dự hội thảo đã được tham gia đánh giá kết quả mô hình và qua đó nắm bắt được quy trình kỹ thuật tái canh cà phê vối không qua luân canh, các tiến bộ kỹ thuật mới trong tái canh, thâm canh cà phê và trồng xen hữu ích trên vườn cà phê. Trên cơ sở đó đã chuyển giao kết quả của mô hình và thảo luận để tìm ra các giải pháp cốt lõi nhằm quảng bá, nhân rộng mô hình vào sản xuất. Hội thảo diễn ra sôi nổi, hăng say, đạt hiệu quả cao. Các thành viên đều tích cực tham gia, nắm bắt tốt các kiến thức và nâng cao kỹ về thực hành sản xuất tốt (GAP); quản lý tổng hợp vườn cà phê (ICM).
Hội thảo đầu bờ về mô hình tái canh cà phê vối không qua luân canh được các bên tham gia đánh giá là rất thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tiễn sản xuất cà phê vối ở địa phương trong giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai; góp phần thúc đẩy cải tiến kỹ thuật và tạo ra một bước tiến triển mới trong tái canh cà phê. Đây được xem là một giải pháp hiệu quả trong việc tái canh cà phê nhằm giảm áp lực về thời gian, kinh tế và góp phần ổn định cho ngành hàng cà phê Việt Nam trong tương lai.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO ĐẦU BỜ MÔ HÌNH TÁI CANH CÀ PHÊ VỐI KHÔNG QUA LUÂN CANH
(xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông)