Hiện trạng cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế và những ảnh hưởng đến xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh ĐăkLăk

ThS. Châu Thị Minh Long – Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên

1. Mở đầu

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 47 dân tộc anh em đang sinh sống, chiếm 33% dân số toàn tỉnh, trong đó có 3 đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại chỗ là Ê Đê, M’nông và Gia Rai.

Xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đồng thời phát huy dân chủ cơ sở và ổn định hệ thống chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chương trình đã triển khai từ năm 2001 và đã được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc.

 Bài viết này sẽ khái quát hiện trạng cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh tế của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Lắk bao gồm xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn; xã Ea Trul, Huyện Krông Bông; xã Đắk Phơi, huyện Lắk; xã Cư Né, huyện Krông Buk và xã Ea H’leo, Huyện Ea H’leo và những ảnh hưởng đến xây dựng nông thôn mới tại các địa phương này.

  1. Hiện trạng cơ sở hạ tầng tại vùng ĐBDTTS tại chỗ tỉnh Đắk Lắk

2.1. Hệ thống giao thông

Hệ thống giao thông có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Mặc dù hầu hết các tuyến đường giao thông đến các xã là đường nhựa, các tuyến đường liên thôn, nội thôn và nội đồng ở các địa phương này hầu hết là đường đất gây khó khăn cho việc giao lưu đi lại trong mùa mưa. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến kinh tế của các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ tỉnh Đắk Lắk phát triển chậm hơn các vùng khác. Từ đó, đời sống xã hội cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân bị đình trệ vào mùa mưa do không thể đi lại. Việc học hành của con em cũng bị ảnh hưởng.

2.2. Hệ thống thủy lợi

Hiện nay, các công trình thủy lợi tại các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân. Vào mùa khô nhiều khu vực vẫn chưa chủ động được nước tưới, một số nơi còn xảy ra hạn hán gây mất mùa. Phần lớn các công trình thủy lợi đã được xây dựng qua nhiều năm không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng nên đã hư hỏng, rò rỉ thất thoát nước và xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu tưới theo công suất thiết kế. Một số công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ đất canh tác được tưới thấp hơn nhiều so với diện tích đất nông nghiệp của xã, trung bình chỉ chiếm 12,5% (Theo báo cáo của các xã, 2014). Riêng ở xã Ea H’leo, chưa có công trình thủy lợi mà người dân chủ yếu đào giếng để chủ động nước tưới vào mùa khô.

Bên cạnh đó, hầu hết kênh mương nội đồng của hệ thống thủy lợi các xã là đường đất nên đã ảnh hưởng đến việc tưới tiêu. Trong điều kiện Tây Nguyên mùa khô kéo dài 6 tháng và trong tình hình thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài như trong những năm gần đây thì thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong viêc ổn định và nâng cao năng suất cây trồng. Hệ thống thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu của diện tích canh tác các xã dẫn đến mất mùa đã làm giảm năng suất của các loại cây trồng.

  1. Điều kiện kinh tế tại vùng ĐBDTTS tại chỗ tỉnh Đắk Lắk

3.1. Cơ cấu kinh tế

Tại các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp rất cao, từ 80 – 98%, cao nhất là ở xã Đắk Phơi (98%), tiếp đến là xã Ea Trul (93,4%) và xã Cư Né 90%. Ngành thương mại, xây dựng và công nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, chỉ từ 2 – 10% (số liệu thống kê tại các xã, 2013).

3.2. Sản xuất nông nghiệp

            Trong sản xuất nông nghiệp, tại các xã Ea Wer, Eatrul và Đắk Phơi chủ yếu là cây hàng năm như lúa, sắn, ngô và các loại đậu đỗ với tỷ lệ từ 56,8 – 81,0%.  Trong khi đó ở các xã Cư Né và Ea H’leo diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là cây lâu năm như cà phê, tiêu và cao su chiếm từ 60,0 – 83,6%. Các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nên thực tế qua khảo sát điều tra cho thấy ở các xã có diện tích đất phù hợp cho các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê và hồ tiêu thì thu nhập của người dân tăng lên.             Tại các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ, hầu hết người dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (81,0 – 94,4 %), và chủ yếu là lao động thô sơ, chưa qua đào tạo (75 – 90%).

3.3. Ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ

            Ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ còn rất hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế ở địa phương. Thương mại, dịch vụ cũng chỉ mới phát triển quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân tại địa phương. Hầu hết các xã chỉ có những dịch vụ đơn giản như: hàng quán tạp phẩm, tiệm sữa chữa xe máy nhỏ, sửa chữa điện tử, may mặc nhỏ, đại lý cung ứng vật tư sản xuất nông nghiệp nhỏ (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); các cơ sở này thường kết hợp việc thu mua, tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa nông sản v.v… khi có nhu cầu.

3.4. Thu nhập của người dân và tỷ lệ hộ nghèo

            Thu nhập của người dân tại các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ tỉnh Đắk Lắk năm 2014 nhìn chung còn thấp, từ 8,5 – 12,5 triệu đồng/người/năm, trừ xã Ea H’leo, thu nhập của người dân cao hơn, đạt 26 triệu đồng/người/năm, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của các xã năm 2014 thì tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương này rất cao, nhất là xã Ea Wer (38,4%), tiếp đến là xã Đắk Phơi (36,3%) và xã Ea Trul (32,3%). Hai xã Ea H’leo và Cư Né có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn, đạt 6,7% và 7,0%.

  1. Ảnh hưởng của cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh tế đến xây dựng nông thôn mới tại vùng ĐBDTTS tại chỗ tỉnh Đắk Lắk

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng tại các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ tỉnh Đắk Lắk còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Điều này đã làm hạn chế phát triển sản xuất và việc giao lưu đi lại của người dân trong vùng. Hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân đã làm hạn chế diện tích canh tác các loại cây trồng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Từ đó làm giảm thu nhập của người dân và ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Vì vậy, cần có sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như các chương trình, chính sách để phát triển cơ sở vật chất hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Tại các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp rất cao. Tuy nhiên, hầu hết người lao động chưa qua đào tạo. Chính điều này đã dẫn đến hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thấp. Các xã Ea Wer, Eatrul và Đắk Phơi do đất đai không phù hợp nên người dân chủ yếu canh tác các loại cây hàng năm như lúa, sắn, ngô và các loại đậu đỗ. Một thực tế cho thấy ở địa phương nào người dân chỉ canh tác các loại cây hàng năm thì thường cho thu nhập thấp hơn những nơi có diện tích đất đai phù hợp cho các loại cây công nghiệp có giá trị như hồ tiêu và cà phê.      

Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Theo quy định của Bộ tiêu chí nông thôn mới thì tại vùng Tây Nguyên, để đạt được tiêu chí này thì thu nhập bình quân đầu người phải đạt 16 triệu đồng/người/năm vào năm 2012 và đạt 23 triệu đồng/người/năm vào năm 2015. Thu nhập bình quân/đầu người trên toàn tỉnh năm 2014 đạt 31,4 triệu đồng. Như vậy so với tiêu chí và so với thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh thì thu nhập của người dân tại các xã vùng ĐBDTTS tại chỗ còn rất thấp. Trong xây dựng nông thôn mới, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ và huy động nội lực từ cộng đồng. Tuy nhiên, với thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn thì việc huy động nội lực trong cộng đồng bằng sức người và sức của là rất khó thực hiện. Thu nhập của người dân cũng ảnh hưởng đến vốn sản xuất. Đây là một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển kinh tế. Do hạn chế về nguồn vốn, nhiều hộ gia đình tại đây phải vay vốn để đầu tư cho sản xuất, chính vì vậy chi phí sản xuất của người dân tăng cao do phải cộng thêm tiền lãi vay. Kết quả phỏng vấn thực tế cho thấy có khoảng 80% số hộ phải  vay  mượn kể cả phục vụ cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt hằng ngày từ bà con, hàng xóm, cơ sở tư nhân, đại lý nông sản tại địa phương. Có nhiều trường hợp người dân không tính toán được chi phí sản xuất và lợi nhuận thu được vì phải mua nợ toàn bộ và bán lại sản phẩm cho chính các đại lý này.

Ngoài ra, thu nhập của người dân thấp cũng đã đã ảnh hưởng các tiêu chí giáo dục, môi trường và tình hình anh ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Sự quan tâm đến giáo dục cho con em cũng bị hạn chế. Các vấn đề về môi trường và anh ninh trật tự xã hội khó thực hiện và giữ vững. Vì vậy cần có sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như các chương trình, chính sách hỗ trợ tại các địa phương, có kế hoạch đào tạo nguồn lao động tại chỗ để nâng cao tay nghề, đồng thời hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

image001 image002

Phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới