CN. Nguyễn Vũ Kỳ
Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp
Hiện nay trên nhiều các trang web, trang thương mại điện tử và các nhóm trên mạng xã hội về nông nghiệp đang lan truyền nhiều hình ảnh và video về một loại giống mít có vỏ trái màu đỏ; Đi kèm với đó là giá bán cây giống khá cao so với giá bán giống mít thông thường hiện có nhằm đánh vào tâm lý thích những giống cây “lạ” của nhiều nông hộ. Vì thế đã có nhiều nông hộ đặt mua để trồng thử với niềm tin về hiệu quả kinh tế sau này.
Hình 1. Video và hình ảnh về cây mít có vỏ đỏ đăng tải lên các trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại không có giống mít vỏ đỏ nào như những hình ảnh và video quảng cáo như trên. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao trên các trang web lại xuất hiện nhiều những hình ảnh và video như vậy? Hãy tìm hiểu cách chúng được tạo ra để trang bị cho mình kiến thức và phòng tránh việc mất tiền cho những giống cây “lạ” mà “không lạ”.
Bước 1: Từ một cây mít bình thường (mít địa phương, mít thái hay mít ruột đỏ,…) có độ cao vừa phải, đang mang trái, ở vườn nhà hoặc cách xa khu dân cư.
Bước 2: Dùng các sơn “màu đỏ” xịt hoặc quét lên lớp vỏ để tạo ra lớp vỏ màu đỏ cho toàn trái. Đối với các hình ảnh có thể chụp lại từ video hoặc có thể dùng phần mềm chỉnh sửa hình ảnh để đổi màu cho trái.
Hình 2. Hình minh họa về việc xịt sơn màu đỏ lên trái mít thông thường
Bước 3: Dùng các thiết bị ghi hình kèm theo đó có thuyết minh giới thiệu cây này là “cây đột biến” hay “duy nhất”.
Bước 4: Đăng tải lên hoặc chạy quảng cáo trên các trang web, hội nhóm trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử để nhiều người biết đến và đặt mua.
Hình 3. Các thông tin quảng cáo khi tìm kiếm từ khóa “mít vỏ đỏ” hoặc “mít lạ” trên google
Với cách thức làm này những người có mục đích xấu có thể tiến hành trên các loại cây khác không chỉ riêng đối với cây mít. Khuyến cáo này đưa ra nhằm giúp nông dân nhận biết được những cách thức lừa đảo và giúp nông dân thận trọng hơn khi tiếp nhận những thông tin mới về các giống cây trồng lạ. Nông dân nên tham khảo thông tin từ các nhà quản lý địa phương hay từ các cơ quan chuyên môn như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên – http://wasi.org.vn/
Bài viết có sử dụng hình ảnh tham khảo từ Internet và các video cảnh báo của các youtuber sau:
- https://www.youtube.com/channel/UCCjlfup6ge8e9YydeDcBjvQ
- https://www.youtube.com/channel/UC2U4fL1eHAWpsq3fZS1i1tg