Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Tố Cát Triệu
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu
GIỚI THIỆU
Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế và kim ngạch xuất khẩu cao. Trong những năm trở lại đây giá hồ tiêu luôn ở mức cao, vì vậy diện tích hồ tiêu đã liên tục tăng nhanh, đến năm 2016 đạt tới 110.258 ha, vượt xa quy hoạch 51.622 ha. Trong đó, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chiếm 93,5% diện tích của cả nước (Cục Trồng trọt, 2016). Trong những năm tới dự kiến diện tích trồng hồ tiêu sẽ vẫn tiếp tục tăng lên mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều khuyến cáo về việc tuân thủ quy hoạch diện tích sản xuất hồ tiêu.
Để đáp ứng nhu cầu trồng mới cũng như trồng dặm, tái canh cây hồ tiêu, trong những năm tới sẽ cần một lượng lớn hom giống hồ tiêu để phục vụ cho sản xuất.
Hiện nay, hom giống hồ tiêu chủ yếu được lấy từ các vườn sản xuất của người dân, đối với hom thân được lấy từ vườn tiêu 12-18 tháng tuổi và hom lươn được lấy từ vườn tiêu kinh doanh. Nguồn vật liệu giống này có rất nhiều hạn chế, cụ thể như:
+ Sử dụng nguồn hom giống từ các vườn hồ tiêu sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan truyền bệnh virus và một số bệnh hại nguy hiểm khác.
+ Nguồn cung cấp giống này thường không chủ động, phụ thuộc nhiều vào yếu tố như: mùa vụ, thời tiết, quy trình chăm sóc của người dân…. Thông thường, trong 1 năm hom thân thu hoạch 1 lần và hom lươn 2-3 lần.
Xuất phát từ những hạn chế trên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu đã tiến hành thử nghiệm một số phương pháp nhân giống cải tiến nhằm chủ động nguồn vật liệu giống và đảm bảo nguồn giống sạch bệnh.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Nhân giống hom thân
* Phương pháp:
– Dùng lưới sắt bọc nhựa lỗ nhỏ tạo thành trụ rỗng, đường kính khoảng 40cm, cao 160cm. Khoảng cách trụ 1,5m x 1,5m. Sử dụng cơ chất 70% xơ dừa + 30% phân trùn quế cho vào trong trụ.
– Vườn được che bằng một lớp lưới đen để hạn chế ánh nắng vào mùa khô. Trung bình trong mùa khô nên tưới 3-5 ngày một lần.
– Hom thân được trồng trong chậu lớn (kích thước 30x30cm), 2 hom/chậu, 2 chậu/trụ, chậu được đặt vào chân trụ. Dây thân leo cao tới đâu được cố định chặt vào trụ tới đó. Khi dây tiêu đạt chiều cao của chiều cao trụ thì tiến hành thu hoạch hom.
– Trung bình mỗi năm bón phân 8 lần, mỗi lần bón khoảng 50g phân NPK/chậu.
* Ưu điểm:
– Đây là phương pháp mới, tương đối dễ làm, hệ số nhân giống khá cao, mỗi năm cho 2 đợt thu dây, mỗi trụ cho 4-6 dây, mỗi dây cho khoảng 3-4 hom giống (quy cách hom 3 mắt).
Hình 1: Vườn nhân giống hom thân
– Rễ tại các mắt của hom phát triển khá mạnh nên tỷ lệ sống khi ươm cao và hom giống phát triển tốt.
* Nhược điểm: Giá thành dựng trụ khá cao.
*Phương pháp:
– Vườn được thiết kế trồng trên cây trụ sống (keo Cuba), được trồng trước 1 – 2 năm; khoảng cách 1,5 x 1,5 m; một năm rong tỉa 2 – 3 lần.
– Hom lươn trồng trong bầu lớn, 3 hom/bầu, 3 bầu/trụ (được xếp quanh gốc). Dây lươn leo tới đâu được cố định vào trụ tới đó.
– Một năm bón phân 8 lần, mỗi lần khoảng 50g phân NPK. Vào mùa khô, trung bình 3-4 ngày tưới nước một lần.
* Ưu điểm:
– Phương pháp này dễ làm, chi phí thấp.
– Hệ số nhân giống khá cao, mỗi năm cho thu dây một đợt, mỗi trụ cho khoảng 15 dây, mỗi dây cho khoảng 8 hom (quy cách hom 2 mắt).
Hình 2: Vườn nhân giống hom lươn
– Dễ dàng thay thế bầu cây giống khi cây có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc sinh trưởng, phát triển kém.
* Nhược điểm:
– Trong mùa khô phải tưới nước thường xuyên do trồng trong bầu nên nhanh khô sau mỗi lần tưới.
Như vậy, từ những kết quả bước đầu cho thấy 2 phương pháp nhân giống trên là khá phù hợp, nếu mở rộng quy mô sẽ giúp chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ công tác sản xuất cây giống hồ tiêu trong thời gian tới.