Trương Hồng
Kết quả nghiên cứu về bón phân đạm và kali cho ca cao thời kỳ kinh doanh tại vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ từ 2011 – 2015 cho thấy rằng:
Tại Tây Nguyên, trên nền có bón phân hữu cơ 10 kg (phân chuồng/gốc, 2 năm bón 1 lần), năng suất trung bình cao nhất ở mức bón đạm 180g N/gốc (đạt 1,10 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất bón 90g N/gốc (0,82 tấn hạt khô/ha). Trên nền không bón phân hữu cơ, năng suất trung bình cao nhất ở mức bón đạm 180g N/gốc (0,88 tấn hạt khô/ha), sau đó đến mức bón đạm 270g N/gốc (0,86 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất là ở mức bón đạm 90g N (0,65 tấn hạt khô/ha). Như vậy từ kết quả trên, bước đầu cho thấy bón đạm ở mức 180g N/gốc trên nền 82g P2O5 và 180g K2O/gốc kết hợp với bón phân hữu cơ đã góp phần giúp cho ca cao đạt năng suất cao nhất.
Nghiên cứu hàm tương quan giữa lượng đạm và năng suất ca cao cho thấy rằng đường cong phản ứng của phân đạm theo dạng hàm bậc 2: Y = -ax2 + bx + c, hàm này có 1 giá trị cực đại. Kết quả tính toán đã xác định được lượng phân đạm bón cho ca cao tại Đăk Lăk để đạt năng suất cao nhất là 200 g N/gốc.
Đối với kali, năng suất ca cao trung bình trên nền không bón phân hữu cơ cao nhất là mức bón kali 270g K2O/gốc (0,87 tấn hạt khô/ha), sau đó đến mức bón 180g K2O/gốc (0,83 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất là mức bón 90g K2O/gốc (0,7 tấn hạt khô/ha). Tương tự như vậy xét ảnh hưởng của mức bón kali lên năng suất ca cao trên nền có bón phân hữu cơ, thì năng suất trung bình cao nhất ở mức bón 180g K2O/gốc (1,07 tấn hạt khô/ha), sau đó đến mức 270g K2O/gốc (1,03 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất là ở mức bón 90g K2O/gốc (0,86 tấn hạt khô/ha). Như vậy, trong điều kiện thí nghiệm, mức bón 180g K2O/gốc kết hợp với bón phân hữu cơ đã góp phần cho năng suất cao nhất.
Tương quan giữa lượng kali và năng suất ca cao theo dạng hàm bậc 2: Y = -ax2 + bx + c, hàm này có 1 giá trị cực đại. Kết quả tính toán đã xác định được lượng phân kali bón cho ca cao vùng Tây Nguyên để đạt năng suất cao nhất là 205 g K2O/gốc.
– Tại Đông Nam Bộ, kết quả sau 4 năm cho thấy năng suất trung bình của các công thức bón phân hóa học trên nền hữu cơ (đạt 1,14 tấn hạt khô/ha) cao hơn các công thức không bón phân hữu cơ (1,07 tấn hạt khô/ha), tuy nhiên sai khác là không có ý nghĩa. Có sự khác biệt ý nghĩa giữa các công thức bón N, P, K trên cả 2 nền có và không bón phân hữu cơ. Trong các công thức bón phân hóa học N, P, K; công thức 5 (180g N – 82g P2O5 – 180g K2O)/gốc và công thức 6 (180g N – 82g P2O5 – 270g K2O)/gốc trên nền hữu cơ có năng suất đạt cao nhất 1,33 – 1,36 tấn hạt khô/ha. Công thức bón lượng phân thấp (90g N – 82g P2O5 – 90g K2O)/gốc năng suất hạt khô thu được thấp nhất chỉ đạt 0,89 tấn hạt khô/ha.
Nghiên cứu về ảnh hưởng các mức đạm trên nền có bón phân hữu cơ cho thấy rằng năng suất trung bình cao nhất khi bón 180g N/gốc (1,30 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất là ở mức 90g N/gốc (0,96 tấn hạt khô/ha). Trên nền không bón phân hữu cơ, năng suất trung bình cao nhất cũng ở mức bón đạm 180g N/gốc (1,15 tấn hạt khô/ha), sau đó đến mức bón đạm 270g N/gốc (1,07 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất là ở mức bón đạm 90g N (0,99 tấn hạt khô/ha). Như vậy bón 180g N/gốc trên nền 82g P2O5 và 180g K2O/gốc, kết hợp với bón phân hữu cơ đã góp phần giúp cho ca cao đạt năng suất cao nhất.
Tương quan giữa lượng đạm và năng suất ca cao tại vùng Đông Nam Bộ theo dạng hàm bậc 2. Kết quả tính toán đã xác định được lượng phân đạm bón cho ca cao để đạt năng suất cao nhất là 193 g N/gốc.
Đối với kali, trên nền không bón phân hữu cơ, năng suất trung bình giữa 3 mức bón kali là khác nhau (từ 1,01 – 1,11 tấn hạt khô/ha). Nhưng khi xét ảnh hưởng của mức bón kali lên năng suất ca cao trên nền có bón phân hữu cơ, thì năng suất trung bình cao nhất khi bón 180g K2O/gốc (đạt 1,18 tấn hạt khô/ha), sau đó đến mức 270 g K2O/gốc và 90g K2O/gốc (1,12 – 1,10 tấn hạt khô/ha). Như vậy bón 180 g K2O/gốc kết hợp với bón phân hữu cơ đã góp phần giúp cho ca cao đạt năng suất cao nhất.
Tương quan giữa lượng kali và năng suất ca cao cho thấy rằng đường cong phản ứng của phân kali theo dạng hàm bậc 2. Kết quả tính toán đã xác định được lượng phân kali bón cho ca cao tại Đông Nam Bộ để đạt năng suất cao nhất là 200 g K2O/gốc
– Tại vùng Tây Nam Bộ năng suất ca cao có xu hướng tăng dần theo mức đạm bón vào. Giữa các công thức bón phân hóa học trên nền có bón phân hữu cơ trung bình năng suất đạt 1,47 tấn/ha cao hơn so với trên nền không bón phân hữu cơ (1,37 tấn), tuy nhiên sai khác này là không có ý nghĩa. Công thức 9 (270g N – 82g P2O5 – 270g K2O)/gốc và công thức 8 (270g N – 82g P2O5 – 180g K2O)/gốc có năng suất trung bình cao nhất là 1,85 – 1,87 tấn/ha, năng suất thấp nhất là công thức bón mức phân (90g N – 82g P2O5 – 90g K2O)/gốc chỉ đạt 0,83 tấn/ha và công thức 2 (90g N – 82g P2O5 – 180g K2O)/gốc năng suất thu được chỉ 1,02 tấn/ha.
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của phân đạm đối với năng suất ca cao tại Tây Nam Bộ cho thấy trên nền bón phân hữu cơ, năng suất trung bình cao nhất ở mức bón 270g N/gốc (đạt 1,59 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất là ở mức 90 g N/gốc (1,34 tấn hạt khô/ha). Trên nền không có bón phân hữu cơ, năng suất trung bình cao nhất cũng ở mức bón đạm 270g N/gốc (1,51 tấn hạt khô/ha), sau đó đến mức 180g N/gốc (1,39 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất là ở mức 90g N/gốc (1,24 tấn hạt khô/ha). Như vậy, trong điều kiện thí nghiệm tại Tây Nam Bộ bón 270g N trên nền 82g P2O5 và 270g K2O/gốc, kết hợp với bón phân hữu cơ cho năng suất cao nhất.
Tương quan giữa lượng đạm và năng suất ca cao tại Tây Nam Bộ theo dạng hàm Y = ax + b. Điều này có nghĩa là năng suất ca cao còn tăng khi bón đạm ở mức cao hơn.
Như vậy, trong điều kiện thí nghiệm đối với vùng Tây Nam Bộ, có thể chọn mức N = 270g/gốc bón cho ca cao để đạt năng suất cao nhất.
Xét ảnh hưởng của mức bón kali lên năng suất ca cao trên nền có bón phân hữu cơ, thì năng suất trung bình cao nhất ở mức bón 270g K2O/gốc (đạt 1,59 tấn hạt khô/ha), sau đó đến mức bón 180g K2O/gốc (1,48 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất là ở mức bón 90g K2O/gốc (1,34 tấn hạt khô/ha). Tương tự trên nền không bón phân hữu cơ mức bón 270g K2O cho năng suất cao nhất (1,51 tấn hạt khô/ha) tiếp đến là mức bón 180g K2O (1,37 tấn hạt khô/ha) và thấp nhất ở mức bón 90g K2O/gốc (1,24 tấn hạt khô/ha). Kết quả thí nghiệm cho thấy bón kali 270g K2O trên nền 270g N và 80g P2O5/ gốc kết hợp với bón phân hữu cơ thì năng suất ca cao đạt cao nhất.
Tương quan giữa lượng kali và năng suất ca cao tại Tây Nam Bộ theo dạng hàm Y = ax + b. Điều này có nghĩa là năng suất ca cao còn tăng khi bón kali ở mức cao hơn. Như vậy, trong điều kiện thí nghiệm đối với vùng Bến Tre, có thể chọn mức K2O = 270g/gốc bón cho ca cao để đạt năng suất cao nhất.