Với mức giá từ 75.000 – 120.000 đồng/kg, nông dân trồng mắc ca ở huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) đang hết sức vui mừng. Lâu lắm rồi giá hạt mắc ca – thứ hạt cứng như đá này mới có mức cao như hiện nay.
Giá mắc ca tăng cao, nông dân Đắk Nông trúng đậm
Vụ mắc ca năm nay, hàng trăm nông dân vùng biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) trúng đậm nhờ giá mắc ca tăng cao. Năm nay, từ đầu vụ, giá mắc ca đã được thương lái thu mua với mức từ 75.000 – 100.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng hạt.
Mắc ca Tuy Đức được thị trường ưa chuộng, giá mắc ca tăng cao vì chất lượng tốt. Ảnh: Duy Hậu.
Từ 400 cây mắc ca được nhà nước hỗ trợ, ông Điểu Toi (bon Bu Brăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) giờ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Điểu Toi cho biết, 400 cây mắc ca giống này ông trồng xen vào 2 ha rẫy cà phê và hồ tiêu.
3 năm sau, mắc ca của ông Điểu Toi bắt đầu ra trái và 5 năm sau mới bắt đầu sai quả. Ban đầu ông Điểu Toi lo lắng lắm: “Nó ra hoa nhiều mà chả được bao nhiêu quả, tôi đã tính bỏ đi. Nhưng thấy cây mắc ca cũng chẳng ảnh hưởng gì đến vườn cà phê và tiêu nên tôi giữ lại”- ông nói.
Với giá mắc ca từ 60.000 -120.000 đồng/kg, nông dân trồng mắc ca đang có thu nhập khá. (Trong ảnh: Ông Điểu Toi, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông đang thu hoạch mắc ca). Ảnh: Duy Hậu.
Từ năm thứ 5 trở đi, vườn mắc ca của ông Điểu Toi bắt đầu mang lại cho ông những khoản tiền không nhỏ. 4 năm qua, với mức giá mắc ca thấp nhất là 60.000 đồng/kg, chưa năm nào ông Điểu Toi thu dưới 100 triệu đồng từ 400 cây mắc ca.
Cũng như ông Điểu Toi, từ năm 2012 đến nay, vì cà phê, hồ tiêu hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều nông dân ở vùng biên Tuy Đức đã trồng thêm cây mắc ca. Sau 5 năm, mắc ca chính thức bước vào giai đoạn kinh doanh. Do lo ngại về hiệu quả kinh tế vì mắc ca là cây trồng mới nên đa phần nông dân chỉ trồng xen.
Tuy nhiên, việc trồng xen không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mắc ca. Trái lại, nhờ trồng xen, nông dân đỡ được một phần chi phí nước tưới, phân bón…
Do thấy hiệu quả kinh tế cao nhiều nông dân huyện Tuy Đức đã mạnh dạn trồng cây mắc ca. (Trong ảnh: Một nông dân tại xã Quảng Trực đang chăm sóc cây mắc ca). Ảnh: Duy Hậu.
Tùy theo từng vườn, mỗi cây mắc ca kinh doanh có thể cho từ 7- 20 ký hạt. Với mức giá mắc ca như hiện nay, mỗi cây mắc ca nông dân thu trên dưới 1 triệu đồng. “Đây là loại cây trồng đem lại lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của gia đình tôi”- ông Điểu Tăng (xã Quảng Trực) nói.
Ông Điểu Tăng nói thêm: “Cứ vào vụ thương lái tự tìm đến mua. Nông dân chúng tôi chỉ việc hái về rồi cân ký tính tiền. Do thấy hiệu quả, nhiều nông dân trong xã cũng tìm hiểu rồi trồng theo”.
Trồng mắc ca thu lợi ích kép
Tại xã biên giới Quảng Trực hiện có khoảng 1.300 ha mắc ca. Đây cũng là xã có diện tích mắc ca lớn nhất huyện Tuy Đức. Hiện tại, một số vùng khác của huyện Tuy Đức cũng trồng mắc ca nhưng với diện tích ít hơn, chỉ khoảng 300 ha.
Ông Nguyễn Hải Lý – Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, Quảng Trực là xã vùng biên, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Cây mắc ca dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu tư ít nên rất phù hợp với thổ nhưỡng cũng như tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số.
Với giá bán dao động từ 60-120 ngàn đồng/kg, mắc ca đang dần giúp nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Cũng theo ông Nguyễn Hải Lý, ngoài hiệu quả kinh tế, cây mắc ca có khả năng chắn gió, góp phần phủ xanh đồi trọc, tăng độ che phủ rừng. “Nếu mỗi hộ gia đình có khoảng 1 ha mắc ca, chúng tôi tin rằng đồng bào sẽ thoát nghèo và từng bước có nguồn thu nhập ổn định”- ông Lý nói.
Cây mắc ca không phải chăm sóc nhiều, có khả năng che chắn gió và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đây còn là loại cây góp phần phủ xanh đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng nên có thể coi, cây mắc ca là cây trồng đa lợi ích.
Theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, cây mắc ca tại địa phương đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng vì chất lượng tốt. Hiện toàn huyện có khoảng 1.600 ha mắc ca, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Trực, Quảng Tâm.
Năng suất mắc ca hiện đạt từ 1,5-2 tấn/ha, nhiều vườn đạt đến 2,5 tấn/ha. Những năm gần đây, cây mắc ca đã góp phần giúp nông dân giảm nghèo. Huyện đang hướng tới việc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.
Nguồn: https://danviet.vn/dak-nong-nong-dan-vung-bien-trung-dam-vi-loai-hat-cung-nhu-da-duoc-gia-1-cay-thu-ve-ca-trieu-dong-20211223124421092.htm