TS. Trương Hồng
1. Căn cứ vào lượng dinh dưỡng lấy đi từ đất
Cà phê là cây cho sản phẩm thu hoạch bằng hạt. Phân tích hàm lượng dinh dưỡng đối với cây cà phê vối cho thấy trong 1 tấn cà phê nhân thương phẩm cho chứa 34,5 – 40,0 kg N; 6,5 – 7,5 kg P2O5; 35,5 – 40 kg K2O; 1,9 – 2,7 kg Ca; 1,0 – 1,5 kg Mg; 0,8 – 1,2 kg S; 13 -18 gam B; 8 – 12 gam Zn. Đối với cây cà phê chè, hàm lượng dinh dưỡng mà cây cà phê lấy đi từ đất để cho 1 tấn cà phê nhân biến động như sau:
– N: 30,0 – 45,5 kg.
– P2O5: 3,7 – 7,7 kg.
– K2O: 36,5 – 50,0 kg.
– Ca: 1,5 – 1,9 kg.
– Mg: 0,7 – 1,2 kg.
– S: 0,6 – 1,1 kg.
– B: 7,0 – 12,5gam.
– Zn: 5,7 – 9,5gam
Trong trường hợp vỏ quả cà phê không được hoàn trả lại cho đất, cần phải tính toán thêm hàm lượng dinh dưỡng tích lũy trong vỏ quả. Thông thường lượng đạm trong vỏ bằng 48 – 54% so với trong hạt, lượng lân từ 57 – 64%, lượng kali trong vỏ thường cao hơn trong hạt từ 8 – 24%, lượng can xi bằng 65 – 80%, lượng ma giê bằng 30 – 41%, lượng lưu huỳnh từ 55-63%, lượng bo trong vỏ cao hơn trong hạt từ 4 – 9%, lượng kẽm trong vỏ cũng cao hơn so với trong hạt gấp 2 – 2,3 lần.
2. Căn cứ vào hệ số sử dụng chất dinh dưỡng trong phân bón và trong đất
Trong điều kiện sản xuất người ta cũng có thể dựa vào năng suất thu hoạch để tính toán lượng phân bón khá hợp lý để bón phân cho cà phê. Tuy nhiên không phải cây cà phê lấy đi bao nhiêu dinh dưỡng từ đất thì ta bón lại tương ứng với lượng phân đó. Chúng ta phải bón vào đất với lượng phân bón cao hơn do phải bù hoàn lại lượng dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình canh tác như mất đi do xói mòn, do rửa trôi, do nắng nóng, do gió, do bị giữ chặt trong đất mà cây không sử dụng được. Ngoài ra, lượng phân bón được bón vào đất có thể cao hơn nhằm duy trì và cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Như vậy trong chừng mực nhất định cây chỉ sử dụng được một tỷ lệ dinh dưỡng trong phân bón khi ta bón vào đất. Tỷ lệ dinh dưỡng mà cây sử dụng đó gọi là hệ số sử dụng phân bón của cây.
Vậy hệ số sử dụng phân bón là lượng dinh dưỡng mà cây sử dụng từ phân bón vào để đảm bảo cho quá trình sinh trưởng và phát triển và cho thu hoạch. Đối với cây cà phê, kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên – WASI (Viện Nghiên cứu Cà phê cũ) về hệ số sử dụng chất dinh dưỡng trong phân bón (hệ số sử dụng phân bón), được thể hiện ở bảng 1:
Bảng 1. Hệ số sử dụng phân bón (FUE) đối với cà phê kinh doanh*
Loại phân |
FUE (%) |
|
|
Phạm vi biến động |
Trung bình |
Đạm (N) Lân (P2O5) Kali (K2O) |
33 – 43 3 – 7 35 – 48 |
36 5 39 |
*: tính theo năng suất thu hoạch trên cơ sở các phế phụ phẩm như lá, cành rụng, vỏ cà phê đều được hoàn trả lại cho đất. Nếu tính luôn lượng dinh dưỡng tích lũy trong thân, cành, lá và vỏ quả cà phê thì FUE sẽ cao hơn.
Trung bình 100 kg N bón vào đất cây cà phê chỉ sử dụng được 36 kg để cho sản phẩm thu hoạch, 100 kg P2O5 bón vào đất cây sử dụng chỉ 5kg, 100 kg K2O cây chỉ sử dụng 39 kg.
Như vậy vấn đề ở đây là làm thế nào để tăng FUE thì hiệu quả đầu tư sẽ cao và sản xuất cà phê sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đối với phân chuồng sau khi bón 1 năm (năm thứ 2 sau bón) thì hệ số sử dụng chất dinh dưỡng trong phân trung bình là 25,1% đối với đạm, 10,2% đối với lân và 23,8% đối với kali.
Bảng 2. Hệ số sử dụng chất dinh dưỡng trong phân chuồng
Chất dinh dưỡng |
FUE (%) |
|
|
Phạm vi biến động |
Trung bình |
Đạm (N) Lân (P2O5) Kali (K2O) |
20,6 – 28,4 9,1 – 11,6 19,6 – 26,7 |
25,1 10,2 23,8 |
Việc sử dụng phân bón còn căn cứ vào khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất. Khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất còn gọi là hệ số sử dụng chất dinh dưỡng trong đất. Hệ số này phụ thuộc vào điều kiện đất đai, chế độ canh tác…
Bảng 3. Hệ số sử dụng chất dinh dưỡng dễ tiêu trong đất (NUE) đối với cây cà phê
Chất dinh dưỡng dễ tiêu |
NUE (%) |
|
|
Phạm vi biến động |
Trung bình |
Lân (P2O5) Kali (K2O) |
10 – 30 19 – 42 |
14 24 |
3. Căn cứ vào độ phì nhiêu của đất và năng suất dự kiến
Việc phân tích đất để đánh giá độ phì nhiêu của đất từ đó tính tóan, xác định được lượng phân bón để cung cấp cho cây cà phê dựa vào năng suất thu hoạch. Đây là một biện pháp kỹ thuật tiến bộ kết hợp giữa đất và cây (phần năng suất thu hoạch) để định lượng phân bón một cách tương đối có cơ sở khoa học nhằm sử dụng phân bón một cách hiệu quả hơn.
Phân tích đất cho chúng ta biết được hiện trạng các chất dinh dưỡng trong đất, dự kiến được khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất. Đất càng giàu chất dinh dưỡng thì lượng phân cần bón cho cà phê càng ít hơn.
Phương pháp cơ bản xác định lượng phân bón cho cà phê bằng công thức tổng quát sau:
F = (B – S) x f
Trong đó:
– F: lượng dinh dưỡng cần bổ sung cho cây cà phê (đa, trung hoặc vi lượng) theo năng suất thu hoạch.
– B: lượng dinh dưỡng cây cà phê lấy đi để cho sản phẩm thu hoạch, B = Y x Q (Y:hàm lượng dinh dưỡng chứa trong 1 tấn cà phê nhân, Q: năng suất thu hoạch, tấn nhân/ha).
– S: lượng dinh dưỡng mà đất có khả năng cung cấp, S = N x n (N:hàm lượng dinh dưỡng có trong đất theo kết quả phân tích, n: hệ số sử dụng chất dinh dưỡng trong đất).
– f: hệ số sử dụng phân bón đối với cây cà phê.
Từ số liệu phân tích đất kết hợp với các hệ số sử dụng phân bón, hệ số sử dụng chất dinh dưỡng dễ tiêu trong đất, lượng phân bón được tính toán và khuyến cáo cho cà phê nhằm duy trì, cải thiện độ phì nhiêu của đất và đạt năng suất dự kiến.
Kết luận: Bón phân dựa vào độ phì đất (từ kết quả phân tích đất) và năng suất cà phê dự kiến đạt được là giải pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều đơn vị, nông dân trồng cà phê áp dụng theo khuyến cáo của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Việc áp dụng giải pháp kỹ thuật này giúp tiết kiệm chi phí phân bón từ 5 – 30 %, hiệu quả kinh tế tăng 5 – 10 %.
Mọi thông tin cần tư vấn, xin liên hệ:
Phòng phân tích Nông hóa thổ nhưỡng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Địa chỉ: 53, Nguyễn Lương Bằng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.
ĐT: 0500.3862876 hoặc 3833.369